Kinh tế

Khi “Sản xuất tại Mỹ” cũng là chuyện xa vời

Ông Trump đã ăn mừng 100 ngày đầu tiên nhiệm kỳ thứ nhất ở một nhà máy tại Pennsylvania nay đã đóng cửa.

Hình ảnh: Dan Gleiter/PennLive

Hình ảnh: Dan Gleiter/PennLive

Tác giả: Shawn Donnan

18 tháng 5, 2025 lúc 8:42 AM

Tóm tắt bài viết

Nhà máy Ames True Temper ở Pennsylvania, nơi Tổng thống Trump từng đến năm 2017 để quảng bá chính sách 'Sản xuất tại Mỹ', đã đóng cửa năm 2023 và chuyển sản xuất ra nước ngoài.

Sau 100 ngày đầu nhiệm kỳ 2, thuế quan mới của Tổng thống Trump đang gây lo ngại. Khảo sát từ Fed cho thấy sản lượng giảm, tâm lý ảm đạm, chỉ số điều kiện kinh doanh tương lai giảm xuống mức thấp lịch sử.

Việc làm trong ngành sản xuất Mỹ tăng 430.000 người từ 2017, nhưng chỉ tăng 3,5% trong 8 năm, thấp hơn một nửa tốc độ tăng của toàn bộ lực lượng lao động và vẫn ít hơn 7 triệu so với 1979.

Các công ty như Hellbender đang phải hoãn đầu tư vì chi phí tăng do thuế quan. CEO Brian Beyer cho rằng cần chương trình toàn diện hơn, không chỉ thuế quan, để hỗ trợ ngành sản xuất Mỹ.

Phòng Thương mại Harrisburg cho biết các công ty địa phương đang tìm cách ứng phó với chi phí nhập khẩu cao hơn. Việc làm sản xuất ở vùng này đã giảm gần 1.000 người kể từ khi nhà máy Ames đóng cửa.

Tóm tắt bởi AI HAY

Khi Donald Trump chuẩn bị kỷ niệm 100 ngày trong nhiệm kỳ đầu tiên hồi năm 2017, ông chọn đến thăm nhà máy sản xuất xe cút-kít tại một tiểu bang dao động về chính trị có bề dày lịch sử và lòng yêu nước. Nhà máy Ames True Temper ở Harrisburg, bang Pennsylvania, đã có gần 150 năm sản xuất, và lịch sử chế tạo dụng cụ của họ còn lâu đời hơn nữa, từ tận năm 1774. Ames từng cung cấp xẻng cho lực lượng quân đội cách mạng của George Washington và những người tạc tượng tổng thống ở núi Rushmore. Xe cút-kít của họ từng góp phần xây dựng đập Hoover. Với Trump, đây là bối cảnh hoàn hảo để khởi động kế hoạch đưa việc làm ở nhà máy trở lại nước Mỹ.

“Chúng tôi tin vào ‘Sản xuất tại Mỹ,’ và điều đó đang quay trở lại mạnh mẽ hơn, tốt đẹp hơn và nhanh hơn cả những gì tôi từng nghĩ,” Trump nói với các phóng viên ngày hôm đó khi ông ngồi tại một chiếc bàn ngay sàn nhà máy. Với các thành viên nội các và nhân viên Ames đứng phía sau, ông đã ký hai sắc lệnh hành pháp, khởi động quá trình mà chưa đầy một năm sau đã dẫn đến những sắc thuế quan đầu tiên của ông.

14.jpg
Hình ảnh: Carolyn Kaster/AP Photo

Tám năm sau, Trump đánh dấu 100 ngày đầu tiên trong nhiệm kỳ thứ hai, vào ngày 29.4, khi đang giám sát một phiên bản tăng tốc của kế hoạch dựa trên thuế quan nhằm đưa ngành sản xuất trở lại Mỹ. Kế hoạch này đã làm chao đảo các thị trường tài chính và làm dấy lên lo ngại về suy thoái kinh tế. Còn về nhà máy Ames True Temper, nó không còn tồn tại nữa.

Năm 2023, công ty chủ sở hữu, tập đoàn đầu tư tư nhân Griffon, đã đóng cửa nhà máy, nơi từng sản xuất 85% số xe cút-kít bán ra tại Mỹ, và chuyển hoạt động sản xuất ra nước ngoài. Trong các cuộc gọi báo cáo kết quả kinh doanh, công ty mô tả quyết định này là một phần trong chiến lược “thuê ngoài toàn cầu” đã khiến hai nhà máy Ames tại Pennsylvania bị xóa sổ, cùng hơn 250 việc làm. Nếu đến cửa hàng Home Depot gần nhà, dễ nhận thấy rằng xe cút-kít True Temper hiện được dán nhãn rõ ràng là “Sản xuất tại Trung Quốc.” Griffon không phản hồi các yêu cầu bình luận cho bài viết này.

Xe cút-kít chỉ là một phần rất nhỏ trong nền kinh tế trị giá 30 ngàn tỉ đô la Mỹ của Mỹ, nhưng nhà máy Ames True Temper ở Harrisburg giờ trở thành ví dụ buồn cho thấy thực tế kinh tế khắc nghiệt mà các hãng sản xuất chế tạo Mỹ đang phải đối mặt — bài tính kinh tế chỉ càng trở nên khó khăn hơn với nhiều doanh nghiệp sau các mức thuế quan mới nhất của Trump. Ý tưởng nước Mỹ cần có năng lực sản xuất các mặt hàng thiết yếu, dù là chất bán dẫn hay thép, được ủng hộ rộng rãi, ngay cả trong một quốc gia bị chia rẽ về mặt chính trị. Nhưng điều chưa thể đồng thuận là làm sao để làm được như vậy.

15.jpg
Hình ảnh: Dan Gleiter/PennLive

Một ngày nào đó, có thể chứng minh được rằng ông Trump có lý khi quảng bá sức mạnh kỳ diệu của thuế quan để đưa việc làm trở lại Mỹ. Tuy nhiên, lịch sử và kinh tế học lại không đứng về phía ông, và danh sách những rào cản mà tổng thống phải đối mặt khi cố ép buộc (hoặc đôi khi thuyết phục) các hãng sản xuất mở rộng hoạt động trong nước đang ngày càng dài thêm, một phần không nhỏ do chính các chính sách của ông. Thuế quan chỉ làm gia tăng thêm thách thức về vận hành mà các doanh nghiệp vốn đang gặp phải rồi, bao gồm tình trạng thiếu lao động, lưới điện yếu kém và thủ tục hành chính rườm rà.

Hãy nói chuyện với các nhà quản lý doanh nghiệp, và bức tranh tổng thể hiện ra là thuế quan của Trump — cùng những chính sách thương mại gây ngợp trong 100 ngày đầu nhiệm kỳ — đang khiến mọi việc trở nên khó khăn hơn. Các công ty, từ những tập đoàn lớn như Ford, Ingersoll Rand và Tesla đến các doanh nghiệp nhỏ, đã nộp hơn 1.100 đơn xin được miễn trừ mức thuế lên tới 145% hoặc cao hơn đang áp với máy móc Trung Quốc mà họ muốn nhập khẩu để thiết lập hoặc mở rộng nhà máy của họ tại Mỹ. “Thẳng thắn mà nói, tôi nghĩ các nhà sản xuất đang rất lo ngại” về thuế quan, theo Jay Timmons, chủ tịch kiêm CEO hiệp hội các nhà Sản xuất Quốc gia, nói trong một cuộc phỏng vấn ngày 17.4 trên Bloomberg Radio.

Các khảo sát về hoạt động sản xuất công nghiệp được theo dõi chặt chẽ những tuần gần đây từ các chi nhánh của cục Dự trữ Liên bang tại New York và Philadelphia cho thấy sản lượng đang giảm, người lao động làm việc ít giờ hơn, và tâm lý ảm đạm nói chung trong giới quản lý nhà máy về tương lai. Trong tháng này, chỉ số về điều kiện kinh doanh trong tương lai của Khảo sát Sản xuất Empire State, vốn đo lường kỳ vọng trong sáu tháng tới, đã giảm xuống mức thấp thứ hai trong lịch sử 20 năm của khảo sát này, chỉ cao hơn tháng 9.2001.

Nhà Trắng đã phớt lờ những dấu hiệu suy yếu, thay vào đó nhấn mạnh hơn 1.600 tỉ đô la đầu tư từ các tập đoàn như Apple, Hyundai, Nvidia và những công ty khác đã được công bố kể từ ngày Trump nhậm chức, cùng dữ liệu cho thấy việc làm trong ngành sản xuất đã tăng trưởng trong những tháng gần đây. “Các lãnh đạo công nghiệp đã phản ứng với chính sách nước Mỹ trên hết của tổng thống Trump về thuế quan, nới lỏng quy định và sản xuất năng lượng trong nước, bằng những cam kết đầu tư lịch sử trị giá hàng ngàn tỉ đô la, và chính quyền vẫn cam kết đưa ngành sản xuất trở lại Mỹ,” người phát ngôn Nhà Trắng Kush Desai cho biết qua email, dù ông từ chối trả lời các câu hỏi liên quan đến việc đóng cửa nhà máy Ames True Temper.

Tuy nhiên, các khoản đầu tư hiện mới dừng lại ở mức cam kết, và tăng trưởng việc làm vẫn còn khiêm tốn — số lượng nhân sự trong ngành sản xuất chỉ tăng thêm 4.000 người trong ba tháng đầu năm, tương đương chưa đến 0,1% lực lượng lao động 12,8 triệu người của lĩnh vực này. Số liệu đó phù hợp với xu hướng đã kéo dài từ những năm 1980 và vẫn chưa thực sự bị đảo ngược, bất chấp tám năm nỗ lực quy mô lớn của cả Trump và Joe Biden nhằm vực dậy ngành công nghiệp Mỹ.

Tính đến tháng Ba, số người làm việc trong các nhà máy tại Mỹ đã tăng thêm 430 ngàn người so với thời điểm Trump nhậm chức vào tháng 1.2017. Tuy nhiên, mức tăng 3,5% về việc làm trong suốt tám năm qua vẫn chưa bằng một nửa tốc độ tăng trưởng của toàn bộ lực lượng lao động trong cùng khoảng thời gian. Hơn nữa, số lao động trong lĩnh vực sản xuất ở Mỹ hiện vẫn ít hơn gần bảy triệu người so với mức đỉnh vào năm 1979.

c1-01(1).jpg

Đây không chỉ là vấn đề của Trump. Ông Biden cũng từng khoe làn sóng xây dựng nhà máy mà đảng Dân chủ góp phần thúc đẩy thông qua các đạo luật kích thích đầu tư vào nhà máy sản xuất linh kiện bán dẫn, xe điện và pin. Thế nhưng năm ngoái, nước Mỹ đã mất hơn 100 ngàn việc làm trong ngành sản xuất.

Ngay cả những người nổi tiếng ủng hộ Trump cũng hoài nghi về khả năng ông có thể đảo ngược một xu hướng đã kéo dài hàng thập kỷ. “Ông ấy mơ về việc mang lại phẩm giá cho người lao động, và tôi phải khen ngợi ông ấy vì giấc mơ đó,” nhà sáng lập Citadel, Ken Griffin, phát biểu trước cử tọa tại trường Thạc sĩ Kinh doanh của đại học Stanford vào ngày 25.4. Nhưng theo ông, “những việc làm đó sẽ không quay lại nước Mỹ. Và cần nói rõ rằng, với tỉ lệ thất nghiệp ở mức 4%, nước Mỹ đã bước sang một giai đoạn khác.”

Lý do thì rất nhiều, ngoài sức hút tự nhiên từ các khu vực có mức lương thấp hơn như Mexico và Trung Quốc với các ngành sản xuất hàng hóa có biên lợi nhuận thấp như quần áo, đồ nội thất, thiết bị điện tử gia dụng — hay xe cút-kít. Việc làm trong ngành sản xuất tại Mỹ cũng đang giảm do tự động hóa và tiến bộ về năng suất. Xe điện có ít bộ phận chuyển động hơn so với xe hơi truyền thống, và nhà máy sản xuất loại xe này cũng sử dụng ít lao động hơn.

Vấn đề hiện không chỉ là đưa việc làm trở lại. Nhiều nhà kinh tế dự báo các mức thuế cực đoan của Trump sẽ gây ra một cú sốc kinh tế gần như ngay lập tức, cả trong nước lẫn trên thế giới. Về lâu dài, các chính sách này có thể khiến nước Mỹ trở nên cô lập hơn và kém cạnh tranh hơn.

Ryan Unger, chủ tịch kiêm CEO Phòng Thương mại Khu vực Harrisburg, cho biết việc Ames True Temper đóng cửa – công ty có trụ sở chính đặt tại thị trấn Camp Hill bên kia sông Susquehanna từ năm 1981 – đã khiến giới chức địa phương bất ngờ và là một đòn đau với nền kinh tế vùng này. “Bạn không bao giờ muốn thấy các công ty thu dọn và rời khỏi vùng của mình,” ông nói.

Nhưng nhà máy Ames True Temper cũng phù hợp với thực tế rộng lớn là nền kinh tế Mỹ đã thay đổi. Ông Unger cho biết, ngày nay Harrisburg đang dần trở thành một trung tâm dịch vụ chuyên nghiệp. Miền trung Pennsylvania vẫn còn một số hãng sản xuất, lớn nhất là tập đoàn Hershey. Nhưng phần lớn tăng trưởng việc làm hiện nay không đến từ lĩnh vực công nghiệp, mà từ giáo dục, y tế và khu vực công, tất cả đều đang đối mặt với những khoản cắt giảm ngân sách liên bang dưới thời chính quyền Trump.

Ý tưởng của Trump về “Kỷ nguyên Hoàng kim” mới của nước Mỹ — khi việc làm trong ngành sản xuất sẽ một lần nữa chiếm tới 1/4 lực lượng lao động, như mới hồi những năm 1970 — mâu thuẫn với thực tại. Thị trưởng Wanda Williams cho rằng thay vì thu hút các nhà máy mới cần diện tích công nghiệp lớn hơn nhiều so với khu đất cũ của nhà máy Ames True Temper, Harrisburg hiện đang tập trung vào việc đưa người dân quay trở lại làm việc tại các khu văn phòng ở trung tâm và xây dựng nhà ở giá rẻ cho họ. “Chúng tôi không thể trông chờ vào ngành sản xuất ở thành phố Harrisburg, vì chúng tôi không còn đất để đưa các hãng sản xuất về,” bà nói.

c2-01(1).jpg

Nếu bạn đang cố hình dung tương lai của ngành sản xuất Mỹ, thì Hellbender, công ty khởi nghiệp ba năm tuổi tại Pittsburgh chuyên thiết kế và sản xuất thiết bị quang học tiêu dùng và công nghiệp sử dụng trí tuệ nhân tạo, sẽ là một viễn cảnh đầy hy vọng. Doanh thu của họ ngày càng nhiều là từ hoạt động sản xuất theo hợp đồng cho các công ty khác, vốn bán camera tích hợp AI để quay các trận đấu thể thao trẻ vào cuối tuần hoặc camera gắn trên xe hơi để cập nhật bản đồ số. Brian Beyer, cựu lính thủy đánh bộ thích đội mũ bóng chày là người đồng sáng lập kiêm CEO Hellbender, đang trông đợi thuế quan sẽ mang lại lợi ích cho mảng sản xuất theo hợp đồng của công ty, khi ngày càng nhiều công ty công nghệ tiêu dùng tìm cách chuyển sản xuất về Mỹ trong những năm tới. Nhưng ít ra là trong ngắn hạn, Hellbender vẫn phải trả nhiều tiền hơn cho đủ thứ hàng nhập khẩu, từ linh kiện Trung Quốc được lắp vào thiết bị, đến các loại máy móc Đan Mạch, Pháp và Nhật Bản sử dụng trong dây chuyền lắp ráp.

17.jpg
Hình ảnh: Hellbender

“Tôi muốn thấy có một chút suy xét trong việc giảm thuế và thuế quan với máy móc, để chúng tôi có thể xây dựng nhà máy,” Beyer nói, ông hiện phải tạm hoãn một số kế hoạch đầu tư vì chi phí lắp đặt hai dây chuyền sản xuất bo mạch điện tử mà Hellbender đang triển khai đã tăng lên. “Đó là một trong những điều khiến tôi thấy nặng trĩu trong lòng khi đọc qua danh sách thuế quan. Tôi đã nghĩ chúng tôi sẽ được miễn trừ ít nhiều với thiết bị sản xuất.”

Chính sách của Trump còn tác động đến lợi nhuận của Hellbender theo những cách khác. Về dài hạn, công ty có thể hưởng lợi từ thuế quan. Nhưng hiện tại, một số khách hàng đã hủy đơn đặt hàng vì họ không còn đủ khả năng nhập khẩu linh kiện từ Trung Quốc và không tìm được nguồn thay thế trong nước. Một khách hàng bán camera do Hellbender lắp ráp để gắn phía sau xe đạp cảnh báo người đi khi có xe hơi đến quá gần đang có nguy cơ mất khoản tài trợ từ bộ Giao thông Mỹ khi hầu hết các cơ quan chính phủ đều đang cắt giảm ngân sách.

18.jpg
Hình ảnh: Hellbender

Quan trọng hơn, Beyer khẳng định ông có thể thành công mà không cần đến thuế quan của Trump. Những ngày này, điều Beyer thực sự mong muốn từ Washington không phải là thuế, mà là một kế hoạch toàn diện hơn để hỗ trợ ngành sản xuất. “Năng lực sản xuất ở Mỹ không còn như 40 năm trước. Và vì vậy, để đưa sản xuất trở lại, chúng ta sẽ cần đến những chương trình lớn của chính quyền,” ông nói.

Trump và các cố vấn nói kế hoạch phục hưng công nghiệp không chỉ đơn thuần là thuế quan. Giảm thuế trong nước, đơn giản hóa và tăng tốc cấp phép là một phần trong công thức đó. Để cung cấp năng lượng cho tất cả các nhà máy mới, chính quyền cam kết sẽ thúc đẩy sản xuất than, dầu và khí đốt nhằm kéo giá năng lượng xuống. Dù chính quyền Biden ủng hộ trợ cấp chính phủ để thúc đẩy đầu tư vào sản xuất trong một số ngành cụ thể, ông Trump lại lên án các chương trình đó.

Nếu không tính thuế quan, thì kế hoạch của chính quyền Trump thực chất là thông điệp kinh tế truyền thống của đảng Cộng hòa, mà trong trường hợp này vẫn chưa cho thấy hiệu quả: Chính quyền hãy tránh qua một bên, và thị trường sẽ tự điều chỉnh.

Tuy nhiên, thuế quan mới là điều tất cả mọi người đang tập trung vào hiện nay. Unger, lãnh đạo phòng Thương mại Harrisburg, cho biết phần lớn những thảo luận ông tham gia đều xoay quanh câu hỏi các công ty như Hershey đang lên kế hoạch ứng phó với chi phí nhập khẩu nguyên liệu thô cao hơn ra sao.

Giới chức địa phương vẫn đang cố gắng khắc phục hậu quả của việc nhà máy Ames True Temper đóng cửa. Việc làm trong ngành sản xuất ở vùng đô thị Harrisburg đạt đỉnh trong thập kỷ qua vào tháng 4.2023, chỉ vài tháng trước nhà máy sản xuất xe cút-kít tuyên bố đóng cửa. Ngày nay, số công nhân nhà máy ở vùng này ít hơn gần 1.000 người so với lúc đó.

Không còn biển báo nào trên đường chỉ hướng đến nơi từng đặt Ames True Temper. Hãy rẽ vào sau tấm biển quảng cáo của Rhonda’s Pets (“Nhà nhân giống mèo Bengal hàng đầu miền trung Pennsylvania!”) và đỗ xe trong bãi đậu. Những gì còn lại chỉ là hơn một chục chiếc xe kéo mang thương hiệu Ames xếp thành hình thù lộn xộn bên ngoài tòa nhà.

Số phận của khu đất đó vẫn chưa được định đoạt. Theo Unger, khu đất nằm ở khu vực dễ bị ngập lụt, rõ ràng không hẳn là điểm cộng, và không có lối tiếp cận với tuyến đường sắt đi qua ngay bên cạnh. Theo ông, thuế quan sẽ không thể bù đắp cho những vấn đề đó. Thuế quan chỉ làm tăng thêm bất định đang bao trùm những nơi như Harrisburg, nơi công ăn việc làm đã liên tục biến mất trong tám năm qua. Điều đó khiến lời kêu gọi của ông Trump tại sự kiện vào năm 2017 nghe có vẻ đáng lo ngại hơn là hy vọng: “Chúng ta chỉ mới bắt đầu.”

Theo Bloomberg

Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn

https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/khi-san-xuat-tai-my-cung-la-chuyen-xa-voi-53221.html

#made in USA
#Trump
#sản xuất tại Mỹ

Đăng ký nhận bản tin miễn phí

Liên hệ

Hợp tác quảng cáo

Chăm sóc khách hàng: (028) 888 90868

Email: cs@bloombergbusinessweek.vn

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh

Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại: (028) 8889.0868

Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn

© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media