Một sản phẩm của BEACON MEDIA
Khám phá nhiều hơn với tài khoản
Đăng nhập để lưu trữ và dễ dàng truy cập những bài viết bạn yêu thích trên Bloomberg Businessweek Việt Nam.
Tài chính
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn dài tiếp tục dao động quanh ngưỡng tâm lý 5%, khiến giới giao dịch ngày càng bi quan hơn sau đợt bán tháo gần đây.
Tòa nhà Bộ Tài chính Mỹ tại Washington, DC. Hình ảnh: Al Drago/Bloomberg
Tác giả: Edward Bolingbroke
29 tháng 5, 2025 lúc 3:09 PM
Khảo sát do JPMorgan công bố hôm thứ Tư cho thấy nhiều nhà đầu tư dự báo đợt bán tháo sẽ còn kéo dài, khiến lợi suất duy trì ở mức cao trên thị trường trái phiếu trị giá 29.000 tỉ USD. Trong nhóm khách hàng tổng hợp — gồm ngân hàng trung ương, quỹ đầu tư quốc gia, nhà đầu tư dài hạn và nhà đầu cơ — tỉ lệ nắm giữ vị thế bán khống đã tăng lên mức cao nhất kể từ giữa tháng 2.
Tâm lý bi quan này xuất hiện sau khi trái phiếu kỳ hạn dài trên toàn cầu đồng loạt giảm giá, do nhà đầu tư lo ngại về tình trạng thâm hụt ngân sách ngày càng trầm trọng. Lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 30 năm hiện dao động quanh mức 4,97%, sau khi tăng vọt lên 5,15% vào tuần trước — cao nhất kể từ tháng 10 năm 2023 — trong bối cảnh Mỹ bị hạ xếp hạng tín nhiệm, Nhật Bản ghi nhận đợt bán tháo mạnh ở nhóm trái phiếu siêu dài hạn, và Hạ viện Mỹ thông qua dự luật thuế do Tổng thống Donald Trump đề xuất.
Thị trường trái phiếu dài hạn đã hồi phục phần nào vào ngày 27 tháng 5, khi làn sóng mua vào trên toàn cầu kéo lợi suất chuẩn giảm nhẹ. Tuy nhiên, việc lợi suất trái phiếu 30 năm vẫn duy trì quanh mốc 5% cho thấy nhà đầu tư vẫn chưa lấy lại niềm tin vào triển vọng thị trường kỳ hạn dài.
Tâm lý bất ổn cũng thể hiện rõ trên thị trường quyền chọn, nơi giới giao dịch đang trả phí cao hơn để mua quyền bảo hiểm rủi ro trong trường hợp trái phiếu kỳ hạn dài tiếp tục bị bán tháo thay vì tăng giá trở lại.
“Chúng ta đang chứng kiến đường cong lợi suất dốc lên trên phạm vi toàn cầu,” bà Leah Traub, giám đốc danh mục đầu tư tại Lord Abbett, nhận định. “Nhiều yếu tố khác nhau đang dẫn đến cùng một kết luận: nhu cầu với trái phiếu dài hạn đang giảm, trong khi nguồn cung lại tăng. Điều đó tạo áp lực lớn lên lợi suất ở các kỳ hạn dài.”
Trong khi đó, cuộc đấu giá trái phiếu kỳ hạn 5 năm hôm thứ Tư thu hút lượng mua gián tiếp kỷ lục, còn trái phiếu kỳ hạn 2 năm phát hành hôm thứ Ba cũng được thị trường đón nhận tích cực. Những diễn biến này cho thấy nhu cầu đối với trái phiếu ngắn hạn đang vượt trội so với kỳ hạn dài. Giới giao dịch hiện đang dồn sự chú ý vào đợt phát hành 44 tỉ USD trái phiếu kỳ hạn 7 năm sẽ diễn ra vào thứ Năm.
Dưới đây là một số chỉ báo vị thế giao dịch mới nhất trên thị trường lãi suất:
Khảo sát khách hàng trái phiếu JPMorgan
Trong tuần kết thúc vào ngày 27 tháng 5, tỷ lệ nắm giữ vị thế bán khống tăng thêm 2 điểm phần trăm, lên mức cao nhất kể từ ngày 10 tháng 2. Trong khi đó, vị thế mua ròng đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ ngày 3 tháng 2.
Quyền chọn SOFR mạnh nhất
Trên thị trường quyền chọn SOFR với kỳ hạn đến tháng 12 năm 2025, mức giá thực hiện (strike) 94.875 ghi nhận khối lượng giao dịch cao trong tuần qua. Diễn biến này chủ yếu xuất phát từ dòng vốn lớn, bao gồm các nhà đầu tư mua quyền chọn bán dạng 1x2 tại mức 95.375/94.875 của hợp đồng SFRZ5, đồng thời góp phần làm tăng tổng số hợp đồng chưa tất toán ở strike 95.375.
Mức strike 96.50 cũng ghi nhận hoạt động giao dịch sôi động, chủ yếu nhờ dòng vốn từ các nhà đầu tư mua quyền chọn mua tháng 6 năm 2025 với mức giá nửa tick trong tuần qua. Ngoài ra, thị trường cũng chứng kiến hoạt động tất toán mạnh tại mức strike 95.75, với tổng số hợp đồng chưa tất toán giảm đáng kể ở cả quyền chọn bán tháng 6 và tháng 9 năm 2025.
Bản đồ nhiệt quyền chọn SOFR
Strike 95.75 vẫn là một trong những mức giá thực hiện có số hợp đồng mở lớn nhất, dù đã có hoạt động tất toán khá mạnh trong tuần qua. Hiện strike 95.625 là mức được giao dịch nhiều nhất trong các kỳ hạn tháng 6, tháng 9 và tháng 12 năm 2025, chủ yếu nhờ các vị thế lớn liên quan đến quyền chọn bán tháng 6, thông qua giao dịch chênh lệch SFRM5 95.75/95.625. Ba mức strike có khối lượng lớn nhất hiện nay vẫn tập trung phần lớn vào quyền chọn bán đáo hạn trong tháng 6 năm 2025.
Biến động quyền chọn trái phiếu Kho bạc
Giới giao dịch tiếp tục chi thêm tiền để phòng ngừa khả năng trái phiếu kỳ hạn dài bị bán tháo, cả ở dạng hợp đồng riêng lẫn so với các kỳ hạn ngắn và trung bình. Diễn biến này xuất hiện trong bối cảnh lợi suất trái phiếu 30 năm dao động quanh mức 5% suốt tuần qua, và từng chạm mức 5,15% vào ngày 22 tháng 5 sau đợt đấu giá trái phiếu 20 năm không đạt kỳ vọng. Lượng giao dịch quyền chọn bán trong hợp đồng trái phiếu dài hạn hiện vượt trội so với quyền chọn mua, đạt mức chênh lệch lớn nhất trong khoảng một tháng qua.
Vị thế hợp đồng tương lai theo dữ liệu CFTC
Theo dữ liệu từ CFTC tính đến ngày 20 tháng 5, các nhà quản lý tài sản tiếp tục mạnh tay giảm vị thế mua ròng trong hợp đồng tương lai trái phiếu Kho bạc, tuần thứ hai liên tiếp. Trong tuần, họ đã tất toán khoảng 168.000 hợp đồng tương đương với trái phiếu 10 năm, sau khi đã giảm khoảng 214.000 hợp đồng tương tự trong tuần trước đó. Ở hợp đồng trái phiếu siêu 10 năm, nhà đầu tư đã bán tháo tổng cộng khối lượng tương đương 5,1 triệu USD cho mỗi điểm cơ bản lợi suất.
— Với sự hỗ trợ của Carter Johnson
Theo Bloomberg
Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn
https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/gioi-dau-tu-ban-thao-trai-phieu-dai-han-khi-chi-phi-vay-tang-vot-53306.html
Tặng bài viết
Đối với thành viên đã trả phí, bạn có 5 bài viết mỗi tháng để gửi tặng. Người nhận quà tặng có thể đọc bài viết đầy đủ miễn phí và không cần đăng ký gói sản phẩm.
Bạn còn 5 bài viết có thể tặng
Liên kết quà tặng có giá trị trong vòng 7 ngày.
BÀI LIÊN QUAN
Truy cập nhanh
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh
Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 8889.0868
Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn
© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media