Một sản phẩm của BEACON MEDIA
Khám phá nhiều hơn với tài khoản
Đăng nhập để lưu trữ và dễ dàng truy cập những bài viết bạn yêu thích trên Bloomberg Businessweek Việt Nam.
Kinh tế
Hơn 150 ý kiến phản đối từ doanh nghiệp và đối tác thương mại cho rằng đề xuất áp thuế nhập khẩu chip của ông Trump sẽ đẩy chi phí tăng cao và gây gián đoạn chuỗi cung ứng.
Một công nhân xếp chồng đang phân loại các tấm wafer silicon. Hình ảnh: Kyle Green/Bloomberg
Tác giả: Michael Shepard
25 tháng 6, 2025 lúc 3:00 PM
Tóm tắt bài viết
Đề xuất áp thuế lên chip bán dẫn nhập khẩu của cựu Tổng thống Donald Trump đang bị phản đối bởi nhiều ngành công nghiệp như xe hơi, công nghệ và tiền mã hóa.
Mức thuế lên đến 25% có thể gây gián đoạn chuỗi cung ứng, làm tăng chi phí cho hơn 1.300 nhà sản xuất du thuyền do chi phí thiết bị như GPS tăng cao.
Các công ty như TSMC và Intel, cùng các đối tác thương mại như Nhật Bản và Brazil cũng phản đối, lo ngại về hậu quả kinh tế và kêu gọi chính phủ áp dụng chính sách thuế chọn lọc.
TSMC dự kiến đầu tư 165 tỷ USD để xây dựng sáu nhà máy chip tiên tiến và một trung tâm nghiên cứu tại Arizona, nhưng cảnh báo thuế mới có thể làm chậm tiến độ dự án.
Intel lo ngại các đối tác thương mại có thể trả đũa, gây thiệt hại cho hàng hóa Mỹ và kêu gọi miễn thuế cho tấm wafer sản xuất tại Mỹ và chip sản xuất ở nước ngoài.
Tóm tắt bởi AI HAY
Đề xuất áp thuế lên chip bán dẫn nhập khẩu của tổng thống Donald Trump đang vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ nhiều ngành công nghiệp khác nhau — từ các hãng xe hơi, nhà sản xuất du thuyền đến giới công nghệ và cộng đồng tiền mã hóa — theo tổng hợp hơn 150 ý kiến công khai gửi đến chính phủ Mỹ.
Mức thuế có thể lên đến 25% khiến những doanh nghiệp như Tesla, General Motors và Ford Motor cùng bày tỏ lo ngại. Các hiệp hội ngành nghề, từ hội đồng Đổi mới tiền mã hóa đến hiệp hội các nhà sản xuất tàu thuyền Hoa Kỳ, cũng phản đối chính sách này. Đáng chú ý, ngay cả Đài Loan và Trung Quốc cũng có chung quan điểm, bên cạnh các doanh nghiệp công nghệ như các hãng sản xuất chip và nhà mạng viễn thông.
Lý do là vì chip hiện diện trong hầu hết mọi thiết bị — từ tủ lạnh, lò vi sóng, cảm biến áp suất lốp và hệ thống định vị đến bồn cầu điện tử, thiết bị sonar, điện thoại thông minh và máy tính. Thuế quan có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng và đẩy chi phí tiêu dùng lên cao.
“Có sự chênh lệch lớn giữa lượng chip Mỹ sử dụng trong các sản phẩm và năng lực sản xuất chip trong nước,” JoAnne Feeney, đối tác quản lý danh mục tại Advisors Capital Management, nhận định. “Việc đánh thuế vào các mặt hàng nhập khẩu sẽ chỉ đẩy chi phí tăng lên, và điều đó không có lợi cho người tiêu dùng.”
Một ví dụ điển hình là ngành sản xuất du thuyền. Hiệp hội này cảnh báo hơn 1.300 nhà sản xuất sẽ bị ảnh hưởng nếu chi phí cho các thiết bị thiết yếu như công nghệ đẩy, động cơ và hệ thống GPS tăng lên. “Những hệ thống này không phải là tiện ích xa xỉ — chúng là yếu tố thiết yếu đảm bảo an toàn, vận hành và hiệu suất,” hiệp hội khẳng định. “Nhiều linh kiện không có hàng thay thế trong nước hoặc chỉ có thể nhập từ một số ít nhà cung cấp nước ngoài.”
Ý kiến của ngành sản xuất du thuyền là một trong 154 phản hồi được gửi đến bộ Thương mại Mỹ nhằm đánh giá đề xuất áp thuế lên chip, trong khuôn khổ chiến dịch tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu và thúc đẩy sản xuất nội địa của tổng thống Trump. Ngoài các công ty công nghệ như Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. (TSMC) và Intel, phản hồi cũng đến từ nhiều lĩnh vực cùng các đối tác thương mại như Nhật Bản và Brazil.
Hầu hết các công ty, hiệp hội và cá nhân đều ủng hộ mục tiêu tăng cường sản xuất trong nước và mở rộng lực lượng lao động Mỹ. Tuy nhiên, phần lớn đều lo ngại về hậu quả kinh tế và kêu gọi chính phủ áp dụng chính sách thuế một cách có chọn lọc.
Tổng thể các ý kiến cho thấy sự lo ngại đang lan rộng trong nhiều ngành về tác động kinh tế của việc áp thuế lên chip. Đến nay, ông Trump vẫn phớt lờ phần lớn những mối lo ngại này và viện dẫn kế hoạch đầu tư trong nước của nhiều công ty, bao gồm cả TSMC của Đài Loan với các nhà máy tại khu vực Phoenix.
Người phát ngôn Nhà Trắng Kush Desai khẳng định ông Trump vẫn cam kết đưa sản xuất trở lại Mỹ nhằm bảo vệ an ninh quốc gia. “Trong khi bộ Thương mại hoàn tất điều tra theo Mục 232, chính quyền đang mở rộng sản xuất khoáng sản quan trọng, gỡ bỏ rào cản pháp lý và thúc đẩy chính sách tăng trưởng,” ông nói. Bộ Thương mại không phản hồi yêu cầu bình luận.
Trong phản hồi gửi chính phủ, TSMC nêu chi tiết kế hoạch xây dựng sáu nhà máy chip tiên tiến, hai cơ sở đóng gói và một trung tâm nghiên cứu tại Arizona, với tổng đầu tư 165 tỉ USD, dự kiến tạo ra hàng ngàn việc làm. Tuy nhiên, công ty cảnh báo rằng các mức thuế mới có thể khiến tiến độ các dự án bị chậm lại, đồng thời cản trở nỗ lực của Mỹ trong việc phát triển năng lực sản xuất chip phục vụ công nghệ 5G, trí tuệ nhân tạo và xe tự lái.
“Việc áp thêm thuế hoặc biện pháp hạn chế khác lên chất bán dẫn có thể làm giảm lợi nhuận của các công ty Mỹ hàng đầu, hạn chế lựa chọn chuỗi cung ứng, tăng chi phí sản xuất và kéo nhu cầu tiêu dùng giảm xuống,” công ty con của TSMC tại Arizona nêu rõ.
Tesla kêu gọi chính phủ phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp để tránh gây gián đoạn chuỗi cung ứng. Công ty nhấn mạnh mối liên kết chuỗi cung ứng hiện tại với châu Á, châu Âu và châu Phi. “Những mối quan hệ hợp tác này giúp chúng tôi tập trung vào việc mở rộng năng lực sản xuất tiên tiến tại Mỹ,” Tesla viết. “Nếu thiếu nguyên liệu đầu vào trong nước, điều đó sẽ tạo ra áp lực lớn vào thời điểm then chốt trong cuộc đua toàn cầu về trí tuệ nhân tạo.”
Nhà sản xuất chip Intel cảnh báo rằng các đối tác thương mại có thể đáp trả bằng các biện pháp bảo hộ, gây thiệt hại cho hàng hóa Mỹ. Công ty này hiện đang đầu tư hơn 100 tỉ USD để phục hồi năng lực sản xuất trong nước và kêu gọi chính quyền miễn thuế đối với các tấm wafer sản xuất tại Mỹ, cũng như chip sản xuất ở nước ngoài bằng công nghệ Mỹ.
Một mối lo chung được TSMC, Intel và nhiều doanh nghiệp chip đưa ra là nguy cơ thiết bị sản xuất bán dẫn nhập khẩu, như máy quang khắc thạch anh bằng tia cực tím của ASML, bị áp thuế. Một thiết bị như vậy có giá gần 400 triệu USD. Nếu bị đánh thuế, chi phí đầu tư vào nhà máy mới tại Mỹ sẽ tăng đáng kể.
ASML cũng gửi phản hồi tới bộ Thương mại, nhưng nội dung được đánh dấu “bí mật thương mại” và không được công bố công khai. Trong phần phản hồi của mình, Intel đề nghị miễn thuế các loại thiết bị này, nhấn mạnh rằng “thiết bị và máy móc là yếu tố chiếm tới hai phần ba tổng chi phí xây dựng nhà máy sản xuất chip.”
Bà Feeney nhận định việc thay thế nguồn cung chip từ nước ngoài bằng sản lượng trong nước là thách thức lớn. “Phải mất nhiều năm để xây dựng hạ tầng công nghiệp đủ để vận hành một nhà máy sản xuất chip,” bà nói. “Trong bối cảnh Mỹ đang muốn xây dựng hạ tầng AI dựa trên các trung tâm dữ liệu, điều cuối cùng nên làm là đánh thuế nặng lên thành phần đầu vào quan trọng nhất của hệ thống đó.”
Các đối tác thương mại lớn của Mỹ, vốn từng chịu tác động từ chính sách thuế “đối ứng” của ông Trump, đã phản đối ý tưởng đánh thuế chip, sau khi từng bị áp thuế lên ô tô, thép và nhôm. Đài Loan — nơi sản xuất gần 90% lượng chip tiên tiến nhất thế giới — nhấn mạnh vai trò bổ trợ của các nhà máy TSMC trong việc cung ứng tấm wafer cho các công ty thiết kế chip Mỹ như Nvidia và Advanced Micro Devices (AMD).
Việc áp thuế với chip hoặc các sản phẩm liên quan từ Đài Loan “sẽ làm suy giảm nghiêm trọng khả năng đáp ứng kịp thời nhu cầu của ngành bán dẫn Mỹ,” chính quyền Đài Loan nói. “Điều này sẽ làm tăng chi phí cho doanh nghiệp Mỹ, đẩy giá thành sản phẩm lên cao, giảm lợi nhuận và doanh thu, đồng thời làm suy yếu năng lực đầu tư vào nghiên cứu và đổi mới công nghệ.”
— Với sự hỗ trợ của Catherine Lucey
Theo Bloomberg
Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn
https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/de-xuat-ap-thue-len-chip-cua-ong-trump-bi-phan-doi-tren-dien-rong-53558.html
Tặng bài viết
Đối với thành viên đã trả phí, bạn có 5 bài viết mỗi tháng để gửi tặng. Người nhận quà tặng có thể đọc bài viết đầy đủ miễn phí và không cần đăng ký gói sản phẩm.
Bạn còn 5 bài viết có thể tặng
Liên kết quà tặng có giá trị trong vòng 7 ngày.
BÀI LIÊN QUAN
Truy cập nhanh
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh
Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 8889.0868
Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn
© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media