Một sản phẩm của BEACON MEDIA
Khám phá nhiều hơn với tài khoản
Đăng nhập để lưu trữ và dễ dàng truy cập những bài viết bạn yêu thích trên Bloomberg Businessweek Việt Nam.
Công nghệ
Chuyến bay lên vũ trụ toàn nữ của Blue Origin chỉ là màn trình diễn mang tính hình thức. Trên thực tế, vũ trụ vẫn là sân chơi riêng của những tỉ phú nam giới như Jeff Bezos và Elon Musk.
Một phi hành đoàn toàn nữ tạo nên khoảnh khắc hình ảnh ấn tượng hơn nhiều so với một chồng hợp đồng chính phủ. Hình ảnh: Felix Kunze/Courtesy of Blue Origin.
Tác giả: Beth Kowitt
18 tháng 4, 2025 lúc 3:34 PM
Tuần này, công ty tên lửa Blue Origin đã đưa sáu phụ nữ đi vào vũ trụ, đánh dấu lần đầu tiên một phi hành đoàn toàn nữ thực hiện hành trình này kể từ chuyến bay kéo dài ba ngày của nữ phi hành gia Liên Xô Valentina Tereshkova hơn sáu mươi năm trước.
Phi hành đoàn bao gồm một ngôi sao nhạc pop, một nhà báo, một kỹ sư hàng không vũ trụ, một nhà sản xuất phim và một chuyên gia nghiên cứu về sinh học không gian kiêm nhà hoạt động xã hội. Cùng tham gia còn có Lauren Sanchez — doanh nhân, nhà báo, tác giả, nhà từ thiện và vị hôn thê của Jeff Bezos, người sáng lập Blue Origin và hiện là người giàu thứ hai thế giới. Theo cây bút Amanda Hess của New York Times, danh sách này khiến cô liên tưởng đến “một bộ sưu tập búp bê American Girl.”
Sự kiện lập tức thu hút sự chú ý và gây tranh luận: liệu chuyến bay dài 11 phút này là một tuyên ngôn nữ quyền mạnh mẽ hay chỉ là chiêu trò truyền thông được dàn dựng công phu. Đặc biệt sau khi ca sĩ Katy Perry — một trong những hành khách — tuyên bố trên tạp chí Elle rằng cô sẽ “biến astronaut thành ass-tronaut.” (ý giễu cợt biến phi hành gia thành kẻ ngốc giữa dải ngân hà).
Tuy nhiên, điều đáng lưu tâm nhất lại nằm ở góc khuất mà ít ai để ý đến: trong khi truyền thông đang bận tán dương việc phụ nữ xuất hiện ngoài không gian, thì quyền kiểm soát ngành hàng không vũ trụ vẫn nằm trong tay các tỉ phú nam giới.
Jeff Bezos, nhà sáng lập kiêm chủ tịch điều hành Amazon, coi việc đưa con người rời khỏi Trái Đất là cách để nhân loại thoát khỏi “nền văn minh trì trệ” và tìm kiếm nguồn tài nguyên mới. Elon Musk muốn biến con người thành giống loài có thể sống đa hành tinh bằng cách thuộc địa hóa sao Hỏa thông qua SpaceX. Richard Branson, với Virgin Galactic, theo đuổi một mục tiêu khiêm tốn hơn: phát triển ngành du lịch hàng không vũ trụ.
Câu lạc bộ tỉ phú chinh phục không gian lại tiếp tục mở rộng khi cựu CEO Google Eric Schmidt gần đây đã mua cổ phần tại Relativity Space và hiện điều hành công ty này để cạnh tranh trực tiếp với SpaceX. Tỉ phú tiền mã hóa Jed McCaleb — người từng sáng lập sàn giao dịch Mt. Gox — cũng đang theo đuổi kế hoạch xây dựng trạm vũ trụ thương mại đầu tiên trên thế giới. “Con người cần một mục tiêu mới,” ông nói với Bloomberg hồi tháng trước. “Nếu không, mọi thứ sẽ trở nên vô nghĩa và nhàm chán.”
Tại sao nhiều người giàu nhất thế giới lại bị ám ảnh với không gian đến vậy? Đây không phải là một câu hỏi mới. Năm 2021, khi Bezos và Branson lần lượt phóng tên lửa chỉ cách nhau chín ngày, trang Salon đã chỉ ra mối liên hệ trực tiếp giữa sự giàu có và tham vọng vượt ra ngoài Trái Đất.
“Họ đã chán ngấy hành tinh này rồi sao? Hay đây chỉ là màn phô trương quyền lực và thể hiện sự nam tính?”, tác giả Nicole Karlis đặt vấn đề.
Một nhà tâm lý học cho rằng tiền bạc và quyền lực có thể khiến con người dần mất kết nối với thực tại. Sống trong vỏ bọc của giàu sang và đặc quyền khiến họ khó còn cảm nhận được thế giới bên ngoài.
Tới năm 2025, một số người trong giới siêu giàu có vẻ như đã ý thức được rõ hơn về tình trạng bất ổn đang ngày một tăng trên hành tinh này: từ bất công xã hội, bất ổn chính trị, biến đổi khí hậu, căng thẳng địa chính trị cho tới nguy cơ xảy ra một đại dịch mới. Để chuẩn bị cho một tương lai bất định, họ xây hầm trú ẩn dưới lòng đất, nghiên cứu khả năng sống dưới biển, và thay vì đầu tư tiền bạc để cải thiện cuộc sống trên Trái Đất, họ lại theo đuổi một mục tiêu xa xỉ hơn: đưa những người đủ điều kiện tài chính rời khỏi hành tinh này.
Dù các tỉ phú không gian quảng bá các chuyến bay của mình là vì khoa học và tương lai nhân loại, thực tế cho thấy đây cũng là cơ hội kinh doanh trong một lĩnh vực còn ít bị quản lý. Những tuyên bố mang tính lý tưởng về việc “mở cánh cửa tiến ra vũ trụ cho tất cả mọi người” rõ ràng tạo hiệu ứng truyền thông tốt hơn nhiều so với thực tế rằng các công ty khởi nghiệp tên lửa đang phải sống dựa vào các hợp đồng chính phủ.
Blue Origin thu hút sự chú ý khi thiết kế riêng bộ đồ bay cho phi hành đoàn toàn nữ. Nhưng ít ai biết rằng công ty này vừa giành được hợp đồng gần 2,4 tỷ USD từ Bộ Quốc phòng Mỹ. Trong khi đó, SpaceX còn nhận được hợp đồng lớn hơn — lên tới 5,9 tỷ USD.
Nhiều tỉ phú từng bay vào vũ trụ bằng phi thuyền tư nhân luôn trở về với những lời chia sẻ xúc động về vẻ đẹp mong manh của Trái Đất. Nhưng nếu cần phải ra đến tận ngoài không gian mới cảm nhận được điều đó, thì có lẽ họ cũng đã không còn sống trong cùng một thế giới với phần còn lại của nhân loại.
Theo Bloomberg
Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn
https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/cuoc-dua-khong-gian-van-la-san-choi-cua-cac-ti-phu-nam-gioi-53021.html
Tặng bài viết
Đối với thành viên đã trả phí, bạn có 5 bài viết mỗi tháng để gửi tặng. Người nhận quà tặng có thể đọc bài viết đầy đủ miễn phí và không cần đăng ký gói sản phẩm.
Bạn còn 5 bài viết có thể tặng
Liên kết quà tặng có giá trị trong vòng 7 ngày.
BÀI LIÊN QUAN
Truy cập nhanh
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh
Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 8889.0868
Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn
© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media