Một sản phẩm của BEACON MEDIA
Khám phá nhiều hơn với tài khoản
Đăng nhập để lưu trữ và dễ dàng truy cập những bài viết bạn yêu thích trên Bloomberg Businessweek Việt Nam.
Kinh tế
Chuyến công du đầu tiên trong năm của Chủ tịch Tập Cận Bình đã trở thành nỗ lực nhằm bảo vệ vị thế của Trung Quốc trong khu vực, giữa lúc căng thẳng thương mại với Mỹ leo thang.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (bên trái) cùng Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hà Nội vào ngày 14 tháng 4. Hình ảnh: Giang Huy
Tác giả: Bloomberg News
14 tháng 4, 2025 lúc 5:26 PM
Ông Tập đến Việt Nam vào thứ Hai, ngày 14 tháng 4, chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tăng thuế với hàng hóa Trung Quốc nhưng lại tạm hoãn 90 ngày đối với các quốc gia khác.
Động thái này nhằm trừng phạt Trung Quốc vì đã có hành động trả đũa, đồng thời gây áp lực buộc các nền kinh tế nhỏ ở châu Á phải nhượng bộ để tránh mức thuế nặng hơn.
Sau Việt Nam, ông Tập dự kiến sẽ đến thăm Malaysia và Campuchia.
“Việc ông Tập Cận Bình đến thăm các quốc gia này mang ý nghĩa rất quan trọng,” Lynette Ong, giáo sư chính trị Trung Quốc tại Đại học Toronto, nhận định. “Tôi xem đây là nỗ lực của ông ấy nhằm xây dựng liên minh để đối đầu với Mỹ trong cuộc chiến thương mại.”
Chủ tịch Trung Quốc nhiều khả năng sẽ cố gắng thể hiện rằng Bắc Kinh là đối tác đáng tin cậy hơn Mỹ, khi chính quyền ông Trump liên tục thay đổi chính sách thuế, khiến thị trường toàn cầu chao đảo.
Chuyến thăm cũng phản ánh tình thế tiến thoái lưỡng nan của các quốc gia Đông Nam Á. Từ khi Mỹ bắt đầu áp thuế với hàng Trung Quốc dưới thời ông Trump, khu vực này đã trở thành điểm trung chuyển quan trọng để hàng hóa Trung Quốc tiếp cận thị trường Mỹ.
Giờ đây, khi các nước Đông Nam Á đang tìm cách để được miễn thuế, họ cũng lo rằng hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc sẽ tràn vào thị trường nội địa, tạo sức ép lớn lên doanh nghiệp trong nước.
Theo bài viết trên Nhân Dân nhật báo ngày thứ Hai, ông Tập tái khẳng định lập trường phản đối chủ nghĩa bảo hộ thương mại. Ông kêu gọi hợp tác với Việt Nam để bảo vệ hệ thống thương mại đa phương và đảm bảo chuỗi cung ứng toàn cầu ổn định.
“Không ai là người chiến thắng trong chiến tranh thương mại hay tranh chấp thuế quan,” ông phát biểu. Trung Quốc muốn cùng Việt Nam xây dựng ba tuyến đường sắt nối liền hai nước tại miền Bắc, đồng thời tăng cường nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam và đẩy mạnh hợp tác về 5G, trí tuệ nhân tạo và các ngành kỹ thuật cao khác.
Trong khi đó, chính quyền ông Trump đã đưa ra những thông điệp cứng rắn giữa lúc Việt Nam, Malaysia và Campuchia đang tích cực đàm phán để được miễn trừ thuế. Cố vấn thương mại Peter Navarro viết trên Financial Times rằng các nước này cần “ngừng cho phép Trung Quốc lách thuế Mỹ bằng cách trung chuyển hàng hóa qua lãnh thổ của mình”, trong đó nêu đích danh Việt Nam và Campuchia.
Điều này đặt các nước láng giềng của Trung Quốc vào thế khó: Hoặc cắt đứt kênh giao thương mang lại nhiều lợi nhuận với đối tác lớn nhất khu vực, hoặc chấp nhận bị Mỹ áp thuế nặng — 46% với Việt Nam, 24% với Malaysia và 49% với Campuchia. Một số quốc gia đã có dấu hiệu nhượng bộ. Chẳng hạn như Việt Nam đã tiến hành thực hiện các biện pháp kiểm soát gian lận xuất xứ nhằm đáp ứng yêu cầu từ phía Mỹ.
“Ông Tập sẽ không gặp trở ngại nào khi đến Campuchia,” giáo sư Zachary Abuza thuộc Đại học Chiến tranh Quốc gia Mỹ nhận định tại Phnom Penh. Ông cho rằng khu vực này phụ thuộc chặt chẽ vào chuỗi cung ứng với Trung Quốc có quan hệ ngoại giao lâu dài với Bắc Kinh, khiến Campuchia gần như chắc chắn đứng về phía quốc gia tỉ dân.
Tuy nhiên, phần lớn các quốc gia vẫn sẽ cố tránh chọn phe giữa Mỹ và Trung Quốc, bởi cả hai lựa chọn đều đi kèm theo nhiều hệ quả chính trị và kinh tế khó lường.
Hà Nội và Bắc Kinh vẫn tồn tại tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, song song đó nền kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc đáng kể vào linh kiện và nguyên liệu thô từ Trung Quốc.
Tại Kuala Lumpur, ông Tập gặp bối cảnh thương mại tương tự. Năm 2024, Malaysia xuất khẩu 44 tỷ USD hàng hóa sang Mỹ, trong khi xuất khẩu sang Trung Quốc là 41 tỷ USD.
Malaysia khẳng định bản thân luôn giữ lập trường trung lập trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng gia tăng. Thủ tướng Maylasia Anwar Ibrahim đã cử phái đoàn đến Washington để vận động được miễn thuế, đồng thời tích cực củng cố quan hệ với Bắc Kinh.
Campuchia là điểm đến thuận lợi nhất trong hành trình của ông Tập Cận Bình lần này Chính phủ Thủ tướng Hun Manet, tiếp nối đường lối thân Trung Quốc của cha mình, dựa nhiều vào nguồn vốn từ Bắc Kinh để triển khai các dự án hạ tầng trọng điểm, bao gồm sân bay quốc tế mới tại Phnom Penh dự kiến khánh thành vào tháng Sáu, cùng với dự án kênh đào chiến lược Funan Techo.
Chheng Kimlong, Chủ tịch Viện Tầm nhìn châu Á, cho biết điều Campuchia lo ngại nhất là căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc, cùng nguy cơ bị vạ lây từ các biện pháp trả đũa qua lại.
“Campuchia và Trung Quốc có nền kinh tế gắn kết chặt chẽ,” ông nói bên lề Diễn đàn Bác Ngao tại đảo Hải Nam, Trung Quốc hồi tháng Ba. “Nếu Mỹ tiếp tục coi Trung Quốc và đối tác của họ là đối thủ, điều đó sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu của Campuchia, đặc biệt là ngành sản xuất.”
Khi không thể nhượng bộ về các vấn đề chủ quyền, Bắc Kinh có thể dùng các cam kết đầu tư và hợp tác để giữ quan hệ với các nước trong khu vực.
Trong chuyến thăm Bắc Kinh hồi tháng Tám năm 2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đề nghị Trung Quốc hỗ trợ công nghệ và đầu tư hạ tầng giao thông, đáp lại cam kết của Chủ tịch Tập mở rộng Sáng kiến Vành đai và Con đường.
Khi Thủ tướng Lý Cường đến Malaysia tháng Sáu năm ngoái, hai nước đã cam kết làm sâu sắc hơn quan hệ kinh tế song phương và thúc đẩy các dự án lớn như tuyến đường sắt Bờ Đông trị giá 10,6 tỷ USD.
Là chủ nợ lớn nhất của Campuchia, Trung Quốc có thể chắc chắn việc nước này tiếp tục duy trì mối quan hệ gần gũi với Bắc Kinh bất chấp các đe dọa từ phía Trump. Việc USAID bị cắt giảm cũng tạo điều kiện cho Trung Quốc thế chân, với các chương trình giáo dục và dinh dưỡng cho trẻ em.
Về thương mại, Bắc Kinh có thể giúp các nước láng giềng dễ tiếp cận thị trường Trung Quốc hơn, nhưng hiện chưa rõ rào cản nào sẽ được nới lỏng.
Tại Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc – châu Phi năm ngoái, ông Tập tuyên bố giảm thuế cho 33 quốc gia châu Phi có thu nhập thấp. Campuchia gần như đã hưởng ưu đãi này, còn Malaysia và Việt Nam khó được tương tự vì có mức thu nhập cao hơn, theo Eric Olander, đồng sáng lập Dự án Trung Quốc – Nam bán cầu.
Chuyến công du lần này nằm trong chiến dịch phản công lớn của Bắc Kinh trước chiến lược cô lập thương mại của ông Trump. Khi thuế quan Mỹ đe dọa tái cấu trúc thương mại toàn cầu, Trung Quốc tìm cách mở rộng quan hệ với EU — nơi đang có quan hệ rạn nứt với Washington.
Theo Bloomberg News, các lãnh đạo EU sẽ đến Bắc Kinh vào tháng Bảy để dự hội nghị với ông Tập. Việc hội nghị không tổ chức tại Brussels như thường lệ cho thấy EU đang sẵn sàng thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc, như một đối trọng trước chính sách khó đoán của ông Trump.
Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez, trong chuyến thăm thứ ba đến Trung Quốc ngày 11 tháng 4, đã ca ngợi quan hệ song phương, gọi Bắc Kinh là “đối tác của EU”.
Những bước đi ngoại giao này diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đối mặt nhiều thách thức. Xuất khẩu — đóng góp gần một phần ba tăng trưởng năm ngoái — đang bị đe dọa bởi mức thuế Mỹ hơn 145%.
Thêm vào đó, áp lực giảm phát kéo dài và cuộc khủng hoảng bất động sản tiếp tục kìm hãm đà tăng trưởng, hạn chế khả năng của ông Tập trong việc đưa ra ưu đãi để thu hút đối tác.
Đối với Đông Nam Á, rủi ro kinh tế đang ở mức cao chưa từng có. Việc Mỹ tạm hoãn áp thuế chỉ là khoảng thời gian ngắn để các nước xoay xở.
“Đây chỉ là một khoảng lặng ngắn trước khi lưỡi kiếm Damocles rơi xuống,” ông Abuza nói. “Họ vẫn đang sống dưới một mối đe dọa treo lơ lửng.”
Theo Bloomberg
Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn
https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/chu-tich-trung-quoc-tap-can-binh-cong-du-dong-nam-a-giua-cang-thang-thuong-mai-my-trung-52981.html
Tặng bài viết
Đối với thành viên đã trả phí, bạn có 5 bài viết mỗi tháng để gửi tặng. Người nhận quà tặng có thể đọc bài viết đầy đủ miễn phí và không cần đăng ký gói sản phẩm.
Bạn còn 5 bài viết có thể tặng
Liên kết quà tặng có giá trị trong vòng 7 ngày.
BÀI LIÊN QUAN
Truy cập nhanh
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh
Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 8889.0868
Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn
© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media