Phong lưu

Ấn Độ lên cơn sốt du lịch tâm linh khi đức tin trở thành xu hướng thời thượng

Satviki Sanjay 31/05/2025 10:00

Các điểm hành hương ngày càng hút khách du lịch khi chính phủ thúc đẩy du lịch tín ngưỡng và mạng xã hội biến tôn giáo thành trào lưu mới.

india.jpg

Tác giả: Satviki Sanjay

31 tháng 5, 2025 lúc 10:00 AM

Vào một buổi tối tháng Tư oi bức tại thành phố Varanasi, miền Bắc Ấn Độ, hàng trăm du khách đổ về bờ sông Hằng, chen lấn nhau để giành vị trí đẹp quan sát một nghi lễ cầu nguyện nữ thần Ganga cổ kính. Họ len qua các lái đò mời chào khách đi thuyền, những người bán hàng rong bày bùa hộ mệnh, cùng các tín đồ đang ngâm mình trong dòng sông thiêng để gột rửa tội lỗi của mình.

Khi mặt trời lặn, bảy vị tu sĩ trong trang phục màu vàng nghệ đứng trên bậc thềm nổi tiếng Dashashwamedh Ghat, rung chuông tay, thắp nhang và múa đèn dầu trong nghi lễ ánh sáng kéo dài 45 phút. Những người đến muộn có thể theo dõi buổi lễ qua màn hình lớn đặt cách đó khoảng 50 mét, trong tiếng tụng Vệ Đà vang vọng từ các loa phát thanh.

Theo một tổ chức phát triển thương hiệu quốc gia Ấn Độ, thị trường du lịch tâm linh của nước này được dự báo sẽ trị giá khoảng 59 tỉ USD vào năm 2028 và tạo việc làm cho 100 triệu người. Riêng Varanasi đã đón khoảng 110 triệu lượt khách trong năm ngoái, tăng gấp 15 lần so với năm 2019, biến thành phố này trở thành tâm điểm trong làn sóng du lịch tôn giáo đang bùng nổ trên khắp cả nước.

Có nhiều yếu tố đã góp phần thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ này, từ sự gia tăng của tầng lớp trung lưu có đủ tiền để đi du lịch, đến chiến dịch của Thủ tướng Narendra Modi nhằm khẳng định rõ nét hơn bản sắc của Ấn Độ giáo, cùng với làn sóng mạng xã hội khiến việc thực hành tôn giáo trở nên thời thượng trong mắt giới trẻ.

“Tham gia các hoạt động tôn giáo hiện nay là một lựa chọn khôn ngoan,” Kunal Purohit, tác giả cuốn H-Pop: The Secretive World of Hindutva Popstars, nhận định. Cuốn sách khám phá sự trỗi dậy của văn hóa đại chúng mang tư tưởng chủ nghĩa dân tộc Hindu tại Ấn Độ.

Purohit cho rằng chính phủ đang thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc Hindu, trong khi các nhân vật có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội cố tình thể hiện tôn giáo như một yếu tố mang tính trào lưu và “thời thượng”.

india-02-denoise.jpeg
Các tín đồ Hindu tham dự nghi lễ Ganga Aarti (lễ cầu nguyện thiêng liêng) dọc theo bờ sông Hằng ở Varanasi vào ngày 12 tháng 5 năm 2024. Hình ảnh: Anindito Mukherjee//Getty Images

Là một trong những thành phố có người sinh sống lâu đời nhất thế giới, Varanasi được người theo đạo Hindu coi là vùng đất linh thiêng. Họ tin rằng ai qua đời tại đây sẽ được giải thoát khỏi vòng luân hồi và đạt đến sự cứu rỗi. Thành phố thu hút du khách bởi hàng nghìn ngôi đền và 88 ghat — những bậc đá dẫn xuống sông Hằng, dòng sông được tôn thờ như một nữ thần và kính gọi là “mẹ”.

Thành phố là sự đan xen giữa truyền thống và hiện đại. Một sân vận động cricket quốc tế dự kiến được khánh thành trong năm nay, với hệ thống đèn pha được thiết kế theo hình cây đinh ba — vũ khí linh thiêng của thần Shiva. Một quán Starbucks phục vụ cà phê lạnh và frappuccino chỉ cách một ghat chưa đầy một chuyến xe kéo tay, nơi hàng trăm thi thể được hỏa táng mỗi ngày trên giàn thiêu bằng gỗ. Tro cốt và phần còn lại sẽ được thả xuống sông để giúp linh hồn người chết về cõi thiêng.

Hàng trăm người chèo đò hành nghề trên những chiếc thuyền gỗ đơn sơ, chào mời các tour ngắm hoàng hôn với giá chỉ với 175 rupee (khoảng 2 USD) mỗi người. Du khách cũng có thể thuê mô tô nước, đi ca nô quan sát cá heo hoặc trải nghiệm bay khinh khí cầu.

Tất cả đều vô cùng lý tưởng để chia sẻ trên Instagram.

Các nhà nhiếp ảnh gia rảo bước dọc bờ sông để tìm khách và chào mời quay video ngắn theo xu hướng để đăng lên mạng xã hội. Pravesh Mishra, một nhiếp ảnh gia 30 tuổi sống tại Lucknow, tính phí 200 rupee cho một video dài một phút. Những ngày “giàu” nhất của anh là khi khách đặt quay trong nhiều giờ liên tục, bắt đầu từ chuyến đi thuyền ngắm bình minh trên sông. Anh chỉnh sửa các cảnh quay, thêm dòng chú thích và nhạc nền Bollywood.

Những video như vậy xuất hiện dày đặc trên mạng xã hội, vừa quảng bá điểm đến vừa tái hiện nghi lễ tôn giáo một cách trực quan và thu hút, nhất là với giới trẻ.

india-03-denoise.jpeg
Các tín đồ hành hương tắm nước thiêng tại Sangam, nơi hợp lưu của ba con sông Hằng, Yamuna và Saraswati huyền thoại, vào ngày cuối cùng của lễ hội Maha Kumbh Mela tại Prayagraj, ngày 26 tháng 2 năm 2025. Hình ảnh: Niharika Kulkarni/AFP/Getty Images/Getty Images

Những người có tầm ảnh hưởng và người nổi tiếng tham gia các trải nghiệm như vậy càng góp phần lan rộng Hindu giáo. Tại Maha Kumbh Mela năm nay — lễ hành hương Hindu khổng lồ kéo dài sáu tuần, được tổ chức 12 năm một lần — hơn 400 triệu tín đồ đã thực hiện nghi lễ tắm tại nơi hợp lưu của hai con sông Hằng và Yamuna, tại thành phố Prayagraj miền Bắc Ấn Độ. Các nhà lãnh đạo chính trị, diễn viên Bollywood và ngôi sao nhạc pop cũng tham gia, trong đó có tỉ phú giàu nhất châu Á Mukesh Ambani, ca sĩ chính của nhóm Coldplay Chris Martin và diễn viên Akshay Kumar.

Meera Nanda, tác giả cuốn The God Market: How Globalization is Making India More Hindu, cho rằng việc hành đạo đang trở thành “một trào lưu” mới.

“Việc hành hương từng là hành trình để tìm kiếm sự cứu rỗi,” bà nói. “Còn giờ đây, nó giống như sự kết hợp giữa một chuyến du lịch mạo hiểm và trải nghiệm tín ngưỡng.”

Ấn Độ hiện đang có khoảng 80% dân số là người Hindu và khoảng 14% là người đạo Hồi; phần còn lại bao gồm người theo đạo Thiên chúa, đạo Sikh, Phật giáo và Kỳ Na giáo. Dù quốc gia này được thành lập với tư cách là một nhà nước thế tục, đảng Bharatiya Janata của Thủ tướng Modi đã thúc đẩy vai trò của Ấn Độ giáo kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2014.

Chủ nghĩa dân tộc Hindu là nền tảng giúp ông Modi thu hút cử tri, nhưng giới phê bình cho rằng điều này đã ảnh hưởng đến giá trị của sự khoan dung tôn giáo và khiến cộng đồng Hồi giáo — với khoảng 200 triệu người — ngày càng bị đẩy ra bên lề xã hội. Chính phủ phủ nhận các cáo buộc phân biệt đối xử.

Năm ngoái, ông Modi thực hiện lời hứa lâu năm khi tổ chức lễ khánh thành đền Ram tại Ayodhya — cách Varanasi 215 km về phía tây bắc. Quần thể đền thờ này được dành cho thần vương Ram, và từng là vị trí của một nhà thờ Hồi giáo được xây dựng từ thế kỷ 16 đã bị những phần tử Hindu cực đoan phá hủy năm 1992, dẫn đến các cuộc bạo loạn tôn giáo đẫm máu.

Dù quá trình xây dựng đền Ram vẫn sẽ kéo dài trong nhiều năm tới, nơi đây đã trở thành điểm thu hút lớn của lĩnh vực du lịch hành hương. Theo số liệu chính thức, khoảng 164 triệu lượt khách đã đến thành phố này trong năm ngoái.

Trong thập kỷ qua, chính phủ đã đầu tư hàng trăm triệu USD để phát triển các điểm hành hương, bao gồm cải thiện giao thông, bãi đỗ xe và triển khai công nghệ mới — trong đó có cả kính thực tế ảo tại một số đền thờ.

Các khoản đầu tư không chỉ tập trung vào địa điểm linh thiêng của người Hindu. Chính phủ cũng hỗ trợ quảng bá và phát triển những nơi gắn liền với cuộc đời Đức Phật, bao gồm Bodh Gaya ở bang Bihar, nơi được tin là nơi Ngài đạt giác ngộ, nhằm thu hút khách du lịch từ Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Đông Nam Á. Chính phủ cũng đầu tư vào thành phố Amritsar, nơi đặt đền Vàng linh thiêng của đạo Sikh, và Ajmer, nơi có đền thờ Hồi giáo hàng trăm năm tuổi.

Tại Varanasi, nơi ông Modi là đại biểu quốc hội, đền Kashi Vishwanath — nơi thờ thần Shiva — hiện phát trực tiếp các nghi lễ trên YouTube. Trang web của đền còn tích hợp chatbot sử dụng trí tuệ nhân tạo mang tên Nandi, được đặt theo tên con bò thiêng của thần Shiva. Các tín đồ, dù mặc trang phục truyền thống hay áo crop-top, quần jeans và giày thể thao Nike, thường phải chờ nhiều giờ liền dưới cái nắng gay gắt để được trải nghiệm darshan — khoảnh khắc thiêng liêng khi nhìn thấy hình tượng thần linh và được thần “nhìn lại”.

india-04-denoise.jpeg
Đền Vàng tại Amritsar vào ngày 11 tháng 5. Hình ảnh: Sameer Sehgal/Hindustan Times/Getty Images

Chính quyền đang nỗ lực thu hút du khách lưu lại Varanasi lâu hơn và chi nhiều tiền hơn, theo ông Himanshu Nagpal, giám đốc phát triển của thành phố. Ông cho biết đền Kashi Vishwanath hiện đón trung bình hơn 150.000 lượt khách mỗi ngày, tăng mạnh so với mức khoảng 40.000 lượt trước đại dịch. Chính quyền đã triển khai dự án nâng cấp cho khu đền, bao gồm các khu vực sảnh mới có thể tổ chức tiệc sinh nhật, cùng với bảo tàng, thư viện và quán cà phê.

“Giờ đây mọi người thường tra cứu lịch trình du lịch trên Instagram và Twitter, nên chúng tôi đã hợp tác với những người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội để xây dựng thương hiệu,” ông Nagpal nói. “Nhưng bây giờ, lượng khách đã quá đông rồi nên chúng tôi không còn cần làm vậy nữa.”

Thành phố hiện đang xây dựng tuyến cáp treo dài 3,75 km để đưa du khách từ ga tàu chính vào trung tâm, tránh cảnh chen chúc và ồn ào trong các con phố chật hẹp. Những sự thay đổi này được kỳ vọng sẽ thu hút nhóm du khách có điều kiện tài chính hơn, vốn mong muốn một trải nghiệm du lịch tiện lợi và thoải mái.

Thomas Cook India, một trong những công ty lữ hành lớn nhất nước, cho biết nhu cầu du lịch hành hương đã tăng đều đặn từ năm 2019. Nhiều khách hàng hiện muốn sử dụng dịch vụ darshan riêng, cho phép họ không cần phải xếp hàng, ở khách sạn từ bốn sao trở lên, và có phương tiện di chuyển tiện lợi, bao gồm cả trực thăng.

“Trước đây, người ta thường không tìm kiếm sự sang trọng khi đi hành hương,” ông Neeraj Dev, phó chủ tịch điều hành mảng thương mại điện tử của công ty, cho biết. “Còn giờ thì họ sẵn sàng chi tiền cho việc đó.”

Với việc cứ bốn người Ấn Độ thì có một người đi du lịch vì lý do tôn giáo trong năm qua, và con số này dự kiến sẽ còn tăng, các khách sạn và hãng hàng không đang lên kế hoạch mở rộng hoạt động. Hãng hàng không giá rẻ của Air India đã bổ sung thêm các đường bay đến Varanasi, trong khi Indian Hotels, đơn vị vận hành thương hiệu Taj, đang xây thêm nhiều cơ sở tại đây như một phần trong chiến lược toàn quốc. Tập đoàn Radisson cũng lên kế hoạch bổ sung hơn 1.000 phòng khách sạn tại Ấn Độ, bao gồm cả ở Amritsar.

Hệ thống khách sạn Oyo, vốn nổi tiếng với các lựa chọn giá rẻ, phù hợp với giới trẻ, dự định mở thêm 500 khách sạn tại 12 điểm hành hương lớn, theo chia sẻ của giám đốc điều hành Ritesh Agarwal trên LinkedIn hồi đầu năm nay. Tập đoàn Hyatt Hotels cũng có kế hoạch tăng gấp đôi số lượng khách sạn tại Ấn Độ, hiện là 50, một phần nhờ sự tăng trưởng của ngành du lịch tâm linh.

Theo EY, ngành du lịch đã đóng góp trực tiếp 231 tỉ USD vào nền kinh tế Ấn Độ trong năm 2023 và dự kiến sẽ tăng trưởng từ 12% đến 15% mỗi năm trong vòng 5 năm tới. Trong báo cáo công bố hồi tháng 3 về các xu hướng du lịch mới, công ty tư vấn này cho biết bãi biển, vùng núi và điểm đến tâm linh là ba lựa chọn phổ biến của du khách nội địa, đồng thời ghi nhận sự quan tâm ngày càng lớn đến du thuyền và du lịch thiên nhiên.

Với Durgesh Nandan, người đang đến thăm đền Kashi Vishwanath, không một loại hình du lịch nào có thể so sánh được với hành hương.

“Không núi, không hồ. Với tôi, chỉ có đền chùa,” chàng trai 25 tuổi đang ôn thi công chức nói. “Tôi thích đến những thành phố tôn giáo, vì ở đó tôi cảm thấy bình yên nhất.”

Theo Bloomberg

Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn

https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/an-do-len-con-sot-du-lich-tam-linh-khi-duc-tin-tro-thanh-xu-huong-thoi-thuong-53323.html

#Varanasi
#sông Hằng
#du lịch tâm linh
#Hindu giáo
#Shiva
#đền Ram
#Instagram
#du lịch hành hương
#tôn giáo
#du khách
#hiện đại

Đăng ký nhận bản tin miễn phí

Liên hệ

Hợp tác quảng cáo

Chăm sóc khách hàng: (028) 888 90868

Email: cs@bloombergbusinessweek.vn

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh

Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại: (028) 8889.0868

Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn

© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media