Một sản phẩm của BEACON MEDIA
Khám phá nhiều hơn với tài khoản
Đăng nhập để lưu trữ và dễ dàng truy cập những bài viết bạn yêu thích trên Bloomberg Businessweek Việt Nam.
Kinh tế
Trong tuần tới, một biện pháp thuế quan mới từ chính phủ của Donald Trump sẽ chính thức có hiệu lực, áp thuế 46% lên hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam.
Hình ảnh: Linh Phạm
Tác giả: Thuận Đặng
03 tháng 4, 2025 lúc 8:53 AM
Trong tuần tới, biện pháp thuế quan mới từ Mỹ sẽ chính thức có hiệu lực, áp thuế 46% lên hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam. Các mặt hàng không bị áp thuế gồm thép, đồng, phụ tùng, linh kiện xe hơi, chíp bán dẫn, dược phẩm và gỗ chưa thành phẩm.
Đây được xem là một cú sốc lớn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu vẫn đang đối mặt với nhiều bất ổn. Với mức thuế này, hàng loạt ngành hàng như điện tử, dệt may, da giày, nội thất sẽ chịu tác động mạnh, buộc doanh nghiệp Việt Nam phải tìm giải pháp ứng phó kịp thời. "Thuế quan chưa bao giờ là tốt cả. Đây vừa là thời điểm để Việt Nam tìm kiếm các thị trường khác, vừa tránh phụ thuộc vào Mỹ," ông Nguyễn Mạnh Hà, giám đốc phụ trách Marketing của Gemadept nói. "Các thị trường có thể cân nhắc như Đông Á, Nam Á, châu Âu, Nam Mỹ.”
Mức thuế mới được công bố trong bối cảnh Mỹ tiếp tục siết chặt chính sách thương mại nhằm giảm thâm hụt thương mại với các đối tác lớn. Mức thuế 46% đúng bằng một nửa tỉ lệ giữa thâm hụt thương mại song phương trên tổng kim ngạch xuất khẩu hàng Việt Nam sang Mỹ. Thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Việt Nam lên tới 123,5 tỉ đô la Mỹ vào năm 2024 và kim ngạch xuất khẩu 136,6 tỉ đô la.
Động thái này khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam lo ngại, vì không chỉ ảnh hưởng đến lợi nhuận mà còn đe dọa sự ổn định của các chuỗi cung ứng. Trong khi đó, các nước có cơ cấu xuất khẩu tương tự như Việt Nam lại không bị áp mức thuế cao như vậy. Thái Lan chỉ chịu thuế 36%, Ấn Độ 26%, Malaysia 24%, trong khi Philippines chỉ ở mức 17%. Điều này tạo ra một sự chênh lệch đáng kể trong cạnh tranh thương mại, buộc doanh nghiệp Việt Nam phải tính toán lại chiến lược xuất khẩu của mình.
Các ngành hàng chịu tác động lớn nhất từ mức thuế mới bao gồm điện tử, dệt may, da giày và nội thất, những lĩnh vực có kim ngạch xuất khẩu lớn sang Mỹ. Một số doanh nghiệp dự báo sẽ phải giảm công suất hoạt động hoặc thậm chí cắt giảm nhân sự để duy trì hoạt động trong ngắn hạn. Những công ty có biên lợi nhuận thấp sẽ đặc biệt dễ bị tổn thương, vì họ không thể tăng giá bán để bù đắp chi phí do cạnh tranh gay gắt với các nước khác.
Con số 46% là “vượt ngoài dự đoán” của tất cả doanh nghiệp, theo lời ông Trần Như Tùng - chủ tịch hội đồng quản trị tập đoàn Dệt may Thành Công nói với Bloomberg Businessweek Vietnam. Thuế suất đối với hàng dệt may xuất khẩu từ Việt Nam sang Hoa Kỳ, theo ông Tùng, đang ở mức 15,5%, một số doanh nghiệp dệt may từng ước đoán thuế suất có thể tăng khoảng 7%, nghĩa là mức thuế nhập khẩu với hàng dệt may ở khoảng 22%. “46% là mức thuế suất chung. Chúng tôi đang trao đổi với các sở, ban ngành và chờ mức thuế suất chi tiết đối với từng mặt hàng,” ông Tùng nói.
Một số giải pháp đang được các doanh nghiệp Việt Nam xem xét bao gồm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, chuyển hướng sang các thị trường tiềm năng khác như châu Âu, Nhật Bản, hoặc tận dụng các hiệp định thương mại tự do đã ký kết để tìm kiếm cơ hội mới. Một số công ty cũng đang nghiên cứu khả năng dịch chuyển một phần sản xuất ra các nước có mức thuế thấp hơn để giảm tác động từ hàng rào thuế quan của Mỹ.
Bên cạnh đó, chính phủ Việt Nam cũng đang tích cực tìm kiếm đối thoại với Mỹ nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực từ chính sách thuế này. Một số biện pháp như tăng cường nhập khẩu hàng hóa Mỹ, điều chỉnh chính sách thương mại để giảm thâm hụt song phương có thể được đưa ra nhằm thuyết phục Washington có cách tiếp cận mềm dẻo hơn. "Ông Donald Trump biết, nếu Việt Nam chịu thuế cao hơn các đối thủ cạnh tranh như Bangladesh, Pakistan, ASEAN thì nền kinh tế Việt Nam dễ bị tổn thương nên buộc Việt Nam đàm phán và đạt được nhiều nhượng bộ," ông Nguyễn Tú Anh, ban Chính sách, chiến lược Trung ương, chia sẻ với Bloomberg Businessweek Việt Nam. "Ông Trump cho các nước một tuần để mặc cả, như đã làm với Canada và Mexico"
Dù vậy, việc điều chỉnh chính sách thuế quan của Mỹ vẫn còn là một ẩn số, và các doanh nghiệp Việt Nam cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để đối phó với những biến động sắp tới. Nếu không có giải pháp hiệu quả, nguy cơ mất thị phần vào tay các đối thủ cạnh tranh từ Thái Lan, Ấn Độ hay Malaysia là hoàn toàn có thể xảy ra, ảnh hưởng không nhỏ đến tăng trưởng xuất khẩu và việc làm trong nước. - Với sự hỗ trợ của Tuấn Anh, Linh Chi
(Bổ sung nhóm mặt hàng được loại trừ ở đoạn đầu; ý kiến của ông Nguyễn Mạnh Hà ở đoạn thứ hai; ý kiến ông Nguyễn Tú Anh vào đoạn thứ tám từ trên xuống. Bổ sung nội dung liên quan doanh nghiệp dệt may - đoạn thứ tư từ dưới lên)
Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn
https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/xuat-khau-viet-nam-chiu-tac-dong-ra-sao-truoc-cu-soc-thue-quan-tu-chinh-phu-donald-trump-52936.html
Tặng bài viết
Đối với thành viên đã trả phí, bạn có 5 bài viết mỗi tháng để gửi tặng. Người nhận quà tặng có thể đọc bài viết đầy đủ miễn phí và không cần đăng ký gói sản phẩm.
Bạn còn 5 bài viết có thể tặng
Liên kết quà tặng có giá trị trong vòng 7 ngày.
BÀI LIÊN QUAN
Truy cập nhanh
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh
Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 8889.0868
Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn
© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media