Kinh tế

Việt Nam nỗ lực chặn làn sóng thép giá rẻ từ Trung Quốc

Katharine Gemmell 23/04/2025 14:59

Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang đẩy Việt Nam vào thế khó, khi nước này cố gắng bảo vệ ngành thép nội địa trước áp lực từ cả hai phía.

2000x1335-1-.jpg
Nhà máy Pomina Flat Steel JSC tại Phú Mỹ, Việt Nam vào ngày 9 tháng 4. Các nhà sản xuất thép Việt Nam đang cảm nhận được tác động của những thay đổi lớn về địa chính trị và thương mại toàn cầu. Hình ảnh: Thong Vu/Bloomberg

Tác giả: Katharine Gemmell

23 tháng 4, 2025 lúc 2:59 PM

Tám giờ sáng, nhiệt độ bên trong nhà máy Pomina Flat Steel JSC ở ngoại ô TP.HCM hừng hực vì hơi nóng từ lò luyện kim loại. Ca đêm vừa kết thúc mẻ đúc cuối cùng, khi kim loại nóng chảy được rót vào khuôn, làm nguội rồi cắt thành từng thanh thép. Cách đó không xa, tại cơ sở của tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel), một dải thép dài được tháo khỏi cuộn, ngâm qua bể axit rồi đưa vào máy cán áp lực cao, khiến nó trở nên mỏng hơn nhưng cũng cứng cáp hơn.

Sau khi hoàn thành, những lô thép này sẽ được bán ra ở một trong những thị trường tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Theo hiệp hội Thép Việt Nam, sản lượng thép trong nước năm nay có thể tăng tới 10%. Nhu cầu tiêu thụ thép có thể đạt 25 triệu tấn, tăng khoảng 5% so với năm ngoái. Trong khi đó, ngành thép có quy mô lớn của Trung Quốc đang chật vật vì tình trạng dư cung và cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài.

Sự trỗi dậy kinh tế và phát triển nhanh chóng của Việt Nam đã mang lại lợi thế rõ rệt cho các doanh nghiệp như Pomina và VNSteel. Tuy nhiên, giống như các nhà sản xuất thép khác trên thế giới, họ đang đối mặt với những biến động lớn trong thị trường thương mại quốc tế. Các công ty này hiện bị kẹt giữa làn sóng phản đối thép giá rẻ và các biện pháp trừng phạt thuế quan từ Mỹ, vốn nhắm vào các nền kinh tế sản xuất như Việt Nam.

“Chúng tôi giờ phải tính đến nhiều yếu tố mới, bao gồm cả rủi ro địa kinh tế đang định hình lại chuỗi cung ứng thép toàn cầu,” ông Jiang Li, nhà phân tích kỳ cựu tại Baoshan Iron & Steel, phát biểu tại hội nghị Thị trường Thép Châu Á Kallanish đầu tháng Tư này. “Thế giới đang thay đổi và đang dần thoát khỏi thời kỳ toàn cầu hóa kéo dài hàng chục năm qua, và bước vào một giai đoạn phi toàn cầu hóa rõ rệt hơn.”

2000x1335-2-.jpg
Các cuộn thép được nâng lên bên trong nhà máy của Vietnam Steel Corp. tại Phú Mỹ vào ngày 9 tháng 4. Ngành thép Việt Nam đã phát triển để đáp ứng nhu cầu trong nước, trong bối cảnh đất nước mở rộng sản xuất và hạ tầng. Hình ảnh: Thong Vu/Bloomberg

Trong bối cảnh đó, ngành công nghiệp kim loại của Việt Nam đã phát triển nhanh chóng để đáp ứng nhu cầu trong nước. Quốc gia này đang đẩy mạnh việc xây dựng các khu sản xuất, tuyến metro, đường cao tốc và sân bay—tương tự như phần lớn các quốc gia Đông Nam Á khác.

Tuy nhiên, khác với các nước láng giềng, Việt Nam là quốc gia nhập khẩu thép Trung Quốc nhiều nhất. Đây là một thị trường dễ tiếp cận và nhạy cảm về giá đối với các nhà sản xuất, trong bối cảnh Trung Quốc đang phải đối mặt với tình trạng tăng trưởng chậm và có ít thị trường xuất khẩu để lựa chọn hơn. Năm ngoái, lượng thép nhập khẩu vào Việt Nam đạt mức cao kỷ lục, nhờ nhu cầu tăng vọt trong nửa đầu năm. Tính từ năm 2020, giá trị kim ngạch nhập khẩu thép từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng gần 500%.

Tháng Hai năm nay, trước áp lực từ các nhà sản xuất trong nước, Việt Nam đưa ra biện pháp áp thuế tự vệ. Mức thuế lên tới khoảng 28% áp dụng cho thép cuộn cán nóng—nguyên liệu chính trong các công trình hạ tầng và sản phẩm tiêu dùng. Sau đó, Việt Nam tiếp tục áp thêm mức thuế hơn 37% đối với thép mạ kẽm nhập khẩu từ Trung Quốc. Các biện pháp này hiện có hiệu lực tạm thời.

Khi ngày càng nhiều quốc gia áp dụng hoặc có ý định áp dụng thuế quan, Bloomberg Intelligence ước tính đầu tháng này rằng khoảng 50% xuất khẩu thép của Trung Quốc bị ảnh hưởng—một cú huých có thể kéo giảm xuất khẩu của Trung Quốc tới 14% trong năm nay.

Theo ông Vũ Trần, cựu trưởng bộ phận giao dịch thép khu vực của tập đoàn hàng hóa toàn cầu Cargill, các biện pháp chống bán phá giá đối với thép Trung Quốc đã giúp tạo ra một sân chơi công bằng hơn cho các nhà sản xuất Việt Nam. “Khi các nhà sản xuất Trung Quốc không còn có thể hạ giá bán, các nhà máy thép Việt Nam hiện có thể cạnh tranh sòng phẳng về chi phí,” ông nói.

Việc cạnh tranh với thép Trung Quốc vẫn còn khá mới mẻ với nhiều quốc gia trong khu vực. Trong giai đoạn 2015–2016, khi Trung Quốc đẩy mạnh xuất khẩu, phần lớn lượng hàng đã tràn vào Đông Nam Á. Nhưng hiện nay, các nước như Việt Nam, Indonesia và Malaysia đều đã xây dựng được ngành thép nội địa mạnh mẽ hơn, với năng lực sản xuất và hệ thống tiêu thụ trong nước ngày càng ổn định hơn.

Tuy nhiên, tình hình cạnh tranh ở nước ngoài hiện cũng trở nên khắc nghiệt hơn. Những tuần gần đây, Mỹ áp hàng loạt mức thuế trừng phạt mới, bao gồm cả thuế nhắm vào mặt hàng thép. Nhiều quốc gia khác cũng đang dựng thêm rào cản thương mại để chặn dòng thép giá rẻ từ Đông Nam Á.

Tại Ấn Độ, khi chính phủ xây dựng kế hoạch áp dụng các biện pháp bảo vệ ngành thép trong nước, họ đã cảnh báo về nguy cơ Việt Nam gia tăng xuất khẩu sang thị trường này. Việt Nam hiện đã trở thành nước xuất khẩu ròng vào Ấn Độ, trong bối cảnh năng lực sản xuất tại Đông Nam Á cũng đang mở rộng nhanh chóng.

2000x1335-3-.jpg
Nhà máy cán thép Pomina. Hình ảnh: Thong Vu/Bloomberg
2000x1334-4-.jpg
Phòng điều khiển bên trong nhà máy Pomina. Các quốc gia ở Đông Nam Á hiện nay đều sở hữu ngành công nghiệp thép nội địa quy mô lớn và thị trường trong nước cần được bảo vệ. Hình ảnh: Thong Vu/Bloomberg

Tại thị trường nội địa, cạnh tranh về giá và thị phần đang diễn ra gay gắt, theo ông Lê Minh Tú, giám đốc phòng tiếp thị và kế hoạch của VNSteel. Ông cho biết thêm các chính sách thuế quan khó dự đoán từ chính phủ Mỹ, cùng làn sóng bảo hộ thương mại toàn cầu, đang ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất khẩu thép của Việt Nam.

Việt Nam hiện bước vào một giai đoạn ngoại giao căng thẳng. Khi tổng thống Mỹ Donald Trump áp mức thuế đối ứng lên hàng loạt quốc gia, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất, với mức thuế lên tới 46%, trước khi tạm hạ xuống 10%. Việt Nam đã nhanh chóng cử đoàn đàm phán sang Washington.

Ngay sau đó, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Việt Nam nhằm củng cố quan hệ ngoại giao. Vài ngày sau, thủ tướng Phạm Minh Chính tuyên bố Việt Nam có "mối quan hệ đặc biệt" với Mỹ.

Chuyên gia Hoang Thi Ha từ viện ISEAS – Yusof Ishak nhận định, Việt Nam là ví dụ điển hình về quốc gia bị giằng co giữa hai đối tác lớn—tình thế chung của nhiều nền kinh tế Đông Nam Á khác hiện nay.

“Không chỉ Việt Nam, mà nhiều nền kinh tế Đông Nam Á khác cũng đang rơi vào tình cảnh tương tự. Mỹ không chỉ muốn tách khỏi Trung Quốc mà còn muốn các nước khác cũng làm điều đó,” bà nói thêm.

Ngành sản xuất thép hiện đang chịu sự giám sát gắt gao hơn trên toàn cầu do được xem là trụ cột cho phát triển công nghiệp và chiến lược quốc gia. Trong bối cảnh đó, ngành thép Việt Nam vẫn đang thích nghi một cách linh hoạt.

"Họ phải đối mặt với các mức thuế của Trump, cạnh tranh với thép Trung Quốc trên thị trường toàn cầu," ông Vy Nguyễn, nhà phân tích tại Vietcap Securities JSC, cho biết. "Có rất nhiều khó khăn."

Dù đối mặt với tình trạng dư cung, ngành thép Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội để phát triển. Nhu cầu nội địa đang tăng, trong khi tiềm năng mở rộng xuất khẩu cũng được khai thác mạnh mẽ.

Tập đoàn Hòa Phát, nhà sản xuất thép lớn nhất cả nước, dự kiến sẽ đưa tổ hợp sản xuất gang thép Dung Quất 2 vào vận hành trong năm nay. Tổ hợp này sẽ bổ sung thêm 5,6 triệu tấn thép cuộn cán nóng mỗi năm cho nguồn cung nội địa.

Theo nghiên cứu của CRU Group, dự án này có thể giúp giảm 11% chi phí sản xuất trung bình cho loại sản phẩm này tại Việt Nam vào năm 2025 so với năm ngoái. Nhờ đó, ngành thép sẽ có thêm lợi thế cạnh tranh trước thép nhập khẩu từ Trung Quốc và mở rộng được sang các thị trường xuất khẩu mới, bất chấp rào cản thuế quan.

Chiến dịch áp thuế toàn cầu của ông Trump khiến nhiều quốc gia khác cũng chịu ảnh hưởng, kéo theo những rào cản thương mại mới. Tuy nhiên, điều này lại giúp Việt Nam không còn bị cô lập như trước.

2000x1335-4-.jpg
Các cuộn thép tại xưởng sản xuất của VNSteel. Hình ảnh: Thong Vu/Bloomberg

“Việt Nam hiện đang ở vị thế thuận lợi hơn nhiều nước, chẳng hạn như Canada,” ông Shankhadeep Mukherjee, chuyên gia phân tích tại CRU Group, nhận định. Theo ông, việc Washington dỡ bỏ ngoại lệ chịu thuế quan đối với một số nước đã tạo ra lợi thế rõ rệt cho Việt Nam. “Điều này cho phép Việt Nam có thể duy trì biên lợi nhuận cao hơn, đồng thời hạ giá đủ để vượt mặt Canada.”

Tại nhà máy của VNSteel, những tấm thép đang được cán thành dạng mỏng và sáng bóng hơn — thành phẩm là thép cuộn cán nguội, dùng trong đủ loại sản phẩm từ ô tô đến đồ gia dụng. Các cuộn thép lớn được xếp hàng, chuẩn bị xuất xưởng để vận chuyển khắp cả nước và ra thị trường quốc tế. Một cuộn đã được dán nhãn để gửi sang Indonesia.

Khi năng lực sản xuất trong nước tăng lên và năng lực cạnh tranh được cải thiện, ngày càng nhiều sản phẩm sẽ được xuất khẩu theo hướng tương tự.

“Việc mở rộng sang các thị trường mới hoặc tìm kiếm thị trường thay thế trở nên quan trọng hơn bao giờ hết trong bối cảnh thuế quan liên tục được áp dụng. Khi nguồn cung dư thừa, các nhà sản xuất buộc phải đẩy mạnh xuất khẩu nếu muốn duy trì hoạt động,” ông Tomas Gutierrez, chuyên gia phân tích tại công ty tư vấn Kallanish Commodities, nhận định. “Cũng giống như việc các thương nhân Trung Quốc đang ra nước ngoài để bán thép, nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ bắt đầu tìm đường sang các thị trường như EU hay Mỹ Latinh.”

– Với sự hỗ trợ của Nguyen Kieu Giang

Theo Bloomberg

Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn

https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/viet-nam-no-luc-chan-lan-song-thep-gia-re-tu-trung-quoc-53047.html

#thép
#Trung Quốc
#thương mại quốc tế
#thuế quan
#Mỹ
#chuỗi cung ứng
#ngành công nghiệp kim loại
#xuất khẩu
#ngành sản xuất thép
#thị trường xuất khẩu

Đăng ký nhận bản tin miễn phí

Liên hệ

Hợp tác quảng cáo

Chăm sóc khách hàng: (028) 888 90868

Email: cs@bloombergbusinessweek.vn

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh

Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại: (028) 8889.0868

Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn

© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media