Công nghệ

Trung Quốc và tham vọng lật đổ đồng đô la Mỹ bằng blockchain

Nhờ dự án chuỗi khối (blockchain) mBridge, đồng NDT điện tử ngày càng thách thức vị thế thống trị của đồng đô la Mỹ, với khối lượng giao dịch hằng ngày đạt 7 ngàn tỉ đô la Mỹ tại các sàn giao dịch ngoại hối.

Ảnh: Bloomberg

Ảnh: Bloomberg

Tác giả: Bastian Benrath, Alessandro Speciale, Christopher Condon

08 tháng 5, 2024 lúc 11:41 AM

Một nền tảng mới để mở rộng tầm với của đồng nhân dân tệ (NDT) số của Trung Quốc, cũng như những đồng tiền điện tử của những ngân hàng trung ương các nước, đang ngày càng trở thành hiện thực, khiến những người lâu nay vẫn bảo vệ một hệ thống do đồng đô la Mỹ thống trị không khỏi quan ngại.

mBridge, tên gọi mô hình số đang trong giai đoạn thử nghiệm do chính quyền Trung Quốc hậu thuẫn, là nền tảng để gửi tiền khắp toàn cầu mà không cần dựa vào các ngân hàng của Mỹ, và nền tảng này đang tăng trưởng với tốc độ nhanh chóng đến mức nhiều nhà quan sát châu Âu và Mỹ xem nó như thách thức đang nổi lên đối với các giao dịch thanh toán phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ trong hệ thống tài chính toàn cầu.

Dự án mBridge đang được Trung Quốc, Thái Lan, Hong Kong và các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) chung tay phát triển, dự kiến sẽ ra mắt sản phẩm hoạt động ở mức cơ bản vào cuối năm nay - theo nguồn tin từ bốn nhân vật hiểu về dự án. mBridge cũng là dự án hợp tác cùng ngân hàng Thanh toán quốc tế (Bank for International Settlements), có trụ sở tại Basel, Thụy Sĩ - trung tâm hợp tác ngân hàng trung ương toàn cầu.

Yếu tố được và mất của dự án là vô cùng lớn. Đồng đô la Mỹ là nền tảng cho lượng giao dịch ngoại hối đạt giá trị ước tính 6,6 ngàn tỉ đô la Mỹ mỗi ngày, và một nửa trong tổng thương mại toàn cầu 32 ngàn tỉ đô la Mỹ mỗi năm được thanh toán bằng đồng đô la Mỹ, theo dữ liệu của BIS và Liên hợp quốc. Dự án mBridge được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện để đồng NDT của Trung Quốc dễ thay thế đồng đô la Mỹ hơn, bằng cách sử dụng phiên bản điện tử của tiền tệ này trong giao dịch doanh nghiệp lớn.

Tuy nền tảng này đã được phát triển công khai từ năm 2017, một số quan chức Mỹ và châu Âu theo dõi diễn biến đang ngày càng lo ngại mBridge sẽ giúp Bắc Kinh đi trước một bước trong sử dụng tiền điện tử để cách mạng hóa thanh toán quy mô lớn xuyên biên giới.

Theo giới phân tích, một phương tiện số thay thế cho giao dịch bằng đồng đô la Mỹ có thể giúp các bên dễ né tránh những lệnh trừng phạt, lách thuế, cũng như rủi ro không tuân thủ các quy định về rửa tiền. Trong lúc đó, sự phân mảnh trong lĩnh vực thanh toán toàn cầu thành nhiều hệ thống cạnh tranh nhau sẽ càng làm gia tăng những căng thẳng địa chính trị.

Josh Lipsky, giám đốc trung tâm Địa kinh tế (GeoEconomics) của hội đồng Đại tây dương cho biết việc mBridge đang “thành hình” tại BIS đã gây những quan ngại tại Washington. “Nếu tách riêng ra, dự án này trông thật kỳ lạ vì nó nêu ra những câu hỏi về tham vọng của Trung Quốc trong việc giảm thiểu sự phụ thuộc vào hệ thống thanh toán dựa trên đồng đô la Mỹ,” Lipsky nói. “Nhưng Trung Quốc, cũng như bao nhiêu ngân hàng trung ương khác, đang làm việc cùng BIS vì đây là nơi đang diễn ra những nghiên cứu tân tiến nhất trong lĩnh vực này.”

Ross Leckow, phó giám đốc trung tâm Đổi mới sáng tạo BIS (BIS Innovation Hub), đơn vị điều phối dự án mBridge, cho biết sau giai đoạn phát triển hiện tại vẫn chưa có một kế hoạch thời gian cụ thể nào cho một hệ điều hành. Theo ông, bước tiếp theo là thử nghiệm xem bản thử nghiệm của nền tảng này có thể làm một sản phẩm khả dụng tối thiểu hay không.

Cơ quan tiền tệ Hong Kong cho biết, các bên đều có chung mục tiêu ra mắt một sản phẩm khả dụng tối thiểu vào năm sau, đồng thời cho biết nỗ lực này là “ưu tiên của khối G20 trong thử nghiệm dùng công nghệ mới nhằm đem lại phương thức thanh toán xuyên biên giới theo thời gian thực rẻ hơn, an toàn hơn.”

Ngân hàng Thái Lan ca ngợi mục tiêu của sáng kiến mBridge khi “chỉ mặt đặt tên” được những vấn đề cố hữu trong thanh toán xuyên biên giới, và cho biết BIS “liên tục tiếp cận mời gọi thêm các khu vực mới tham gia dự án.”

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc và ngân hàng Trung ương UAE hiện không đưa ra phản hồi nào. 

Dẫu vậy, mBridge được xem là quá tiên tiến đến mức quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã phải tổ chức những cuộc thảo luận trong tháng 4.2023 về làm sao để đặt một nền tảng tối quan trọng như vậy dưới sự quản lý và giám sát của một tổ chức quốc tế, theo những nguồn tin từ chối tiết lộ danh tính. IMF muốn tránh việc dự án này từ chỗ một giải pháp mang tính công nghệ bị biến thành một công cụ địa chính trị.

ndt_02.png
Nguồn: Ngân hàng BIS, cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), Bloomberg

Ghi chú: CBDC = Tiền điện tử của (các) ngân hàng trung ương. Tiền CBDC ở số lượng lớn được dùng giữa các tổ chức tài chính, tiền CBDC ở số lượng nhỏ lẻ được dùng bởi người tiêu dùng cuối.

Trả lời câu hỏi qua thư, Federico Grinberg, nhà kinh tế học cấp cao phụ trách thị trường vốn và tiền tệ của IMF, cho biết họ chưa có kế hoạch nào để đặt bất cứ nền tảng hiện hữu nào dưới sự quản lý hoặc giám sát quốc tế, đồng thời cho rằng những cuộc thảo luận đầu tiên chỉ mang tính “kỹ thuật” và không nhắc cụ thể đến mBridge. “IMF nhìn nhận điều tối quan trọng là đông đảo các thành viên của chúng tôi được tham gia vào cuộc thảo luận này, bởi những lợi ích lớn lao của quá trình cải tiến hoạt động thanh toán xuyên biên giới với các nước mới nổi và thu nhập thấp,” Grinberg nói.

Một người phát ngôn của BIS nói cuộc họp không thảo luận về kiểm soát và giám sát quốc tế với mBridge, và đó cũng không phải mục đích của cuộc họp.

Dòng chảy tiền số là lĩnh vực nghiên cứu đang “nóng” vì vẫn còn nhiều khó khăn khi chuyển tiền xuyên biên giới. Công tác chuyển tiền đòi hỏi hàng loạt tin nhắn được tổ chức giữa các ngân hàng tư nhân, và các ngân hàng trung ương cấp phép rồi xác nhận mỗi bước đó trong cả quá trình. Tuy nhiều giao dịch như vậy có thể hoàn thành trong một tiếng đồng hồ, một số giao dịch khác lại mất nhiều ngày, nhất là nếu chuyển tiền sang các quốc gia và đồng tiền ít phổ biến.

Vì tính thanh khoản và giá trị tương đối ổn định của đồng đô la Mỹ, các công ty khắp thế giới dựa rất nhiều vào “đồng bạc xanh” để thanh toán. 

Giám sát từ Mỹ

Và điều đó đem lại lợi thế kinh tế và chính trị lớn cho nước Mỹ. Một trong số những lợi ích là việc một phần lớn giao dịch tài chính xuyên biên giới phải đi qua các ngân hàng được cấp phép ở Mỹ, chịu sự chi phối của pháp luật Mỹ cũng như hệ thống các lệnh trừng phạt và thuế quan của Mỹ.

Nhưng chuyển đồng đô la Mỹ xuyên biên giới cũng rắc rối không kém các giao dịch khác. Giao dịch thường phải diễn ra trong giờ làm việc theo khung giờ Mỹ và có thể bị giữ lại trong kỳ nghỉ ở bất kỳ nước nào có liên quan, mở ra cơ hội cho những nền tảng như mBridge (tên gọi này ngụ chỉ một cây cầu liên kết các loại tiền kỹ thuật số - CDBC - với nhau).

Lập luận ở đây là nếu giao dịch diễn ra trên nền tảng số nhờ công nghệ chuỗi khối, mọi chuyện có thể dễ dàng hơn nhiều. Dự án mBridge cho biết tài chính cho thương mại là một trong những công dụng lớn nhất mà họ nghĩ tới, hiện các nước tham gia dự án đang giao dịch lượng hàng hóa và dịch vụ trị giá khoảng 564 tỉ đô la Mỹ.

Mục đích của dự án nhằm tạo điều kiện cho những giao dịch và trao đổi ngoại hối lớn trực tiếp giữa các ngân hàng thương mại tham gia, sau khi họ đổi tiền mặt lấy tiền điện tử (dưới dạng token) từ ngân hàng trung ương của mình. Và bằng cách sử dụng công nghệ sổ cái phân tán (distributed ledger), giống nền tảng của Bitcoin, những giao dịch này có thể diễn ra gần như ngay lập tức, vào bất cứ thời điểm nào trong ngày hoặc trong tuần.

Vào tháng 8 và 8.2022, các đối tác của mBridge và các ngân hàng thương mại ở những quốc gia tham gia đã tiến hành thử nghiệm thí điểm cho khoảng 160 giao dịch có trị giá tổng cộng 22 triệu đô la Mỹ, theo báo cáo mới nhất của dự án. 

Bằng cách sử dụng mBridge, một công ty ở Trung Quốc có thể trả tiền cho một đơn vị bán hàng ở UAE bằng cách yêu cầu ngân hàng của họ ấn hành token nhân dân tệ qua ngân hàng Trung ương Trung Quốc trên chuỗi khối (hoặc sổ cái) của mBridge. Tại đây, token này sẽ được ghi nhận “có” chỉ sau vài giây đồng hồ tại ngân hàng của đơn vị bán hàng ở UAE, rồi chuyển thành đồng dirham (tiền tệ của UAE) trong sổ sách kế toán của đơn vị bán hàng.

Theo hai nguồn tin về dự án, xương sống của mBridge là một chuỗi khối do Trung Quốc tự phát triển. 

ndt_03.png
Nguồn: Ngân hàng BIS

Leckow có nhận định khác, ông cho biết dự án này là nỗ lực của tập thể và “một số sổ cái phân tán được tạo ra với dữ liệu đầu vào từ cả bốn ngân hàng trung ương tham gia” cùng BIS. Việc sử dụng công nghệ mới “sẽ không thể gia tăng bởi bất cứ bên đơn lẻ nào, nếu không có sự tham gia của những nước khác,” ông nói. Cũng theo ông, “mỗi ngân hàng thương mại liên quan tới việc dùng thử nền tảng mBridge có nghĩa vụ phải tuân thủ luật pháp và quy định hiện hành, bao gồm pháp luật về thuế, chống rửa tiền và thực thi các lệnh trừng phạt.” Dự án có tổng cộng 23 quan sát viên quốc tế, bao gồm cục Dự trữ liên bang Mỹ, và ngân hàng Trung ương châu Âu, theo BIS.

Tính bằng ngày so với tính bằng giây

Nếu được áp dụng và đi vào vận hành, mBridge sẽ cho phép các ngân hàng thương mại ở nước A được tiếp cận với tiền tệ ấn hành bởi ngân hàng trung ương nước B, thay vì phải thông qua các tổ chức trung gian, hay ngân hàng đối tác tương ứng. Trong bối cảnh những người chỉ trích cho rằng điều này sẽ khiến các bên có điều kiện lớn hơn để né dùng đồng đô la Mỹ, cũng như lách các lệnh trừng phạt hoặc né thuế, phe ủng hộ cho rằng một dự án như vậy sẽ giúp giảm bớt rất nhiều xung đột so với hiện tại.

Ngân hàng trung ương Thái Lan nói mBridge có thể giúp giảm thời gian giao dịch xuyên biên giới từ 5 ngày xuống chỉ còn “vài giây,” trong một thư trả lời câu hỏi của Bloomberg. Hệ thống mới cũng “mang đến nhiều lợi ích hơn cho người dùng cuối cũng như các ngân hàng thương mại nếu có sự tham gia của nhiều khu vực hơn.”

Bộ Ngân khố Mỹ, cơ quan giám sát việc tuân thủ các biện pháp trừng phạt, Nhà Trắng, và cục Dự trữ liên bang (FED), nơi định hướng chính sách tiền tệ và giám sát hệ thống thanh toán trong nước, đều từ chối bình luận về những ngụ ý của dự án này. Eswar Prasad, giáo sư đại học Cornell kiêm tác giả cuốn The Future of Money (Tương lai của tiền) cho rằng chính quyền Mỹ có vẻ quá tự tin vào thế thống trị của đồng đô la Mỹ, nên họ không có nhiều lý do phải lo lắng.

“Những sáng kiến như thế này có thể làm giảm nhẹ ưu thế của đồng đô la Mỹ trong vai trò loại tiền tệ thanh toán quốc tế,” ông nói, nhưng đồng thời cho rằng đồng NDT của Trung Quốc “vẫn còn rất xa mới có thể là một đối thủ nghiêm túc của đồng đô la Mỹ.”

ndt_04.png

Ananya Kumar của hội đồng Đại Tây Dương, trong một bài viết đăng tháng 4.2023 về tham vọng tiền điện tử của Trung Quốc cũng chỉ ra những trở ngại cụ thể có thể hạn chế tác động của mBridge, chẳng hạn tính thanh khoản của đồng NDT.

Chưa rõ điều gì sẽ xảy ra với mBridge sau khi hoàn tất giai đoạn phát triển. Những công nghệ được xây dựng trong các dự án BIS Innovation Hub trong quá khứ được các ngân hàng thương mại tham gia để tự chế tạo sản phẩm của riêng mình, chẳng hạn công cụ bán sỉ CBDC mà ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ dự định ra mắt.

Nhưng hiện tại chưa có bất cứ bộ hướng dẫn nào trong trường hợp một dự án kiểu này gây ra những tranh cãi về chính trị.

BIS đã xác nhận giám đốc toàn cầu phụ trách Innovation Hub của họ, Cecilia Skingsley, mới đây đã đi thăm Trung Quốc, Hong Kong và Singapore để trao đổi cùng các ngân hàng trung ương liên quan đến dự án mBridge. Một phát ngôn viên của BIS cho biết mục đích chuyến thăm của Skingsley đến châu Á là gặp gỡ và làm việc với các bên có lợi ích liên quan trong nhiều dự án của Innovation Hub thuộc BIS, và thảo luận về mBridge không phải mục đích duy nhất của chuyến đi.

Theo Leckow, nhiệm vụ cốt lõi của Innovation Hub là thử nghiệm công nghệ, chia sẻ kết quả và kinh nghiệm cho cộng đồng ngân hàng trung ương. “Chúng tôi chứng tỏ khả năng công nghệ có thể mang lại là gì,” ông nói. “Còn quyết định phát triển xa hơn, hay triển khai giải pháp công nghệ cụ thể nào là việc của chính quyền các nước.”

— Với Eric Martin, Stephanie Davidson, Suttinee Yuvejwattana, Kiuyan Wong, Abeer Abu Omar, Yujing Liu, and Chris Anstey

Theo Bloomberg

Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn

https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/trung-quoc-va-tham-vong-lat-do-dong-do-la-my-bang-blockchain-52452.html

#mBridge
#Trung Quốc
#blockchain
#chuỗi khối
#tiền tệ
#FX

Đăng ký nhận bản tin miễn phí

Liên hệ

Hợp tác quảng cáo

Chăm sóc khách hàng: (028) 888 90868

Email: cs@bloombergbusinessweek.vn

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh

Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại: (028) 8889.0868

Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn

© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media