Tài chính

Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh mua vàng nhằm giảm phụ thuộc đồng đô la Mỹ

Các ngân hàng trung ương và quỹ tài sản quốc gia đã tăng gấp đôi tốc độ mua vàng trong ba năm qua — nhưng phần lớn giao dịch không được công bố.

Hình ảnh: Alessia Pierdomenico/Bloomberg

Hình ảnh: Alessia Pierdomenico/Bloomberg

Tác giả: Bloomberg News

04 tháng 6, 2025 lúc 4:15 PM

Các ngân hàng trung ương đang trở thành động lực chính thúc đẩy đợt tăng giá kỷ lục của vàng. Dù quy mô thực sự của hoạt động mua vào này vẫn còn là ẩn số, không ai kỳ vọng nó sẽ dừng lại.

Theo ước tính của các nhà phân tích tại Goldman Sachs, các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đang tích lũy khoảng 80 tấn vàng mỗi tháng, trị giá khoảng 8,5 tỉ USD theo giá hiện tại. Phần lớn giao dịch diễn ra một cách bí mật, nhưng dữ liệu thương mại cho thấy Trung Quốc chiếm tỉ trọng lớn, bên cạnh các bên mua không xác định khác thông qua Thụy Sĩ.

Tổng cộng, các ngân hàng trung ương và quỹ đầu tư quốc gia đang mua vào khoảng 1.000 tấn vàng mỗi năm — tương đương ít nhất một phần tư tổng sản lượng khai thác vàng toàn cầu, theo Hội đồng Vàng Thế giới. Trong một khảo sát của HSBC thực hiện với 72 ngân hàng trung ương hồi tháng 1, hơn một phần ba cho biết sẽ tiếp tục mua thêm vàng trong năm 2025. Không ngân hàng nào có kế hoạch bán ra.

Vàng từ lâu được xem là tài sản trú ẩn trong thời kỳ căng thẳng địa chính trị. Dù làn sóng mua vàng bắt đầu trước khi Tổng thống Donald Trump khởi động cuộc chiến tranh thương mại toàn cầu, xu hướng này cho thấy mối lo ngại ngày càng lớn của một số quốc gia về mức độ phụ thuộc vào đồng USD — đồng tiền dự trữ chi phối hệ thống tài chính toàn cầu. Đà tăng mạnh mẽ của giá vàng trong vài năm qua càng khiến kim loại quý này thêm hấp dẫn.

Ngân hàng Trung ương Kazakhstan, từng là một trong những bên bán vàng lớn nhất năm ngoái, hiện đã chuyển sang vị thế mua ròng và có kế hoạch tiếp tục gia tăng lượng vàng dự trữ, theo thống đốc Timur Suleimenov.

“Vàng thường được xem là tài sản bảo hiểm, nhưng trong bối cảnh hiện nay — với sự hoảng loạn, thuế quan và quá trình tái cấu trúc thương mại toàn cầu — nó lại là một kênh đầu tư không tồi,” ông Suleimenov nói.

Theo Goldman Sachs, niềm tin rằng xu hướng mua vào sẽ tiếp diễn là lý do chính khiến ngân hàng này giữ nguyên dự báo giá vàng cuối năm ở mức 3.700 USD/ounce. Tính đến ngày 3 tháng 6, giá vàng giao dịch ở mức 3.360 USD/ounce, gần bằng mức đỉnh tháng 4 là 3.500 USD.

Tốc độ mua vàng tăng mạnh sau khi Mỹ và các đồng minh đóng băng dự trữ ngoại hối của Nga vào năm 2022, sau cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine. Động thái này buộc nhiều ngân hàng trung ương phải xem xét lại chiến lược dự trữ và tìm cách đa dạng hóa. Trong bối cảnh lạm phát và lo ngại rằng Mỹ có thể đối xử thiếu công bằng với các chủ nợ nước ngoài, vàng trở thành lựa chọn ngày càng hấp dẫn với các nhà hoạch định chính sách.

“Vàng là tài sản dự trữ an toàn nhất,” ông Adam Glapinski, thống đốc Ngân hàng Trung ương Ba Lan — một trong những bên mua vàng nhiều nhất những năm gần đây — phát biểu. “Vàng không chịu tác động trực tiếp từ chính sách kinh tế của bất kỳ quốc gia nào, có khả năng chịu khủng hoảng tốt và giữ được giá trị thực trong dài hạn.”

Trở lại thời hoàng kim

Trong thập niên 1990, các ngân hàng trung ương ở Thụy Sĩ, Canada và đặc biệt là Anh đã bán ra lượng lớn vàng, góp phần đẩy thị trường vào một chu kỳ giá xuống kéo dài cả thập kỷ. Khi đó, vàng bị xem là tài sản lỗi thời, chỉ dành cho những người sợ rủi ro, trong khi giới tài chính ưu tiên nắm giữ đồng USD.

Lượng mua chỉ bắt đầu tăng trở lại sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và tăng mạnh hơn nữa kể từ khi các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga được áp đặt. Tuy nhiên, phần lớn hoạt động mua từ thời điểm đó đến nay không được công bố chính thức. Dữ liệu ghi nhận không có nhiều thay đổi, dù giá vàng đã tăng gấp đôi từ cuối năm 2022 đến đầu năm 2025.

Chỉ số chính thường được dùng để đo lường lượng vàng mà các ngân hàng trung ương và quỹ tài sản quốc gia mua vào là dữ liệu do Hội đồng Vàng Thế giới — tổ chức đại diện cho các công ty khai thác vàng — thu thập. Hội đồng này kết hợp dữ liệu công khai, thống kê thương mại và nghiên cứu tại hiện trường. Trong năm 2024, chỉ khoảng một phần ba các giao dịch mà họ phát hiện được công bố rộng rãi.

Hầu hết ngân hàng trung ương sẽ báo cáo với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) khi mua vàng để bổ sung vào quỹ dự trữ ngoại hối. Tuy vậy, vẫn có những bên kín tiếng hơn. Nhiều quỹ tài sản quốc gia cũng giữ bí mật về danh mục đầu tư của mình.

Trung Quốc dưới góc nhìn suy đoán

Nhiều nhà phân tích và giới quan sát đã đặt câu hỏi liệu các ngân hàng trung ương và quỹ tài sản quốc gia có đang báo cáo đầy đủ lượng vàng mà họ thực sự nắm giữ hay không, dù đến nay chưa có bằng chứng xác thực.

Dữ liệu chính thức từ Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) thường bị đánh giá là chậm hoặc không đầy đủ. Năm 2015, PBOC từng gây bất ngờ lớn khi công bố lượng dự trữ vàng tăng thêm 600 tấn, sau sáu năm không cập nhật số liệu.

“Thị trường đoán — và tôi nhấn mạnh đây chỉ là đoán — rằng lượng vàng Trung Quốc mua ròng trên thực tế cao hơn rất nhiều so với dữ liệu chính thức,” ông Evy Hambro, giám đốc đầu tư theo chủ đề và ngành tại BlackRock, nhận định.

Việc nhập khẩu vàng vào Trung Quốc được PBOC kiểm soát chặt chẽ và thực hiện qua Sở Giao dịch Vàng Thượng Hải (SGE), nơi xử lý phần lớn nguồn cung vàng trong nước. Vì vậy, khối lượng vàng rút khỏi SGE thường được xem là chỉ báo đáng tin cậy về nhu cầu vàng thực tế.

Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, tổng nguồn cung vàng — bao gồm nhập khẩu ròng, sản lượng khai thác trong nước và lượng vàng tái chế — lại vượt tổng lượng vàng rút khỏi SGE. Điều này khiến thị trường đặt câu hỏi: phần vàng còn lại đang được giữ ở đâu?

Tất nhiên, vẫn có khả năng tồn tại lời giải thích khác. Đây là điều mà ông Martin Lynge Rasmussen, chiến lược gia cấp cao tại công ty tư vấn Exante Data ở New York, đã theo dõi suốt nhiều tháng qua.

"Có một phần lớn nhu cầu vàng hiện chưa được phản ánh đầy đủ trong các thống kê," ông nói. "Những đợt nhập khẩu vàng tăng đột biến thường trùng với các ước tính chưa rõ nguồn gốc về lượng mua từ ngân hàng trung ương và quỹ tài sản quốc gia, theo dữ liệu của Hội đồng Vàng Thế giới."

Các dấu hiệu trên thị trường cũng cho thấy Trung Quốc có thể đang tích cực mua vàng. Khác với các thỏi vàng tiêu chuẩn được giao dịch tại SGE, các ngân hàng trung ương thường mua bán bằng thỏi lớn nặng 400 ounce — loại phổ biến tại thị trường London nhưng hiếm khi được sử dụng ở nơi khác.

Hoạt động xuất khẩu thỏi vàng từ London sang Trung Quốc — quốc gia mua vàng chính thức lớn nhất — vẫn diễn ra xuyên suốt năm ngoái, kể cả trong những giai đoạn mà PBOC không công bố bất kỳ giao dịch nào. Goldman Sachs ước tính Trung Quốc đã mua trung bình 40 tấn vàng mỗi tháng kể từ năm 2022, dựa trên phân tích dữ liệu thương mại về nhu cầu từ ngân hàng trung ương và các định chế tài chính của nước này.

“Dòng xuất khẩu này vẫn tiếp diễn ngay cả khi giá vàng tại Thượng Hải thấp hơn giá tại London, điều khó hiểu nếu nhập vàng về để bán lẻ với mức lỗ,” ông Jan Niewenhuijs, nhà phân tích kỳ cựu về thị trường vàng Trung Quốc, nhận định. “Điều đó chỉ hợp lý nếu có sự tham gia từ phía khu vực chính thức.”

Quản lý dự trữ

Việc mua vàng ở nước ngoài cũng hợp lý nếu Trung Quốc muốn chuyển một phần dự trữ ngoại tệ bằng USD sang vàng, bởi giao dịch này chỉ có thể thực hiện trên thị trường quốc tế.

PBOC sở hữu lượng dự trữ ngoại hối và ghi nhận chúng như tài sản trên bảng cân đối kế toán. Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước (SAFE), đơn vị trực thuộc PBOC, chịu trách nhiệm điều hành lượng dự trữ này hằng ngày. SAFE đã không phản hồi các yêu cầu bình luận.

Một lý do khiến quy mô mua vào thực tế không được phản ánh đầy đủ trong số liệu dự trữ chính thức của PBOC có thể là do lượng vàng đó được ghi nhận trong bảng cân đối kế toán của một cơ quan chính thức khác. Hiện Trung Quốc giữ khoảng 6% dự trữ ngoại hối dưới dạng vàng, trong khi con số này ở Mỹ, Đức, Pháp và Ý dao động quanh mức 75% — một di sản từ thời bản vị vàng sau Thế chiến thứ Hai.

Mức trung bình toàn cầu là khoảng 20%, và theo ông Daan Struyven, đồng giám đốc bộ phận nghiên cứu hàng hóa toàn cầu tại Goldman Sachs, đây là mục tiêu hợp lý trong trung hạn đối với các ngân hàng trung ương tại các nền kinh tế mới nổi. Ông cho rằng các ngân hàng sẽ tiến dần đến ngưỡng này để tránh tác động xấu đến thị trường.

Trung Quốc không phải là bên mua lớn duy nhất. Trong những năm gần đây, các ngân hàng trung ương ở Đông Âu và Trung Đông, cũng như một số quỹ tài sản quốc gia, đã liên tục tăng dự trữ vàng của mình.

Một phần lớn lượng vàng do ngân hàng trung ương nắm giữ được xuất khẩu từ Anh và trung chuyển qua Thụy Sĩ đã tăng mạnh sau năm 2022. Dữ liệu thương mại cho thấy hơn 1.200 tấn vàng đã được chuyển vào Thụy Sĩ trong ba năm qua. Lượng vàng này sau đó được lưu trữ tại các kho ở Thụy Sĩ hoặc tiếp tục được vận chuyển đến tay chủ sở hữu cuối cùng.

Đối với nhiều nhà quản lý ngân hàng trung ương, việc Mỹ và các đồng minh đóng băng dự trữ ngoại hối của Nga được xem là minh chứng rõ ràng cho thấy đồng USD có thể bị sử dụng như công cụ trừng phạt, khi quyền tiếp cận hệ thống tài chính có thể bị chặn lại theo quyết định đơn phương của Washington.

Hiện phần lớn dự trữ bị đóng băng của Nga đang được giữ tại Euroclear — tổ chức thanh toán có trụ sở tại Bỉ. Một số lãnh đạo đang kêu gọi tịch thu số tài sản này để hỗ trợ tài chính cho Ukraine. Trong khi đó, nếu vàng được lưu trữ trong nước, tài sản này sẽ không thể bị tịch thu.

Theo ông Struyven, dù tài sản của Nga sau này có được xử lý ra sao trong bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào trong tương lai, một tiền lệ đã được thiết lập. “Các nhà quản lý dự trữ đã thay đổi cách đánh giá rủi ro,” ông nói.

Ngoài nguy cơ bị trừng phạt, những lời đồn đoán rằng chính quyền ông Trump sẽ theo đuổi chính sách cố tình làm suy yếu đồng USD cũng khiến một số tổ chức lo ngại từ đầu năm, theo ông Massimiliano Castelli, giám đốc điều hành tại UBS Asset Management — người tư vấn chiến lược cho nhiều ngân hàng trung ương. Ông cho biết thêm rằng mối lo ngại về tính độc lập của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng đang góp phần làm gia tăng bất ổn.

Trước các mối đe dọa hiện hữu, ông Castelli nhận định rằng tỉ trọng của đồng USD trong tổng dự trữ toàn cầu nhiều khả năng sẽ tiếp tục giảm, và “có thể giảm nhanh hơn so với vài năm gần đây”, khi các ngân hàng trung ương đẩy mạnh nỗ lực đa dạng hóa sang các loại tiền tệ khác và vàng.

“Tuy vậy, lựa chọn dành cho các ngân hàng trung ương vẫn còn hạn chế, do thị trường nợ phát hành bằng các đồng tiền khác ngoài USD vẫn chưa đủ phát triển.”

Dòng vốn đổ vào vàng ngày càng lớn có thể sẽ tiếp tục hỗ trợ đà tăng giá của kim loại quý này, vốn đã tăng gấp đôi kể từ cuối năm 2022. Theo JPMorgan, chỉ cần 0,5% lượng tài sản nước ngoài bằng USD được tái phân bổ trong những năm tới, giá vàng có thể đạt 6.000 USD/ounce vào năm 2029.

“Thị trường vàng là một thị trường lớn, nhưng thị trường USD thì còn lớn hơn nhiều,” ông Hambro từ BlackRock nhận định. “Chỉ cần một phần nhỏ dòng tiền rút khỏi thị trường USD chuyển sang vàng cũng đủ để tạo ra tác động lớn.”

Theo Bloomberg

Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn

https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/trung-quoc-tiep-tuc-day-manh-mua-vang-nham-giam-phu-thuoc-dong-do-la-my-53361.html

#ngân hàng trung ương
#vàng
#Goldman Sachs
#Trung Quốc
#USD
#lạm phát
#Thụy Sĩ
#Nga
#Ukraine
#JPMorgan
#Cục Dự trữ Liên bang Mỹ

Đăng ký nhận bản tin miễn phí

Liên hệ

Hợp tác quảng cáo

Chăm sóc khách hàng: (028) 888 90868

Email: cs@bloombergbusinessweek.vn

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh

Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại: (028) 8889.0868

Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn

© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media