Kinh tế

Tranh luận ngân sách trong liên minh cầm quyền có làm chính phủ Thái Lan sụp đổ?

Mâu thuẫn trong liên minh cầm quyền của Thái Lan có thể làm tê liệt chính sách, đe dọa ngân sách 113 tỉ USD và khiến nhà đầu tư rút vốn khỏi nước này.

Paetongtarn Shinawatra, Thủ tướng Thái Lan, rời cuộc họp tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 46 ở Kuala Lumpur, Malaysia, vào thứ Hai, ngày 26 tháng 5 năm 2025. Hình ảnh: Samsul Said/Bloomberg

Paetongtarn Shinawatra, Thủ tướng Thái Lan, rời cuộc họp tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 46 ở Kuala Lumpur, Malaysia, vào thứ Hai, ngày 26 tháng 5 năm 2025. Hình ảnh: Samsul Said/Bloomberg

Tác giả: Patpicha Tanakasempipat

28 tháng 5, 2025 lúc 10:25 AM

Chính phủ của Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra, mới thành lập cách đây chưa đầy một năm, đang phải đối mặt với thử thách chính trị lớn nhất khi mâu thuẫn giữa hai đảng liên minh chính đang đe dọa kế hoạch ngân sách quốc gia.

Số phận của kế hoạch chi tiêu trị giá 113 tỉ USD hiện phụ thuộc vào lập trường của đảng Bhumjaithai, đảng bảo thủ lớn thứ hai trong liên minh cầm quyền hiện đang nắm gần hai phần ba số ghế tại quốc hội. Đảng này đang đối đầu với Pheu Thai – đảng của bà Paetongtarn và cha bà, cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra.

Hai đảng này đang tranh cãi về nhiều vấn đề, từ việc sửa đổi hiến pháp do quân đội soạn thảo đến các quy định pháp lý về cần sa và kế hoạch mở sòng bạc. Cả hai đều muốn củng cố sức ảnh hưởng và quyền lực của mình trong bộ máy chính phủ. Tuy vậy, theo ông Napon Jatusripitak, điều phối viên Chương trình Nghiên cứu Thái Lan tại Viện ISEAS-Yusof Ishak, cuộc tranh luận ngân sách sẽ khó mà làm chính phủ nước này sụp đổ được.

“Về bản chất, đây là một cuộc chơi căng thẳng,” ông Napon nói. “Nhưng chính người dân Thái Lan mới là bên phải trả giá, khi cải cách bị đình trệ, chính sách bị tê liệt và các thiết chế nhà nước bị lạm dụng làm công cụ đấu đá phe phái – tạo ra một tiền lệ nguy hiểm.”

Bà Paetongtarn và Phó Thủ tướng Anutin Charnvirakul – lãnh đạo đảng Bhumjaithai – đều phủ nhận có bất đồng không thể hàn gắn. Trong tuần này, Bhumjaithai cũng tuyên bố sẽ ủng hộ dự thảo ngân sách.

Tuy nhiên, các trợ lý thân cận của hai vị lãnh đạo vẫn liên tục công kích nhau. Nếu dự thảo ngân sách không được thông qua, tuy Thủ tướng có thể không bị bắt phải từ chức, nhưng điều đó sẽ cho thấy bà đã đánh mất sự ủng hộ từ quốc hội và khiến giới đầu tư lo ngại, nhất là trong bối cảnh Thái Lan đã nhiều lần trải qua khủng hoảng chính trị.

Theo Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế tại ngân hàng Standard Chartered chi nhánh Thái Lan, sẽ có “hệ quả chính trị nghiêm trọng nếu đảng Bhumjaithai không ủng hộ kế hoạch chi tiêu của chính phủ”.

Nguy cơ Mỹ áp thuế 36% đối với hàng xuất khẩu đã buộc nhiều tổ chức nhanh chóng hạ dự báo tăng trưởng của Thái Lan. Trong một năm qua, nhà đầu tư nước ngoài đã rút khoảng 4 tỉ USD khỏi thị trường cổ phiếu nước này.

Giới đầu tư coi ngân sách là yếu tố then chốt, đặc biệt khi ngân hàng trung ương phát tín hiệu không còn nhiều năng lực để hạ lãi suất. Ngành du lịch đang chững lại, trong khi xuất khẩu chỉ được dự báo tăng 1,8%.

Ông Chanin Rungtanakiat, phó phát ngôn viên đảng Pheu Thai, cho rằng đây là điều bình thường trong một liên minh đa đảng với cương lĩnh và lực lượng hậu thuẫn khác nhau.

Người phát ngôn đảng Bhumjaithai, bà Nan Boontida Somchai, khẳng định đảng này sẽ không cố tình bác dự thảo ngân sách trong lần bỏ phiếu đầu tiên. “Những tin đồn về việc chúng tôi đang mâu thuẫn là không đúng sự thật,” bà nói.

Căng thẳng hiện nay bắt nguồn từ cách liên minh cầm quyền được thành lập, khi đảng Vì Nhân dân – lực lượng cải cách giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2023 – bị gạt khỏi chiếc ghế quyền lực. Liên minh hiện tại được hình thành từ thỏa thuận giữa các nhóm bảo hoàng, bảo thủ và ông Thaksin.

Nhờ đó, cựu Thủ tướng được phép trở về Thái Lan sau 15 năm sống lưu vong, còn đảng Pheu Thai do gia đình ông kiểm soát đã bắt tay với các đảng thân quân đội và phe bảo thủ để thành lập chính phủ.

Lãnh đạo đầu tiên của liên minh mong manh này bị phế truất vì vi phạm các quy tắc đạo đức, sau đó được bà Paetongtarn – con gái ông Thaksin – lên thay. Dù Pheu Thai và Bhumjaithai đã tạm gác lại tranh cãi xung quanh luật cần sa và hiến pháp, hai bên tiếp tục mâu thuẫn về kế hoạch mở sòng bạc và cuộc điều tra mở rộng nghi án gian lận bầu cử Thượng viện, dẫn đến các vụ kiện pháp lý gián tiếp.

Tham vọng đối đầu

Ảnh hưởng rõ rệt của ông Thaksin trong việc định hướng chính sách và nỗ lực củng cố vai trò thống lĩnh của Pheu Thai đang mâu thuẫn với tham vọng cá nhân của ông Anutin – người cũng muốn trở thành thủ tướng trong tương lai. Xuất thân từ một gia tộc sở hữu tập đoàn bất động sản lớn, ông Anutin nhận được sự hậu thuẫn của giới bảo hoàng và tầng lớp bảo thủ đã nắm vai trò trung tâm trong nền chính trị Thái Lan kể từ khi nước này chấm dứt chế độ quân chủ tuyệt đối năm 1932.

thaksin-shinawatra.jpg
Paetongtarn Shinawatra, Thủ tướng Thái Lan, rời cuộc họp tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 46 ở Kuala Lumpur, Malaysia, vào thứ Hai, ngày 26 tháng 5 năm 2025. Hình ảnh: Bloomberg

Gia đình Shinawatra hiện vẫn cần đến ông Anutin và đảng của ông, trong bối cảnh cả bà Paetongtarn lẫn ông Thaksin đều đang đối mặt với nhiều vụ kiện tụng.

“Ông Anutin có thể đang chờ bà Paetongtarn bị loại bởi một trong nhiều vụ kiện do các đối thủ đảng bảo thủ khởi xướng, để từ đó nắm lấy cơ hội trở thành thủ tướng,” ông Peter Mumford, Trưởng bộ phận Đông Nam Á tại Eurasia Group, nhận định. “Tuy nhiên, nếu bà ấy thực sự bị hạ bệ, ông Thaksin có thể rút Pheu Thai khỏi liên minh thay vì ủng hộ ông Anutin, và điều này có thể châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng chính trị.” Theo ông Mumford, hiện tại hai đảng vẫn buộc phải duy trì mối quan hệ “bằng mặt nhưng không bằng lòng”.

Điều cấp thiết nhất trong cuộc tranh luận ngân sách hiện nay là tránh để chính sách rơi vào tình trạng tê liệt, theo ông Napon từ ISEAS-Yusof Ishak.

“Nếu đất nước tiếp tục mắc kẹt trong thế bế tắc về chính trị và không có phản ứng kinh tế rõ ràng, Thái Lan sẽ đánh mất cơ hội then chốt để giữ ổn định và phát triển trong khoảng thời gian này,” ông cảnh báo.

Theo Bloomberg

Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn

https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/tranh-luan-ngan-sach-trong-lien-minh-cam-quyen-co-lam-chinh-phu-thai-lan-sup-do-53295.html

#Thaksin Shinawatra
#ngân sách quốc gia
#Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra
#hiến pháp
#sòng bạc
#cần sa
#Anutin Charnvirakul
#Thái Lan
#chính trị

Đăng ký nhận bản tin miễn phí

Liên hệ

Hợp tác quảng cáo

Chăm sóc khách hàng: (028) 888 90868

Email: cs@bloombergbusinessweek.vn

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh

Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại: (028) 8889.0868

Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn

© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media