Một sản phẩm của BEACON MEDIA
Khám phá nhiều hơn với tài khoản
Đăng nhập để lưu trữ và dễ dàng truy cập những bài viết bạn yêu thích trên Bloomberg Businessweek Việt Nam.
Tài chính
Từ tỷ phú đầu tư sang “chiến binh bảo vệ văn hóa”, Bill Ackman đang ủng hộ ông Trump và theo đuổi tham vọng tạo dựng một đế chế tài chính kiểu Warren Buffett.
Minh hoạ: James Kerr/Scorpion Dagger cho Bloomberg Businessweek
Tác giả: Annie Massa và Katherine Burton
07 tháng 6, 2025 lúc 5:48 AM
Tháng 5 năm ngoái, Bill Ackman đưa ra quyết định về việc sẽ ủng hộ ai trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2024. Khi đó ông sắp bước sang tuổi 58, đã đạt đến đỉnh cao sự nghiệp trong giới quản lý quỹ phòng hộ: trở thành tỉ phú, sống bên người vợ thứ hai mà ông gọi là tình yêu đích thực, và sở hữu hơn triệu người theo dõi trên X – với tầm ảnh hưởng vượt khỏi lĩnh vực tài chính. Ông chuẩn bị thử xem tầm ảnh hưởng đó có thể đưa ông đi xa đến đâu.
Trong chuyến đi đến Los Angeles, Ackman đã gặp Elon Musk bên lề Hội nghị Toàn cầu của Viện Milken – một sự kiện tương tự như Davos nhưng dành cho giới tài chính. Ông từng ủng hộ thương vụ Musk mua lại X (trước đây là Twitter), nhưng hai người chưa từng có thời gian trao đổi lâu. Họ gặp nhau khoảng 30 phút trong phòng chờ. Trong một phòng chờ riêng, họ trò chuyện khoảng 30 phút, nơi CEO Tesla khuyến khích ông đứng về phía Donald Trump trước khi rời đi để tham dự một phiên đối thoại.
Vài ngày sau, Ackman gặp trực tiếp ông Trump tại New York, trong một bữa tối với món ravioli. Dù là một nhà tài trợ lâu năm của Đảng Dân chủ, Ackman từng nhiều lần ủng hộ những ứng viên muốn tranh suất tranh cử với ông Trump năm 2024, trong đó có Vivek Ramaswamy, cựu thống đốc New Jersey Chris Christie và Hạ nghị sĩ Dean Phillips của bang Minnesota. Ackman nhiều lần khẳng định nước Mỹ cần một lựa chọn khác ngoài Tổng thống Joe Biden, người mà ông cho là đã quá già và nên lui khỏi chính trường từ năm 2023. Trong khi đó, nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump cũng sẽ mang lại nhiều lợi ích rõ ràng, ví dụ như môi trường kinh doanh thuận lợi và ít quy định hơn.
Ackman được biết đến như một nhà đầu tư chủ động – kiểu người nhắm vào một công ty, chỉ trích lãnh đạo yếu kém hoặc kết quả kinh doanh tệ hại, sau đó gây áp lực để buộc công ty thay đổi, rồi từ đó hưởng lợi khi cổ phiếu tăng giá. Ông từng thực hiện các cuộc cải cách như vậy tại Canadian Pacific Railway và Chipotle Mexican Grill. Tuy nhiên, sau nhiều khoản thua lỗ nặng, ông đã từ bỏ cách tiếp cận đối đầu đó và tìm kiếm lối thoát mới bên ngoài phòng họp hội đồng quản trị.
Cuộc đối đầu của Ackman với giới lãnh đạo các trường Ivy League về chính sách đa dạng, bình đẳng và hòa nhập (DEI) đã khiến bà Claudine Gay từ chức hiệu trưởng Đại học Harvard. Đây cũng là bước mở đầu cho cuộc xung đột giữa Harvard và chính phủ Mỹ dưới thời Tổng thống Trump. Sau đó, ông công bố thành lập một “think and do tank” nhằm giải quyết các vấn đề toàn cầu mà ông quan tâm, bao gồm bài Do Thái và tư tưởng “woke” trong giới học thuật. Kể từ khi Musk tiếp quản X và tăng giới hạn ký tự, Ackman đã tận dụng tối đa nền tảng này, đăng hơn 10.000 bài viết không chỉ về đầu tư và kinh tế mà còn về nhập cư và các “cá cược tâm lý” — các công ty mà ông chỉ trích nhưng không đầu tư vào như trước.
“Tôi không còn là nhà đầu tư chủ động trong giới doanh nghiệp, nhưng tôi vẫn là một nhà đầu tư với phần còn lại của thế giới,”
ACKMAN NÓI VỚI BLOOMBERG BUSINESSWEEK HỒI THÁNG 5
Cũng lúc ông xác định lập trường chính trị của mình, Ackman bắt đầu tìm cách kiếm tiền từ danh tiếng “memelord” mới nổi và củng cố di sản cá nhân. Ông muốn vươn lên và thoát khỏi vai trò quản lý quỹ để trở thành một huyền thoại Phố Wall – sánh ngang với thần tượng lâu năm của mình, CEO Berkshire Hathaway Warren Buffett. Khác với quỹ phòng hộ thường phụ thuộc vào dòng vốn liên tục thay đổi của nhà đầu tư, mô hình của Berkshire có cấu trúc ổn định hơn, điều mà Ackman thấy hấp dẫn. Gần đây, ông nói muốn “xây dựng phiên bản hiện đại của Berkshire Hathaway.”
Những gì Buffett và Ackman xây dựng rất khác nhau. Buffett biến một doanh nghiệp dệt may nhỏ thành tập đoàn bảo hiểm và đầu tư khổng lồ, sở hữu nhiều thương hiệu nổi tiếng, hiện trị giá hơn 1.000 tỉ USD. Trong khi đó, Pershing Square Capital Management của Ackman chủ yếu gồm một quỹ giao dịch tại Sở Giao dịch Chứng khoán London, nắm giữ một số cổ phiếu quen thuộc, cùng với một quỹ phòng hộ nhỏ hơn mô phỏng lại danh mục đó.
Hình ảnh cá nhân của hai người cũng trái ngược hoàn toàn: Buffett xây dựng hình ảnh một tỉ phú gần gũi, vẫn sống trong ngôi nhà mua năm 1958 với giá 31.500 USD; còn Ackman, từng khiến hàng xóm ở khu Upper West Side phản đối vì kế hoạch mở rộng căn penthouse trị giá 22 triệu USD nhìn ra Công viên Trung tâm, lại khá phô trương.
Ackman đã lấy Buffett làm hình mẫu khi kêu gọi nhà đầu tư góp vốn vào một quỹ trị giá tới 25 tỉ USD, dự kiến chào bán công khai tại Mỹ, được xem là một trong những đợt IPO lớn nhất từ trước đến nay. Nhưng đến tháng 7, kế hoạch đổ vỡ khi ông không thể huy động đủ vốn. Dù vậy, ông vẫn tiếp tục với ý tưởng khác: thâu tóm công ty phát triển bất động sản Howard Hughes Holdings, doanh nghiệp chuyên xây dựng khu đô thị tại Arizona, Nevada và Texas. Kế hoạch này có thể giúp ông sở hữu phần lớn cổ phần của nhiều công ty khác — tương tự cách Buffett từng làm khi mua lại Fruit of the Loom, Benjamin Moore, Dairy Queen và hàng trăm công ty con khác.
Nhiều đồng nghiệp của Ackman trên Phố Wall không ưa ông và thường tỏ ra rất hả hê mỗi khi ông thất bại. Nhà đầu tư tóc này bị gán tiếng là người ngạo mạn và biết tuốt. Những thương vụ của ông dao động từ cực kỳ nhạy bén — như khoản lãi hơn 2,6 tỉ USD trong đại dịch — đến hoàn toàn thảm họa, như khoản lỗ 4 tỉ USD với cổ phiếu Valeant Pharmaceuticals.
Trong thế giới của ngành quản lý tài sản vốn kín đáo, việc công khai quan điểm chính trị thường bị xem là phản tác dụng. Buffett, một người ủng hộ đảng Dân chủ lâu năm, gần như đã ngưng bình luận về chính trị kể từ sau chiến thắng của ông Trump năm 2016. Nhưng Ackman thì ngược lại: việc ông công khai ủng hộ Tổng thống Trump đã giúp ông thu hút thêm hai nhóm công chúng mới — nhà đầu tư nhỏ lẻ và “chiến binh bảo vệ văn hóa”.
Đến tháng 9, khi ông chuyển 419.600 USD vào ủy ban Trump 47, tài khoản X của Ackman gần như đã trở thành kênh dành riêng để ca ngợi ông Trump. Ông đăng bài “33 lý do để bầu cho Trump”, rồi xuất hiện trên podcast bảo thủ Triggernometry, nơi ông chia sẻ quan điểm về các câu hỏi như: “Nước Mỹ hiện có khỏe mạnh không?” (không), “Các chính sách DEI có đang hủy hoại nước Mỹ không?” (có), “Chúng ta có đang sống trong một nền văn hóa hèn nhát không?” (cũng có) và “Ông Trump có thực sự gây chia rẽ không?” (không).
Ackman tỏ ra rất phấn khích trước việc Musk chia sẻ lại các bài đăng của mình và thậm chí tham gia vào thuyết âm mưu rằng người nhập cư ăn thú cưng ở Ohio — điều khiến một số người thân cận với ông bất mãn. Whitney Tilson, bạn cũ và cựu chuyên gia tài chính, đã chỉ trích gay gắt những bài đăng của Ackman về chuyện ăn thú cưng, theo các tin nhắn văn bản mà Businessweek thu thập được. “Bill (dĩ nhiên) từ chối thừa nhận sai lầm của ông Trump (và của ông ấy) khi lan truyền một câu chuyện bịa đặt, mang tính phân biệt chủng tộc và bài ngoại,” Tilson viết. Ông hiện đang tranh cử chức thị trưởng thành phố New York với tư cách ứng viên đảng Dân chủ và từ chối bình luận thêm.
Trong vòng 12 tháng trước lễ nhậm chức của ông Trump, Ackman đã thu hút thêm hàng trăm ngàn người theo dõi trên X. Chỉ vài ngày sau khi ông Trump nhậm chức, ông đã công khai ủng hộ tổng thống mới, người đã ngừng tiếp nhận người tị nạn, tạm hoãn lệnh cấm TikTok sắp có hiệu lực, rút khỏi Thỏa thuận Paris về khí hậu và tung ra đồng tiền kỹ thuật số chính thức đầu tiên.
“Ngoài đấng tối cao, ai có thể làm được nhiều thứ hơn @POTUS Trump chỉ trong vòng bảy ngày?” Ackman viết trên X. Sau đó, ông nói thêm: “Dành cho những ai không hiểu (và dường như là rất nhiều người), đây là một câu đùa.”
Rồi đến “Ngày Giải phóng”. Khi loạt thuế quan của ông Trump gây ra đợt bán tháo 6 ngàn tỉ USD trên thị trường toàn cầu, Ackman lập tức trở lại vai trò là nhà đầu tư “chủ động” quen thuộc — và bắt đầu đăng bài. Nhưng lần này giọng điệu ông đã khác. Ông ví các biện pháp trả đũa thuế quan như “chiến tranh hạt nhân kinh tế” và kêu gọi chính quyền tạm hoãn 90 ngày để tránh thảm họa. Khi ông Trump thông báo sẽ tạm hoãn áp thuế đúng 90 ngày vài ngày sau đó — dù không có bằng chứng rõ ràng rằng các đòn thuế này đã mang lại thắng lợi về thương mại nào cho Mỹ — Ackman lại bắt đầu ca ngợi vị tổng thống.
“Quyết định này của @realDonaldTrump thật là tuyệt vời. Đúng như phong cách Art of the Deal.” Ông cũng rút lại một bài đăng có phần gay gắt trước đó, chỉ trích Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Howard Lutnick — một ông trùm Phố Wall khác — có thể trục lợi nếu nền kinh tế sụp đổ. Lúc này, nhiều meme chế giễu Ackman đã bắt đầu lan truyền, trong đó có hình ảnh ông mặc đồ latex và bị dắt bằng dây xích. Một meme khác vẽ ông như công nhân nhà máy của Nike, công ty mà quỹ đầu tư của ông sở hữu, với dòng chữ “sau khi vị cứu tinh Trump khiến tôi phá sản.”
Đầu tháng 5, một phần trong kế hoạch “phong cách Buffett” của Ackman đã thành hiện thực. Sau bốn tháng đàm phán, ông đã hoàn tất thương vụ với Howard Hughes, nâng tỷ lệ sở hữu của Pershing Square tại công ty này lên 47%. Khi Ackman công bố thông tin này, vừa trở về từ đại hội cổ đông thường niên của Berkshire tại Omaha, Nebraska — nơi hàng ngàn người hâm mộ Buffett tụ họp để nghe “nhà hiền triết đầu tư” chia sẻ. Tại sự kiện, Buffett bất ngờ tuyên bố ông sẽ rời vị trí CEO của Berkshire vào cuối năm 2025, sau sáu mươi năm nắm quyền.
Với Ackman, thời điểm đó có thể mang ý nghĩa như một sự chuyển giao về tinh thần. Khi thị trường tiến gần mốc cao kỷ lục hồi tháng Hai, tài sản ròng của Buffett đã tăng thêm 13,6 tỉ USD trong năm nay. Các nhà đầu tư của ông cũng được hưởng lợi trong những ngày đầu nhiệm kỳ hai của ông Trump, với cổ phiếu Berkshire Hathaway tăng 11% tính đến tháng 5. Trong khi đó, cổ phiếu quỹ Pershing Square Holdings niêm yết tại London của Ackman gần như không tăng, dù danh mục đầu tư quỹ đã tăng tương đương mức của Buffett.
Cơ hội cũng chưa hẳn nghiêng về phía Ackman: khi Buffett mua lại Berkshire năm 1965, nền kinh tế thế giới đang trong giai đoạn bùng nổ hậu Thế chiến thứ Hai. Giờ đây, các nhà kinh tế đánh giá khả năng suy thoái là 40%. Để xây dựng một “Berkshire mới”, Ackman vẫn cần một công ty bảo hiểm — giống như Buffett đã từng có — để có dòng tiền ổn định.
Tuy nhiên, Ackman không hề nao núng. Ông nhớ lại một lời tiên đoán từ chính “hiền triết xứ Omaha”. Lần đầu tiên ông gặp Buffett là gần 30 năm trước, khi còn là một nhà đầu tư trẻ đang khởi nghiệp ở Phố Wall. Hai người gặp nhau tại một hội thảo ở New York, được vợ cũ của Buffett giới thiệu. Họ đứng cạnh nhau trong hàng buffet, nơi Buffett là khách mời danh dự. Ackman, một người rất quan tâm đến sức khỏe, nhớ hai điều: Buffett chất đầy đồ ăn lên đĩa và rắc muối lên mọi thứ, kể cả bánh brownie; và Buffett đã nói với Ackman: “Cháu sẽ làm tốt hơn bác, vì cháu bắt đầu từ quy mô nhỏ.” Ít nhất, đó là cách ông nhớ lại lời dặn dò đó.
Còn Buffett nghĩ gì về con đường của Ackman? Ở tuổi 94, ông từ chối bình luận. Nhưng trong những năm gần đây, Buffett thường tỏ ra hoài nghi với các quỹ phòng hộ nói chung. “Người ta đã kiếm được rất, rất, rất nhiều tiền ở Phố Wall nhờ tài ăn nói,” ông nói tại đại hội cổ đông Berkshire năm 2016, “chứ không phải nhờ tài đầu tư.”
Năm 1995, từ một văn phòng nhỏ tại Manhattan, Ackman — khi đó ở độ tuổi ngoài 20 — lên kế hoạch cho thương vụ đầu tiên của mình trong vai trò nhà quản lý quỹ đầu tư. Sinh ra trong một gia đình trung lưu khá giả ở vùng ngoại ô giàu có Chappaqua của New York, ông từng làm việc trong thời gian ngắn cho cha ông, người tổ chức tài chính cho các dự án bất động sản lớn tại thành phố. Vài năm sau khi lập quỹ Gotham Partners cùng bạn học tại Harvard và huy động 3 triệu USD từ một số nhà đầu tư, họ bắt đầu theo đuổi một mục tiêu táo bạo hơn: giành quyền kiểm soát Trung tâm Rockefeller, đối đầu với những gia đình và đại gia bất động sản giàu nhất thế giới.
Tập đoàn Mitsubishi Estate của Nhật mới sở hữu trung tâm nổi tiếng này chưa đầy mười năm, sau khi mua lại với giá cao ngay trước khi thị trường cho thuê bắt đầu trầm xuống. Khi Rockefeller phá sản, Ackman phải cạnh tranh với nhà đầu tư Sam Zell và một liên danh do Goldman Sachs dẫn đầu, trong đó có tỉ phú David Rockefeller và công ty Tishman Speyer.
Goldman giành chiến thắng, nhưng điều đó không quan trọng. Thương vụ giúp Ackman xuất hiện trên tờ New York Times và các tờ báo lớn khác — và cũng kiếm được chút tiền khi giá cổ phiếu của công ty nắm giữ khoản thế chấp tăng lên. Ông nhận ra rằng: đôi khi, chỉ cần khiến tên tuổi mình được chú ý cũng đã là một thắng lợi.
Gotham sụp đổ năm 2003 sau khi Ackman và đối tác không còn đủ thời gian chờ tòa án chấp thuận sáp nhập hai khoản đầu tư lớn nhất: một quỹ đầu tư bất động sản và một công ty sân golf đang gặp khó khăn. Không lâu sau, Ackman thành lập quỹ phòng hộ thứ hai của mình, Pershing Square.
Mỗi năm vài lần, ông thực hiện các thương vụ đầu tư chủ động. Có lần ông buộc ban lãnh đạo của Canadian Pacific Railway phải rời đi, giúp biến một công ty đường sắt tệ hại thành một trong những công ty vận hành hiệu quả nhất chỉ trong vòng năm năm. Trong cuộc phỏng vấn với Charlie Rose năm 2013, ông cho biết thương vụ đó giúp ông kiếm được 2,6 tỉ USD, nhưng điều quan trọng hơn là nó đã giúp cải thiện cơ sở hạ tầng ở Canada. Dần dần, Ackman hình thành phong cách đầu tư gắn với tinh thần trách nhiệm xã hội. “Chúng tôi muốn tìm các khoản đầu tư mà lợi ích của chúng tôi đồng hành với lợi ích của nước Mỹ,” ông nói với Businessweek năm 2011.
Nhiều lần khác, ông đánh cược theo hướng ngược lại. Ackman phát hiện vấn đề trong một công ty, đặt cược cổ phiếu sẽ giảm, công bố các phát hiện đó và chờ giá cổ phiếu giảm. Một trong những thương vụ kiểu này đầu tiên là với MBIA, công ty bảo hiểm trái phiếu lớn nhất thế giới, một công ty mà ông cho rằng đang đứng trước nguy cơ phá sản vì bảo lãnh quá nhiều khoản nợ rủi ro. Dù từng bị tổng chưởng lý New York Eliot Spitzer điều tra với cáo buộc thao túng thị trường, Ackman vẫn kiên trì với lựa chọn của mình. Cuối cùng, sau nhiều năm, cổ phiếu MBIA và các công ty bảo hiểm trái phiếu khác mà ông đặt cược giảm mạnh, mang về cho ông và nhà đầu tư khoản lời 1,2 tỉ USD.
Nhưng vụ đặt cược vào Herbalife là một trong những thất bại nổi tiếng nhất của ông. Với số tiền 1 tỉ USD, Ackman tuyên bố muốn “chiến đấu với cái ác” và nhắm vào công ty kinh doanh đa cấp này, cho rằng Herbalife là mô hình kim tự tháp bất hợp pháp, lợi dụng người nghèo và người nhập cư. Trong một hội thảo đầu tư tháng 12 năm 2012, ông trình bày trong ba giờ với hơn 300 slide, lập luận rằng công ty chỉ tồn tại nhờ việc buộc người bán hàng phải mua các loại sữa dinh dưỡng tầm thường, thay vì bán được cho khách thực sự. Herbalife bác bỏ cáo buộc của Ackman, nhưng sau đó đã phải nộp phạt cho Ủy ban Thương mại Liên bang vì “lừa dối người tiêu dùng.”
Tỉ phú Carl Icahn và nhà quản lý quỹ Dan Loeb đứng về phía Herbalife, tạo nên cuộc đối đầu công khai nảy lửa. Icahn từng gọi ông là “đứa mít ướt trên sân trường” trên kênh CNBC. Cả hai sau đó được nhiều nhân vật lớn của Phố Wall ủng hộ, bao gồm văn phòng gia đình của George Soros, đẩy giá cổ phiếu Herbalife lên ngày càng cao, khiến Ackman lỗ nặng — một trường hợp “ép bán khống” điển hình. Loeb thậm chí còn đăng một lời mỉa mai trên trang tiểu sử Bloomberg Terminal của mình: “Sản phẩm mới của Herbalife: thuốc thụt Herbalife, do chú Carl đích thân thực hiện.”
Sau năm năm theo đuổi và mất toàn bộ khoản đầu tư, Ackman cuối cùng đã từ bỏ và tuyên bố sẽ ngừng bán khống cổ phiếu, chuyển sang một “cách tiếp cận hiền hòa hơn.” Mô hình hoạt động của Pershing Square hiện tại khá đơn điệu: danh mục đầu tư của quỹ gồm 15 công ty, trong đó có nhiều doanh nghiệp đã được nắm giữ nhiều năm. Ackman vẫn là người đưa ra quyết định đầu tư cuối cùng, nhưng ông đã bổ nhiệm một giám đốc đầu tư làm phó điều hành. Danh mục đầu tư của quỹ gồm những cái tên quen thuộc như Hilton và Alphabet.
Chính trong chiến dịch đầu tư chủ động nhằm vào Chipotle năm 2017, Ackman bắt đầu sử dụng X (khi đó còn là Twitter), và từ đây, cách tiếp cận “hiền hòa” đã dần biến mất. Trong lúc gây áp lực lên chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh này, dẫn đến việc nhà sáng lập kiêm CEO khi đó là Steve Ells phải từ chức, Ackman đăng bức ảnh mình đang xếp hàng tại một cửa hàng Chipotle trên tài khoản Twitter mới tạo.
“Tự ăn món mà mình làm ra @chipotletweets,” ông viết. Đến đầu năm 2020, ông dùng Twitter để tìm thông tin từ cộng đồng về chủng virus corona mới xuất hiện ở Trung Quốc. Tháng 2 năm đó, ông mua một loại hợp đồng bảo hiểm tài chính do các ngân hàng Phố Wall phát hành, sẽ sinh lời nếu giá trái phiếu doanh nghiệp giảm — một hình thức đặt cược vào một thảm họa kinh tế mà ông cho là sắp xảy ra ở Mỹ và trên toàn cầu. Ackman bỏ ra 27 triệu USD cho khoản bảo hiểm này và thu về gấp 100 lần chỉ trong ba tuần. Ông đầu tư một phần khoản lời đó vào thị trường chứng khoán, và nhanh chóng có thêm 1 tỉ USD lợi nhuận.
Trong khi đó, sự nghi ngờ của Ackman với giới truyền thông ngày càng tăng, dù ông vẫn thường xuyên tương tác với họ, đặc biệt là sau khi ông chuyển hẳn sang vai trò một “chiến binh bảo vệ văn hóa.” Sau chiến dịch phản đối chính sách DEI tại Harvard — trong đó ông góp phần khuếch đại cáo buộc đạo văn nhằm vào hiệu trưởng nhà trường — tờ Business Insider đã điều tra luận án tiến sĩ của vợ ông, Neri Oxman, tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), và cho rằng có nhiều đoạn không trích dẫn nguồn rõ ràng và cáo buộc cô đạo văn. Oxman sau đó đã xin lỗi trên X vì không đặt dấu ngoặc kép trong bốn đoạn văn, dù có nêu tên tác giả ở chỗ khác. “Tôi không để phần văn bản đó trong dấu ngoặc kép, trong khi đây mới là cách viết đúng,” cô viết, và nói thêm rằng mình rất hối tiếc về sai sót đó. Giận dữ, Ackman đe dọa sẽ kiện công ty mẹ của Business Insider là Axel Springer và chỉ đích danh một trong các nhà đầu tư của tập đoàn này — công ty cổ phần tư nhân KKR.
Cho rằng giới báo chí đang có quá nhiều quyền lực, ông tuyên bố sẽ thành lập một viện nghiên cứu để “sửa chữa” hệ thống truyền thông và giáo dục đại học, và đã chiêu mộ một giám đốc điều hành từ Viện Manhattan để điều hành tổ chức mới này. “Tôi đã thật sự sáng mắt ra khi thấy cách các tờ báo chính thống đưa tin,” Ackman nói với người dẫn podcast Lex Fridman năm ngoái. “Những gì tôi làm trên X là theo dõi nhiều luồng quan điểm khác nhau về một vấn đề, hoặc đăng bài để lắng nghe quan điểm từ phía đối lập.”
Đến đầu năm 2024, Ackman không còn chỉ là một nhà đầu tư tài chính — hình ảnh mới của ông, gần gũi với phong trào MAGA, đã len vào văn hóa đại chúng. Ông xuất hiện trên trang bìa tạp chí New York và kể rằng tại một đám cưới mình tham dự, nhiều khách mời đã tiến đến xin chụp ảnh và cảm ơn vì ông dám nói những gì họ không thể nói.
Những năm gần đây, ông cũng thay đổi khía cạnh về đời sống cá nhân: ly dị người vợ đầu sau hơn hai mươi năm chung sống và kết hôn với Oxman, người điều hành một công ty thiết kế kiến trúc từng làm giày “tự phân hủy,” các gian triển lãm tơ tằm, và bản thiết kế không tưởng về thành phố New York — tác phẩm đã truyền cảm hứng cho đạo diễn Francis Ford Coppola khi thực hiện bộ phim khoa học viễn tưởng dài 2 tiếng rưỡi Megalopolis tệ hại. Tại một bữa tối năm ngoái, Ackman nói với các khách mời rằng ông đã đầu tư 100 triệu USD vào công ty của Oxman, nhưng không phải vì ưu ái cá nhân — nếu có, ông đùa, lẽ ra chỉ đưa cô ấy 10 triệu USD mà thôi, theo nguồn tin quen thuộc với câu chuyện nhưng yêu cầu giấu tên.
Những người cùng giới có thể nhận ra rằng Ackman rất thích thú với sự chú ý mà ông nhận được. Ông đề nghị khách mời đến nhà mình và đọc các tài liệu về sự suy thoái của giới học thuật Mỹ, trong lúc đầu bếp chuẩn bị món bò wagyu. Mùa hè năm ngoái, ông tổ chức tiếp khách tại Bridgehampton, trong một chuỗi sự kiện Milken Institute kín được tổ chức tại Hamptons. Còn tại Cambridge, Massachusetts, ít nhất một số giảng viên Harvard đã tỏ ra khó chịu khi thấy một cựu sinh viên giàu có sử dụng chiến thuật áp lực kiểu Phố Wall để tác động lên ban lãnh đạo nhà trường. Nhưng Ackman lại cho rằng ông chỉ đang đóng vai một “người sửa chữa”. Giống như cách ông từng thay máu ban điều hành tại các công ty đại chúng bằng cách đã vị giám đốc yếu kém đi và tái phân bổ chi tiêu, giờ ông đang “sửa chữa” những hệ thống đã quá “mục nát” của nước Mỹ theo một cách tương tự.
Một điều mà cả Ackman và Buffett từ lâu đã hiểu rõ là tầm quan trọng của việc sở hữu loại tài sản quý giá nhất trong ngành quản lý tiền: vốn vĩnh viễn. Mối lo lớn nhất của các nhà quản lý quỹ phòng hộ là việc nhà đầu tư có thể muốn rút tiền bất kỳ lúc nào. Khi đó, họ buộc phải bán tài sản để hoàn tiền. Nếu quá nhiều người rút cùng lúc, quỹ có thể sẽ sụp đổ. Nhưng với công ty cổ phần do Buffett sở hữu, nhà đầu tư chỉ có một cách duy nhất để rút lui: bán cổ phần của họ cho người khác — còn doanh nghiệp vẫn không bị ảnh hưởng. Ackman hiện đã có một phần cơ chế đó thông qua quỹ niêm yết tại London, nhưng ông muốn nhân rộng mô hình với quy mô lớn hơn và khối tài sản lớn hơn nữa. Kể từ năm 2018, khi gần như toàn bộ vốn của ông trở thành vốn vĩnh viễn, hiệu suất đầu tư của Ackman đã cải thiện rõ rệt, với lợi nhuận trung bình vượt 23% mỗi năm.
Kế hoạch nhiều bước của Ackman bắt đầu bằng việc bán một phần nhỏ cổ phần tại Pershing Square cho nhà đầu tư giàu có và các tổ chức, nhằm huy động vốn cho một công ty đầu tư mới mà nhà đầu tư nhỏ lẻ tại Mỹ cũng có thể tham gia. Hiện tại, việc đầu tư vào quỹ của ông niêm yết ở Anh là khó khăn và không tối ưu về thuế với nhà đầu tư Mỹ. Ackman cho rằng với độ nổi tiếng hiện tại của ông, quỹ mới này có thể trở thành một trong những đợt IPO lớn nhất lịch sử, sánh ngang với Alibaba hay Saudi Aramco.
Trong bài thuyết trình công bố quỹ dành cho nhà đầu tư đại chúng, đặt tên là Pershing Square USA (mã chứng khoán PSUS), Ackman nhấn mạnh rằng lượng người theo dõi ông trên mạng xã hội là một tài sản rất có giá trị. Ông lấy ví dụ từ những người có thể tạo ra hiệu ứng thị trường thông qua mạng xã hội như Elon Musk hay Roaring Kitty — nhân vật nổi tiếng trong cơn sốt cổ phiếu GameStop — khi chỉ cần một dòng tweet là có thể làm giá coin hoặc cổ phiếu meme biến động mạnh. “Tôi đã xây dựng được một cộng đồng khá lớn trên Twitter, hay X, và sử dụng nó để chia sẻ về nhiều chủ đề. Tuy nhiên, vì lý do pháp lý, tôi không thể nói về các hoạt động đầu tư,” Ackman nói trong buổi giới thiệu.
Khi ông kêu gọi đầu tư từ những người theo dõi ông trên X và các nhà đầu tư lớn vào mùa xuân năm ngoái, Ackman cũng cân nhắc khả năng công khai ủng hộ ông Trump.. Giai đoạn huy động vốn là thời điểm nhạy cảm với các phát ngôn chính trị — vì chúng có thể khiến nhà đầu tư tiềm năng e ngại và rút lui. Theo một nguồn tin am hiểu, khi gia đình và một số cộng sự của Ackman nhận thấy ông đang nghiêng về phía ông Trump, họ khuyên ông không nên công khai lựa chọn tổng thống của mình. Một luật sư tại Quỹ từ thiện Pershing Square Foundation của ông từng phàn nàn về tần suất ông sử dụng X, theo một số nguồn tin yêu cầu giấu tên vì nội dung mang tính riêng tư. Ackman nói: “Tôi yêu quý những người bạn tốt của mình và tôn trọng quan điểm của họ. Bất đồng ý kiến là chuyện bình thường. Tôi không đánh giá ai qua việc họ bầu cho ai.”
Đến đầu tháng 7 — hai tháng sau lần xuất hiện ở Omaha — Ackman đã hoàn tất bước đầu tiên trong kế hoạch. Ông bán 10% Pershing Square cho một số nhà đầu tư lớn với giá 1 tỉ USD, nâng giá trị quỹ lên 10 tỉ USD. Giao dịch này giúp tài sản cá nhân của ông tăng lên 8 tỉ USD, lần đầu tiên đưa ông vào danh sách 500 người giàu nhất thế giới của Bloomberg. Vài tuần sau, sau vụ ám sát hụt nhằm vào ông Trump tại một buổi vận động ở Butler, Pennsylvania, Elon Musk chính thức ủng hộ ứng cử viên Trump. Ngày hôm sau, Ackman cũng công khai quan điểm của mình. “Tôi sẽ cần một bài viết dài để giải thích suy nghĩ của mình,” ông viết. “Có khi tôi sẽ phá kỷ lục cũ của chính mình.”
Ackman tiếp tục huy động vốn cho quỹ mới trị giá 25 tỉ USD. Ông tiếp cận các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính lớn, và khi số tiền huy động chưa đủ, ông quay lại kêu gọi các nhà đầu tư đã nắm một phần cổ phần Pershing Square, trong đó có vài tỉ phú, một công ty bảo hiểm Israel và Iconiq — công ty quản lý tài sản cho các đại gia Thung lũng Silicon. Để tăng sức thuyết phục, Ackman tiết lộ trong thư mời rằng quỹ Baupost Group của nhà đầu tư Seth Klarman — một quỹ phòng hộ uy tín ở Boston — đã cam kết mua 150 triệu USD cổ phần. Nhưng vì nội dung lá thư chứa quá nhiều thông tin về đợt chào bán PSUS, ông buộc phải công khai nó. Klarman, người vốn kín tiếng và là một nhà tài trợ lớn cho Đảng Dân chủ, rất tức giận khi bị Ackman tiết lộ danh tính — và có thể cũng không vui khi bị xem là đang làm ăn với một người ủng hộ ông Trump. Ông sau đó đã rút lại khoản đầu tư 150 triệu USD. Klarman liên tục từ chối bình luận về thương vụ này.
Đến cuối tháng 7, Ackman mới chỉ nhận được 2 tỉ USD cam kết đầu tư cho quỹ mới. Trong một cuộc họp cập nhật với các ngân hàng, vốn dự kiến chỉ là thủ tục, ông bất ngờ tuyên bố tạm ngừng chào bán. “Sáng nay tôi thức dậy và có một ý tưởng. Ở Pershing Square, chúng tôi chỉ làm những thương vụ lớn — kiểu những cú đánh home run,” ông nói. “Tôi sẽ hủy thương vụ này.”
Thất bại đó đáng lẽ phải là một cú sốc nặng nề. Nhưng Ackman không để tâm lâu. Ông đã chuyển sang chiến dịch tiếp theo: giúp Donald Trump tái đắc cử.
“Nếu tôi nghĩ mình có một ý tưởng hay, bạn nên mặc định rằng tôi sẽ công khai nó và chia sẻ với chính quyền.”
Trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, Phố Wall thường tỏ ra hoài nghi, thậm chí nhiều lúc chỉ trích tổng thống. Sau vụ bạo loạn ngày 6 tháng 1 tại Điện Capitol, Ackman — người thẳng thắn nhất trong giới đầu tư — đã đăng trên X: “Đã đến lúc ông nên từ chức và xin lỗi toàn thể người dân Mỹ.” Nhưng lần này, Jeff Bezos, Mark Zuckerberg, Jamie Dimon cùng phần lớn giới tỉ phú lại tỏ ra dè dặt, chọn cách đi theo ông Trump để tránh bị trả đũa. Tổng thống đã tấn công vào các hãng luật lớn và các trường đại học Ivy League, vậy thì điều gì có thể ngăn ông nhắm vào các ngân hàng đầu tư hay quỹ đầu tư tư nhân?
Dù ông Trump tuyên bố rõ ràng những chính sách ông sẽ thực hiện trong nhiệm kỳ thứ hai, nhiều người ở Phố Wall vẫn tỏ ra bất ngờ trước những cú sốc kinh tế diễn ra từ đầu nhiệm kỳ oạt thuế quan khổng lồ, chiến tranh thương mại với Trung Quốc, đe dọa Cục Dự trữ Liên bang, đồng USD mất giá, các doanh nghiệp nhỏ lao đao, thị trường cổ phiếu và trái phiếu chấn động dữ dội. Ackman vẫn tiếp tục đưa ra lời khuyên cho ông Trump trên X. Đôi khi, các quyết định của Nhà Trắng — như việc tạm hoãn áp thuế hay kế hoạch giảm giá thuốc — lại gần như sao y những đề xuất trước đó của ông. Khi được hỏi liệu ông có đường dây liên lạc trực tiếp với tổng thống hay không, Ackman lại né tránh.
“Tôi nghĩ tốt nhất là không nên nói gì về chuyện tôi có liên hệ với chính quyền hay không, vì giữ bí mật là điều đúng đắn,” ông nói. “Nếu tôi nghĩ ra một ý tưởng hay, hãy cứ xem như tôi đã công bố công khai và đã chia sẻ với chính quyền.” Người phát ngôn Nhà Trắng không phản hồi yêu cầu bình luận.
Một ngày trước đại hội cổ đông Berkshire đầu tháng 5, Ackman đã có mặt ở Omaha năm thứ hai liên tiếp. Ông và giám đốc đầu tư Ryan Israel đã nói chuyện hơn hai tiếng đồng hồ, trả lời câu hỏi từ phía khán giả theo phong cách mà Buffett và người cộng sự Charlie Munger vẫn làm trong nhiều năm trước khi Munger qua đời năm 2023. Phần lớn câu hỏi được hướng đến Ackman, người đã chia sẻ cả chuyện nghề lẫn chuyện đời: khoảnh khắc đáng nhớ nhất (gặp Oxman), bí quyết thành công (phải “siêu khỏe mạnh”), cách giao tiếp với nhà đầu tư (thừa nhận sai lầm và không quên ghi nhận thành tựu của mình).
Thương vụ với Howard Hughes được hoàn tất ngay sau đó. Chỉ vài ngày sau, Ackman đã trở lại X, tổ chức một buổi “tòa thị chính” kéo dài một tiếng để chia sẻ về bước đi mới. Ông chia sẻ kế hoạch xây dựng công ty bảo hiểm bên trong Howard Hughes, giải thích lý do không đầu tư vào công nghệ, và nói về thói quen đọc tin tức — trong đó X là nền tảng đầu tiên ông truy cập mỗi sáng. Khi một người tham gia hỏi liệu ông có lo ngại việc phát ngôn công khai khi đang điều hành công ty niêm yết, và liệu ông sẽ trở nên kín tiếng như Buffett hay tiếp tục “to tiếng” như Elon Musk, Ackman trả lời: “Phương án sau,” rồi bật cười.
—Với sự hỗ trợ của Alexandre Rajbhandari
Theo Bloomberg
Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn
https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/ti-phu-bill-ackman-tiep-tuc-dat-cuoc-vao-trump-va-giac-mo-tro-thanh-warren-buffett-moi-53391.html
Tặng bài viết
Đối với thành viên đã trả phí, bạn có 5 bài viết mỗi tháng để gửi tặng. Người nhận quà tặng có thể đọc bài viết đầy đủ miễn phí và không cần đăng ký gói sản phẩm.
Bạn còn 5 bài viết có thể tặng
Liên kết quà tặng có giá trị trong vòng 7 ngày.
BÀI LIÊN QUAN
Truy cập nhanh
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh
Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 8889.0868
Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn
© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media