Thuế quan là thách thức nhưng cũng là sức bật cho cả khu vực châu Á

Chính sách thuế quan của Mỹ vừa là thách thức nhưng đồng thời mở ra cơ hội cho các quốc gia châu Á tái cơ cấu, thu hút đầu tư và củng cố lợi thế cạnh tranh.

Hình ảnh: Maika Elan

Hình ảnh: Maika Elan

Tác giả: Hạnh Nguyên

23 tháng 07, 2025 lúc 8:30 AM

Thông điệp nói trên là đúc kết của ông Darren Tay, trưởng bộ phận Phân tích rủi ro khu vực châu Á của BMI trong hội thảo trực tuyến diễn ra hôm 17.7 vừa qua.

Bộ phận nghiên cứu từ BMI dự báo tăng trưởng GDP trung bình ở khu vực châu Á có thể đạt gần 4% vào năm 2025. Con số này tăng nhẹ so với mức 3,5% dự báo trước đó, nhờ kết quả tăng trưởng xuất khẩu khả quan trong nửa đầu năm và việc Mỹ hoãn thời hạn áp thuế từ 9.7 sang ngày 1.8.2025.

Trong kịch bản Mỹ chỉ áp dụng mức thuế cơ sở 10%, tác động đến tăng trưởng GDP của từng quốc gia được đánh giá là không quá nghiêm trọng. Ví dụ, Bangladesh - quốc gia xuất khẩu chính mặt hàng may mặc sẵn (RMG), một mặt hàng rất nhạy cảm về giá, sang Mỹ - dự kiến chỉ giảm dưới 0,6% GDP.

Tuy nhiên, nếu Mỹ thực hiện toàn bộ các mức thuế đối ứng như đã công bố ngày 2.4, những thị trường có tỉ trọng xuất khẩu sang Mỹ trên 20% tổng kim ngạch xuất khẩu như Nhật Bản và Đài Loan sẽ đối mặt với nguy cơ rơi vào suy thoái kinh tế. Trong kịch bản xấu nhất, mức tăng trưởng GDP trung bình của Nhật và Đài Loan sẽ giảm khoảng 0,5 điểm phần trăm. Đặc biệt, Singapore, dù có tỉ lệ xuất khẩu sang Mỹ dưới 10% , vẫn sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực và nguy cơ suy thoái do mức thuế 200% đối với ngành dược phẩm.

So sánh với các nước trong khu vực, Việt Nam nổi lên khi là một trong số ít các quốc gia được điều chỉnh nâng dự báo tăng trưởng GDP. BMI nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam thêm 0,8%. Đây là mức tăng vượt trội so với nhiều quốc gia khác bị hạ hoặc giữ nguyên dự báo. Việt Nam cũng được đánh giá là quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất châu Á, và là một trong hai quốc gia, cùng với Bhutan, dự kiến đạt mức tăng trưởng trên 7% trong năm 2025.

Việc giảm mức thuế đối ứng từ 46% xuống còn 20%, theo thông tin từ phía Mỹ, được xem là bước đệm quan trọng, giúp Việt Nam nâng cao lợi thế cạnh tranh trong lĩnh vực xuất khẩu. Điều này sẽ thúc đẩy tăng trưởng GDP của Việt Nam, theo bà Sayaka Shiba, chuyên viên phân tích rủi ro quốc gia cấp cao tại BMI, được kỳ vọng sẽ duy trì đà tăng trưởng ổn định, với mức GDP khoảng 7,2% vào năm 2025.

Dù có một vài ý kiến cho rằng Việt Nam có thể tiếp tục đàm phán để giảm mức thuế đối ứng xuống khoảng 11%, ngay cả ở mức thuế 20%, xuất khẩu và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn sẽ được hưởng lợi đáng kể nhờ “chi phí lao động cạnh tranh và vị trí địa lý thuận lợi trong chuỗi cung ứng khu vực,” theo bà Shiba. 

Cụ thể, so với các khu vực lân cận như Thái Lan, chi phí lao động của Việt Nam thấp hơn khoảng 30%. Đặc biệt, trong bối cảnh Mỹ áp thuế nhập khẩu cao đối với hàng hóa Trung Quốc (30%, có thể tăng lên tới 54%), trong khi mức thuế đối với hàng trung chuyển qua Việt Nam ở mức 40%, nhiều doanh nghiệp có thể dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam để tránh bị đánh thuế cao trực tiếp.

Ngoài ra, các ngành công nghiệp như bán dẫn và dược phẩm, dù có thể chịu thuế suất cao lần lượt là 25% và 200%, do chiếm tỉ trọng nhỏ trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ, nên tác động tiêu cực từ mức thuế mới lên tăng trưởng kinh tế Việt Nam được giới chuyên gia đánh giá là hạn chế, theo phân tích của bà Shiba.

Nhìn chung, tác động của chính sách thuế quan tại châu Á mang tính hai mặt: Một số những quốc gia chịu ảnh hưởng tiêu cực, trong khi số khác có thể tận dụng cơ hội để chuyển mình. Tuy nhiên, thách thức chung đặt ra cho các nền kinh tế là cần đẩy mạnh cải cách cơ cấu, nâng cao hàm lượng công nghệ và mở rộng thị trường xuất khẩu nhằm duy trì tăng trưởng bền vững. 

“Chính sách thuế quan của Mỹ không chỉ là một trở ngại, mà còn là động lực thúc đẩy toàn khu vực tái cơ cấu và đa dạng hoá chuỗi cung ứng,” ông Tay đúc kết.

Trong khi các nền kinh tế lớn như Trung Quốc và Ấn Độ có nguy cơ bị đình trệ tăng trưởng, thì những quốc gia phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu đơn ngành, điển hình như Việt Nam, cần tận dụng thời cơ này để cải tiến cơ cấu sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển nguồn lực công nghệ, từ đó thích ứng hiệu quả hơn với các biến động toàn cầu.

Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn

https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/thue-quan-la-thach-thuc-nhung-cung-la-suc-bat-cho-ca-khu-vuc-chau-a-53880.html

#thuế quan
#châu Á

BÀI LIÊN QUAN

Đăng ký nhận bản tin miễn phí

Gói đăng ký

Liên hệ

Hợp tác quảng cáo

Chăm sóc khách hàng: (028) 888 90868

Email: cs@bloombergbusinessweek.vn

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh

Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại: (028) 8889.0868

Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn

© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media