Chuyên đề

Thuế quan của Mỹ đe dọa chấm dứt thời kỳ bùng nổ công nghiệp của Việt Nam

Anders Melin, Nguyen Dieu Tu Uyen, và Francesca Stevens 16/06/2025 08:30

Một đợt bùng nổ công nghiệp đã kéo Việt Nam thoát nghèo. Nhưng hiện thuế quan của ông Trump có nguy cơ rút củi dưới đáy nồi.

longthanh-airport_250601_maika-18.jpg
Nhà ga hành khách đang được xây dựng tại Sân bay Quốc tế Long Thành. Hình ảnh: Maika Elan cho Bloomberg Businessweek

Tác giả: Anders Melin, Nguyen Dieu Tu Uyen, và Francesca Stevens

16 tháng 6, 2025 lúc 8:30 AM

Tóm tắt bài viết

Tổng thống Trump áp thuế 46% lên hàng Việt Nam, gây lo ngại cho nền kinh tế đang phát triển. Thuế tạm hoãn đến tháng 7, Việt Nam đang đàm phán giảm thuế.

Việt Nam đã chuyển mình từ nước nghèo thành trung tâm sản xuất toàn cầu với thâm hụt thương mại 123,5 tỷ USD với Mỹ năm 2023, chỉ sau Trung Quốc và Mexico.

Đồng Nai là điểm đến đầu tiên của nhiều công ty quốc tế như Nike, Cargill, Suzuki. Từ 1988, khoảng 36 tỷ USD trong tổng 600 tỷ USD vốn nước ngoài đã đổ về tỉnh này.

Việt Nam đề xuất xóa bỏ thuế với hàng Mỹ, tăng nhập khẩu, chống gian lận xuất xứ. Đồng thời, Trump Organization đang phát triển khu nghỉ dưỡng sân golf 1,5 tỷ USD tại Hưng Yên.

Chiến lược phát triển của Việt Nam hướng đến công nghệ cao, giảm phụ thuộc vào xuất khẩu giá rẻ. Sân bay Long Thành đang xây dựng, dự kiến đạt công suất 25 triệu khách/năm từ 2025.

Tóm tắt bởi AI HAY

Đã vài tuần trôi qua kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố cuộc chiến thương mại toàn cầu, nhưng chị Đinh Ngọc Hiền vẫn bận rộn phục vụ khách hàng tại cửa hàng tạp hóa nhỏ của mình. Từng người từng người ghé vào mua thuốc lá, mì gói, trứng và nước ngọt từ các kệ hàng trong một cửa hiệu nằm ở tỉnh Đồng Nai — khu công nghiệp lớn giáp phía Đông TP. HCM, trung tâm kinh tế của Việt Nam. Chị bắt đầu ngày làm việc từ lúc trời chưa sáng và bán hàng đến tối muộn. Sau đó, chị khóa cửa, leo lên xe và đi băng băng qua những con đường đông đúc ở một nơi có thể gọi là một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất bởi chính sách thuế mới của ông Trump.

dinh-ngoc-hien.jpg
Chủ cửa hàng Đinh Ngọc Hiền bên ngoài cửa tiệm của mình ở tỉnh Đồng Nai, gần Thành phố Hồ Chí Minh. Hình ảnh: Maika Elan cho Bloomberg Businessweek

Mức thuế mà Tổng thống Trump công bố ngày 2.4 — gọi là thuế “Ngày Giải phóng” — áp lên hàng xuất khẩu từ Việt Nam với mức 46%, thuộc mức cao nhất trong số các quốc gia bị áp thuế, và có nguy cơ làm tê liệt nhiều lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam. Quốc gia Đông Nam Á với dân số 100 triệu người này đã bắt đầu hội nhập vào hệ thống thương mại toàn cầu từ cuối thập niên 1980, khi chính phủ cho phép nền kinh tế tư nhân phát triển và bắt đầu hàn gắn mối quan hệ với Mỹ hậu chiến tranh. Hàng loạt tập đoàn quốc tế như Adidas, Apple, Intel, Levi Strauss và Samsung đã thành lập cơ sở sản xuất tại Việt Nam. Ngày nay, kim ngạch xuất siêu sang Mỹ chiếm khoảng một phần năm GDP của quốc gia này.

Dù lệnh áp thuế đã được tạm hoãn đến tháng 7 và đang vấp phải nhiều vụ kiện tại tòa, tâm lý bất an vẫn lan rộng tại Việt Nam — đặc biệt ở Đồng Nai. Khi còn nhỏ, Hiền nhớ Đồng Nai chỉ là những cánh đồng lúa vàng bạt ngàn, nơi người dân làm nông cấy lúa như hàng thế kỷ trước. Ngày nay, khu vực phía tây tỉnh đã trở thành phần mở rộng đô thị của TP.HCM, với hệ thống đường cao tốc, nhà máy và các khu thương mại phục vụ công nhân. Phần lớn khách hàng của chị là công nhân tại các nhà máy gần đó — chồng chị, các chị em gái và chồng họ cũng làm việc tại đó.

“Tất cả những thay đổi này đều tốt,” chị nói. “Cuộc sống của gia đình tôi giờ khá khẩm hơn nhiều. Nhà rộng hơn, và ai cũng có xe máy.” Việc buôn bán ngày càng phát đạt hơn khiến chị lên kế hoạch mở rộng kinh doanh: “Tôi muốn trở thành một người làm ăn thực thụ.”

Tham vọng của chị Hiền, cũng như hàng triệu người Việt khác, sẽ phụ thuộc phần nào vào những diễn biến trong vài tuần tới. Chính phủ Việt Nam đã cử nhiều đoàn sang Washington và cam kết dỡ bỏ những gì Bộ trưởng Công Thương gọi là “rào cản cản trở đầu tư và hoạt động kinh doanh.” Việt Nam cũng hứa chấm dứt tình trạng gian lận xuất xứ, trong đó các công ty Trung Quốc lách thuế bằng cách chuyển hàng sang Hà Nội hoặc TP. HCM rồi gắn nhãn “Made in Vietnam” — hành vi mà các nhà đàm phán thương mại Mỹ mô tả là một vấn đề nghiêm trọng. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cũng cho biết các thỏa thuận với Việt Nam và một số nước châu Á khác có thể bao gồm điều khoản yêu cầu họ áp dụng biện pháp kinh tế riêng nhằm vào Trung Quốc, đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam.

employees-leaving-an-industrial-park.jpg
Công nhân tan ca tại khu công nghiệp Biên Hoà 2 ở Đồng Nai. Hình ảnh: Maika Elan 

Ngoài các nhượng bộ đó, Việt Nam còn đưa ra đề nghị cực kì hấp dẫn hơn với một vị tổng thống công khai sử dụng chức vụ cho lợi ích cá nhân: Hỗ trợ phát triển khu nghỉ dưỡng gắn thương hiệu Trump. Nhà Trắng khẳng định Trump tuân thủ các quy định về xung đột lợi ích; Công ty Trump Organization — doanh nghiệp bất động sản của gia đình ông — cho biết các thỏa thuận tại Việt Nam được ký trước cuộc bầu cử năm ngoái, và “không có bất kỳ liên hệ nào với chính quyền.”

Đối tác trong nước của ông Trump, Công ty Cổ  Phát triển Đô thị Kinh Bắc, từ chối bình luận khi được liên hệ.

Tuy nhiên, vẫn chưa rõ những nỗ lực này có đủ để thay đổi quyết định của ông Trump hay không. Vương quốc Anh gần đây đã đạt được thỏa thuận với Nhà Trắng nhằm miễn thuế cho ngành thép và giảm thuế với một số loại ô tô sản xuất tại Anh — nhưng phần lớn các mặt hàng khác vẫn bị áp mức thuế 10% như đã công bố hồi tháng 4. Hơn nữa, ngay cả các đồng minh truyền thống của Mỹ cũng nhận ra rằng một thỏa thuận với ông Trump có thể bị hủy bỏ bất cứ lúc nào, chỉ sau một bài đăng trên Truth Social, và vì bất kỳ lý do gì.

Đòn thuế lần này khiến Việt Nam choáng váng, nhất là xét đến mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước. Trong các thập niên 1960 và 1970, bom đạn của Mỹ đã tàn phá khắp Việt Nam, khiến khoảng 3 triệu người thiệt mạng — ít nhất một nửa trong số đó là dân thường. Hơn 58.000 binh sĩ Mỹ cũng đã thiệt mạng trong cuộc chiến. Việc bình thường hóa quan hệ sau 20 năm kết thúc chiến tranh đánh dấu một bước ngoặt lịch sử. Hai quốc gia nhanh chóng xích lại gần nhau, một phần nhờ chính sách của Mỹ khuyến khích các công ty chuyển dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc theo hướng “friendshoring.”

Các đời tổng thống Mỹ thuộc cả hai đảng đều nỗ lực vun đắp mối quan hệ này, vốn đã mở rộng sang hợp tác an ninh trong những năm gần đây. Lãnh đạo Việt Nam cũng tích cực thúc đẩy quan hệ song phương, dù di chứng từ thời chiến tranh vẫn còn đó — số bom mìn chưa nổ vẫn cướp đi sinh mạng người Việt hằng năm, và con cháu của những người từng tiếp xúc với chất độc da cam tiếp tục phải chịu tỷ lệ ung thư và dị tật bẩm sinh cao bất thường. Vì thế, tuyên bố áp thuế của ông Trump không chỉ đơn giản là một chính sách. Đó là một cú đánh trực diện, là một gáo nước lạnh giáng thẳng vào hàng thập kỷ nỗ lực hàn gắn quan hệ chính trị và kinh tế, và được thực hiện chỉ bằng một chữ ký.

“Nếu ông Trump chia rẽ hai nước,” ông Stefan Selig, cựu thứ trưởng thương mại Mỹ dưới thời Tổng thống Obama cảnh báo, “điều đó sẽ tệ cho Mỹ, và còn tồi tệ hơn cho Việt Nam. Người tiêu dùng Mỹ sẽ chịu thiệt. Lợi ích chiến lược của Mỹ bị suy yếu. Và điều đau lòng nhất là người dân Việt Nam, những người đang nỗ lực thoát nghèo để bước vào tầng lớp trung lưu, sẽ bị tổn thương. Điều đó thực sự đáng buồn.”

Giữa các khu công nghiệp san sát và những mảnh đồng quê còn sót lại ở Đồng Nai, người ta có thể thấy hai biểu tượng đối lập đại diện cho quá khứ đầy đau thương và tương lai đầy hi vọng của Việt Nam. Biểu tượng thứ nhất là sân bay Biên Hòa, từng là căn cứ quân sự của quân đội Pháp và Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Biểu tượng thứ hai là sân bay quốc tế Long Thành, một công trình quy mô lớn đang được xây dựng và dự kiến sẽ trở thành cửa ngõ hàng không mới của cả nước khi đi vào hoạt động năm tới. Hai địa điểm này chỉ cách nhau 20 dặm, nhưng lại thể hiện một hành trình lịch sử đáng chú ý.

Quân đội Mỹ đã rút toàn bộ lực lượng chiến đấu khỏi miền Nam Việt Nam vào năm 1973. Hai năm sau, Sài Gòn, nay là TP. HCM, thất thủ trước lực lượng miền Bắc; một năm sau đó, hai miền chính thức thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Một thập kỷ nghèo đói đến cùng cực và bị cô lập trên trường quốc tế đã ập đến ngay sau đó.

Đến giữa thập niên 1980, ông Nguyễn Văn Linh – một vị lãnh đạo theo đường lối cải cách – bắt đầu nới lỏng sự kiểm soát của nhà nước đối với nền kinh tế. Ông mô tả cách tiếp cận của mình như một bước tiến đến chủ nghĩa xã hội theo hướng hiện đại. Theo lời ông, “Chúng ta muốn đạt đến chủ nghĩa xã hội, nhưng chúng ta muốn đi bằng máy bay, không phải bằng xe đạp.”

Tương tự như Trung Quốc, quá trình chuyển đổi của Việt Nam không kèm theo cải cách chính trị. Việt Nam vẫn là một nhà nước đơn đảng, không có lực lượng đối lập thực sự, báo chí và xã hội dân sự bị kiểm soát chặt chẽ. Môi trường đó, kết hợp với sự cởi mở về kinh tế, đã trở thành điều kiện lý tưởng cho nạn tham nhũng phát triển. Chiến dịch chống tham nhũng gần đây đã bắt giữ hai cựu chủ tịch nước và hàng trăm quan chức cùng doanh nhân, bao gồm một đại gia bất động sản bị tuyên án tử hình.

Tuy nhiên, xét về mặt vật chất, không thể phủ nhận các chính sách do ông Linh khởi xướng đã cải thiện cuộc sống cho hàng triệu người dân. Chất xúc tác chính là dòng vốn quốc tế. Một trong những nhà máy có vốn nước ngoài đầu tiên, do một công ty Đài Loan đầu tư đầu thập niên 1990, là cơ sở lắp ráp xe máy nằm gần sân bay Biên Hòa. Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại vào năm 1994, nhờ sự vận động của hai cựu binh nổi tiếng là Thượng nghị sĩ John Kerry và John McCain. Từ đó, dòng vốn đầu tư dần biến thành làn sóng đầu tư mạnh mẽ. Bên cạnh nhân công giá rẻ, Việt Nam còn có lực lượng lao động trẻ, có học vấn và sự ổn định chính trị — một hệ quả của chế độ kiểm soát chặt chẽ từ Đảng Cộng sản.

Với nhiều công ty quốc tế, Đồng Nai là điểm đến đầu tiên. Cargill xây nhà máy tại đây vào giữa thập niên 1990, tiếp theo là Suzuki Motor, Fujitsu và Formosa Plastics. Trong hơn 600 tỉ đô la Mỹ vốn đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam từ năm 1988, khoảng 36 tỉ đô đã chảy về tỉnh này. Phần lớn được rót vào các khu công nghiệp — những nơi được quy hoạch riêng với cơ sở hạ tầng và chính sách thuế ưu đãi dành riêng cho doanh nghiệp.

Sản phẩm từ Đồng Nai hiện diện trong hàng triệu gia đình và nơi làm việc tại Mỹ, và số lượng vẫn tăng mỗi ngày. Chúng bao gồm quần áo từ Lululemon Athletica, viên cà phê của Nestlé, linh kiện động cơ do Robert Bosch sản xuất và áo thun của Uniqlo thuộc Fast Retailing. Nike bắt đầu sản xuất tại Việt Nam từ năm 1995, dần thay thế Trung Quốc trong vai trò trung tâm sản xuất chiến lược. Hiện nay, một nửa số giày và một phần tư số quần áo của Nike được sản xuất tại Việt Nam, với mạng lưới cung ứng sử dụng khoảng 170.000 lao động tại Đồng Nai.

signs-listing-tenants-at-one-of-dong-nai-s-logistics.jpg
Biển hiệu liệt kê các công ty thuê mặt bằng tại một khu tổ hợp văn phòng và logistics ở Đồng Nai. Hình ảnh: Maika Elan cho Bloomberg Businessweek

Xưởng may của bà Nguyen Thuy Huong, nằm ở một huyện phía Bắc Đồng Nai, là ví dụ điển hình cho mô hình doanh nghiệp phát triển nhờ giao thương với Mỹ. Bà bắt đầu sự nghiệp tại một công ty dệt may nhà nước nhỏ vào năm 1998. Khi chính phủ đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa mười năm sau, bà cùng một số đồng nghiệp đã mua lại phần lớn cổ phần công ty. Đến năm 2015, bà thành lập nhà máy riêng, hiện có khoảng 100 công nhân toàn thời gian chuyên may áo sơ mi và đồ thể thao dưới ánh đèn huỳnh quang chói gắt. Khoảng một nửa sản lượng được xuất sang Mỹ, một phần đi vào hệ thống bán lẻ Walmart.

Giống nhiều doanh nghiệp Việt Nam khác, bà Huong hoạt động với biên lợi nhuận mỏng, nên chỉ cần một mức thuế tăng nhẹ cũng có thể gây tổn thất lớn. Vì vậy, bà đang gấp rút tăng doanh thu trước khi mức thuế cao có hiệu lực. “Chúng tôi đang đẩy nhanh sản xuất và tranh thủ giao hàng trong thời gian hoãn 90 ngày,” bà cho biết. Bà Huong đang tuyển thêm nhân sự và cân nhắc chuyển hàng bằng đường hàng không — dù chi phí cao gấp ba lần đường biển — chỉ để kịp giao đơn hàng còn lại. Do chính sách của ông Trump liên tục thay đổi, việc lên kế hoạch sau giai đoạn 90 ngày trở nên rất khó khăn, cả với bà và khách hàng tại Mỹ. “Chúng tôi đã bắt đầu thấy lượng đặt hàng mùa tới chậm lại,” bà nói, “có lẽ vì người mua đang chờ xem tình hình sẽ ra sao.”

Ông Trump công bố kế hoạch thuế “Ngày Giải phóng” theo phong cách của một ngôi sao truyền hình thực tế, khi tiết lộ mức thuế áp lên từng nước tại Vườn Hồng Nhà Trắng. Khi nhìn thấy mức thuế này, ông Ted Osius — giám đốc điều hành Hội đồng Kinh doanh Mỹ – ASEAN — đã bị choáng váng. Mức thuế 46% đối với Việt Nam cao gần gấp đôi so với Nhật Bản và Ấn Độ, và cao gấp bốn lần mức 10% áp dụng với Anh và Úc. Các quốc gia khác thuộc ASEAN cũng không khá hơn bao nhiêu, khi Indonesia bị áp 32%, còn Malaysia là 24%.

Trong những tuần trước khi có thông báo chính thức, Osius — từng là đại sứ Mỹ tại Việt Nam giai đoạn 2014–2017 — đã hỏi Nhà Trắng rằng cần điều kiện gì để Tổng bí thư Tô Lâm, nhà lãnh đạo cao nhất của Việt Nam, được gặp ông Trump. “Những thương vụ lớn với doanh nghiệp Mỹ,” ông nhớ lại câu trả lời. Osius nói rằng giới chức Việt Nam phản hồi rằng họ sẵn sàng xúc tiến những thỏa thuận lớn. Khi đó, Việt Nam áp thuế với phần lớn hàng hóa Mỹ ở mức 15% hoặc thấp hơn.

Cuối tháng 3, Việt Nam hạ thuế với nhiều mặt hàng, bao gồm táo, ô tô và khí đốt hóa lỏng, đồng thời công bố kế hoạch nhập khẩu hàng Mỹ trị giá 4 tỉ đô la. “Tôi biết họ rất lo lắng và hy vọng những hành động chủ động này sẽ giúp giảm nhẹ tác động của thuế quan,” ông Osius nói. “Họ đã có một quyết định tập thể để hỗ trợ doanh nghiệp Mỹ… Vì vậy, tôi thực sự rất thất vọng.”

Với các quan chức trong chính quyền Mỹ, việc xác định mức thuế là một bài toán đơn giản. Mức thuế được tính bằng công thức sơ sài dựa trên cán cân thương mại của từng quốc gia với Mỹ. Ông Trump nhiều lần tuyên bố rằng Mỹ đang “trợ cấp” cho các quốc gia xuất khẩu nhiều hơn nhập khẩu từ Mỹ — một cách hiểu đi ngược lại với nguyên lý kinh tế học cơ bản và cả lẽ thường. Có thể nói, điều đó giống như cho rằng người đi siêu thị đang “trợ cấp” cho chủ siêu thị chứ không phải là đổi tiền lấy hàng hóa mình cần.

Tuy nhiên, cách hiểu kỳ quặc của ông Trump về thương mại toàn cầu đã đặt Việt Nam vào thế khó. Dù là cường quốc xuất khẩu, GDP bình quân đầu người của Việt Nam chỉ khoảng 4.000 đô la, khiến người dân khó có khả năng mua hàng nhập khẩu đắt đỏ. Kết quả là Mỹ đang thâm hụt thương mại lớn với Việt Nam — ở mức 123,5 tỉ đô la năm ngoái, chỉ đứng sau Trung Quốc và Mexico. Về lý thuyết, thuế quan có thể giúp thu hẹp khoảng cách này bằng cách khiến hàng Việt Nam đắt hơn, từ đó khuyến khích doanh nghiệp Mỹ chuyển dây chuyền sản xuất về những bang Mỹ như Ohio hay Arizona. Nhưng điều này đồng nghĩa với giả định rằng người lao động Mỹ sẵn sàng đi may giày thể thao hoặc hàn mạch điện tử, và rằng mức lương phổ biến tại Mỹ không khiến giá thành sản phẩm trở nên quá cao.

cat-lai-port.jpg
Toàn cảnh cảng Cát Lái nhìn từ trên cao, nằm ở vùng ven Thành phố Hồ Chí Minh. Hình ảnh: Maika Elan cho Bloomberg Businessweek

Điều khiến ông Osius và nhiều chuyên gia về Việt Nam cảm thấy đặc biệt khó hiểu là chính sách của Mỹ đã góp phần tạo ra thâm hụt thương mại lớn này. Trong nhiệm kỳ đầu, ông Trump đã áp thuế lên nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, bao gồm gạo, túi xách và thiết bị y tế. Để né các mức thuế đó — phần lớn vẫn được Tổng thống Joe Biden giữ nguyên — và giảm thiểu rủi ro khi phụ thuộc vào một quốc gia bị giới chính trị Mỹ xem là đối thủ chiến lược, nhiều công ty toàn cầu đã chuyển dây chuyền sản xuất xuống phía Nam.

Chẳng hạn, hãng bán lẻ đồ gia dụng Williams-Sonoma đã chuyển phần lớn hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam; hãng đồ chơi Hasbro cũng bắt đầu sản xuất nhiều đồ chơi Transformers hơn tại đây. Một số nhà máy mới có công nghệ hiện đại hơn nhiều: Foxconn, tập đoàn Đài Loan đứng sau nhiều thiết bị bán chạy của Apple, đã thiết lập dây chuyền sản xuất iPad và MacBook tại Việt Nam. Kể từ năm 2017, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đã tăng gấp ba lần, và thâm hụt thương mại cũng tăng theo.

Một số quan chức trong chính quyền ông Trump nhiệm kỳ đầu từng khuyến khích việc chuyển dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, trong khi những người khác lại xem đây là bằng chứng cho thấy nếu không có các biện pháp mạnh tay hơn, doanh nghiệp sẽ không bao giờ quay trở lại Mỹ — nơi chi phí cao hơn nhiều. Thái độ của ông Trump cũng đầy sự mâu thuẫn: khi thì chỉ trích gay gắt (“Việt Nam lợi dụng chúng ta còn tệ hơn cả Trung Quốc”), lúc lại khen ngợi nồng nhiệt (“Việt Nam thực sự đã trở thành một phép màu của thế giới”). Cuối cùng, ông áp thuế lên một số mặt hàng của Việt Nam một cách hạn chế trước khi thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống và nhường chỗ cho ông Biden.

Lần này, chính phủ Việt Nam đã phản ứng rất nhanh. Ông Tô Lâm là một trong những lãnh đạo nước ngoài đầu tiên gọi điện cho ông Trump sau khi Mỹ công bố thuế, và vào ngày 5.4, ông công khai đề nghị Việt Nam sẽ xóa bỏ mọi mức thuế còn lại với hàng hóa Mỹ, đồng thời thể hiện “thiện chí ở các lĩnh vực khác”. Phó thủ tướng Việt Nam cũng nhanh chóng lên đường sang Washington để tham dự loạt cuộc gặp cấp cao.

Các tuyên bố từ phía Việt Nam cho thấy nước này có thể cam kết gia tăng nhập khẩu các sản phẩm hàng không, thực phẩm và năng lượng từ Mỹ, cũng như sẽ có biện pháp cụ thể nhằm ngăn chặn tình trạng gian lận xuất xứ. Cơ quan hải quan cho biết đã phát hiện nhiều trường hợp, nhưng vẫn khó xác định mức độ phổ biến thực tế. Hy vọng là các nhượng bộ này, nếu được trình bày khéo léo, có thể khiến ông Trump giảm mức thuế với Việt Nam xuống tương đương các nước khác, và tốt nhất là hủy bỏ hoàn toàn.

Gần như tất cả các doanh nhân Việt Nam được Bloomberg Businessweek phỏng vấn đều bày tỏ sự lạc quan rằng chính phủ sẽ tìm được tiếng nói chung với Mỹ. Trên truyền thông, các quan chức kêu gọi công chúng bình tĩnh.

“Việt Nam sẽ tăng cường đối thoại và đàm phán, không đối đầu, không gây căng thẳng hay làm phức tạp vấn đề,” Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu hồi tháng 4. Ông nhấn mạnh rằng tuy các mức thuế mới sẽ ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu, nhưng chúng không nghiêm trọng bằng các cuộc cải cách kinh tế hồi thập niên 1980, chưa kể đến những cuộc chiến tranh trước đó.

stc-long-thanh.jpg
Dự án phát triển STC Long Thành, gần khu vực quy hoạch Sân bay Quốc tế Long Thành. Hình ảnh: Maika Elan cho Bloomberg Businessweek

Bên rìa một khu công nghiệp ở Đồng Nai, vài dãy chung cư kiểu Pháp xếp hàng dọc theo con đường mới mở. Trong một quán cà phê gần đó, một khách hàng đang cúi mình làm việc bên chiếc máy tính xách tay. Anh là Hồ Văn Huy, nhân viên bán hàng của dự án STC Long Thành — một khu dân cư mới được quy hoạch như một ốc đảo của giới trung lưu, với trường học, sân chơi, bệnh viện và công viên có hồ nhân tạo.

Dù chưa có ai chuyển đến, hơn 80% trong số 1.083 căn hộ đã được bán. “Dự án và khu vực này có tiềm năng tăng trưởng rất lớn,” Huy nói. Anh chỉ tay về con đường phía trước khu dân cư, nơi dự kiến sẽ được mở rộng gấp ba lần để đáp ứng lượng xe máy, xe tải và xe hơi đời mới ngày càng tăng. Khi được hỏi về tác động của kế hoạch áp thuế mới, Huy cho biết chúng khiến các công ty thận trọng hơn, nhưng những nhà đầu tư vào khu này đều có tầm nhìn dài hạn.

huy-stc.jpg
Hồ Văn Huy, nhân viên bán hàng của dự án STC Long Thành tại một quán cà phê ở Thành phố Hồ Chí Minh. Hình ảnh: Maika Elan cho Bloomberg Businessweek

Những dự án như của anh Huy phản ánh niềm tin rằng sự trỗi dậy kinh tế của Việt Nam cuối cùng sẽ không thể bị cản trở bởi các quyết định từ bất kỳ thủ đô nước ngoài nào. Người mua các căn hộ tại STC, có giá khởi điểm khoảng 120.000 đô la, rõ ràng là những người tiêu dùng có đủ khả năng chi trả cho chính các sản phẩm mà nhà máy tại Đồng Nai sản xuất.

Nếu các kế hoạch của chính phủ thành công, trong tương lai họ sẽ làm việc trong các lĩnh vực như nghiên cứu, thiết kế và các ngành nghề được trả lương cao hơn — tương tự cách mà các công ty Trung Quốc đã chuyển từ sản xuất cơ bản sang đổi mới công nghệ có giá trị cao. Nhờ vậy, nền kinh tế sẽ ít phụ thuộc vào xuất khẩu hàng giá rẻ và hướng tới mô hình dựa trên dịch vụ và nhu cầu nội địa.

Tại Đồng Nai, các ưu tiên hiện nay là “công nghệ xanh, điện tử và sản xuất bán dẫn,” theo ông Dương Minh Dũng, lãnh đạo cấp cao của tỉnh. Trong khi các nhà máy sản xuất hàng đơn giản vẫn được chào đón, ông nói, “chúng tôi đang tập trung vào các ngành công nghệ cao.”

Một phần trong chiến lược này hiện rõ tại khu vực gần dự án STC, nơi các dải băng nhựa bạc màu đánh dấu ranh giới của sân bay quốc tế Long Thành. Bên trong, sau con đường đất, là một công trường có diện tích gần bằng Manhattan. Nhiều cần cẩu cỡ lớn đang hoạt động, nâng khung thép cho nhà ga hiện đại được thiết kế mô phỏng hình hoa sen — quốc hoa của Việt Nam.

Khi bắt đầu hoạt động vào năm tới, sân bay sẽ có công suất 25 triệu khách mỗi năm một con số còn khiêm tốn, nhưng đã có kế hoạch xây thêm ba nhà ga nữa. Khi hoàn tất, quy mô của sân bay sẽ tăng gấp bốn lần, tương đương với Dubai hoặc Heathrow ở London — đủ lớn để phục vụ một đô thị có thể đạt gần 15 triệu dân vào năm 2050, với vị thế là trung tâm công nghệ, tài chính và dịch vụ chuyên nghiệp lớn của châu Á. Đó là một tham vọng táo bạo, nhưng không hề viển vông. Trong 50 năm qua, Việt Nam đã chuyển mình từ một đất nước bị tàn phá bởi chiến tranh đến hòa bình lâu dài, từ nghèo đói đến thu nhập trung bình, từ kế hoạch hóa kiểu Stalin sang kinh tế thị trường. Trong quá trình đó, nền kinh tế đã tăng trưởng hơn 1.000%.

longthanh-airport_250601_maika-02.jpg
Nhà ga hành khách đang được xây dựng tại Sân bay Quốc tế Long Thành. Hình ảnh: Maika Elan cho Bloomberg Businessweek

Để duy trì đà tăng trưởng và đưa Việt Nam trở thành một xã hội thịnh vượng, các nhà lãnh đạo đất nước sẽ phải đưa ra những quyết định khó khăn. Đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam không phải là Mỹ mà là Trung Quốc — tổng với kim ngạch song phương vượt 200 tỉ đô la Mỹ trong năm ngoái. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thực hiện chuyến thăm cấp nhà nước đến Hà Nội vào giữa tháng 4. Ông Tô Lâm tiếp đón nồng hậu và tuyên bố: “Phát triển quan hệ với Trung Quốc là sự lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu.” Về phần mình, ông Trump cho rằng cuộc gặp này nhằm mục đích “tìm cách chơi xỏ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.”

Tuy nhiên, việc thay thế sự phụ thuộc vào một cường quốc này bằng một cường quốc khác không phải là lựa chọn hay. Quan hệ giữa Việt Nam và nước láng giềng khổng lồ phía Bắc vẫn đầy trắc trở, từng bùng nổ thành một cuộc chiến ngắn nhưng đẫm máu vào năm 1979. Gần đây hơn, hai nước tiếp tục xung đột vì các yêu sách chủ quyền trên biển của Bắc Kinh, và tâm lý chống Trung Quốc khá phổ biến với người dân Việt Nam. Nguy cơ căng thẳng bùng phát luôn hiện hữu, đồng nghĩa với rủi ro lớn cho thương mại. Do đó, việc duy trì xuất khẩu quy mô lớn sang Mỹ là một yếu tố sống còn.

Sau ba ngày thảo luận vào cuối tháng 5, giới chức Việt Nam cho biết đã đạt được một số tiến triển với các đối tác Mỹ trong việc tìm giải pháp cho mức thuế 46% có thể gây tê liệt hoạt động xuất khẩu. Nhiều cuộc họp khác sẽ tiếp tục diễn ra trong tháng này. Trong ngắn hạn, kỳ vọng lớn nhất của Việt Nam có lẽ là đạt được những nhượng bộ tạm thời — còn phụ thuộc vào đàm phán chi tiết hơn và, dĩ nhiên, vào tâm trạng và tính toán chính trị cá nhân của ông Trump. Với một thỏa thuận như vậy, hoạt động xuất khẩu có thể tiếp tục, dù vẫn đi kèm quá nhiều bất ổn khiến việc vận hành một nhà máy nhỏ trở nên khó khăn, chưa nói đến chuyện hoạch định tương lai cho một thị trường đang phát triển nhanh.

Tuy nhiên, Việt Nam đã ký một thỏa thuận khác với gia đình ông Trump — và nó có thể có giá trị không kém gì mọi diễn biến hiện đang nằm trên bàn đàm phán. Hiện Trump Organization chưa sở hữu bất động sản nào tại Việt Nam. Điều đó sắp thay đổi. Vào ngày 21.5, hàng trăm quan chức và khách mời đã tập trung tại một cánh đồng ven sông Hồng, cách không xa Hà Nội, và tiến vào một chiếc lều màu vàng được trang trí bằng hoa sen hồng giả. Bên kia đường, một nhóm nông dân địa phương cũng tụ tập, nhưng bị lực lượng an ninh ngăn không cho tiếp cận gần hơn.

Họ đến để hy vọng thấy vị khách đặc biệt — Eric Trump, con trai của vị tổng thống — người đến dự lễ động thổ dự án khu nghỉ dưỡng sân golf Trump International Hưng Yên trị giá 1,5 tỉ đô la, gồm 54 lỗ. Sau màn biểu diễn múa truyền thống Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính lên phát biểu, ca ngợi sự hợp tác Việt – Mỹ và kêu gọi các cơ quan chức năng đảm bảo dự án được hoàn thành đúng tiến độ. Trong phần phát biểu của mình, Eric Trump cho biết đây mới chỉ là bước khởi đầu cho kế hoạch của gia đình tại Việt Nam: “Dự án này và nhiều dự án khác mà chúng tôi triển khai sẽ khiến cả châu Á phải ngưỡng mộ. Cả thế giới sẽ phải ngưỡng mộ.” Ngày hôm sau, ông bay vào TP. HCM để làm việc với chính quyền địa phương về khả năng xây dựng một tòa tháp Trump Tower mới.

— Với sự hỗ trợ của Nguyễn Xuân Quỳnh và Andy Lin

Đăng ký nhận bản tin miễn phí

Liên hệ

Hợp tác quảng cáo

Chăm sóc khách hàng: (028) 888 90868

Email: cs@bloombergbusinessweek.vn

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh

Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại: (028) 8889.0868

Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn

© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media