Tài chính

Thị thực vàng là gì và giá trị của nó ra sao?

Thị thực vàng và hộ chiếu vàng giúp người có tài chính vững mạnh đầu tư để có quyền cư trú. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu về những chương trình này và giá trị của chúng.

Minh họa: Bloomberg

Minh họa: Bloomberg

Tác giả: Henrique Almeida, Joao Lima, và K Oanh Ha

10 tháng 4, 2025 lúc 5:48 PM

Trong khi nhiều chính phủ trên thế giới siết chặt kiểm soát nhập cư trái phép, không ít quốc gia vẫn mở cửa chào đón những người nước ngoài có tiềm lực tài chính thông qua các chương trình định cư diện đầu tư, thường được gọi là “thị thực vàng” hoặc “hộ chiếu vàng”. Giá trị của các chương trình này rất đa dạng — từ mức giá hàng triệu đô la dành cho giới siêu giàu đến những mức thấp hơn, phù hợp hơn với tầng lớp khá giả.

Người mua thị thực vàng chủ yếu đến từ Trung Quốc, Nga và các quốc gia Trung Đông, với mong muốn được sinh sống tại Tây Âu hoặc Mỹ. Gần đây, Tổng thống Donald Trump đã đề xuất chương trình “thẻ vàng”, cho phép người nước ngoài chi 5 triệu USD để mua quyền cư trú hợp pháp và trở thành công dân Mỹ. Phiên bản thị thực vàng mới của New Zealand cũng thu hút sự quan tâm từ giới nhà giàu tại Mỹ và châu Âu.

Tuy nhiên, việc sở hữu được thị thực vàng đang ngày càng trở nên khó khăn. Các cơ quan thực thi pháp luật lo ngại rằng những chương trình này có thể bị lợi dụng cho mục đích rửa tiền hoặc tham nhũng. Thêm vào đó, nhiều ý kiến chỉ trích cho rằng chính sách này tạo ra sự bất công khi chỉ giúp ích cho người giàu, trong khi những người khác sẽ không có các đặc quyền đó, đồng thời biến quyền cư trú và quyền công dân thành một loại hàng hóa mua bán được.

Thị thực vàng là gì?

Thị thực vàng, hay còn được gọi là “quyền cư trú theo diện đầu tư”, là hình thức cho phép người nước ngoài xin quyền cư trú tạm thời hoặc vĩnh viễn tại một quốc gia để sinh sống và làm việc. Để đủ điều kiện được cấp loại thị thực này, người nộp đơn phải thực hiện một khoản đầu tư nhất định, như mua bất động sản, thành lập doanh nghiệp tại quốc gia đó hoặc đóng góp tài chính cho chính phủ.

Trong nhiều trường hợp, người sở hữu thị thực không bắt buộc phải cư trú toàn thời gian tại quốc gia cấp thị thực. Điều này khiến thị thực vàng trở thành phương án dự phòng hấp dẫn đối với những người muốn có quyền đi lại giữa nhiều quốc gia, nhưng chưa có ý định định cư lâu dài.

Hộ chiếu vàng là gì?

“Hộ chiếu vàng”, hay “quyền công dân theo diện đầu tư”, là hình thức ít phổ biến hơn nhưng mang lại nhiều quyền lợi hơn cho người sở hữu. Chẳng hạn, nếu sở hữu quốc tịch của một quốc gia thành viên EU như Malta, người nhập quốc tịch có thể sinh sống, làm việc và học tập tại toàn bộ 27 nước thuộc khối này.

Một số quốc gia cho phép người nước ngoài xin quốc tịch nếu họ thực hiện một khoản đầu tư lớn hoặc đóng góp trực tiếp cho chính phủ. Trong nhiều trường hợp, người từng sở hữu thị thực vàng rồi có thể đủ điều kiện xin quốc tịch sau một thời gian nhất định — ví dụ như ở Bồ Đào Nha là sau 5 năm.

Nhiều đảo quốc vùng Caribe như Antigua và Barbuda, Grenada, và St. Kitts and Nevis cũng đang triển khai các chương trình quốc tịch theo diện đầu tư có tính cạnh tranh cao, với mức đầu tư tối thiểu từ hơn 200.000 USD. Một số quốc gia khác cũng áp dụng hình thức tương tự, bao gồm Ai Cập, Jordan, Montenegro, Bắc Macedonia và Áo, theo dữ liệu từ công ty tư vấn Henley & Partners có trụ sở tại London.

Quốc đảo Nauru ở Thái Bình Dương dự kiến sẽ phát hành hộ chiếu vàng với giá khởi điểm 140.500 USD để có thêm nguồn tài chính phục vụ kế hoạch di dời người dân khỏi các khu vực trũng thấp đang bị đe dọa bởi nước biển dâng và lũ lụt do biến đổi khí hậu.

Chương trình “Thẻ vàng” tại Mỹ là gì?

Vào tháng 2, 2025, ông Trump công bố kế hoạch cho phép người nước ngoài có tiềm lực tài chính mua “thẻ vàng” với giá 5 triệu USD để được cấp quyền cư trú hợp pháp tại Mỹ và có lộ trình xin quốc tịch. Các doanh nghiệp cũng có thể mua thẻ này cho nhân viên nước ngoài để họ làm việc tại Mỹ.

Ngày 3 tháng 4, trên chuyên cơ Air Force One, Tổng thống Trump giới thiệu nguyên mẫu của tấm thẻ vàng đặc biệt in hình chân dung ông và dòng chữ “The Trump Card”. Ông tuyên bố chương trình thị thực này sẽ chính thức được triển khai trong vòng hai tuần tới. Theo ông, toàn bộ số tiền thu được từ chương trình — vốn sẽ thay thế thị thực EB-5 hiện hành — sẽ được chuyển trực tiếp vào ngân sách nhà nước nhằm giảm thâm hụt.

Thị thực vàng có phải là ý tưởng mới?

Nhiều chương trình định cư diện đầu tư đã tồn tại hàng chục năm nay và được chính phủ nhiều nước xem như là công cụ huy động vốn và thu hút dòng tiền từ nước ngoài. Canada đã triển khai Chương trình Nhà đầu tư Liên bang từ những năm 1980.

Tại châu Âu, thị thực vàng trở nên phổ biến hơn sau khủng hoảng nợ công năm 2010, khi một số quốc gia cần thu hút nguồn vốn bên ngoài để bù đắp thâm hụt ngân sách. Bồ Đào Nha, Ireland, Hy Lạp và Hungary đã áp dụng chương trình này sau khi nhận gói cứu trợ tài chính từ EU và Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF.

Đến nay, nhiều quốc gia tại châu Âu và các khu vực khác trên thế giới đã triển khai những phiên bản khác nhau của hình thức định cư “trả tiền để được cư trú”. Tuy nhiên, khi làn sóng phản đối gia tăng — với các lo ngại về giá nhà leo thang, chủ sở hữu bất động sản vắng mặt và nguy cơ tham nhũng — không ít quốc gia đã quyết định chấm dứt chương trình này.

Thị thực vàng hoạt động như thế nào?

Năm 2012, Bồ Đào Nha bắt đầu cấp thị thực vàng cho công dân ngoài EU nếu họ đầu tư tối thiểu 500.000 euro (tương đương khoảng 557.000 USD) vào bất động sản, góp vốn vào quỹ đầu tư hoặc thành lập doanh nghiệp tạo việc làm tại quốc gia này. Sau đó, mức đầu tư bất động sản được điều chỉnh giảm xuống còn 350.000 euro.

Đến năm 2013, Hy Lạp, Tây Ban Nha và Hungary cũng triển khai chương trình thị thực vàng, cho phép người nước ngoài dùng các khoản đầu tư vào bất động sản để đổi lấy quyền cư trú. Các chương trình này cho phép người sở hữu được đi lại tự do trong phần lớn các quốc gia thuộc EU và có thể nộp đơn xin quốc tịch sau một vài năm cư trú.

Hungary từng quyết định dừng cấp thị thực vàng vào năm 2017 do những lo ngại về nạn tham nhũng. Tuy nhiên, đến năm 2024, nước này khởi động lại chương trình với điều kiện: đầu tư tối thiểu 250.000 euro vào quỹ trong nước hoặc 500.000 euro vào bất động sản để xin quyền cư trú có thời hạn 10 năm và có thể gia hạn.

Ai đang phản đối thị thực vàng và họ đã hành động ra sao?

Ủy ban châu Âu đã nhiều lần đưa ra cảnh báo rằng các chương trình thị thực vàng có thể làm gia tăng nguy cơ rửa tiền và gây ra rủi ro an ninh. Cuộc chiến tại Ukraine càng khiến những lo ngại này trở nên cấp bách hơn.

Trước áp lực giải quyết khủng hoảng nhà ở, nhiều chính phủ châu Âu đã bắt đầu thu hẹp hoặc chấm dứt chương trình thị thực vàng, dù nó chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng giao dịch bất động sản. Các nước như Anh, Ireland, Hà Lan, Hy Lạp và Malta đã siết chặt hoặc ngừng cấp loại thị thực này. Tháng 4 năm 2024, Tây Ban Nha cũng tuyên bố sẽ chấm dứt chương trình nhằm tăng nguồn cung nhà ở giá phải chăng cho người dân.

Bồ Đào Nha — quốc gia có chương trình thị thực vàng phổ biến nhất châu Âu — đã loại bỏ hình thức đầu tư bất động sản khỏi danh mục đủ điều kiện để được cấp thị thực. Tính đến thời điểm đó, khoảng 90% tổng vốn đầu tư từ chương trình thị thực vàng của Bồ Đào Nha đã được đổ vào bất động sản. Quốc gia này thu hút hàng tỷ euro từ lĩnh vực này và đặc biệt hấp dẫn các nhà đầu tư Trung Quốc, đến mức biển quảng cáo bất động sản tại sân bay Lisbon được in bằng tiếng Trung. Trong thời gian gần đây, chương trình cũng thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư đến từ .

Ở bên ngoài châu Âu, Úc vào tháng 1 năm 2024 đã dừng tiếp nhận hồ sơ xin thị thực từ những người muốn đầu tư trên 5 triệu đô la Úc (tương đương 3,5 triệu USD). Đây là một phần trong kế hoạch cải tổ chính sách nhập cư của chính phủ nhằm ưu tiên thu hút lao động có tay nghề cao.

Hiện nay xin thị thực vàng có khó không?

Tại Bồ Đào Nha, hình thức đầu tư vào bất động sản để ở không còn là một điều kiện trong chương trình thị thực vàng nước này. Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn có thể nộp đơn nếu đầu tư tối thiểu 500.000 euro vào một quỹ hợp pháp, hoạt động nghiên cứu khoa học, hoặc góp vốn vào doanh nghiệp ở Bồ Đào Nha. Doanh nghiệp đó phải tạo ít nhất 5 việc làm mới hoặc duy trì tối thiểu 10 việc làm hiện có.

Từ ngày 1 tháng 9 năm 2024, Hy Lạp nâng mức đầu tư tối thiểu để mua bất động sản và đủ điều kiện xin thị thực vàng lên 400.000 euro. Chính phủ nước này cũng đang xem xét mở rộng chương trình cho các nhà đầu tư sẵn sàng đầu tư ít nhất 250.000 euro vào các công ty khởi nghiệp trong nước.

Chi phí xin quốc tịch theo diện đầu tư tại các quốc đảo Caribe đang tăng, do các chương trình này đóng góp đáng kể vào ngân sách quốc gia, chiếm hơn một nửa tổng thu nhập của một số nước.

Một số hộ chiếu do các quốc đảo Caribe cấp cho phép người sở hữu được miễn thị thực khi đến Anh và EU theo các hiệp định song phương. Điều này khiến các cơ quan quản lý châu Âu lo ngại rằng tội phạm có thể lợi dụng kẽ hở này để nhập cảnh, dẫn đến việc họ gây áp lực buộc các quốc đảo phải siết chặt chính sách cấp quốc tịch.

Cả năm quốc gia trong khu vực, bao gồm Dominica, Grenada, St. Kitts and Nevis, Antigua and Barbuda và Saint Lucia, đã đồng ý rằng từ năm 2024, mức đầu tư tối thiểu để xin quốc tịch sẽ là 200.000 USD. Các nước này cũng tăng cường quy trình thẩm định và áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn đối với việc xét duyệt hồ sơ xin quốc tịch, nhằm đáp ứng lo ngại từ phía EU và Mỹ.

Trái ngược với xu hướng thắt chặt các chương trình thị thực vàng tại nhiều quốc gia, vào tháng 2 năm 2025, New Zealand công bố nới lỏng các điều kiện của chương trình này nhằm thu hút người nhập cư giàu có và thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đợt suy thoái nghiêm trọng năm 2024. Các thay đổi bao gồm việc bãi bỏ yêu cầu kiểm tra tiếng Anh, mở rộng danh mục đầu tư hợp lệ và điều chỉnh yêu cầu về thời gian cư trú.

Theo Bộ trưởng Nhập cư Erica Stanford, chương trình thị thực vàng của New Zealand đang ghi nhận "lượng quan tâm bùng nổ" từ Mỹ và châu Âu, khi căng thẳng địa chính trị khiến giới siêu giàu ngày càng tìm cách sở hữu thêm quyền cư trú hợp pháp ở nước ngoài như một phương án dự phòng.

Theo Bloomberg

Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn

https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/thi-thuc-vang-la-gi-va-gia-tri-cua-no-ra-sao-52963.html

#Thị thực
#Donald Trump
#Golden visa
#Thị thực vàng
#hộ chiếu vàng

Đăng ký nhận bản tin miễn phí

Liên hệ

Hợp tác quảng cáo

Chăm sóc khách hàng: (028) 888 90868

Email: cs@bloombergbusinessweek.vn

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh

Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại: (028) 8889.0868

Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn

© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media