Một sản phẩm của BEACON MEDIA
Khám phá nhiều hơn với tài khoản
Đăng nhập để lưu trữ và dễ dàng truy cập những bài viết bạn yêu thích trên Bloomberg Businessweek Việt Nam.
Kinh doanh
CEO Boeing Kelly Ortberg lại đối mặt khủng hoảng sau vụ rơi máy bay 787 Dreamliner ở Ấn Độ khiến hơn 240 người thiệt mạng.
Hình ảnh: Namas Bhojani/Bloomberg
Tác giả: Julie Johnsson
13 tháng 6, 2025 lúc 9:00 AM
Trong chín tháng đầu nhiệm kỳ, ông Ortberg đã giúp công ty vượt qua nhiều thử thách, từ tình trạng thiếu tiền mặt, căng thẳng lao động, đến yêu cầu cải tổ bộ phận an toàn bay và cuộc chiến thương mại do Tổng thống Donald Trump phát động với Trung Quốc — một trong những khách hàng lớn nhất của Boeing.
Tuy nhiên, ngay khi ông bắt đầu gầy dựng lại niềm tin của công chúng vào hãng sản xuất máy bay lâu đời này, vụ tai nạn kinh hoàng của chuyến bay Air India 787 đi London lại khiến dư luận một lần nữa nghi ngờ về độ an toàn của máy bay Boeing.
Cổ phiếu Boeing đã giảm gần 5% vào thứ Tư sau khi có thông tin về vụ tai nạn, cướp đi sinh mạng của 241 trong số 242 người trên máy bay.
“Đây là thời khắc kinh điển của quản trị khủng hoảng và phản ứng nhanh: phải nhanh chóng cử người đến hiện trường để tìm hiểu nguyên nhân, đồng thời để trấn an mọi người,” chuyên gia tư vấn hàng không Richard Aboulafia nhận định. “Nhiều khi, việc quan trọng nhất là xuất hiện đúng lúc.”
Trong tuyên bố chính thức, ông Ortberg gửi lời chia buồn đến gia đình các hành khách và phi hành đoàn, cũng như người dân Ahmedabad — nơi chuyến bay khởi hành. Ông cam kết sẽ hỗ trợ Air India trong quá trình điều tra vụ tai nạn.
Ông Ortberg và bà Stephanie Pope, người đứng đầu bộ phận máy bay thương mại của Boeing, đã hủy kế hoạch tham dự Triển lãm Hàng không Paris — sự kiện thường niên để các lãnh đạo trong ngành giới thiệu tiến độ của công ty mình và ký thêm các đơn hàng mới.
Có thể sẽ mất vài tuần, thậm chí vài tháng, để xác định nguyên nhân vụ rơi máy bay. Trong thời gian này, hàng triệu con mắt đang dõi theo cách Ortberg xử lý cuộc khủng hoảng.
Theo chuyên gia Ken Herbert thuộc RBC Capital Markets, vụ tai nạn có thể làm lu mờ triển lãm Paris và hạn chế sự hiện diện của Boeing tại sự kiện lớn nhất ngành hàng không toàn cầu.
Các chuyên gia cho biết đoạn video ghi lại vụ việc cho thấy máy bay có thể đã mất lực đẩy — nguyên nhân có thể do va chạm với chim, nhiên liệu bị nhiễm bẩn, lỗi bảo trì, sai sót của phi công hoặc các yếu tố khác. Họ cho rằng khả năng vụ tai nạn bắt nguồn từ thiết kế hoặc chất lượng chế tạo là khá thấp, vì chiếc 787 này đã phục vụ cho Air India trong suốt 11 năm qua.
Dù vậy, theo ông Aboulafia, “24 giờ tới sẽ là khoảng thời gian rất căng thẳng” đối với ban lãnh đạo Boeing.
Ông Ortberg — một kỹ sư xuất thân khiêm tốn từ vùng Trung Tây nước Mỹ — từng nghỉ hưu trước khi quay trở lại năm ngoái để dẫn dắt một trong những cuộc tái cấu trúc khó khăn nhất trong giới doanh nghiệp Mỹ. Khi đó, Boeing đang chật vật sau sự cố nghiêm trọng liên quan đến dòng 737 Max khiến cơ quan quản lý Mỹ vào cuộc và hàng loạt lãnh đạo cấp cao phải từ chức.
Ông giữ hình ảnh kín tiếng trước công chúng, trong khi thúc đẩy nội bộ xây dựng văn hóa tôn trọng, chuẩn mực và tự hào trong công việc. Một nhóm nhân viên được giao soạn thảo bộ giá trị cốt lõi của công ty, trong đó nhấn mạnh thông điệp: “Phải thật sự quan tâm đến công việc mình làm.”
Các khách hàng của Boeing, như John Plueger — tổng giám đốc hãng cho thuê máy bay Air Lease, nhà tài trợ lớn nhất nước Mỹ — đã bắt đầu cảm nhận được sự thay đổi. Trong cuộc phỏng vấn tháng trước, ông cho biết Boeing giao máy bay đúng hạn, các nhà máy và chuỗi cung ứng hoạt động khá ổn định, dù vẫn còn một vài vấn đề nhỏ.
Boeing thậm chí còn được hưởng lợi từ một đơn hàng kỷ lục mà Qatar Airways đặt mua trong chuyến thăm của Tổng thống Trump, giúp tổng số đơn đặt hàng trong tháng 5 tăng lên mức cao nhất trong vòng 18 tháng qua.
Tuy nhiên, đà phục hồi đó hiện đang đối mặt với nguy cơ chững lại khi công ty phải xác định xem liệu Boeing có vai trò gì trong vụ tai nạn hay không.
Chiếc máy bay gặp nạn được sản xuất vào giai đoạn đầu của chương trình 787, thời điểm Boeing đang vật lộn với hậu quả từ quyết định chuyển phần lớn công đoạn thiết kế và phát triển cho các nhà cung cấp nhằm cắt giảm chi phí. Đây là chiếc Dreamliner thứ 26 được lắp ráp, thuộc nhóm 60 máy bay đầu tiên phải trải qua quy trình sửa chữa lớn sau khi rời khỏi nhà máy ở phía bắc thành phố Seattle.
Những trục trặc ban đầu của dòng 787 Dreamliner đã dần lắng xuống khi mẫu máy bay thân rộng làm từ vật liệu composite carbon này trở thành lựa chọn ổn định cho nhiều hãng hàng không, từ ANA đến United Airlines.
Dù ông Plueger tin tưởng vào ban lãnh đạo hiện tại của Boeing, ông nhận định: “Boeing vẫn chưa thực sự vượt qua khó khăn. Họ cần duy trì khả năng giao hàng đều đặn, đồng thời chứng minh được chất lượng sản xuất cao, không có trục trặc, lỗi kỹ thuật hay bất kỳ vấn đề gì về độ an toàn.”
Theo Bloomberg
Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn
https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/them-mot-tham-kich-hang-khong-lien-quan-den-boeing-53451.html
Tặng bài viết
Đối với thành viên đã trả phí, bạn có 5 bài viết mỗi tháng để gửi tặng. Người nhận quà tặng có thể đọc bài viết đầy đủ miễn phí và không cần đăng ký gói sản phẩm.
Bạn còn 5 bài viết có thể tặng
Liên kết quà tặng có giá trị trong vòng 7 ngày.
BÀI LIÊN QUAN
Truy cập nhanh
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh
Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 8889.0868
Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn
© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media