Kinh tế

Tăng trưởng toàn cầu 2025 có thể thấp nhất trong 17 năm

Ngân hàng Thế giới hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu, cảnh báo thập niên 2020 có thể là giai đoạn trì trệ kinh tế nghiêm trọng nhất từ sau Thế chiến thứ hai.

Trụ sở Ngân hàng Thế giới tại Washington, DC. Hình ảnh: Samuel Corum/Bloomberg

Trụ sở Ngân hàng Thế giới tại Washington, DC. Hình ảnh: Samuel Corum/Bloomberg

Tác giả: Enda Curran

11 tháng 6, 2025 lúc 2:30 PM

Ngân hàng Thế giới hôm thứ Ba đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2025 và cảnh báo rằng thập niên 2020 đang trên đà trở thành giai đoạn tăng trưởng yếu nhất kể từ sau khi tàu Apollo lần đầu hạ cánh lên Mặt trăng, do bị ảnh hưởng bởi căng thẳng thương mại và bất ổn về chính sách.

Tổ chức tài chính có trụ sở tại Washington hạ dự báo tăng trưởng năm 2025 xuống còn 2,3%, thấp hơn so với mức 2,7% đưa ra hồi tháng 1. Đây sẽ là tốc độ tăng trưởng thấp nhất trong 17 năm qua, nếu không tính các cuộc suy thoái toàn cầu năm 2009 và 2020 do khủng hoảng tài chính và đại dịch Covid-19 gây ra.

Ngân hàng Thế giới cũng cho biết nếu xu hướng hiện tại tiếp diễn, tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong bảy năm đầu thập kỷ này sẽ chỉ đạt trung bình 2,5%, mức thấp nhất so với bất kỳ thập niên nào kể từ những năm 1960.

Tổng thống Donald Trump, người vừa trở lại Nhà Trắng trong năm nay, đang quyết liệt thúc đẩy chiến dịch chống tự do thương mại, điều mà chính quyền của ông cho rằng đã làm suy yếu ngành sản xuất trong nước và khiến nền kinh tế lớn nhất thế giới dễ bị tổn thương hơn trước các cú sốc trong chuỗi cung ứng.

Tuy nhiên, sự thiếu ổn định và tính khó đoán trong các chính sách thuế quan của Washington — được áp dụng với không chỉ với các đối thủ như Trung Quốc mà cả các đồng minh — đã gây chấn động thị trường, khiến dòng vốn đầu tư bị đình trệ và chuỗi cung ứng toàn cầu gián đoạn.

“Nền kinh tế thế giới một lần nữa đang gặp bất ổn. Nếu không có sự điều chỉnh kịp thời, mức sống của người dân nhiều nơi có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng,” ông Indermit Gill, kinh tế trưởng Indermit Gill của Ngân hàng Thế giới viết trong lời mở đầu báo cáo.

“Những bất đồng quốc tế, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại, đã phá vỡ các nền tảng chính sách từng giúp xóa đói giảm nghèo và mang đến sự thịnh vượng sau Thế chiến thứ hai.”

Ngân hàng Thế giới cho rằng triển vọng kinh tế toàn cầu sẽ cải thiện nếu căng thẳng thương mại được hạ nhiệt, chính phủ các nước kiểm soát nợ hiệu quả hơn và ưu tiên tạo việc làm.

Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu mới nhất, tổ chức này đã hạ dự báo tăng trưởng đối với gần 70% các nền kinh tế trên thế giới.

Cụ thể, tăng trưởng được dự báo sẽ chậm lại tại gần 60% các nền kinh tế đang phát triển trong năm nay, giảm 0,3 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 1. Các quốc gia có thu nhập thấp dự kiến tăng trưởng 5,3% — giảm 0,4 điểm phần trăm. Dự báo tăng trưởng của Mỹ bị hạ xuống 1,4%, thấp hơn 0,9 điểm phần trăm, trong khi Trung Quốc giữ nguyên ở mức 4,5%.

“Đà tăng trưởng còn có thể thấp hơn nữa nếu các biện pháp hạn chế thương mại tiếp tục leo thang hoặc bất ổn chính sách kéo dài — hai yếu tố có thể gây căng thẳng tài chính,” báo cáo cảnh báo. Ngoài ra, các rủi ro khác còn bao gồm suy giảm tăng trưởng tại các nền kinh tế lớn, xung đột leo thang và hiện tượng thời tiết cực đoan.

— Với sự hỗ trợ của Zoe Schneeweiss

Theo Bloomberg

Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn

https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/tang-truong-toan-cau-2025-co-the-thap-nhat-trong-17-nam-53427.html

#Ngân hàng Thế giới
#tăng trưởng kinh tế
#căng thẳng thương mại
#bất ổn chính sách
#tốc độ tăng trưởng
#suy thoái toàn cầu
#khủng hoảng tài chính
#suy giảm tăng trưởng
#Trung Quốc
#Mỹ

Đăng ký nhận bản tin miễn phí

Liên hệ

Hợp tác quảng cáo

Chăm sóc khách hàng: (028) 888 90868

Email: cs@bloombergbusinessweek.vn

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh

Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại: (028) 8889.0868

Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn

© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media