Kinh tế

Tân tổng thống Hàn Quốc với "bài toán" phục hồi kinh tế cùng cân bằng quan hệ Mỹ, Trung

Chiến thắng của Lee Jae-myung đánh dấu bước ngoặt chính trị tại Hàn Quốc, mở ra kỳ vọng phục hồi kinh tế và ổn định quan hệ đối ngoại.

Hình ảnh: SeongJoon Cho/Bloomberg

Hình ảnh: SeongJoon Cho/Bloomberg

Tác giả: Soo-Hyang Choi và Hyonhee Shin

04 tháng 6, 2025 lúc 3:13 PM

Ứng viên cánh tả Lee Jae-myung đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Hàn Quốc, khép lại ba năm cầm quyền của phe bảo thủ trong một cuộc chạy đua được xem như cuộc trưng cầu dân ý về thất bại của người tiền nhiệm trong nỗ lực tái áp đặt thiết quân luật.

Lee, cựu nhà hoạt động lao động, đã giành được 49,4% số phiếu trong cuộc bầu cử hôm thứ Ba, vượt khá xa đối thủ Kim Moon-soo thuộc Đảng Quyền lực Nhân dân cầm quyền, theo kết quả cuối cùng do Ủy ban Bầu cử Quốc gia công bố. Cơ quan này cho biết tỉ lệ cử tri đi bầu đạt 79,4%, mức cao nhất trong 28 năm trở lại đây. Lee được tuyên bố là tổng thống thứ 21 của Hàn Quốc lúc 6 giờ 21 phút sáng thứ Tư theo giờ địa phương. Lễ tuyên thệ nhậm chức diễn ra lúc 11 giờ tại trụ sở quốc hội, theo hãng Yonhap.

Trước sự chứng kiến của đông đảo người dân gần tòa nhà Quốc hội ở Seoul lúc 1 giờ 15 phút sáng — ngay trước khi ông Kim thừa nhận thất bại — ông Lee phát biểu: “Tôi sẽ không bao giờ quên trọng trách mà các bạn đã kỳ vọng và giao phó cho tôi, và tôi sẽ thực hiện nó một cách vững vàng, không bao giờ sao nhãng.” Ông cũng khẳng định sẽ bảo vệ chủ quyền nhân dân trong một đất nước dân chủ, “nơi chúng ta cùng chung sống bằng sự công nhận và hợp tác, thay vì thù hận và căm ghét.”

Trong bài phát biểu mừng chiến thắng, Lee cho biết nhiệm vụ đầu tiên của ông là ngăn chặn nguy cơ tái áp đặt thiết quân luật. Mục tiêu tiếp theo là phục hồi nền kinh tế. Ngay trong ngày thứ Tư, chỉ số chứng khoán Kospi tăng 1,5% và đồng won tăng 0,3% so với USD.

Chiến thắng của ông Lee được kỳ vọng sẽ đánh dấu bước ngoặt cho Hàn Quốc, sau sáu tháng hỗn loạn chính trị kể từ vụ khủng hoảng thiết quân luật hồi tháng 12 — một sự kiện từng gây chấn động toàn cầu, làm rung chuyển thị trường và kéo theo cuộc khủng hoảng hiến pháp nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ. Ông cũng sẽ đối mặt với thách thức khôi phục đà tăng trưởng cho một nền kinh tế đang suy yếu và dễ tổn thương trước các chính sách thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Trước mắt, ông Lee phải củng cố quan hệ thương mại và an ninh với chính quyền ông Trump, đồng thời tìm cách cải thiện quan hệ với Trung Quốc và Triều Tiên. Dù gần đây ông đã giảm giọng điệu cứng rắn với Mỹ và Nhật Bản, Lee vẫn ủng hộ một cách tiếp cận cân bằng hơn giữa Washington và Bắc Kinh, đồng thời để ngỏ khả năng đối thoại với chính quyền ông Kim Jong Un.

“Chúng tôi sẽ nhanh chóng ổn định tình hình trên bán đảo Triều Tiên để giảm thiểu cái gọi là ‘Rủi ro Hàn Quốc’, và hết sức nỗ lực để đời sống của người dân không bị ảnh hưởng bởi các vấn đề an ninh,” ông Lee tuyên bố.

Dù giành chiến thắng vững chắc và đang nắm đa số trong quốc hội — điều giúp thúc đẩy việc lập pháp — kết quả bầu cử vẫn thấp hơn kỳ vọng. Lee từng hy vọng sẽ giành thắng lợi áp đảo sau khi cựu tổng thống Yoon Suk Yeol bị luận tội và bắt giữ. Tuy nhiên, ứng viên thứ ba Lee Jun-seok — cựu lãnh đạo đảng Sức mạnh Nhân dân, đại diện cho đảng Cải cách — đã giành được 8,3% số phiếu, cho thấy tổng số phiếu của phe bảo thủ vẫn cao hơn so với ông Lee, ngay cả sau vụ bê bối thiết quân luật.

“Việc điều hành quốc gia theo hướng độc đoán khi nắm toàn bộ quyền hành pháp và lập pháp có thể rất hấp dẫn, nhưng sẽ không giải quyết được gốc rễ của tình trạng chia rẽ phe phái và sự thiếu khoan dung lẫn nhau — những yếu tố dẫn đến cuộc nổi dậy hồi tháng 12,” bà Celeste Arrington, chuyên gia về Hàn Quốc tại Đại học George Washington, nhận định.

Các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ sẽ là phép thử sớm đối với khả năng cân bằng giữa chính sách đối ngoại và đối nội của ông Lee, trong bối cảnh xuất khẩu chiếm hơn 40% GDP của Hàn Quốc. Ông Lee, người dự kiến sẽ sớm điện đàm với Tổng thống Trump, cho biết các nhà hoạch định chính sách không nên vội vàng ký kết thỏa thuận với Washington.

Mức thuế đối ứng 25% mà Mỹ áp lên Hàn Quốc nằm trong nhóm cao nhất từng được áp dụng với một quốc gia đồng minh, nếu được thực thi sau thời gian tạm hoãn 90 ngày. Các loại thuế bổ sung theo ngành còn đe dọa gây tổn hại đến những lĩnh vực xuất khẩu then chốt khác như chất bán dẫn, ô tô, thép và nhôm.

Trong một cuộc phỏng vấn với đài CBS Hàn Quốc phát sóng vào đêm trước ngày bầu cử, ông Lee nói: “Chúng ta thực ra có không ít quân bài để thương lượng. Vì vậy chúng ta sẽ dễ mặc cả qua lại với Mỹ hơn. Quan trọng là chúng ta phải biết cách đánh quân nào khi nào sao cho đúng.”

Ông cũng nói thêm: “Đây không phải là vì tôi, mà là vì người dân. Nếu cần, tôi sẵn sàng bò dưới chân ông Trump.”

Là nền kinh tế lớn thứ tư châu Á, Hàn Quốc đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, cung cấp từ điện thoại thông minh, ô tô, tàu siêu trọng đến chip công nghệ cao. Xuất khẩu đã yếu đi ngay cả trước khi ông Trump công bố thuế mới, nhưng tác động từ các biện pháp này là một trong những lý do khiến Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc quyết định hạ lãi suất.

Tuy nhiên, với nhiều cử tri, phục hồi kinh tế không chỉ là bảo vệ ngành xuất khẩu, mà còn là cải thiện cuộc sống hàng ngày — từ khả năng tiếp cận nhà ở giá hợp lý đến việc làm có thu nhập xứng đáng.

Ông Lee từng tuyên bố sẽ tung gói kích thích kinh tế trị giá 35.000 tỉ won (25,4 tỉ USD) nếu đắc cử, nhằm hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp. Ông cũng cam kết sẽ tăng nguồn cung nhà ở, củng cố các chính sách bảo vệ người lao động và hạn chế ảnh hưởng của các tập đoàn gia đình đang chi phối nền kinh tế Hàn Quốc. Ngoài ra, ông còn ủng hộ cải cách quản trị doanh nghiệp, điều mà ông cho rằng sẽ giúp chỉ số Kospi vượt mốc 5.000 điểm.

Tân tổng thống được kỳ vọng sẽ dốc toàn lực để phục hồi nhu cầu nội địa thông qua chính sách điều hành mạnh mẽ hơn, theo ông Lee Kyoung-Min, chiến lược gia thị trường tại Daishin Securities, viết trong một ghi chú ngày thứ Tư. Ông cho biết sự phục hồi kinh tế toàn cầu, ngoại trừ Mỹ, kết hợp với chính sách công nghiệp trong nước sẽ giúp duy trì đà tăng trưởng ổn định.

Ông Lee Kyoung-Min dự báo chỉ số Kospi sẽ vượt mốc 2.800 trong quý III, đồng thời cho rằng chiến lược “mua khi điều chỉnh” vẫn phù hợp. Chỉ số này chốt phiên thứ Hai ở mức 2.698,97 điểm. Quỹ ETF theo dõi chỉ số MSCI Hàn Quốc cũng tăng 0,2% trong phiên giao dịch qua đêm.

Một số chính sách khác mà ông Lee đề xuất bao gồm cải cách hiến pháp để cho phép tổng thống được tái cử và đóng cửa các nhà máy nhiệt điện than trên toàn quốc. Khác với đối thủ bảo thủ Kim Moon-soo, ông Lee có quan điểm dè dặt hơn nhiều đối với điện hạt nhân.

Ông Kim nhận được nhiều phiếu hơn dự kiến, sau khi ban lãnh đạo đảng tìm cách thay ông bằng một ứng viên ôn hòa hơn. Tỉ lệ ủng hộ mà ông đạt được cho thấy nền tảng cử tri của phe bảo thủ vẫn rất mạnh, dù từng vấp phải phản ứng dữ dội vì sắc lệnh thiết quân luật của ông Yoon.

Dù có một số lo ngại rằng phe bảo thủ có thể không chấp nhận kết quả bầu cử, nhất là khi họ sử dụng các khẩu hiệu giống nhóm ủng hộ ông Trump như “Stop the Steal”, ông Kim vẫn chấp nhận kết quả một cách ôn hòa.

“Tôi khiêm tốn chấp nhận sự lựa chọn của người dân,” ông nói tại trụ sở đảng. “Tôi xin chúc mừng ứng viên Lee Jae-myung đã giành chiến thắng.”

— Với sự hỗ trợ của Jaehyun Eom, Sam Kim (News), Ben Baris, Whanwoong Choi, Youkyung Lee, Seyoon Kim, Heesu Lee, Shinhye Kang, Sohee Kim, và Haram Lim

Theo Bloomberg

Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn

https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/tan-tong-thong-han-quoc-voi-bai-toan-phuc-hoi-kinh-te-cung-can-bang-quan-he-my-trung-53363.html

#Hàn Quốc
#bầu cử
#tổng thống
#nền kinh tế
#Kospi
#Trung Quốc
#Triều Tiên
#xuất khẩu
#gói kích thích kinh tế
#cải cách hiến pháp
#điện hạt nhân

Đăng ký nhận bản tin miễn phí

Liên hệ

Hợp tác quảng cáo

Chăm sóc khách hàng: (028) 888 90868

Email: cs@bloombergbusinessweek.vn

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh

Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại: (028) 8889.0868

Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn

© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media