Công nghệ

Tại sao giấc mơ sản xuất iPhone xuất xứ Mỹ của Donald Trump khó có thể thành hiện thực?

Giấc mơ sản xuất iPhone xuất xứ Mỹ của ông Trump khó thành hiện thực vì Mỹ thiếu cơ sở hạ tầng, lao động và công nghệ cần thiết cho việc lắp ráp.

Việc iPhone thường xuyên được cập nhật — cùng với sự đa dạng của các mẫu máy — khiến việc tự động hóa sản xuất trở nên khó khăn hơn. Hình ảnh: Victor J. Blue/Bloomberg.

Việc iPhone thường xuyên được cập nhật — cùng với sự đa dạng của các mẫu máy — khiến việc tự động hóa sản xuất trở nên khó khăn hơn. Hình ảnh: Victor J. Blue/Bloomberg.

Tác giả: Mark Gurman

11 tháng 4, 2025 lúc 1:33 PM

Đối với Tổng thống Donald Trump, ít có gì khiến ông hài lòng hơn việc có thể sản xuất một chiếc iPhone, một trong những sản phẩm công nghệ phổ biến nhất trong lịch sử, hoàn toàn tại Mỹ. Điều này sẽ khẳng định rằng kế hoạch thuế quan và cam kết của ông về việc mang lại công ăn việc làm trong ngành sản xuất cho Mỹ có hiệu quả thực tế.

Nhà Trắng hiện đang coi đây là mục tiêu khả thi, đặc biệt là trong bối cảnh mức thuế 145% mà họ dự định sẽ áp lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, nơi hiện đang là trung tâm sản xuất iPhone của Apple. Công ty này cũng đã cam kết đầu tư 500 tỷ USD vào Mỹ trong vòng bốn năm tới.

Mới đây, Mỹ đã nói rõ quan điểm của mình: Tổng thống Trump muốn Apple sản xuất iPhone tại Mỹ. "Nếu Apple không tin rằng Mỹ có thể làm được, họ chắc chắn sẽ không đầu tư một khoản tiền lớn như vậy," phát ngôn viên Nhà Trắng Karoline Leavitt nói với các phóng viên.

Tuy nhiên, thực tế lại rất khác. Apple khó có thể chuyển dây chuyền sản xuất iPhone của mình về Mỹ trong tương lai gần vì nhiều lý do, trong đó có việc thiếu cơ sở vật chất và lao động cần thiết. Hơn nữa, Mỹ thiếu hệ sinh thái các nhà cung cấp, cơ sở sản xuất và công nghệ chế tạo mà hiện nay chỉ có thể tìm thấy ở châu Á.

Hiện tại, công ty này đang tập trung vào việc biến Ấn Độ thành nguồn cung cấp iPhone cho thị trường Mỹ thay cho Trung Quốc. Các đối tác của Apple đang xây dựng nhà máy iPhone lớn thứ hai thế giới tại Ấn Độ, nhằm giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Các cơ sở FATP (gồm lắp ráp, kiểm tra và đóng gói cuối cùng) của Apple lớn đến mức khó có thể tưởng tượng nổi. Chúng gần như là những "khu đô thị", với hàng trăm nghìn người “cư dân”, trường học, phòng gym, cơ sở y tế và ký túc xá. Một nhà máy và khu phức hợp lớn ở Trịnh Châu, Trung Quốc, thậm chí đã được gọi là "Thành phố iPhone."

2000x1334-10-.jpg
Nhân viên trong giờ ăn trưa tại một nhà máy Foxconn ở Trịnh Châu, Trung Quốc. Hình ảnh: Qilai Shen/Bloomberg

"Thành phố nào ở Mỹ có thể ngừng tất cả hoạt động và chỉ sản xuất iPhone? Bởi có hàng triệu người làm việc trong chuỗi cung ứng của Apple tại Trung Quốc," Matthew Moore, đồng sáng lập một startup và cựu kỹ sư sản xuất của Apple, chia sẻ. "Boston chỉ có hơn 500.000 người. Toàn bộ thành phố sẽ phải ngừng mọi công việc hiện có và bắt tay vào việc lắp ráp iPhone nếu Apple thật sự chuyển dây chuyền của mình về đấy."

Một đại diện của Apple tại Cupertino, California đã từ chối bình luận về vấn đề này.

Quá trình phát triển iPhone và các sản phẩm khác bắt đầu tại các phòng thí nghiệm của Apple ở Thung lũng Silicon, California. Tuy nhiên, Apple đã thiết lập nhiều hợp đồng hợp tác với các nhà cung cấp linh kiện và đối tác tại châu Á từ rất sớm, ngay từ khi sản phẩm vẫn chưa ra mắt. Các kỹ sư và chuyên gia vận hành của Apple dành nhiều tháng, thậm chí nhiều năm làm việc chặt chẽ với Foxconn, Pegatron và các nhà cung cấp khác ở Trung Quốc để tùy chỉnh quy trình lắp ráp các thiết bị mới của mình.

Ngoài việc chủ động kiểm soát mọi khâu trong quá trình sản xuất, Trung Quốc còn sở hữu một lực lượng lao động đông đảo, được đào tạo bài bản về vận hành máy móc và các kỹ năng cần thiết để sản xuất iPhone đạt chuẩn. Quy trình này đòi hỏi rất nhiều công đoạn thủ công, không thể thiếu trong việc tạo ra một chiếc iPhone hoàn chỉnh.

"Mỹ không có khả năng hỗ trợ kỹ thuật để vận hành nhà máy Apple," Moore nói. "Chúng ta không có đủ sinh viên học các ngành STEM để vận hành một nhà máy lắp ráp iPhone."

Trong một sự kiện của tạp chí Fortune năm 2017, Giám đốc điều hành Apple Tim Cook đã giải thích về lý do Apple phải phụ thuộc vào Trung Quốc và khẳng định rằng đó không phải vì chi phí lao động thấp.

"Từ lâu, Trung Quốc đã không còn là quốc gia có chi phí lao động thấp," ông nói. "Lý do là vì sự phát triển mạnh mẽ và mật độ tập trung lớn của lực lượng lao động có tay nghề và chuyên môn kỹ thuật cao ở Trung Quốc." Cook cho biết, "Ở Trung Quốc, bạn có thể lấp đầy nhiều sân vận động bóng đá với các kỹ sư công cụ hiện đại. Nhưng tại Mỹ, tôi không chắc chúng ta có thể kiếm đủ kỹ sư để lấp đầy một phòng họp."

Một ý kiến phản biện phổ biến là Apple nên chi tiền để mua hàng nghìn mẫu đất tại Mỹ và xây dựng một nhà máy sản xuất iPhone hoàn toàn tự động, không cần lao động thủ công. Điều này sẽ loại bỏ mọi thách thức liên quan đến con người trong quy trình sản xuất. Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick đã đưa ra ý kiến này trong một cuộc phỏng vấn với CBS, gợi ý rằng "quân đội triệu người" sẽ được thay thế bằng công nghệ tự động hóa sản xuất hiện đại.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia chuỗi cung ứng và những người đã làm việc cho Apple, điều này là không thực tế. Trung Quốc hiện đang có khả năng tiếp cận công nghệ tự động hóa với chi phí thấp hơn Mỹ. Tuy vậy, họ vẫn chưa thể thực hiện được điều này. Bởi tốc độ phát triển và cải tiến quá nhanh chóng của iPhone đã khiến việc tự động hóa quy trình sản xuất trở nên khó khăn hơn nhiều. Mặt khác, nhiều thiết bị cần thiết cho quy trình sản xuất iPhone cũng được chế tạo riêng tại Trung Quốc.

Mặc dù thiết kế của iPhone không thay đổi nhiều trong những năm qua, nhưng việc sử dụng vật liệu và linh kiện mới, cùng với những thay đổi nhỏ trong thiết kế, khiến Apple phải liên tục tái cấu trúc lại dây chuyền lắp ráp tại các nhà máy sản xuất iPhone trên toàn thế giới.

"Bạn thiết kế sản phẩm, xây dựng lại nhà máy, và sau đó bạn chỉ có sáu tháng để bán nó trước khi quy trình phải được lặp lại," theo một người am hiểu về chuỗi cung ứng của Apple và yêu cầu được giữ kín danh tính. "Tốc độ thay đổi chóng vánh này khiến việc tự động hóa sản xuất sản phẩm của công ty khó khăn hơn rất nhiều."

Mặc dù Apple đã đa dạng hóa sản xuất iPhone và giảm tỷ lệ sản xuất tại Trung Quốc xuống dưới 90%, nhưng việc chuyển giao quy trình này sang các quốc gia khác vẫn gặp nhiều khó khăn. Các trung tâm sản xuất khác của Apple tại Thái Lan, Việt Nam, Malaysia và Indonesia chủ yếu tập trung vào các sản phẩm như Mac, AirPods, đồng hồ thông minh và iPad, thay vì iPhone.

Đến nay, nỗ lực lớn nhất của Apple để xây dựng một trung tâm sản xuất iPhone khác bên ngoài Trung Quốc là tại Ấn Độ. Tuy nhiên, quá trình xây dựng này đã mất đến 10 năm để hoàn thành. Mặc dù Apple có một dây chuyền sản xuất iPhone nhỏ tại Brazil, nhưng chỉ tập trung chủ yếu vào việc sản xuất các mẫu iPhone đời cũ hơn.

Hiện tại, ít nhất thì các nhà máy tại Ấn Độ giúp Apple tránh được thuế quan của Mỹ lên Trung Quốc. Công ty cũng đã bắt đầu bán iPhone sản xuất tại Ấn Độ tại thị trường Mỹ, thị trường lớn nhất của họ, theo báo cáo trước đó của Bloomberg. Với sản lượng là 35 triệu chiếc mỗi năm, Ấn Độ có thể đáp ứng được phần lớn nhu cầu của Apple tại Mỹ, ít nhất là trong thời gian ngắn.

Tuy nhiên, mỗi năm, Apple bán hơn 220 triệu iPhone và hiện cung cấp bảy mẫu sản phẩm, mỗi mẫu có nhiều màu sắc và dung lượng lưu trữ khác nhau. Điều này làm cho quy trình sản xuất trở nên phức tạp và càng làm tăng tầm quan trọng của dây chuyền sản xuất của Apple tại Trung Quốc.

Theo Moore, với các sản phẩm đơn giản hơn, ít có sự thay đổi như iMac và iPad, công ty có thể dễ dàng sản xuất hơn. Apple cũng đã hoàn tất việc lắp ráp các sản phẩm Mac Pro tại Texas. Tuy nhiên, phần lớn bộ phận của thiết bị này vẫn được sản xuất tại Trung Quốc. Hơn nữa, Apple chỉ bán một số lượng nhỏ máy tính này mỗi năm và đã không cập nhật chúng trong nhiều năm.

"iPhone là một câu chuyện hoàn toàn khác," Moore nói.

Theo Bloomberg

Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn

https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/tai-sao-giac-mo-san-xuat-iphone-xuat-xu-my-cua-donald-trump-kho-co-the-thanh-hien-thuc-52969.html

#Apple iPhone
#Donald Trump
#sản xuất
#Trung Quốc
#Mỹ
#Foxconn
#Việt Nam

Đăng ký nhận bản tin miễn phí

Liên hệ

Hợp tác quảng cáo

Chăm sóc khách hàng: (028) 888 90868

Email: cs@bloombergbusinessweek.vn

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh

Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại: (028) 8889.0868

Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn

© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media