Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, cùng đại diện các doanh nghiệp bao gồm Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines JSC), Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet (Vietjet Aviation JSC) và VinaCapital Group Ltd., sẽ tham dự một hội nghị kinh doanh tại New York vào thứ Hai, theo một chương trình làm việc mà Bloomberg tiếp cận được. Hai hãng hàng không này dự kiến sẽ có cuộc gặp với các quan chức của Boeing Co. và một số ngân hàng Mỹ, theo những nguồn tin am hiểu kế hoạch, trong khi ông Phớc cũng sẽ có chuyến thăm Washington D.C.
Việt Nam đã có nhiều động thái nhằm thuyết phục Mỹ rằng nước này nghiêm túc trong việc giảm thặng dư thương mại, vốn đạt 123,5 tỉ đô la Mỹ vào năm ngoái – mức cao thứ ba đối với Mỹ, chỉ sau Trung Quốc và Mexico. Trump dự kiến công bố kế hoạch thuế quan sau khi thị trường Mỹ đóng cửa vào thứ Tư, dù các cuộc thảo luận nội bộ về quy mô và phạm vi áp thuế vẫn đang diễn ra, theo các nguồn tin nắm rõ vấn đề.
Việt Nam đã thực hiện một số biện pháp để xoa dịu chính quyền Mỹ, bao gồm cắt giảm thuế nhập khẩu đối với nhiều mặt hàng như khí tự nhiên hóa lỏng, ô tô và nông sản. Ngoài ra, nước này còn cấp phép cho dịch vụ Starlink của Elon Musk hoạt động tại Việt Nam và nhiều lần cam kết tăng cường nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ.
Là một trong những nền kinh tế phụ thuộc nhiều nhất vào thương mại, với kim ngạch xuất khẩu tương đương khoảng 90% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), Việt Nam coi Mỹ là thị trường quan trọng nhất. Xuất khẩu sang Mỹ đã tăng mạnh kể từ khi cuộc chiến thương mại bùng nổ trong nhiệm kỳ đầu của Trump, khi các doanh nghiệp tìm cách rời khỏi Trung Quốc và Việt Nam trở thành lựa chọn thay thế cho sản xuất hướng đến thị trường Mỹ.
Một vấn đề quan trọng đối với Mỹ là lo ngại về việc hàng hóa Trung Quốc được tái định tuyến qua Việt Nam để né thuế. Việt Nam đã vượt qua Nhật Bản để trở thành điểm đến xuất khẩu lớn thứ ba của Trung Quốc lần đầu tiên vào năm 2024.
Trong chuyến thăm Mỹ hồi tháng trước, Bộ trưởng Công Thương Việt Nam đã công bố các thỏa thuận sơ bộ trị giá 4,15 tỉ đô la Mỹ với các doanh nghiệp Mỹ, đồng thời khẳng định đang xem xét dỡ bỏ rào cản thương mại và tăng cường kiểm soát gian lận xuất khẩu. Trong chuyến đi này, Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer nhấn mạnh rằng Việt Nam cần cải thiện cán cân thương mại giữa hai nước và mở cửa thị trường hơn nữa.
Vietnam Airlines từng ký cam kết trị giá 10 tỉ đô la Mỹ để mua 50 máy bay Boeing 737 Max vào năm 2023 nhưng vẫn chưa hoàn tất đơn hàng. Vietjet đã xác nhận thỏa thuận mua 200 máy bay Boeing vào năm 2022 và dự kiến nhận 14 chiếc đầu tiên trong năm nay.
Chuyến công du của Phó Thủ tướng, được lên kế hoạch trước ngày Trump công bố chính sách thuế, có thể sẽ có điều chỉnh sau khi các chi tiết về thuế suất được công bố.
Báo cáo về rào cản thương mại nước ngoài của Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) công bố ngày 31.3 liệt kê các hạn chế nhập khẩu, rào cản hải quan, các quy định kỹ thuật và tiêu chuẩn vệ sinh là những trở ngại chính đối với Việt Nam.
Dù báo cáo có giọng điệu tương đối ôn hòa về thuế quan, song vẫn nhấn mạnh rằng “mối quan tâm chính của Mỹ vẫn tập trung vào các rào cản phi thuế quan,” theo ông Phạm Lưu Hưng, kinh tế trưởng tại Công ty Chứng khoán SSI.
“Dựa trên các đánh giá trước đó, chúng tôi dự đoán mức thuế đối ứng đối với Việt Nam sẽ vào khoảng 10%, thuộc nhóm thấp hơn trong khung thuế quan,” ông Hưng nhận định trong một báo cáo hôm thứ Tư.