Một sản phẩm của BEACON MEDIA
Khám phá nhiều hơn với tài khoản
Đăng nhập để lưu trữ và dễ dàng truy cập những bài viết bạn yêu thích trên Bloomberg Businessweek Việt Nam.
Công nghệ
Bộ Tư pháp Mỹ cho rằng một thỏa thuận giữa Google và Yahoo Japan từ năm 2010 là cơ sở để yêu cầu công ty này chia sẻ dữ liệu tìm kiếm với các đối thủ, trong nỗ lực chấm dứt thế độc quyền trên thị trường công cụ tìm kiếm trực tuyến.
Khuôn viên Bay View của Google tại Mountain View, California. Hình ảnh: David Paul Morris/Bloomberg.
Tác giả:
05 tháng 5, 2025 lúc 2:21 PM
Thỏa thuận ký năm 2010 giữa Google và Yahoo Nhật Bản chỉ áp dụng cho dữ liệu tìm kiếm bằng tiếng Nhật, không bao gồm dữ liệu toàn cầu. Tuy nhiên, luật sư David Dahlquist của Bộ Tư pháp Mỹ lập luận tại tòa hôm thứ Sáu rằng thỏa thuận này cho thấy Google từng sẵn sàng chia sẻ dữ liệu với bên thứ ba trong quá khứ.
Hiện Google đang phản đối các biện pháp khắc phục do phía Mỹ đề xuất nhằm xử lý vị thế thống trị trong lĩnh vực tìm kiếm — bao gồm yêu cầu chia sẻ dữ liệu với đối thủ cạnh tranh. Công ty lập luận rằng điều này có thể làm tổn hại đến quyền riêng tư người dùng và giá trị tài sản sở hữu trí tuệ.
Vụ thỏa thuận với Yahoo Nhật Bản được nhắc đến trong phiên tòa kéo dài ba tuần, nhằm xác định biện pháp buộc Google khôi phục cạnh tranh trên thị trường tìm kiếm. Trước đó, thẩm phán quận liên bang Amit Mehta đã kết luận rằng Google đang duy trì thế độc quyền bất hợp pháp. Trong một vụ kiện chống độc quyền khác, Bộ Tư pháp hôm thứ Sáu cũng đề nghị một thẩm phán khác buộc Google phải bán một phần công nghệ quảng cáo, sau khi tòa xác định công ty độc quyền trong lĩnh vực quảng cáo trực tuyến.
Chính phủ muốn Google bán trình duyệt Chrome, cấp phép sử dụng dữ liệu tìm kiếm cho các đối thủ và chấm dứt việc chi trả để giữ vị trí mặc định cho công cụ tìm kiếm trên ứng dụng và thiết bị. Google phản bác rằng các đề xuất này quá cực đoan, gây thiệt hại cho người tiêu dùng, nền kinh tế và vị thế công nghệ của Mỹ.
Tài liệu liên quan đến thỏa thuận với Yahoo Nhật Bản được đưa ra trong phần thẩm vấn ông Jesse Adkins, giám đốc quản lý sản phẩm phụ trách phân phối kết quả tìm kiếm của Google. Ông từng giám sát việc thực hiện thỏa thuận trong nhiều năm. Theo nội dung, Google cung cấp mã tài liệu, URL và các thông số như độ phổ biến và điểm spam.
“Ông có biết rằng thỏa thuận với Yahoo Nhật Bản thực chất là nền tảng cho đề xuất chia sẻ dữ liệu của nguyên đơn trong vụ này không?” Dahlquist hỏi khi dẫn Adkins qua các điều khoản.
“Tôi sẽ cho là ông nói đúng,” Adkins đáp.
Google từ lâu đã hợp tác với Yahoo Nhật Bản — dịch vụ không liên quan đến công cụ tìm kiếm Yahoo của Mỹ — để cung cấp kết quả tìm kiếm và hỗ trợ kỹ thuật quảng cáo. Luật sư của Google cho biết công ty chỉ chia sẻ một phần dữ liệu tiếng Nhật để Yahoo Nhật Bản đánh giá chất lượng kết quả và phản hồi.
Adkins cũng khai rằng Yahoo Nhật Bản cần dữ liệu để đảm bảo kết quả tìm kiếm tuân thủ luật pháp địa phương, như phân loại đúng các trang web người lớn. Ông cho biết nội dung thỏa thuận đã thay đổi theo thời gian, từ việc cung cấp dữ liệu hàng loạt sang chia sẻ dữ liệu theo thời gian thực với phạm vi hẹp hơn.
Nhân chứng tiếp theo của Google là Eric Muhlheim, giám đốc tài chính của Mozilla. Ông trình bày về tầm quan trọng của hợp tác tài chính giữa Mozilla và Google. Năm ngoái, Mozilla — nhà phát triển trình duyệt Firefox — đạt doanh thu 570 triệu USD, trong đó 85% đến từ khoản thanh toán của Google để giữ vị trí tìm kiếm mặc định trên Firefox.
Ông Muhlheim cho biết doanh thu của Mozilla tại Mỹ sẽ “giảm mạnh” nếu phải chuyển sang nhà cung cấp tìm kiếm khác và không còn nhận thanh toán từ Google. Khi đó, công ty sẽ phải cắt giảm mạnh chi phí trên toàn bộ hoạt động và giảm đầu tư cho phát triển phần mềm, khiến Firefox mất lợi thế cạnh tranh.
“Người dùng có thể rời bỏ Firefox, khiến lượng truy cập sụt giảm — và điều đó có thể đặt dấu chấm hết cho trình duyệt này,” ông nói thêm.
Nếu Google bị cấm chi trả để giữ vị trí mặc định, Mozilla sẽ cần tìm giải pháp thay thế. “Nhưng trong thời gian đó, chúng tôi sẽ rất chật vật,” ông Muhlheim nói.
Trong năm qua, Mozilla đã cân nhắc nhiều lựa chọn khác, bao gồm thảo luận với Microsoft về khả năng dùng Bing làm công cụ mặc định. Tuy nhiên, Mozilla đánh giá Bing sẽ không mang lại doanh thu như Google.
Theo ông Muhlheim, nếu Bing là lựa chọn duy nhất còn lại, Microsoft có thể dần cắt giảm khoản chia sẻ doanh thu.
Cuối phiên điều trần, thẩm phán Mehta đặt một câu hỏi đáng chú ý: Liệu Mozilla có được lợi nếu có “ít nhất một đối thủ khác” ngoài Google, đủ chất lượng và sức cạnh tranh để làm công cụ tìm kiếm mặc định trên Firefox?
“Đó sẽ là một viễn cảnh tốt hơn,” ông Muhlheim trả lời.
“Ông có nghĩ rằng thị trường hiện tại có thể tạo ra viễn cảnh đó trong ngắn hạn hoặc dài hạn không?” Mehta hỏi tiếp.
“Ở một khía cạnh nào đó thì thật khó đoán, vì công nghệ AI đang phát triển. Cũng có thể hình dung rằng mức đầu tư và cách làm việc hiện nay trong lĩnh vực AI sẽ tạo ra được thị trường như thế,” ông Muhlheim đáp. “Tôi không nghĩ điều đó là bất khả thi.”
Theo Bloomberg
Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn
https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/my-vien-dan-thoa-thuan-cu-de-buoc-google-chia-se-du-lieu-tim-kiem-53116.html
Tặng bài viết
Đối với thành viên đã trả phí, bạn có 5 bài viết mỗi tháng để gửi tặng. Người nhận quà tặng có thể đọc bài viết đầy đủ miễn phí và không cần đăng ký gói sản phẩm.
Bạn còn 5 bài viết có thể tặng
Liên kết quà tặng có giá trị trong vòng 7 ngày.
BÀI LIÊN QUAN
Truy cập nhanh
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh
Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 8889.0868
Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn
© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media