Kinh tế

Mỹ đối mặt cú sốc nguồn cung khi chiến tranh thương mại leo thang

Các mức thuế cao của Mỹ với Trung Quốc đang gây gián đoạn chuỗi cung ứng, đẩy nguy cơ thiếu hàng, tăng giá và sa thải hàng loạt tại nhiều ngành kinh tế lớn tại Mỹ.

Vizion Inc. ước tính lượng đơn đặt chỗ container toàn cầu từ ngày 1 đến 8 tháng 4 đã giảm 49%. Hình ảnh: Chris Ratcliffe/Bloomberg.

Vizion Inc. ước tính lượng đơn đặt chỗ container toàn cầu từ ngày 1 đến 8 tháng 4 đã giảm 49%. Hình ảnh: Chris Ratcliffe/Bloomberg.

Tác giả: Matthew Townsend, James Mayger, và Augusta Saraiva

29 tháng 4, 2025 lúc 9:30 AM

Các đòn áp thuế của Tổng thống Donald Trump đã làm chấn động cả nước Mỹ và giới đầu tư Phố Wall gần một tháng qua. Nếu cuộc chiến thương mại kéo dài, cú sốc tiếp theo sẽ tác động trực tiếp đến đời sống của người dân Mỹ.

Kể từ khi Mỹ nâng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc lên 145% hồi đầu tháng 4, lưu lượng vận chuyển hàng hóa đã giảm mạnh, có thể lên tới 60%, theo ước tính. Việc sụt giảm lượng hàng hóa từ một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ hiện chưa ảnh hưởng nhiều đến người tiêu dùng, nhưng điều đó sẽ sớm thay đổi.

Vào giữa tháng 5, hàng nghìn doanh nghiệp lớn và nhỏ sẽ cần nhập hàng bổ sung. Các nhà bán lẻ lớn như Walmart và Target đã nói với ông Trump trong cuộc gặp tuần trước rằng người tiêu dùng có thể sẽ đối mặt với tình trạng thiếu hàng trên kệ và giá cả tăng cao. Torsten Slok, kinh tế trưởng của Apollo Management, gần đây cũng cảnh báo về nguy cơ thiếu hụt hàng hóa nghiêm trọng như trong thời kỳ COVID-19 và làn sóng sa thải lớn trong các ngành vận tải, hậu cần và bán lẻ ở Mỹ.

Dù trong những ngày gần đây ông Trump tỏ ra sẵn sàng mềm mỏng hơn với các mức thuế áp lên Trung Quốc và các nước khác, có thể đã quá muộn để ngăn cú sốc nguồn cung lan rộng khắp nền kinh tế Mỹ và kéo dài đến tận mùa Giáng sinh.

"Thời gian đang cạn dần," Jim Gerson, chủ tịch Gerson Companies — công ty cung cấp đồ trang trí lễ hội và nến với lịch sử 84 năm — nhận định. Công ty này nhập hơn một nửa sản phẩm từ Trung Quốc và hiện còn khoảng 250 container đang chờ được xuất. "Chúng tôi cần giải quyết việc này càng sớm càng tốt," Gerson, thành viên thế hệ thứ ba điều hành doanh nghiệp với doanh thu khoảng 100 triệu USD mỗi năm, nhấn mạnh.

Ngay cả khi căng thẳng thương mại hạ nhiệt, việc nối lại tuyến vận tải xuyên Thái Bình Dương cũng sẽ kéo theo nhiều rủi ro. Ngành vận tải biển đã cắt giảm công suất để thích ứng với tình trạng nhu cầu yếu. Điều đó có nghĩa là nếu số lượng đơn hàng cần vận chuyển tăng đột biến khi hai siêu cường đạt thỏa thuận, hệ thống vận tải sẽ nhanh chóng quá tải, gây tắc nghẽn và đẩy chi phí vận chuyển lên mức cao chưa từng có — một kịch bản từng xảy ra trong thời kỳ đại dịch khi giá container tăng gấp bốn lần và tàu hàng ùn tắc tại các cảng.

"Sẽ có một làn sóng ùn tắc nghiêm trọng tại các cảng, kéo theo nhu cầu vận tải đường bộ và đường sắt tăng mạnh, dẫn đến tắc nghẽn trầm trọng," Lars Jensen, CEO công ty tư vấn Vespucci Maritime, cho biết. "Các cảng vận hành tối ưu khi lượng tàu cập bến đều đặn, không chịu cảnh thất thường lúc thưa vắng lúc quá tải như hiện nay."

Các mức thuế Mỹ áp lên Trung Quốc rơi vào đúng thời điểm quan trọng với ngành bán lẻ. Tháng 3 và tháng 4 là giai đoạn các nhà cung cấp bắt đầu tăng cường tồn kho để chuẩn bị cho mùa mua sắm tựu trường và Giáng sinh. Với nhiều doanh nghiệp, những lô hàng phục vụ dịp lễ đầu tiên đáng lẽ ra đã phải lên tàu trong vòng hai tuần tới.

"Chúng tôi đang bị tê liệt," Jay Foreman, CEO công ty đồ chơi Basic Fun tại Boca Raton, Florida, nói. Công ty của ông chuyên cung cấp sản phẩm cho các khách hàng lớn như Amazon và Walmart. Foreman mô tả các mức thuế hiện tại là một "lệnh cấm vận" và cho biết dù hiện nay khách hàng mới chỉ tạm hoãn đơn, họ sẽ bắt đầu hủy nếu mức thuế với Trung Quốc không sớm được gỡ bỏ.

"Chúng tôi chỉ còn vài tuần trước khi thiệt hại thực sự trở nên nghiêm trọng hơn," Foreman nhận định. "Hiện tại mức thiệt hại vẫn còn trong tầm kiểm soát, nhưng mỗi tuần trôi qua, con số đó sẽ càng tăng lên."

Cú sốc nguồn cung

Tác động đầu tiên của cú sốc nguồn cung đã xuất hiện tại châu Á. Hiện có khoảng 40 tàu hàng đã rời cảng Trung Quốc để tới Mỹ, giảm 40% so với đầu tháng 4, theo dữ liệu theo dõi tàu biển do Bloomberg tổng hợp.

Các tàu này vận chuyển khoảng 320.000 container, thấp hơn khoảng một phần ba so với thời điểm ngay sau khi ông Trump tuyên bố nâng thuế đối với hầu hết hàng hóa Trung Quốc lên 145%.

Judah Levine, trưởng bộ phận nghiên cứu tại nền tảng đặt chỗ vận tải Freightos, cho biết nhiều nhà nhập khẩu Mỹ đang dồn đơn hàng từ các đối tác thương mại khác trong thời gian 90 ngày hoãn áp thuế đối với các mức thuế đối ứng của ông Trump. Điều này có thể giúp giảm bớt phần nào tác động từ Trung Quốc lên hệ thống cảng và hậu cần.

Khi giá hàng hóa Trung Quốc trở nên quá cao, một số chủ hàng Mỹ đang chuyển sang nguồn cung từ Đông Nam Á.

Hapag-Lloyd, hãng vận tải container lớn thứ năm thế giới, cho biết trong một tuyên bố rằng họ nhận thấy khoảng 30% đơn hàng từ Trung Quốc đi Mỹ đã bị hủy. Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu từ Campuchia, Thái Lan và Việt Nam lại tăng mạnh.

Dù vậy, Levine nhận định rằng tác động gián đoạn đối với kinh tế Mỹ trong những tháng tới vẫn khó mà tránh khỏi. "Khả năng cao sẽ xảy ra một đợt suy giảm thương mại nghiêm trọng," ông nói, và "việc nối lại dòng chảy thương mại có thể gây ra tắc nghẽn, mức độ gián đoạn phụ thuộc vào thời gian kéo dài của đợt ngưng trệ này."

Do nhu cầu vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc sang Mỹ lao dốc, các hãng vận tải biển đã cắt giảm công suất nhằm ngăn giá cước đi xuống. Trong tháng 4, có khoảng 80 chuyến tàu từ Trung Quốc đi Mỹ bị hủy, tăng 60% so với bất kỳ tháng nào trong thời kỳ đại dịch COVID-19, theo số liệu của chuyên gia kỳ cựu John McCown.

"Chưa bao giờ ngành vận tải container lại phải đối mặt với những áp lực vĩ mô lớn như hiện nay," McCown nhận định trong một báo cáo nghiên cứu gần đây.

Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cũng cảnh báo rằng lượng hàng hóa trao đổi giữa Mỹ và Trung Quốc có thể giảm tới 80%, củng cố nhận định của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent rằng tình hình hiện tại chẳng khác gì một lệnh cấm vận thương mại.

Chính sự bất ổn này đã khiến nhiều nhà kinh tế cho rằng khả năng Mỹ rơi vào suy thoái hiện gần như là trò tung đồng xu. Các nhà dự báo được Bloomberg khảo sát dự đoán nhập khẩu của Mỹ sẽ giảm 7% trong quý II — mức giảm lớn nhất kể từ khi đại dịch bùng phát.

Cú sốc nguồn cung sắp tới đã buộc nhiều nhà kinh tế phải nâng dự báo lạm phát, do giá hàng hóa có nguy cơ tăng mạnh. Các giám đốc điều hành cho biết giá nhiều mặt hàng nhập từ Trung Quốc có thể sẽ tăng gấp đôi. Điều này diễn ra trong bối cảnh niềm tin của người tiêu dùng đang giảm mạnh.

Nếu cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung kéo dài thêm vài tuần nữa, nhà cung cấp và nhà bán lẻ sẽ phải đưa ra những quyết định khó khăn về kế hoạch kinh doanh nửa cuối năm 2025, từ việc chọn mặt hàng vận chuyển đến việc tăng giá hàng hóa.

Nhiều nhà cung cấp dự đoán lượng đơn hàng sẽ bị hủy hàng loạt. Điều đó sẽ buộc các nhà bán lẻ phải tìm kiếm nguồn hàng thay thế trong nước hoặc từ các thị trường khác, thậm chí phải bán cả hàng tồn kho từ mùa Giáng sinh năm ngoái.

Điều này cũng sẽ giáng một đòn tài chính mạnh lên nhiều công ty, buộc họ phải cắt giảm chi phí, sa thải nhân viên hoặc vay nợ với lãi suất cao.

Đối với Foreman, những tuần vừa qua khiến ông liên tưởng đến thời kỳ đại dịch, nhưng ông cho rằng lần này, tình hình còn nguy hiểm hơn.

"Tình trạng này càng kéo dài, thiệt hại sẽ càng nghiêm trọng," ông nói. "Thời đại dịch, chúng tôi còn nhiều điều chưa biết về virus và cách phục hồi kinh tế. Nhưng với cuộc khủng hoảng hiện tại, chỉ cần ông Trump gỡ bỏ thuế, mọi thứ có thể nhanh chóng trở lại bình thường."

"Tác động kéo dài lần này có thể tồi tệ hơn," Foreman kết luận. "Nhưng giải pháp cũng có thể đến rất nhanh."

— Với sự hỗ trợ của Catherine Lucey

Theo Bloomberg

Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn

https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/my-doi-mat-cu-soc-nguon-cung-khi-chien-tranh-thuong-mai-leo-thang-53092.html

#Tổng thống Donald Trump
#cuộc chiến thương mại
#hàng hóa Trung Quốc
#ngành vận tải
#cắt giảm chi phí
#suy thoái
#lạm phát
#khủng hoảng

Đăng ký nhận bản tin miễn phí

Liên hệ

Hợp tác quảng cáo

Chăm sóc khách hàng: (028) 888 90868

Email: cs@bloombergbusinessweek.vn

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh

Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại: (028) 8889.0868

Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn

© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media