Một sản phẩm của BEACON MEDIA
Khám phá nhiều hơn với tài khoản
Đăng nhập để lưu trữ và dễ dàng truy cập những bài viết bạn yêu thích trên Bloomberg Businessweek Việt Nam.
Thông tư mới gần 100 trang, áp dụng quy chuẩn mới của Uỷ ban Basel, về việc nâng bộ đệm an toàn vốn và phương pháp đánh giá rủi ro mới.
Hình ảnh: Shutterstock
Tác giả: Tuấn Anh
18 tháng 07, 2025 lúc 6:23 PM
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa ban hành Thông tư số 14/2025/TT-NHNN quy định về tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, không áp dụng cho ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt hoặc đang trong lộ trình can thiệp sớm theo văn bản chấp thuận của ngân hàng Nhà nước.
Kể từ ngày 1 tháng 1 năm 2030, thông tư mới sẽ thay thế hoàn toàn ba thông tư cũ, bao gồm Thông tư 41/2016, khoản 2 Điều 1 của Thông tư 26/2022, và Thông tư 22/2023 sẽ bị bãi bỏ hoàn toàn.
Bản thông tư mới có quy định về hệ thống an toàn vốn, ngoài việc giữ nguyên CAR tối thiểu 8% và tỉ lệ vốn cấp 1 tối thiểu 6% theo thông tư 41/2016, có bổ sung tỉ lệ vốn lõi cấp 1 tối thiểu là 4,5% và tỉ lệ bộ đệm bảo toàn vốn (CCB) - phần tỉ lệ vốn lõi cấp 1 còn lại sau khi đáp ứng đầy đủ các tỉ lệ an toàn vốn kể trên. Đồng thời, việc ngân hàng buộc phải đảm bảo duy trì ti lệ bộ đệm bảo toàn vốn (CCB), để được chia phần lợi nhuận còn lại bằng tiền mặt, bao gồm cả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông.
Đây cũng là lần đầu tiên áp dụng bộ đệm vốn phản chu kỳ (CCyB), từ 0% tới 2,5%, đồng thời nâng tổng hệ số toàn vốn CAR lên 10,5% theo lộ trình.
“Ngân hàng sẽ tăng cường khả năng chống chịu, nhưng cũng đối mặt với áp lực lớn lên khả năng huy động và duy trì vốn của ngân hàng,” ông Lương Đức Thiện, trưởng phòng Bộ phận quản lý rủi ro thanh khoản và rủi ro lãi suất trên sổ ngân hàng của ngân hàng Phương Đông (OCB), nói.
“Yêu cầu vốn đẩy lên khiến các ngân hàng sẽ phải lựa chọn danh mục tăng trưởng tín dụng và quyết định đầu tư thận trọng hơn để đạt điểm cao trong xếp hạng các tổ chức tín dụng của ngân hàng Nhà nước,” ông Lê Huy Hoàng, giám đốc bộ phận quản lý vốn tự có của ngân hàng Á Châu (ACB), nhận định. “Chắc chắn sẽ có sự đánh đổi giữa tăng trưởng và khẩu vị rủi ro, đặc biệt trong bối cảnh ngành ngân hàng tiến tới bỏ ‘room’ tín dụng.”
Thời điểm áp dụng dụng | Năm thứ nhất | Năm thứ hai | Năm thứ ba | Năm thứ tư trở đi |
Tỉ lệ bộ đệm bảo toàn vốn CCB | 0,625% | 1,25% | 1,875% | 2,5% |
Vốn lõi cấp 1 (bao gồm CCB) | 5,125% | 5,75% | 6,375% | 7% |
Vốn cấp 1 (bao gồm CCB) | 6,625% | 7,25% | 7,875% | 8,5% |
Hệ số an toàn vốn CAR (bao gồm CCB) | 8,625% | 9,25% | 9,875% | 10,5% |
Đáng chú ý, theo Thông tư mới, ngân hàng Nhà nước cho phép các tổ chức tín dụng lựa chọn áp dụng tính tài sản có rủi ro tín dụng theo quy chuẩn mới là phương pháp xếp hạng nội bộ (Internal rating-based approach - IRB) hoặc giữ phương pháp tiêu chuẩn (Standard Approach -SA).
Từ ngày 15 tháng 9 năm 2025 cho tới ngày 31 tháng 12 năm 2029, các ngân hàng được phép đăng ký áp dụng các phương pháp xếp hạng hoặc áp dụng theo thông tư cũ chưa đăng ký SA hoặc IRB. Từ ngày 1 tháng 1 năm 2030 trở đi, ngân hàng buộc phải lựa chọn một trong hai phương án đánh giá tín dụng.
Khi áp dụng phương pháp IRB, ngân hàng buộc phải duy trì tỉ lệ sàn đầu ra (output floor) tối thiểu là 72,5%. Điều này có nghĩa với phương pháp IRB, khi tính tổng tài sản có rủi ro tín dụng nếu thấp hơn so với cách tính bằng phương pháp SA, sẽ bị giới hạn bởi mức tối thiểu không thấp hơn 72,5%.
“So với phương pháp SA, áp dụng IRB sẽ tránh việc cào bằng việc đánh giá rủi ro của ngân hàng,” ông Nguyễn Việt Thắng, chuyên viên cấp cao quản trị rủi ro của ngân hàng Bản Việt nói. “Song giai đoạn đầu sẽ xảy ra tranh luận về mô hình tính toán, sẽ cần thêm thời gian thích ứng giữa các bên, bao gồm ngân hàng và đơn vị kiểm toán, cũng như cơ quan quản lý.”
Phương pháp mới IRB không chỉ yêu cầu ngân hàng tự xây dựng mô hình đánh giá rủi ro tín dụng mà còn quy định chi tiết cách xác định tài sản có trọng số rủi ro (RWA), các cấu phần như xác suất vỡ nợ (PD), tổn thất khi vỡ nợ (LGD), giá trị khoản vay khi rủi ro xảy ra (EAD), cũng như mức tổn thất dự kiến (Expected Loss – EL) và quy định về trích lập dự phòng.
Phương pháp SA sẽ tương tự giống phương pháp hiện được các ngân hàng áp dụng theo Thông tư 41, nhưng điều chỉnh một số nội dung như khoản phải đòi bất động sản, khoản cấp tín dụng chuyên biệt.
“Khi áp dụng IRB, ngân hàng sẽ cần đầu tư rất lớn về nguồn lực và con người,” ông Hoàng của ACB nói. IRB là không chỉ để tính vốn, mà còn để ứng dụng phê duyệt tín dụng và quản trị rủi ro. “Yếu tố dữ liệu sẽ xuất hiện nhiều hơn trong việc ra quyết định và quản trị ngân hàng, đòi hỏi tư duy mới xoay quanh các chuẩn mực nhiều hơn để cân bằng và tối ưu.”
Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn
https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/lo-trinh-nang-he-so-an-toan-von-cua-nganh-ngan-hang-len-muc-10-5-53828.html
Tặng bài viết
Đối với thành viên đã trả phí, bạn có 5 bài viết mỗi tháng để gửi tặng. Người nhận quà tặng có thể đọc bài viết đầy đủ miễn phí và không cần đăng ký gói sản phẩm.
Bạn còn 5 bài viết có thể tặng
Liên kết quà tặng có giá trị trong vòng 7 ngày.
BÀI LIÊN QUAN
Gói đăng ký
Truy cập nhanh
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh
Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 8889.0868
Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn
© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media