Lạm phát lõi Mỹ tăng chậm hơn dự báo dù chịu áp lực từ thuế quan

Giá hàng hóa bắt đầu tăng do thuế quan của ông Trump, nhưng CPI lõi vẫn thấp hơn dự báo khiến Fed chịu áp lực giảm lãi suất.

Hình ảnh: Yuki Iwamura/Bloomberg

Hình ảnh: Yuki Iwamura/Bloomberg

Tác giả: Augusta Saraiva

16 tháng 07, 2025 lúc 10:15 AM

Tóm tắt bài viết

CPI lõi của Mỹ tháng 6 tăng 0,2% so với tháng 5, cho thấy lạm phát cơ bản vẫn chậm, dù giá đồ chơi và thiết bị gia dụng tăng do thuế quan của Tổng thống Donald Trump.

Giá hàng hóa (không bao gồm thực phẩm, năng lượng) tăng 0,2%, trong đó giá đồ chơi tăng nhanh nhất kể từ đầu năm 2021, còn thiết bị gia dụng tăng mạnh nhất trong 5 năm.

Ông Omair Sharif, Tổng giám đốc Inflation Insights, cho biết nếu loại trừ ô tô, giá hàng hóa cơ bản tăng 0,55% trong tháng 6, mạnh nhất kể từ tháng 11/2021, dấu hiệu thuế quan có tác động.

Tổng thống Trump kêu gọi Fed giảm lãi suất ngay lập tức dựa trên dữ liệu lạm phát thấp, trong khi thị trường dự báo Fed sẽ giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp tới.

Bloomberg Economics dự báo chỉ số PCE lõi ngày 31/7 sẽ tăng mạnh, phản ánh độ trễ từ đợt tăng giá cổ phiếu từ giữa tháng 4, dù CPI yếu làm tăng kỳ vọng Fed giảm lãi suất tháng 9.

Tóm tắt bởi AI HAY

Lạm phát cơ bản tại Mỹ tiếp tục tăng chậm hơn dự báo trong tháng 6, đánh dấu tháng thứ năm liên tiếp ghi nhận xu hướng này, dù nhiều chi tiết cho thấy các doanh nghiệp đang bắt đầu đẩy một phần chi phí từ thuế quan sang người tiêu dùng.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) không bao gồm thực phẩm và năng lượng — hai nhóm thường biến động mạnh — tăng 0,2% so với tháng 5, theo dữ liệu công bố ngày thứ Ba (15.7) của Cục Thống kê Lao động Mỹ. Giá ô tô giảm đã góp phần giữ chỉ số ổn định, trong khi nhiều mặt hàng chịu tác động từ thuế quan của Tổng thống Donald Trump như đồ chơi và thiết bị gia dụng lại tăng mạnh nhất trong nhiều năm.

Báo cáo này cung cấp thêm dữ kiện cho các nhà hoạch định chính sách của Fed, nơi đang chia rẽ về việc liệu thuế quan gây ra cú sốc giá ngắn hạn hay sẽ dẫn đến xu hướng dài hạn. Dữ liệu hiện tại cho thấy giá hàng hóa đã bắt đầu bị ảnh hưởng bởi thuế, điều mà phe muốn giữ lãi suất cao có thể dựa vào. Tuy nhiên, vẫn thiếu các tín hiệu rõ ràng để củng cố lập luận của phe ủng hộ hạ lãi suất. Giới đầu tư vẫn dự báo Fed sẽ giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp diễn ra hai tuần tới.

Dưới đây là năm điểm đáng chú ý từ blog TOPLive của Bloomberg.

“Đã năm tháng trôi qua kể từ khi Mỹ áp thuế lên ba đối tác thương mại lớn nhất, nhưng vẫn chưa có cú sốc lạm phát nào xuất hiện,” Chris Low, kinh tế trưởng tại FHN Financial, nhận định. “Phe muốn chờ thêm dữ liệu tại Fed nhiều khả năng vẫn chiếm ưu thế trong cuộc họp cuối tháng, nhưng nếu xu hướng hiện tại tiếp diễn, Fed có thể sẽ chịu áp lực phải giảm lãi suất mạnh hơn vào tháng 9, như năm ngoái.”

Giá hàng hóa không bao gồm thực phẩm và năng lượng tăng 0,2% sau khi không đổi trong tháng trước. Giá đồ chơi tăng nhanh nhất kể từ đầu năm 2021, trong khi giá nội thất gia đình và thiết bị thể thao tăng mạnh nhất kể từ năm 2022. Riêng thiết bị gia dụng ghi nhận mức tăng cao nhất trong gần 5 năm qua.

Trong khi đó, giá xe mới và xe cũ đều giảm. Tổng giám đốc công ty Inflation Insights, ông Omair Sharif, cho biết nếu loại trừ ô tô, giá hàng hóa cơ bản đã tăng 0,55% trong tháng 6 — mức tăng theo tháng mạnh nhất kể từ tháng 11.2021. “Báo cáo hôm nay cho thấy thuế quan đã bắt đầu có tác động thực sự,” ông viết trong một ghi chú phân tích.

Tuy vậy, chuỗi dữ liệu lạm phát thấp hơn dự báo khiến nhiều người đặt câu hỏi về mức độ ảnh hưởng thực tế của thuế quan lên giá tiêu dùng. Một số doanh nghiệp đã dự trữ hàng từ trước hoặc chấp nhận giảm biên lợi nhuận để tránh phải tăng giá bán.

Tổng thống Trump tận dụng dữ liệu lạm phát thấp để kêu gọi Fed hạ lãi suất. “Giá tiêu dùng THẤP. Hãy giảm lãi suất của Fed NGAY LẬP TỨC!!!” ông viết trên mạng xã hội.

Sau báo cáo này, chỉ số S&P 500 có lúc tăng lên mức cao kỷ lục mới, trong khi đồng đô la Mỹ và lợi suất trái phiếu chính phủ cũng tăng.

Giá dịch vụ (không bao gồm năng lượng) tăng 0,3%. Trong nhóm dịch vụ, nhà ở — nhóm có quy mô lớn nhất — tiếp tục là yếu tố chính kéo lạm phát dịch vụ đi lên. Tuy nhiên, giá thuê nhà đã tăng chậm lại do giá khách sạn giảm.

Một chỉ số dịch vụ khác được Fed theo dõi sát sao đã tăng 0,2%, chủ yếu do giá dịch vụ bệnh viện tăng mạnh. Dù các nhà hoạch định chính sách đánh giá cao chỉ số này trong việc xác định xu hướng lạm phát tổng thể, họ vẫn sử dụng một hệ thống đo lường khác.

Chỉ số đó — được gọi là chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) — không đặt trọng số lớn vào chi phí nhà ở như CPI. Điều này phần nào lý giải vì sao chỉ số PCE đang tiệm cận mục tiêu 2% của Fed. Báo cáo về giá sản xuất sẽ được công bố vào thứ Tư (16.7), cung cấp thêm dữ liệu cho các nhóm ngành ảnh hưởng trực tiếp đến chỉ số PCE, vốn sẽ được công bố vào cuối tháng này.

Bloomberg Economics nói gì…

“CPI yếu có thể khiến nhiều người cho rằng Fed sẽ cắt lãi suất vào tháng 9, nhưng chúng tôi dự báo chỉ số PCE lõi công bố ngày 31.7 sẽ tăng mạnh. Chỉ số PCE có thể duy trì ở mức cao trong mùa Hè, phản ánh độ trễ từ đợt tăng giá cổ phiếu từ giữa tháng 4.”

— Anna Wong và Chris G. Collins.

Một phần lý do khiến nhiều doanh nghiệp xem tăng giá là biện pháp cuối cùng là vì lo ngại người tiêu dùng — vốn đang cảm thấy bất an về triển vọng kinh tế năm nay — sẽ giảm chi tiêu. Giới phân tích sẽ theo dõi sát báo cáo doanh số bán lẻ công bố ngày thứ Năm (17.7) để xác định rõ xu hướng này. Tuy nhiên, một số công ty như Nike và Dollar General gần đây đã thông báo kế hoạch tăng giá.

Nhiều doanh nghiệp đến nay vẫn trụ vững do thời hạn áp thuế bổ sung của ông Trump liên tục bị đẩy lùi — hiện được ấn định vào đầu tháng 8, muộn gần một tháng so với dự kiến ban đầu. Tuy nhiên, trong tuần qua, ông Trump đã liên tục đe dọa sẽ áp thuế lên đồng, cũng như lên Canada, Mexico và một số nước khác, đồng thời tuyên bố sẽ không lùi thời hạn nữa. Một số cuộc đàm phán đang diễn ra nhằm đạt được thỏa thuận trước thời điểm này.

Các nhà hoạch định chính sách của Fed cũng đang theo dõi sát sao tốc độ tăng lương, vì đây là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến kỳ vọng chi tiêu tiêu dùng — động lực chính của nền kinh tế Mỹ. Một báo cáo riêng công bố ngày thứ Ba cho thấy, nếu tính cả số liệu lạm phát và lương, thu nhập thực tế theo giờ trung bình chỉ còn tăng 1% so với cùng kỳ năm ngoái, mức thấp nhất kể từ đầu năm 2025.

— Với sự hỗ trợ của Jonnelle Marte, Chris Middleton, Reade Pickert, Catarina Saraiva, Jarrell Dillard, và Georgina Boos

Theo Bloomberg

Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn

https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/lam-phat-loi-my-tang-cham-hon-du-bao-du-chiu-ap-luc-tu-thue-quan-53791.html

#lạm phát
#Mỹ
#doanh nghiệp
#thuế quan
#chỉ số giá tiêu dùng
#lãi suất
#Fed
#giá hàng hóa
#giá tiêu dùng
#lợi suất trái phiếu
#giá thuê nhà
#giá dịch vụ
#doanh số bán lẻ
#Nike
#thuế bổ sung

BÀI LIÊN QUAN

Đăng ký nhận bản tin miễn phí

Gói đăng ký

Liên hệ

Hợp tác quảng cáo

Chăm sóc khách hàng: (028) 888 90868

Email: cs@bloombergbusinessweek.vn

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh

Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại: (028) 8889.0868

Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn

© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media