Một sản phẩm của BEACON MEDIA
Khám phá nhiều hơn với tài khoản
Đăng nhập để lưu trữ và dễ dàng truy cập những bài viết bạn yêu thích trên Bloomberg Businessweek Việt Nam.
Kinh tế
Chính sách của ông Trump đang biến thị trường Mỹ từ nơi trú ẩn an toàn thành nguồn cơn của sự bất ổn và thua lỗ.
Minh họa: Glenn Harvey
Tác giả: Chính sách của ông Trump đang biến thị trường Mỹ từ nơi trú ẩn a
29 tháng 5, 2025 lúc 10:08 AM
Suốt nhiều thập niên, các nước xuất khẩu hàng đầu châu Á theo đuổi một chiến lược tài chính đơn giản: bán hàng hóa cho Mỹ và dùng nguồn thu đó để mua tài sản tại Mỹ.
Tuy nhiên, mô hình này đang đối mặt với thách thức lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, khi Tổng thống Donald Trump thúc đẩy tái cấu trúc thương mại và nền kinh tế Mỹ — qua đó làm gián đoạn dòng vốn đầu tư trị giá 7.500 tỉ USD từ châu Á. Theo nhận định từ một số nhà quản lý tài sản lớn nhất thế giới, quá trình này mới chỉ bắt đầu.
Những tổ chức không kịp thích nghi đã chịu thiệt hại đáng kể. Đồng USD lao dốc sau khi ông Trump áp thuế lên phần lớn hàng hóa của thế giới, khiến các công ty bảo hiểm Đài Loan báo lỗ 620 triệu USD chỉ trong tháng 4. Tiếp đó, trong hai ngày đầu tháng 5, đồng đô la Đài Loan tăng vọt 8,5%, làm dấy lên lo ngại rằng các khoản đầu tư bằng USD không được phòng hộ của các công ty bảo hiểm có thể chịu lỗ đến 18 tỉ USD.
Ngay cả trước khi ông Trump bước vào nhiệm kỳ tổng thống thứ hai, dòng vốn chảy từ châu Á vào Mỹ đã giảm đáng kể so với mức đỉnh trong quá khứ. Giờ đây, ngày càng nhiều dấu hiệu cho thấy xu hướng thoái vốn này đang tăng tốc.
Công ty bảo hiểm nhân thọ lớn nhất Nhật Bản đang tìm kiếm lựa chọn thay thế cho trái phiếu chính phủ Mỹ. Nhiều văn phòng quản lý tài sản gia đình đã cắt giảm hoặc tạm dừng đầu tư. Một quỹ hưu trí của Úc trị giá 96 tỉ USD cho biết đã đạt mức phân bổ vốn cao nhất. Trong khi đó, số liệu mới nhất cho thấy Trung Quốc đã giảm lượng trái phiếu kho bạc Mỹ mà họ nắm giữ trong tháng 3.
“Chúng ta đang sống trong một trật tự thế giới đang thay đổi, và tôi không cho rằng mọi thứ sẽ quay lại như cũ,” Virginie Maisonneuve, giám đốc đầu tư cổ phiếu toàn cầu của Allianz Global Investors tại London, nhận định. Tập đoàn này hiện đang quản lý 571 tỉ euro, tương đương 649 tỉ USD. “Đây là quá trình chuyển tiếp từ trật tự thế giới được hình thành sau Thế chiến thứ Hai, phần nào được thúc đẩy bởi sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa Trung Quốc và Mỹ trong lĩnh vực kinh tế và công nghệ.”
Chiến lược đảo chiều
Các nhà đầu tư châu Á có nhiều lý do để tìm kiếm tài sản thay thế cho những khoản đầu tư định cư tại Mỹ, bao gồm thâm hụt ngân sách gia tăng, tình hình chính trị rối ren và lo ngại về cơ sở hạ tầng xuống cấp. Việc Mỹ sử dụng đồng đô la — đồng tiền dự trữ toàn cầu — để trừng phạt Nga cũng làm dấy lên nghi ngờ về mức độ an toàn của tài sản tiền tệ mà các nước châu Á đang nắm giữ. Bên cạnh đó, nỗ lực cắt giảm thuế của ông Trump khiến nhiều người lo ngại tình trạng chi tiêu tài khóa mất kiểm soát, đặc biệt sau khi Moody’s Ratings và các tổ chức xếp hạng tín nhiệm khác đồng loạt hạ bậc xếp hạng tín dụng của Mỹ vào ngày 16 tháng 5.
Theo ông Stephen Jen, giám đốc điều hành của Eurizon, sự chuyển dịch từ tích trữ tài sản bằng USD sang nghi ngờ vị thế đặc biệt của Mỹ có thể khiến hơn 2.500 tỉ USD dịch chuyển trên các thị trường toàn cầu.
Trong kịch bản đó, đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi sẽ tăng giá so với đồng đô la Mỹ, chứng khoán châu Âu và Nhật Bản sẽ được hưởng lợi từ dòng vốn đổ vào, còn thị trường trái phiếu tại Úc và Canada sẽ ghi nhận lượng vốn mới tăng mạnh — theo đánh giá từ giới phân tích và các nhà quản lý tài sản.
Tại châu Á, việc điều chỉnh lại mối quan hệ tài chính với Mỹ đánh dấu sự đảo ngược một chiến lược đã hình thành sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997. Khi đó, khu vực này phụ thuộc quá mức vào các khoản vay ngắn hạn nhưng lại thiếu tài sản bảo đảm bằng USD, dẫn đến khủng hoảng nợ, đồng nội tệ lao dốc và thị trường chứng khoán sụp đổ.
Rút kinh nghiệm từ giai đoạn đó, nhiều quốc gia châu Á bắt đầu tập trung xuất khẩu sang Mỹ để tích lũy USD, sau đó dùng thặng dư thương mại đầu tư ngược trở lại vào tài sản Mỹ. Theo phân tích của Bloomberg News dựa trên dữ liệu từ Bộ Tài chính Mỹ, 11 nền kinh tế lớn nhất châu Á đã mua tổng cộng 4,7 ngàn tỉ USD cổ phiếu và trái phiếu Mỹ kể từ năm 1997, nâng tổng giá trị đầu tư lên 7,5 ngàn tỉ USD.
Dòng vốn chảy vào Mỹ đạt đỉnh vào năm 2004 với 354 tỉ USD, trùng thời điểm Trung Quốc bắt đầu định hình lại cán cân thương mại và đầu tư trong khu vực sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới. Vào đầu những năm 2000, gần như toàn bộ đồng USD mà các nhà xuất khẩu lớn nhất châu Á thu được từ Mỹ đều được tái đầu tư vào thị trường tài chính Mỹ, nhờ mức lợi suất cao và đà tăng trưởng mạnh của nền kinh tế.
Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 là “lời cảnh tỉnh” lớn, khi nó phơi bày mức độ rủi ro và dễ tổn thương của thị trường Mỹ, theo ông David Gibson-Moore — chủ tịch kiêm giám đốc điều hành công ty tư vấn tài sản Gulf Analytica có trụ sở tại Dubai và phục vụ nhiều khách hàng châu Á. Trong thập niên qua, “nhiều quỹ đầu tư quốc gia, văn phòng gia đình và tổ chức tài chính khắp châu Á đã dần điều chỉnh danh mục đầu tư để giảm sự phụ thuộc vào tài sản Mỹ.”
Tính đến năm 2024, dòng vốn từ châu Á đổ vào Mỹ chỉ còn 68 tỉ USD, tương đương 11% tổng thặng dư thương mại của khu vực với Mỹ — một con số vẫn duy trì được nhờ xuất khẩu phục hồi, đồng USD mạnh và nhu cầu tiêu dùng tại Mỹ cải thiện sau đại dịch.
Sự sụp đổ của giao dịch chênh lệch lãi suất
Dù dòng vốn chảy vào Mỹ đã chậm lại, mô hình tăng trưởng và đầu tư của châu Á vẫn phụ thuộc đáng kể vào sức mạnh vượt trội của đồng bạc xanh.
Rủi ro bắt đầu lộ diện từ năm ngoái, khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản lần đầu tiên tăng lãi suất sau nhiều năm duy trì chính sách lãi suất cực thấp. Đồng thời, cơ quan này phải can thiệp vào thị trường ngoại hối để ngăn đồng yên tiếp tục mất giá.
Từ đầu tháng 7 đến tháng 8, giá đồng yên tăng 14% so với USD. Giao dịch chênh lệch lãi suất toàn cầu — nơi nhà đầu tư vay đồng yên giá rẻ để đầu tư vào tài sản có lợi suất cao hơn ở Mỹ và các thị trường khác — bất ngờ trở nên rủi ro. Theo phân tích của Bloomberg Economics, nhà đầu tư đã đồng loạt bán ra các khoản đầu tư với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2007.
Làn sóng bán tháo nhanh chóng lan rộng, kéo theo sự sụp đổ của chiến lược mà GlobalData TS Lombard ước tính trị giá 1.100 tỉ USD. Đồng yên càng tăng giá, nhà đầu tư lại càng đẩy mạnh bán ra. Giá cổ phiếu Nvidia, trái phiếu các thị trường mới nổi và Bitcoin đồng loạt lao dốc. Trong hai phiên giao dịch, ba ngân hàng lớn nhất Nhật Bản mất khoảng 85 tỉ USD vốn hóa thị trường.
Diễn biến này buộc giới đầu tư phải đánh giá lại chiến lược dài hạn, theo ông Udith Sikand, chuyên gia phân tích thị trường mới nổi cấp cao tại Gavekal Research, Hồng Kông. “Chiến lược đó chỉ hiệu quả khi tỉ giá đi đúng kỳ vọng của bạn: đồng tiền địa phương mất giá, còn đồng USD tiếp tục tăng.”
Và rồi ông Trump bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai.
Tổng thống Mỹ cam kết đưa dây chuyền sản xuất trở lại trong nước, đồng thời liên tục chỉ trích các quốc gia khác thao túng tỉ giá để giành lợi thế cạnh tranh — điều đi ngược hoàn toàn với mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu của châu Á.
Các tuyên bố bất ngờ về việc áp thuế cao, đặc biệt nhằm vào các nhà xuất khẩu châu Á, đã buộc Nhật Bản và Hàn Quốc phải nhanh chóng ngồi vào bàn đàm phán. Giới giao dịch bắt đầu đặt câu hỏi liệu vấn đề tỉ giá có trở thành một phần trong các cuộc thương lượng hay không, khi cả Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Việt Nam và Singapore đều nằm trong danh sách giám sát tiền tệ của Bộ Tài chính Mỹ. Cơ quan này đánh giá hai lần mỗi năm để xác định xem các đối tác thương mại lớn của Mỹ có thao túng tỉ giá nhằm trục lợi hay không.
Đồng đô la Đài Loan tăng vọt
Đầu tháng 5, xuất hiện tin đồn rằng Mỹ có thể gây sức ép buộc Đài Loan nâng giá đồng tiền trong khuôn khổ các cuộc đàm phán thương mại. Trong vòng hai ngày, đồng đô la Đài Loan tăng vọt, khiến giới giao dịch và doanh nghiệp hoàn toàn bất ngờ. Đây là mức tăng nhanh hiếm thấy kể từ thập niên 1980 và đe dọa giá trị của 294 tỉ USD trái phiếu kho bạc Mỹ mà Đài Loan đang nắm giữ — một phần lớn do các công ty bảo hiểm nhân thọ sở hữu và không có biện pháp phòng ngừa rủi ro tỉ giá.
Trước đó, trong ba năm liên tiếp, đồng tiền này liên tục mất giá so với USD. Chính phủ Đài Loan sau đó cho biết hơn 90% khoản đầu tư nước ngoài của các công ty đều được định giá bằng đồng USD.
Ngay trước cú sốc tỉ giá này, các công ty bảo hiểm nhân thọ Đài Loan — vốn đang tái đầu tư thặng dư thương mại từ hoạt động xuất khẩu chip bán dẫn sang Mỹ — đã báo lỗ 620 triệu USD trong tháng 4, do biến động thị trường sau các đợt áp thuế của ông Trump. Theo ước tính của Goldman Sachs, nếu đồng đô la Đài Loan tăng thêm 10%, các công ty này có thể chịu khoản lỗ lên tới 18 tỉ USD — đủ để xóa sạch phần vốn dự trữ.
Đến ngày 14 tháng 5, đồng won Hàn Quốc tăng khoảng 2% sau khi Bloomberg News đưa tin các quan chức Mỹ và Hàn Quốc đã thảo luận về chính sách tỉ giá tại cuộc họp ngày 5 tháng 5 ở Milan. Một tuần sau, đồng won tiếp tục tăng mạnh khi thông tin về các cuộc gặp tiếp theo xuất hiện.
Trong khi đó, đồng yên suy yếu sau khi Bộ Tài chính Mỹ cho biết hai bên không bàn về tỉ giá trong cuộc gặp giữa Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Katsunobu Kato và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent vào ngày 21 tháng 5 tại Canada.
“Thị trường đang bước vào một bước ngoặt, khi một trật tự tài chính mới đang dần hình thành,” ông Rajeev De Mello, giám đốc danh mục tại GAMA Asset Management (Thụy Sĩ), đơn vị quản lý khoảng 700 triệu USD tài sản, nhận định. “Diễn biến với đồng đô la Đài Loan không phải là trường hợp cá biệt — đó là hồi chuông cảnh báo. Câu hỏi lúc này là: ai sẽ là người tiếp theo?”
Nhiều chỉ báo cho thấy các đồng tiền châu Á đang bị định giá thấp một cách đáng kể.
Trung bình, các đồng tiền lớn trong khu vực — bao gồm yên và nhân dân tệ — đang giao dịch thấp hơn 57% so với tỉ giá phản ánh chênh lệch chi phí sinh hoạt, theo dữ liệu do Bloomberg News tổng hợp từ năm 2007. Mức này chỉ kém mức cao kỉ lục 59% từng được ghi nhận vào giữa năm 2024.
Dù Washington phủ nhận việc muốn đưa điều khoản về tỉ giá vào các thỏa thuận thương mại, các cuộc họp gần đây đã khiến nhiều chuyên gia cảnh báo về khả năng doanh nghiệp châu Á sẽ ồ ạt rút vốn khỏi các khoản đầu tư định giá bằng đồng đô la.
Ông Stephen Jen từ Eurizon — người nổi tiếng với mô hình “nụ cười đồng đô la”, cho rằng USD sẽ tăng giá trong cả hai kịch bản: kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh hoặc rơi vào suy thoái. Ông cảnh báo rằng hiện tượng dòng vốn rút khỏi Mỹ có thể xảy ra một cách đột ngột, nhanh chóng và mạnh mẽ như một trận lở tuyết, với nhiều người không nhận ra tín hiệu cảnh báo cho đến khi đã quá muộn.
“Đây là dấu hiệu rõ ràng của một sự chuyển dịch cơ cấu đang diễn ra,” ông Sikand từ Gavekal nhận định khi đề cập đến việc đồng yên và đồng đô la Đài Loan tăng giá. “Nếu muốn phân tán rủi ro một cách hiệu quả, cách tốt nhất là đưa dòng vốn quay về gần hơn với thị trường trong nước.”
Nguy cơ từ trái phiếu chính phủ Mỹ
Trung Quốc đã bắt đầu cắt giảm đầu tư vào Mỹ trong bối cảnh quan hệ song phương ngày càng xấu đi.
Số liệu từ Bộ Tài chính Mỹ cho thấy Trung Quốc đã bán ròng 172 tỉ USD cổ phiếu và trái phiếu Mỹ trong năm ngoái, sau khi đã rút 64 tỉ USD trong năm 2023. Một số chuyên gia nhận định rằng dữ liệu này có thể chưa đầy đủ, do các quỹ Trung Quốc có thể gián tiếp mua lại tài sản thông qua các bên trung gian ở nước ngoài.
Tuy nhiên, việc Trung Quốc liên tục bán ra trong nhiều năm và tiếp tục giảm lượng trái phiếu Mỹ nắm giữ trong tháng 3 cho thấy đây không còn là vấn đề riêng của châu Á. Chính thị trường Mỹ cũng đang chịu sức ép ngày càng lớn từ quá trình điều chỉnh này.
Hiện Trung Quốc và Nhật Bản đang nắm tổng cộng 1.700 tỉ USD trái phiếu kho bạc Mỹ. Thị trường trái phiếu Mỹ đã lao dốc trong tháng 4 sau các đợt áp thuế, làm dấy lên đồn đoán rằng Trung Quốc và Nhật Bản có thể đang bán ra hoặc sẽ dùng lượng trái phiếu này để gây sức ép với Washington. Tin đồn lan rộng hơn sau khi ông Trump buộc phải điều chỉnh chính sách vì lợi suất trái phiếu tăng quá nhanh.
Dù chưa có bằng chứng rõ ràng, khả năng Trung Quốc và Nhật Bản sẽ giảm đầu tư vào trái phiếu Mỹ trong tương lai vẫn khiến giới đầu tư lo ngại, nhất là trong bối cảnh các kế hoạch cắt giảm thuế có thể làm thâm hụt ngân sách Mỹ thêm trầm trọng.
Nhiều quốc gia châu Á đang chuẩn bị cho một sự thay đổi mang tính căn bản trong trật tự thương mại toàn cầu, ngay cả khi ông Trump giảm thuế và chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán. Theo ông David Gibson-Moore từ Gulf Analytica, sự khó lường trong chính sách của Nhà Trắng khiến Mỹ không còn là điểm đến tài chính an toàn mà dần trở thành nguồn gốc của bất ổn đối với các văn phòng quản lý tài sản gia đình ở châu Á.
Nippon Life Insurance — công ty bảo hiểm nhân thọ lớn nhất Nhật Bản — đang tìm kiếm lựa chọn thay thế cho trái phiếu kho bạc Mỹ, với ưu tiên dành cho các thị trường như châu Âu, Úc và Canada. “Trái phiếu chính phủ Mỹ hiện chiếm tỉ trọng quá lớn trong danh mục tài sản của chúng tôi,” giám đốc đầu tư Keisuke Kawasaki cho biết.
Tại Úc, UniSuper — một trong những quỹ hưu trí lớn nhất với tổng tài sản 149 tỉ AUD (96 tỉ USD) — thông báo hồi đầu tháng 4 rằng họ đã đạt mức đầu tư tối đa vào Mỹ và đang lên kế hoạch giảm tỉ trọng, vì theo quỹ này, ông Trump “đang trở thành mối nguy lớn đối với môi trường kinh doanh.” Chỉ hai tháng trước đó, quỹ vẫn tham gia một sự kiện ngành tại Mỹ để tìm cơ hội tăng đầu tư.
Tương tự, bà Amy Lo, đồng giám đốc khối quản lý tài sản châu Á của UBS Group, cho biết nhiều khách hàng giàu có của họ đang rút vốn khỏi các tài sản định giá bằng USD — vốn từng rất được ưa chuộng — để chuyển sang vàng, tiền mã hóa và thị trường Trung Quốc. Khoảng 10 văn phòng gia đình và tổ chức tư vấn đang quản lý hàng tỉ USD cũng cho biết đã giảm hoặc tạm dừng đầu tư, chủ yếu với cổ phiếu Mỹ và trái phiếu kho bạc.
Dù vậy, không phải ai cũng tin rằng chính sách của ông Trump đang khiến châu Á rút vốn quy mô lớn hay sẽ làm thay đổi mối quan hệ tài chính giữa hai bên. Một số chuyên gia cho rằng, dù chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ có gây ra rào cản thương mại, giới đầu tư vẫn chưa thể hoàn toàn rút khỏi thị trường này.
“Muốn gọi đây là một sự thay đổi cơ cấu thì phải xác định rõ dòng vốn sẽ đi đâu về đâu,” bà Alicia Garcia Herrero, kinh tế trưởng khu vực châu Á – Thái Bình Dương tại ngân hàng Natixis, nhận định từ Hồng Kông. Theo bà, đây mới chỉ là một sự điều chỉnh theo chu kỳ. “Không có gì mang lại mức lợi suất như đồng đô la. Không có gì cả.”
Trong khi đó, các nhà quản lý tài sản ở cả châu Á và toàn cầu đã bắt đầu lên kế hoạch điều chỉnh chiến lược.
Bà Virginie Maisonneuve của Allianz dự báo châu Âu và Ấn Độ sẽ là những thị trường hưởng lợi khi dòng vốn toàn cầu bắt đầu rời khỏi Mỹ.
Ông Tai Hui, chiến lược gia trưởng khu vực châu Á – Thái Bình Dương tại JPMorgan Asset Management, đánh giá cao sức hút của cổ phiếu Nhật Bản. Trong khi đó, ông Salman Ahmed, giám đốc toàn cầu về chiến lược tài sản tại Fidelity International, lại nhìn thấy cơ hội ở đồng euro và đồng yên.
Dữ liệu mới nhất cho thấy dòng vốn đang đổ mạnh vào Nhật Bản, nơi nền kinh tế phục hồi sau thời kỳ giảm phát và lợi suất trái phiếu 30 năm đã đạt mức cao kỷ lục. Theo số liệu sơ bộ từ Bộ Tài chính Nhật Bản, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 8,2 ngàn tỉ yên (tương đương 57 tỉ USD) trái phiếu và cổ phiếu Nhật trong tháng 4 — mức cao nhất kể từ khi dữ liệu cán cân thanh toán được thống kê từ năm 1996.
Trong nhiều năm, nhà đầu tư toàn cầu tin rằng kinh tế Mỹ sẽ vượt trội so với phần còn lại của thế giới, khiến dòng vốn dồn về thị trường này và gây mất cân đối trong phân bổ tài sản. Ví dụ, cổ phiếu Nhật chỉ chiếm 5% chỉ số chứng khoán toàn cầu MSCI, còn Trung Quốc chiếm khoảng 3%. Trong khi đó, các sàn giao dịch tại Trung Quốc, Nhật Bản và Hồng Kông có tổng vốn hóa khoảng 23 ngàn tỉ USD, nhưng thị trường Mỹ chiếm tới 64% giá trị chỉ số — tương đương khoảng 60 ngàn tỉ USD.
Theo ông George Saravelos, trưởng bộ phận nghiên cứu ngoại hối tại Deutsche Bank, việc lợi suất trái phiếu Nhật tăng mạnh gần đây có thể khuyến khích nhà đầu tư rút vốn khỏi Mỹ. Ông cho rằng đà tăng của đồng yên là dấu hiệu cho thấy quá trình dịch chuyển đã bắt đầu.
Tuy nhiên, quá trình tái phân bổ vốn sẽ không diễn ra suôn sẻ. Ngày 27 tháng 5, trái phiếu kho bạc Mỹ tăng giá trở lại vì có tin đồn rằng chính phủ Nhật Bản có thể giảm phát hành nợ, từ đó làm giảm áp lực cạnh tranh vốn.
“Mức độ tập trung vốn vào Mỹ có lẽ đã đạt đỉnh,” ông Shaniel Ramjee, đồng giám đốc đầu tư đa tài sản tại Pictet Asset Management ở London, nhận định. “Nếu nền kinh tế Trung Quốc ổn định trở lại, các thị trường mới nổi — đặc biệt là châu Á — sẽ thu hút thêm vốn, nhất là từ các nhà đầu tư trong nước.”
Định vị lại vị thế của đồng đô la
Trong kịch bản lý tưởng, vai trò thống trị của đồng đô la trên thị trường toàn cầu sẽ suy yếu dần một cách có kiểm soát, qua đó tạo điều kiện để dòng vốn quay trở lại châu Á. Khi các đồng tiền từng bị định giá thấp bắt đầu tăng giá, khu vực này có thể bước vào giai đoạn “ba lợi thế”, theo ông Udith Sikand từ Gavekal: dòng vốn ngoại đổ vào, lãi suất thực giảm và giá tài sản tăng lên.
Theo Bloomberg News, 11 nền kinh tế lớn nhất châu Á đã ghi nhận tổng thặng dư thương mại hơn 900 tỉ USD trong năm ngoái. Đây được xem là nguồn vốn quan trọng, có thể dùng để đầu tư ra nước ngoài trong thời gian tới.
Tuy vậy, để kịch bản đó trở thành hiện thực, châu Á cần điều chỉnh mô hình tăng trưởng, giảm sự lệ thuộc vào xuất khẩu và thúc đẩy tiêu dùng nội địa. Tỉ lệ tiết kiệm cao — đặc biệt ở Trung Quốc, nơi mỗi hộ gia đình thường tiết kiệm hơn 30% thu nhập — từ lâu đã khiến khu vực này phải phụ thuộc vào thị trường bên ngoài. Tính đến nay, kim ngạch xuất khẩu vẫn chiếm khoảng 17% GDP của cả Trung Quốc lẫn Nhật Bản.
“Thuế quan thời ông Trump và sự bất ổn trong chính sách đang khiến giới đầu tư phải đánh giá lại cách họ nhìn nhận rủi ro,” ông Steve Alain Lawrence, giám đốc đầu tư của Balfour Capital Group — công ty quản lý 400 triệu USD tại Thụy Sĩ — nhận định. “Ông ấy đang đẩy nhanh xu hướng giảm phụ thuộc vào đồng đô la và tách nền tài chính toàn cầu khỏi ảnh hưởng của Mỹ, một quá trình vốn đã bắt đầu xảy ra từ trước.”
— Với sự hỗ trợ của Mia Glass, Momoka Yokoyama, Taiga Uranaka, và Yujing Liu
Theo Bloomberg
Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn
https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/khoan-cuoc-7-500-ti-usd-cua-chau-a-vao-my-dang-dan-tan-ra-53301.html
Tặng bài viết
Đối với thành viên đã trả phí, bạn có 5 bài viết mỗi tháng để gửi tặng. Người nhận quà tặng có thể đọc bài viết đầy đủ miễn phí và không cần đăng ký gói sản phẩm.
Bạn còn 5 bài viết có thể tặng
Liên kết quà tặng có giá trị trong vòng 7 ngày.
BÀI LIÊN QUAN
Truy cập nhanh
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh
Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 8889.0868
Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn
© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media