Một sản phẩm của BEACON MEDIA
Khám phá nhiều hơn với tài khoản
Đăng nhập để lưu trữ và dễ dàng truy cập những bài viết bạn yêu thích trên Bloomberg Businessweek Việt Nam.
Công nghệ
Lần đầu tiên Đài Loan áp lệnh cấm với Huawei và SMIC, đánh dấu bước ngoặt trong cuộc chiến công nghệ toàn cầu do Mỹ dẫn dắt nhằm cô lập Bắc Kinh.
Hình ảnh: Qilai Shen/Bloomberg
Tác giả: Mackenzie Hawkins, Miaojung Lin, và Yian Lee
18 tháng 6, 2025 lúc 8:00 PM
Tóm tắt bài viết
Đài Loan lần đầu đưa Huawei và SMIC vào danh sách hạn chế, cấm giao dịch nếu không có giấy phép đặc biệt, hưởng ứng chiến dịch của Mỹ nhằm hạn chế tham vọng công nghệ của Trung Quốc.
Động thái này diễn ra sau khi Tổng thống Lại Thanh Đức cam kết giải quyết quan ngại từ Washington. Năm 2023, TSMC vô tình sản xuất 2,9 triệu chip A.I cho Huawei thông qua đơn vị trung gian.
Quyết định của Đài Loan có thể là bước đầu trong chuỗi biện pháp siết chặt dòng chảy công nghệ sang Trung Quốc, đánh dấu sự thay đổi so với chính sách khuyến khích thương mại xuyên eo biển trước đây.
Về hình thức, quyết định này chưa gây gián đoạn ngay lập tức vì không áp dụng cho doanh nghiệp đã đăng ký tại Trung Quốc. Vốn đầu tư thường niên của Đài Loan vào Trung Quốc giảm từ 14,6 tỉ USD (2010) xuống 3,6 tỉ USD (2023).
Trung Quốc chỉ trích Đài Loan "cúi đầu lấy lòng Mỹ", trong khi căng thẳng gia tăng sau khi ông Lại đắc cử và gọi Trung Quốc là "thế lực thù địch nước ngoài".
Tóm tắt bởi AI HAY
Đài Loan vừa tham gia chiến dịch kéo dài nhiều năm của Mỹ nhằm hạn chế tham vọng công nghệ của Trung Quốc, bằng cách đưa các công ty hàng đầu về trí tuệ nhân tạo và bán dẫn của Bắc Kinh vào danh sách đen — một động thái chưa từng có, cho thấy nỗ lực mới nhằm cô lập ngành công nghiệp chip của Trung Quốc.
Trong tháng này, chính quyền Đài Bắc đã đưa Huawei và công ty sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc là Semiconductor Manufacturing International Corp. (SMIC) vào danh sách hạn chế, cấm các công ty Đài Loan giao dịch với hai doanh nghiệp này nếu không có giấy phép đặc biệt. Đây là lần đầu tiên Đài Loan sử dụng công cụ này để trừng phạt các công ty lớn của Trung Quốc, theo cách mà Mỹ đã áp dụng từ lâu nhằm ngăn Bắc Kinh tiếp cận công nghệ tiên tiến.
Đây cũng là hành động công khai đầu tiên của Đài Loan liên quan đến vấn đề kiểm soát xuất khẩu bán dẫn, kể từ khi nhà lãnh đạo Lại Thanh Đức cam kết hồi tháng 4 sẽ giải quyết các quan ngại từ phía Washington. Theo các nguồn tin, chính quyền tổng thống Donald Trump yêu cầu Đài Bắc hành động chủ động hơn trong việc thực thi các biện pháp hạn chế đối với Trung Quốc, đặc biệt tập trung vào việc triển khai các lệnh cấm hiện hành. Những người này yêu cầu giấu tên vì không được phép phát biểu công khai.
Ngay sau khi Đài Loan công bố biện pháp trừng phạt, một ủy ban Quốc hội Mỹ chuyên theo dõi các vấn đề liên quan đến Trung Quốc đã tuyên bố rằng “Mỹ phải tiếp tục hợp tác với các đối tác để ngăn chặn mọi nỗ lực chuyển giao công nghệ trái phép của chính quyền Trung Quốc.”
Quyết định của Đài Loan có thể là bước đi mở đầu trong chuỗi biện pháp nhằm siết chặt dòng chảy công nghệ sang Trung Quốc, đánh dấu sự thay đổi so với chính sách từng khuyến khích quan hệ thương mại xuyên eo biển. Mục tiêu dài hạn có thể là bóp nghẹt nguồn cung linh kiện, vật liệu silicon và kỹ thuật xây dựng nhà máy — những yếu tố đã giúp Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. (TSMC) trở thành nhà sản xuất chip tiên tiến hàng đầu thế giới.
“Chuyển biến gần đây cho thấy Đài Loan đang thật sự bước vào cuộc cạnh tranh công nghệ chiến lược với Trung Quốc,” ông Chiang Min-yen, nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Dân chủ, Xã hội và Công nghệ Mới nổi (DSET) do chính quyền Đài Loan tài trợ, nhận định. “So với các nền dân chủ công nghệ có cơ cấu công nghiệp tương tự như Nhật Bản hay Hàn Quốc, Đài Loan đang thể hiện lập trường dứt khoát hơn.”
Trong bài phát biểu hồi tháng 4, ông Lai không nêu rõ Đài Loan sẽ thực hiện những biện pháp cụ thể nào để đáp lại lo ngại của Mỹ, mà chỉ nhấn mạnh đến chiến lược mở rộng quan hệ thương mại với Washington. Hiện chưa rõ việc trừng phạt Huawei và SMIC có liên quan đến các cuộc đàm phán thuế quan đang diễn ra với Mỹ hay không, hoặc liệu Washington có yêu cầu Đài Loan thực hiện biện pháp cụ thể đó hay không. Bộ Thương mại Mỹ, Nhà Trắng và văn phòng Đàm phán Thương mại Đài Loan đều từ chối bình luận.
Người phát ngôn bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Quách Gia Côn, phát biểu tại Bắc Kinh: “Việc chính quyền Đảng Dân Tiến cúi đầu và tìm cách lấy lòng Mỹ sẽ chỉ gây tổn hại cho lợi ích của Đài Loan.” Ông cũng khẳng định Trung Quốc phản đối việc Mỹ chính trị hóa vấn đề công nghệ và thương mại, lạm dụng khái niệm an ninh quốc gia, lạm quyền kiểm soát xuất khẩu và áp đặt quyền tài phán ngoài lãnh thổ để ngăn chặn và đàn áp Trung Quốc một cách có ác ý.
Mỹ đã gây áp lực với Đài Loan kể từ nhiệm kỳ đầu của ông Trump, khi giới chức yêu cầu Đài Bắc ngăn chặn các lô hàng chip của TSMC bán sang Trung Quốc — trước khi Washington chính thức ban hành lệnh hạn chế với một số lô hàng TSMC xuất sang nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Dưới thời tổng thống Joe Biden, Mỹ tiếp tục mở rộng các biện pháp kiểm soát, bao gồm cả chip và thiết bị sản xuất chip. Nhiều biện pháp này dựa trên “quy tắc sản phẩm có nguồn gốc trực tiếp nước ngoài” nhằm hạn chế hoạt động của các công ty nước ngoài — trong đó có các doanh nghiệp Đài Loan — nếu sản phẩm chứa bất kỳ thành phần nào liên quan đến công nghệ Mỹ. Một quan chức cho biết Nhà Trắng sẽ ủng hộ mọi hành động từ các đồng minh nhằm ngăn chặn việc lách luật này.
Theo các nguồn tin, một trong những trọng tâm chính của Mỹ — cả dưới thời ông Trump và người kế nhiệm — là đảm bảo Đài Loan siết chặt kiểm soát các lô hàng bị cấm theo quy định của Mỹ.
Năm ngoái, TSMC — nhà sản xuất chip cho Apple và Nvidia — đã vô tình sản xuất 2,9 triệu chip A.I cho Huawei, theo ước tính của các nhà nghiên cứu. Các chip này được chuyển qua một đơn vị trung gian, sau đó bị chính phủ Mỹ trừng phạt và bị TSMC chấm dứt hợp tác. Hiện TSMC đang phối hợp với Washington để điều tra vụ việc.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hoạt động kinh doanh nằm ngoài phạm vi các lệnh kiểm soát của Mỹ — chẳng hạn như hợp đồng xây dựng hoặc cung cấp một số linh kiện. Năm 2023, Bloomberg News đưa tin một số công ty Đài Loan giúp Huawei xây dựng cơ sở hạ tầng cho một mạng lưới nhà máy chip bí mật tại miền Nam Trung Quốc.
Sau đó, giới chức Đài Loan tuyên bố sẽ điều tra các công ty liên quan, nhưng tính đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có hành động cụ thể nào được thực hiện.
Việc các nước, vùng lãnh thổ lân cận của Bắc Kinh công khai nhắm vào những công ty chiến lược hàng đầu của Trung Quốc là điều hiếm thấy, do phần lớn vẫn xem Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng. Dù Nhật Bản đã tham gia chiến dịch do Mỹ dẫn đầu nhằm hạn chế khả năng tiếp cận thiết bị sản xuất chip tiên tiến của Trung Quốc, cả Tokyo lẫn Seoul đều chưa đưa Huawei hay SMIC vào danh sách đen.
Về hình thức, quyết định sử dụng danh sách hạn chế của Đài Loan chưa gây gián đoạn ngay lập tức đối với hoạt động kinh doanh thông thường, một phần vì quy định này không áp dụng cho các doanh nghiệp đã đăng ký tại Trung Quốc. Trong nhiều năm, nhiều công ty Đài Loan đã thành lập công ty con tại Trung Quốc để phục vụ hoạt động kinh doanh tại địa phương, và Đài Bắc không có thẩm quyền pháp lý đối với các thực thể này.
“Tôi không cho rằng thông báo này sẽ gây ảnh hưởng đáng kể đến cả Đài Loan lẫn Huawei và SMIC,” nhà phân tích Steven Tseng của Bloomberg Intelligence nhận định. “Huawei và SMIC không thực sự phụ thuộc vào Đài Loan, vì sau nhiều năm họ đã xây dựng được một hệ thống chuỗi cung ứng nội địa tương đối đầy đủ tại Trung Quốc.”
Điều quan trọng nằm ở thông điệp mà ông Lại muốn gửi đi.
Tân lãnh đạo của Đài Loan đang nỗ lực giảm sự phụ thuộc kinh tế giữa Trung Quốc và Đài Loan. Cuối tuần qua, đảng Dân Tiến của ông đã công bố một video kêu gọi các doanh nghiệp Đài Loan đa dạng hóa hoạt động kinh doanh ra khỏi thị trường Trung Quốc — một sự thay đổi rõ rệt so với nhiều thập kỷ trước. Foxconn từng xây dựng khu tổ hợp lắp ráp iPhone lớn nhất thế giới ở miền Trung Trung Quốc, trong khi TSMC hiện vận hành các nhà máy chip tại Thượng Hải và Nam Kinh.
Căng thẳng gia tăng kể từ sau khi ông Lại đắc cử năm ngoái. Bắc Kinh cáo buộc ông theo đuổi đường lối độc lập và gây bất ổn khu vực. Quan hệ song phương càng trở nên căng thẳng hơn sau khi ông Lai lần đầu gọi Trung Quốc là “thế lực thù địch nước ngoài” và công bố một loạt biện pháp nhằm đối phó các hoạt động xâm nhập. Trung Quốc tuyên bố Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình và cam kết sẽ thống nhất, kể cả bằng vũ lực nếu cần thiết — một lập trường mà Đài Loan kiên quyết bác bỏ.
Vốn đầu tư thường niên của Đài Loan vào Trung Quốc đạt đỉnh 14,6 tỉ đô la Mỹ vào năm 2010, nhưng đã giảm xuống còn 3,6 tỉ đô vào năm ngoái.
“Ông Lại giờ có thể đẩy nhanh việc thiết lập chương trình nghị sự chống Trung Quốc trên nhiều mặt trận như quốc phòng, thương mại và công nghệ, nhờ những thay đổi trong môi trường toàn cầu,” ông Tống Học Văn, giám đốc trung tâm Nghiên cứu Chính sách Quốc gia thuộc Đại học Quốc lập Trung Chính, nhận định.
— Với sự hỗ trợ của Debby Wu, Catherine Lucey, và James Mayger
Theo Bloomberg
Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn
https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/dai-loan-dua-huawei-va-msic-vao-danh-sach-han-che-tiep-can-cong-nghe-53497.html
Tặng bài viết
Đối với thành viên đã trả phí, bạn có 5 bài viết mỗi tháng để gửi tặng. Người nhận quà tặng có thể đọc bài viết đầy đủ miễn phí và không cần đăng ký gói sản phẩm.
Bạn còn 5 bài viết có thể tặng
Liên kết quà tặng có giá trị trong vòng 7 ngày.
BÀI LIÊN QUAN
Truy cập nhanh
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh
Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 8889.0868
Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn
© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media