Chuyên đề

Cuộc chiến giữa OpenAI và OpenAI

Evan Ratliff 28/11/2024 16:17

Open AI (có dấu cách) của Guy Ravine sở hữu đăng ký thương hiệu và trang web mà OpenAI (không dấu cách) muốn. Vụ kiện của họ cho chúng ta biết gì về tương lai của trí tuệ nhân tạo (AI) và người chiến thắng ở thung lũng Silicon?

8s.jpg
Minh họa: Antoine Maillard

Tác giả: Evan Ratliff

28 tháng 11, 2024 lúc 4:17 PM

Nghe như một chuyện đùa vô duyên, và tôi đã tưởng là thế thật: Công ty OpenAI kiện công ty Open AI. Đơn kiện, tên chính thức là OpenAI Inc. v. Open Artificial Intelligence Inc., đã được lặng lẽ trình lên tòa án khu vực Bắc California vào tháng 8.2023. Hai công ty tên gần giống hệt, vụ tranh chấp có thể là xâm phạm bản quyền, nói một câu là xong, cần gì dài dòng. Nhưng vụ việc này lại liên quan tới OpenAI, ông trùm công nghệ AI tạo sinh và chủ nhân của ChatGPT, được Microsoft hậu thuẫn, với mức định giá (lúc bấy giờ) là 13 tỉ đô la Mỹ. Tôiđọctàiliệuvụkiệnvàcóvẻđã rút ra kết luận lập tức. Open Artificial Intelligence Inc., tức Open AI (có dấu cách), thực ra chỉ là một người, tên là Guy luôn. Theo đơn kiện, Guy Ravine là chuyên gia công nghệ tự xưng ở thung lũng Silicon, đã xoay xở có được tên miền open.ai hồi năm 2015, trước khi OpenAI (không dấu cách) ra mắt. Khi Sam Altman và Greg Brockman khai màn cả thế giới hôm 11.12.2023, họ đã buộc phải dùng tên miền kém hấp dẫn hơn openai.com.

Ông Ravine sau đó có vẻ đã dịch chuyển ra khỏi mảng nhảy dù chiếm đất chờ bồi thường khi nộp đơn xin đăng ký thương hiệu “Open AI” đúng vào buổi tối Altman và Brockman ra mắt OpenAI. Khi xem qua các tài liệu, tôi phải nói là mình khâm phục màn biểu diễn đấy. Ông Ravine khẳng định rằng ông đang nghiên cứu
ý tưởng giống hệt như Altman và Brockman. Ông cũng nói đó không phải là lần đầu tiên ôngnảyramộtý tưởng sẽ làm thay đổi thế giới: Ông xưng rằng mình đã phát minh ra công nghệ chia sẻ video sau này nổi tiếng nhờ Snapchat và TikTok.

12(1).jpg
“Họ kiện tôi trước,” Ravine nói. “Tôi là người yêu hòa bình. Tôi chưa bao giờ có ý định kiện ai cả.” Hình ảnh: Carolyn Fong cho Bloomberg Businessweek

Tuy nhiên, dù đưa ra nhiều tuyên bố kịch tính, hồ sơ của Ravine trên mạng lại hết sức ít ỏi. Những thông tin tiểu sử hiếm hoi tôi tìm được nằm trên các trang web thời trung đại, đôi khi kèm hình độ phân giải thấp cho thấy một người đàn ông có vẻ đang dần hói đầu.

Tôi ngờ rằng ông ta có thể là một tay lừa đảo, hay một gã lập dị, và các luật sư của OpenAI có vẻ cũng nghĩ vậy. Đơn kiện của họ móc mỉa Ravine không lấy gì làm tinh tế và gần như nói trắng ra đây là một vụ làm tiền. Luật sư dẫn một email của Ravine gửi Altman vào năm 2022 lưu ý rằng “Elon Musk đã trả 11 triệu đô la để có tên miền và thương hiệu Tesla vào năm 2017. Như chúng ta đều biết, OpenAI có triển vọng còn phát triển lớn hơn Tesla... Nên giá trị cuối cùng của tên miền và thương hiệu này là rất đáng kể.”

OpenAI đã yêu cầu thẩm phán liên bang Yvonne Gonzalez Rogers cấm Ravine sử dụng tên đấy cho tới khi vụ kiện ngã ngũ. Có vẻ như lập luận viển vông của Ravine, về ý tưởng AI giống hệt OpenAI, sẽ không có cơ hội nào trước đội ngũ luật sư đáng gờm nhất vùng vịnh San Francisco, với túi tiền gần như không đáy của thân chủ họ.

Quả nhiên, vào tháng Hai, thẩm phán Gonzalez Rogers đã ban lệnh đình chỉ tạm thời với Ravine, buộc ông xóa trang web và tất cả những chỗ có nói tới “Open AI.” Bà thẩm phán viết rằng bằng chứng “cho thấy bức tranh đáng ngại về những diễn giải của bị cáo Ravine.” Nói cách khác, bà thẩm phán rất ngờ rằng ông xạo sự. Ravine đã sa thải các luật sư của mình. Và tôi nghĩ tới đó là hết chuyện.

Nhưng rồi vào tháng Tư, một tài liệu kỳ lạ xuất hiện trong hồ sơ tòa. Các luật sư mới của Ravine đệ đơn kháng cáo dài 100 trang nhắm vào OpenAI, Altman và Brockman. Trong đơn, Ravine tuyên bố vào năm 2015, ông quả thực đã trao đổi chuyện huy động 100 triệu đô la cho một dự án trí tuệ nhân tạo tổng quát (AGI) mã nguồn mở.

Ông đã mời chào Open AI (đôi khi cũng được gọi là Open.AI) với các nhân vật đình đám ở thung lũng Silicon, bao gồm Larry Page (Google), Yann LeCun (khoa học gia trưởng về AI của Meta Platforms), Peter Norvig (giám đốc nghiên cứu của Google), Patrick Collison (CEO của Stripe), và Tom Gruber (cựu lãnh đạo Apple và là người đồng sáng tạo ra Siri).

Đây không phải là một ca phát minh song song, theo Ravine, mà là ăn cắp: Altman và Brockman đã đánh cắp “công thức” của ông. Vụ kiện phản pháo có thể gồm cả tuyên bố của LeCun nói “cần phải có nhiều người hơn biết chuyện này.” Và từ cả Gruber: “Vụ cướp đoạt Open AI từ Guy Ravine là bi kịch có thể để lại những hệ quả lịch sử.”

10(2).jpg
Altman. Hình ảnh: Win McNamee/Getty Images

Thành thật mà nói, nghe điên điên thế nào ấy. Một trăm triệu đô la ư? Những hệ quả lịch sử ư? Tôi tự nhủ không biết Ravine có sáng tác ra những tuyên bố đấy hòng khiến những khẳng định hoang đườngcủaôngtacóvẻcócơsởhơn không. Vì vậy tôi đã liên lạc với Gruber, tiếng nói rất được coi trọng trong mảng AI, và hỏi xem ông có biết vụ kiện này không.

Tất nhiên là tôi biết, ông nói. Ông đã tuyên thệ chính thức trong vụ này mà.

Khoan đã, ông thực sự tin Ravine có lý sao?

Gruber nói rất rõ ràng. “Ông ấy là người nghiêm túc với AI ngay từ đầu. Tôi còn nguyên bằng chứng trao đổi qua email: Tôi tuyệt đối chắc chắn ông ấy từng chào mời tôi Open AI ít nhất sáu tháng trước khi Altman xuất hiện.” Vậy phải chăng điều đó có nghĩa là Ravine từng thực sự gặp gỡ những nhân vật tai to mặt lớn kia? “Tôi quả có thấy ông ấy mời chào Larry Page,” Gruber nói. Theo ông, Ravine không hề là kẻ làm tiền như mô tả trong đơn kiện của OpenAI. Ông là người yếu thế chính trực. “Ông ấy không phải Sam Altman đầy sức hút,” Gruber nói, “nhưng là người thông minh và trung thực.” Ông ấy đã tới trước, đăng ký thương hiệu, và giờ OpenAI đang tìm cách “xóa sổ ông ấy khỏi lịch sử.” Gruber, đã làm tư vấn cho nhiều nỗ lực AI sau khi rời Apple, thậm chí còn đầu tư vào công ty do Ravine thành lập. Còn về chuyện ai đang làm tiền, Gruber nhắc nhở tôi rằng chính OpenAI khởi kiện Ravine, chứ không phải ngược lại. “Tôi chỉ nói là tất cả những chuyện này không công bằng chút nào.”

Tôi nhận ra có thể chính mình mới là kẻ nực cười. Nên tôi quyết định tìm gặp Guy Ravine. Câu chuyện sau đó tôi nghe được không hề là vấn đề tranh chấp thương hiệu đơn giản, mà là cuộc tranh đấu để biến ý tưởng thành sự thực, và ai cũng như cái gì quyết định người thắng kẻ bại ở thung lũng Silicon.

Với OpenAI, vụ này có vẻ đơn giản chỉ là một kẻ quậy phá tìm cách ăn cướp thành công khó khăn lắm mới giành được của họ. “Chúng tôi viện tới pháp luật để ngăn hành động chủ ý sử dụng OpenAI để gây lầm lạc cho người dùng của chúng tôi,” người phát ngôn của công ty nói. “Ông ta cũng tuyên bố đã lập ra nhiều công ty công nghệ thành công trong quá khứ.” Nhưng với Ravine, vụ này là về tầm nhìn của ông với một công nghệ mạnh mẽ không phải do các công ty, mà do cả nhân loại, kiểm soát, và quá trình tước đoạt ý tưởng đó đã đầu độc cả một ngành ngay từ khi khai sinh.

“Tôi đã nghĩ, ‘Được thôi,
thật nguy hiểm khi quyền lực khổng lồ này lại tập trung vào tay của một tập đoàn duy nhất’”

“Tôi không thể nói hết vụ việc này lố bịch ra sao,” Ravine nói, tiếng Anh còn nặng giọng Israel của ông khiến tôi bất ngờ. Không biết gì về ông, tôi tưởng ông là người Mỹ. Chúng tôi ngồi trong sân sau xanh mát căn nhà một tầng ông thuê ở khu Sunnyvale, rất khiêm tốn theo tiêu chuẩn của thung lũng Silicon. Khi tôi dừng xe, ga ra mở cửa, bên trong là hơn một chục chiếc đèn bàn giống hệt nhau. Một chiếc máy giặt không cắm điện nằm ở chỗ lẽ ra phải là xe hơi. Ravine không có xe hơi, khi có việc đi đâu, ông dùng dịch vụ chia sẻ xe, điều hiếm có thời nay.

Ông trông khá giống bức ảnh độ phân giải thấp trên mạng, nhưng nhẹ nhõm, và trẻ hơn tuổi 43, đầu đội mũ bóng chày Nike màu đen, mặc quần jeans và áo phông trắng thùng thình (hôm sau cũng là bộ đồ như vậy). Như muốn thể hiện đồng phục tiêu chuẩn của dân khởi nghiệp đến mức cực đoan, ông có nguyên một chồng đồ jeans và áo phông trắng trong phòng khách, có vẻ cũng là tủ quần áo của ông luôn.

Thực ra, ông đã liên lạc trước và mời tôi tới Sunnyvale sau khi nghe nói tôi đang tìm ông. Chúng tôi trao đổi với nhau 14 tiếng ở nhà ông trong hai ngày hồi tháng Năm, rồi sáu bảy lần nữa sau đó.

Tôi xin nói là ông không có vẻ gì lập dị. Chìm đắm vào suy nghĩ của mình, hơi căng thẳng, chỉ vậy thôi. Ông có vẻ suy nghĩ lặp lại, trở về cùng những khoảnh khắc và từ ngữ như thể chúng là bầy sâu sống trong lỗ tai mà ông đang phải trục xuất ra ngoài bằng lời lẽ. Đối mặt với công ty khởi nghiệp hùng mạnh nhất thế giới cũng dẫn tới ít nhiều tâm trạng hoang tưởng. Ông yêu cầu tôi chuyển điện thoại sang chế độ máy bay trước khi trao đổi, vì những lý do ông không muốn tôi nêu ra đây.

Về cơ bản, ông thấy khó hiểu với OpenAI. “Họ kiện tôi trước,” ông nói. “Tôi là người hiền lành. Tôi chưa bao giờ định kiện cáo ai.” Đã nhiều thập kỷ, ông tìm cách che giấu thông tin cá nhân trên Internet, coi trọng tính khiêm nhường và tránh những xao nhãng của mạng xã hội. Ông nói hiện giờ OpenAI đang tìm cách “tô vẽ tôi là kẻ lừa đảo phá quấy từ trên trời rơi xuống, và về cơ bản bôi nhọ hoặc hủy hoại uy tín của tôi.”

Trong khi kể câu chuyện của mình, thỉnh thoảng ông quay sang tôi, mắt mở to và thốt ra câu thần chú thịnh nộ: “Nào có đâu!”

Một số dữ kiện là không thể tranh cãi, quan trọng nhất là Ravine đã đăng ký tên miền open.ai vào tháng 3.2015 và sở hữu thương hiệu có đăng ký “Open AI” từ tháng 12 năm đó. Những câu hỏi còn lại là tại sao ông làm như vậy, ông có kế hoạch gì với tài sản trí tuệ đó và
đã thực sự làm gì.

Ravine nói câu trả lời cho câu hỏi thứ nhất bắt nguồn từ năm 2009, khi ông xem bài thuyết trình của một sinh viên ở phòng thí nghiệm mạng nơ ron ở viện Công nghệ Massachusetts (MIT) cho thấy các hệ thống “học sâu” có thể nhận diện hình ảnh như thế nào. Ravine, về cơ bản là dân lập trình viên tự học, bắt đầu tin rằng công nghệ học sâu sẽ dẫn tới AGI siêu nhân.

Từ cảm hứng đó, Ravine nảy ra ý tưởng “nền tảng hợp tác mở” mà ông gọi là Wikineering – Wiki giống như Wikipedia, nhưng là cho các vấn đề kỹ thuật. Đó sẽ là nơi những đầu óc sáng láng nhất về AI và các công nghệ khác làm việc với nhau, quá trình hợp tác dần sẽ có sự tham gia của chính AI, khi nó ngày càng thông minh hơn. “Lúc đó chúng tôi nghĩ: Hợp tác này cũng như giữa con người với nhau, nhưng đồng thời là xây dựng dữ liệu đầu vào cần thiết cho máy học,” theo Kirk McMurray, doanh nhân khởi nghiệp có bằng thạc sĩ khoa học nhận thức từng làm việc với Ravine lúc này lúc khác trong mười năm qua, bao gồm dự án Wikineering.

Ravine từng kết nối với Erik Brynjolfsson, lúc đó là giám đốc Sáng kiến kinh tế số ở MIT. Brynjolfsson ủng hộ nhiệt tình nền tảng mới. Nhưng theo lời Ravine, vài năm sau đó, ông và những người khác thấy Google đang tìm cách độc quyền thị trường học sâu – rõ ràng nhất là qua thương vụ mua lại công ty AI khởi nghiệp DeepMind vào năm 2014. Do tin tưởng ở tiềm năng của AGI vượt qua được trí tuệ con người, Ravine thấy điều này thật đáng ngại: “Tôi nghĩ: Thật nguy hiểm khi quyền lực lớn như vậy tập trung vào tay chỉ một doanh nghiệp duy nhất.”

Ông từng cân nhắc tự mở công ty, nhưng rồi từ bỏ ý tưởng đó. “Trước hết, tôi không thể tự mình xây dựng AGI, vì dù tôi đã thử tìm hiểu mạng nơ ron, tôi nhận ra mình thiếu những kỹ năng tiên quyết,” ông nói. “Đó là lĩnh vực đòi hỏi những tài năng giỏi nhất thế giới.” Những tài năng đó tập trung ở Google, và đang lãnh lương cao lộc hậu. “Nên bất kỳ công ty khởi nghiệp nào muốn nhảy vào sân chơi AI và tuyên bố sẽ cạnh tranh với Google đều bị coi là ngớ ngẩn.”

Nhưng phải có cách chứ? “Tôi đã dành ba năm để suy nghĩ chuyện đó,” ông nói, “từ 2012 tới cuối năm 2014.” Rồi cuối cùng bước đột phá đến: Ông dựa vào nguyên lý về Wikineering, nền tảng phi lợi nhuận xoay quanh hoạt động nghiên cứu mở và hợp tác để tìm cách phát triển một tổ chức đủ sức thách thức Google trong mảng AI. “Không thể cạnh tranh với họ về tiền bạc,” ông nói, “nhưng có thể cạnh tranh về ý thức hệ.” Nói cách khác, hãy hứa với giới nghiên cứu là họ sẽ phát triển AI công khai, vì lợi ích của nhân loại, chứ không vì lợi nhuận, và khi đó có thể kêu gọi được những người giỏi nhất. Ravine nghĩ ra cái tên có thể truyền tải lập tức thông điệp đó: Open AI.

Nếu lập luận cuối cùng này nghe thật quen thuộc, là vì nó giống hệt lập luận mà Altman và Brockman sẽ đưa ra khi khởi sự OpenAI gần một năm sau đó. Theo đó, họ cũng đã kết luận tương tự trong những cuộc trao đổi với Elon Musk, Reid Hoffman và những người khác, nhất là ở một bữa tối rất thường được nhắc tới ở khách sạn Rosewood, Menlo Park, vào mùa Hè năm 2015.

Tuy nhiên, nhiều tháng trước đó, Ravine đã mua tên miền open.ai với giá 2.500 đô la. Ông đã có hàng chục cuộc gặp gỡ nhiều nhân vật đình đám trong giới công nghệ mà ông tìm được. Ở hội thảo TED tháng 3.2015, ông đã chặn đường Larry Page để nói chuyện sau bữa tiệc của Page, gặp gỡ Jaan Tallinn, người đồng sáng lập Skype, và Gruber của Apple. Gruber lập tức thấy ý tưởng đó thật thuyết phục. “Apple đang vất vả thu hút những nhà nghiên cứu hàng đầu về AI vì người làm nghiên cứu cho họ không được phép phát biểu công khai hay ở nơi công cộng,” Gruber nói trong tuyên bố được ghi lại ở hồ sơ tòa. “Do đó đề xuất của Guy về Open AI nhằm thu hút nhà nghiên cứu và thúc đẩy tiến bộ, đồng thời chia sẻ thành quả cho nhân loại, là ý tưởng rất mạnh mẽ mà cá nhân tôi ủng hộ.”

Nhưng tới tháng Năm, Ravine đã trao đổi email với Lecun ở Facebook (giờ là Meta) và viết thư cho Nick Bostrom, vị giáo sư tên tuổi và đầy tranh cãi ở đại học Oxford, vốn đã có nhiều thập kỷ viết về an toàn AI. Nhờ Brynjolfsson hỗ trợ, ông cũng được gặp trực tiếp CEO của Stripe, Collison, và Andrew Ng - khoa học gia trưởng ở Baidu và chuyên gia AI hàng đầu thế giới. Ravine tiếp tục liên hệ với Collison qua email, chỉ ra những nguyên lý về Open AI. (Collison nói qua một người phát ngôn rằng ông không nhớ là có gặp và từ chối bình luận. Ng không trả lời chúng tôi.) Theo các email này, Brynjolfsson cũng nói với Ravine rằng ông đã giới thiệu ý tưởng của Ravine cho nhiều nhân vật tên tuổi, bao gồm người đứng đầu hội thảo TED Chris Anderson, người đồng sáng lập LinkedIn Hoffman, và Musk. “Tôi nghĩ chúng ta đã có tiến triển với Reid và những người khác,” ông viết cho Ravine vào cuối tháng Ba. Hoffman thì từ chối bình luận.

Ravine tin rằng ông cần huy động được 100 triệu đô la để Open AI đi vào hoạt động. Nhưng các cam kết bỏ tiền không nhiều. Ravine không phải kiểu người từng có bao giờ huy động được số tiền tới cỡ đó, và trong những trao đổi qua email mà ông cho tôi xem, khó mà phân biệt đâu là người quan tâm lịch sự, còn đâu chỉ là người lịch sự từ chối. Sebastian Thrun, cựu phó chủ tịch Google và người đồng sáng lập Udacity, từ chối tham gia vai trò tư vấn và nói ông đã rất nhiều việc rồi. “Nghe thú vị đấy,” Norvig, giám đốc nghiên cứu ở Google, viết trong email, nhưng rồi đề xuất chuyển sang ý tưởng trường học dạy khái niệm AI. Ravine rất quyết liệt, và giống như hầu hết mọi người muốn tìm tiền tài trợ ở thung lũng Silicon, ông cũng ứng biến trước những lời từ chối lịch sự nhưng đầy vẻ kẻ cả.

Dẫu vậy, ông vẫn lạc quan. Tháng Chín năm đó, ông bổ sung trang giới thiệu cho open.ai, đồng thời tuyên bố “sẽ sớm có thông báo chính thức.” Rồi ngày 10.12.2015, ông email cho Bostrom cập nhật tình hình, nói về tương lai “không còn một nhóm đơn lẻ nào có được lợi thế về thuật toán trong AI tổng quát.” Ravine hy vọng ông sẽ ra mắt được công nghệ “biến khối lượng tới hạn để tạo ra sự phát triển thành nỗ lực mở.” Ông có cảm giác những tuần lễ sắp tới “sẽ có tác động lớn lao lên hành trình tiến hóa của AI.”

Ông đã đúng, nhưng không phải như cách ông hy vọng.

Suốt nhiều năm, Ravine có thói quen duy trì danh sách những việc phải làm khá kỳ lạ. Ông nói đó không phải là những việc “phải làm trước khi chết” hay “thời gian biểu hàng ngày,” mà là “những chuyện hầu hết mọi người không làm, vì đó là những chuyện điên khùng.”

Ví dụ như chạy ultra marathon trên 80km, hay đi bơi ở vịnh San Francisco mỗi ngày trong một năm mà không mặc đồ bơi giữ ấm. Vì vậy vào chiều ngày 10.12, ông đang chạy bộ dọc bãi biển San Francisco, chỉ mặc quần đùi, và nhảy xuống biển.

Trồi lên từ mặt nước lạnh cóng vài phút sau, ông cầm điện thoại lên khỏi giày và để ý thấy email chỉ có một dòng từ Charles Cadieu, nhà nghiên cứu AI và doanh nhân khởi nghiệp từng trao đổi về Open AI với Ravine. “Thấy không?”

11(2).jpg
Minh họa: Antoine Maillard

Sau dòng chữ đó là đường dẫn tới bài đăng trên blog ở địa chỉ openai. com, công bố ra mắt OpenAI (không dấu cách). Do Altman, Brockman và Ilya Sutskever (nhà nghiên cứu AI tài giỏi được chiêu mộ về từ Google), OpenAI tự mô tả họ là “công ty nghiên cứu trí tuệ nhân tạo phi lợi nhuận. Mục tiêu của chúng tôi là thúc đẩy trí tuệ số sao cho có lợi nhất cho nhân loại nói chung, không bị ràng buộc bởi nhu cầu tạo ra lợi nhuận tài chính.” Với Ravine, bài đăng đấy chẳng khác gì sao chép đề xuất của ông.

Suy nghĩ đầu tiên của ông là “Những kẻ này là ai?”

Và rồi: “Cái gì thế này?!”

Bài viết khẳng định OpenAI đã huy động được một tỉ đô la cam kết từ những nhân vật như Hoffman và Musk. “Tôi bắt đầu nghĩ: À, vậy thì có khi tốt đấy,” Ravine nói. “Vì toàn bộ ý tưởng là tạo ra AI, rồi mở nó cho cả nhân loại. Tầm nhìn đấy chính là ý tưởng. Vấn đề không phải là kiếm tiền hay cái tôi.”

Nhưng rồi một giọng khác vang lên trong đầu ông: “Họ đã ăn cắp toàn bộ ý tưởng này, toàn bộ khái niệm và cả tên gọi.”

Tất nhiên, tới đây bạn có thể nghĩ, rồi, cứ cho là Guy Ravine đã nghĩ ra ý tưởng tương tự OpenAI đi. Cứ cho là ông ta đã đặt tên đó trước, và đã đi mời chào cũng những người đấy. Nhưng OpenAI mới ra mắt, Open AI thì không. Hết chuyện. Chuyện này đã trở thành luật bất thành văn của giới khởi nghiệp: Người thắng chính là người xây dựng lên. Cũng theo luật đấy, kẻ thất bại lớn nhất chính là nhà phát minh bị lãng quên, người tuyên bố ý tưởng của họ bị ăn cắp và giành giật một mẩu thành công của người khác.

Ta có anh em sinh đôi nhà Winklevoss, mà trong giới công nghệ đã thành danh với vai trò những gã khờ khạo bị lừa sau khi dàn xếp với Facebook để nhận khoản tiền mấy chục triệu đô. Hay Kevin Halpern, người vào năm 2015 đã kiện Uber đòi một tỉ đô la với tuyên bố người sáng lập Travis Kalanick đã ăn cắp ý tưởng dịch vụ xe hơi gọi điện thoại của ông sau khi Halpern thảo luận về ý tưởng đó ở một không gian văn phòng chia sẻ. Vụ kiện kéo dài bảy năm trước khi một tòa án California cuối cùng dẹp bỏ chuyện kiện cáo và phạt... Halpern. Rồi còn chuyện của Patrick Racz, nhà phát minh người Anh đã mấy chục năm vướng vào vụ kiện đòi bồi thường 18 tỉ đô la với Apple, qua cáo buộc ở nhiều tòa án là hãng đấy đã ăn cắp ý tưởng của ông để làm ra iTune. Racz nói ông từng bị các fan Apple dọa giết. “Con tôi từng bị bắt nạt,” mới đây ông nói với báo Guardian, “bọn trẻ nói: Cha mày nhận là phát minh ra cái này, làm gì có. Ông ấy mới là đồ ăn cắp, Apple đã phát minh ra chứ đâu.”

Quan điểm về những câu chuyện này quả có phản ánh cảm xúc chung về thiên tài, quyền sở hữu và tính tàn nhẫn của một ngành vốn đã phát đạt nhờ cưỡng đoạt. Nhưng những người thất thế, vốn tin rằng ý tưởng của họ giúp cho người khác giàu có và nổi tiếng, như mắc kẹt trong chiếc kén thời gian. Họ sống mãi ở thời điểm mà ý tưởng đó nảy ra, tin tưởng, nhưng không bao giờ biết là họ cũng có thể thành công.

Ravine lớn lên ở một ngôi làng nhỏ tại Israel, nơi mẹ ông có một doanh nghiệp gia đình mảng xây dựng khá thành công. Hồi nhỏ, ông tỏ ra là tài năng công nghệ điển hình: Thông minh, trưởng thành trước tuổi, có máy tính từ năm 5 tuổi. “Guy giống như ChatGPT của tôi,” em trai ông Sagi Reuven nói. (Ravine đổi họ sau khi chuyển sang Mỹ, do cứ bị người khác gọi nhầm.) “Nếu tôi thắc mắc chuyện gì với mẹ, thì mẹ tôi sẽ nói: Mẹ không biết, hỏi Guy ấy.” Ravine bắt đầu lập trình và làm ra một trò chơi bài poker trực tuyến khiến ông suýt bị đuổi học. Năm 18 tuổi, ông xoay xở được miễn nghĩa vụ quân sự và chuyển sang Anh. “Tôi không tin chính quyền Israel, và tôi cũng nghĩ đi nghĩa vụ thật phí thời gian.”

Khi theo học đại học Warwick, ông nói mình đã lần đầu tiên tìm đến AI: Một con chatbot có thể tìm kiếm câu trả lời trên Internet. “Nó không giỏi lắm,” ông nói. “Và tôi nghĩ phải mất rất lâu nó mới giỏi được.” Nhưng như vậy là đủ để ông nhận một khoản tài trợ nhỏ và các mối quan hệ để chuyển tới MIT. Ông xem qua các lớp học và gia nhập cộng đồng khởi nghiệp, đăng thông báo mời họp mặt cho vườn ươm khởi nghiệp MIT Playground bằng tờ rơi ở học khu và bảng thông báo trực tuyến. Năm, sáu người đã tham dự, gồm CEO tương lai của Quora, Adam D’Angelo, lúc bấy giờ là sinh viên ở viện Công nghệ California đang tới chơi Boston, và người hợp tác với Ravine trong tương lai McMurray, bấy giờ đang là nghiên cứu sinh.

Nhóm họ rất hứng thú với vấn đề các mạng xã hội vừa ra đời như Friendster và Myspace gặp khó khăn khi tìm cách nhân rộng quy mô. Ravine còn có công ty iNeed, một kiểu mạng xã hội hỗ trợ giúp việc nhà, mà ông nói D’Angelo từng làm việc ở đó. “Guy cũng có một giải pháp, một thuật toán” để giải quyết vấn đề nhân rộng quy mô, theo McMurray. Theo lời Ravine, ông đã viết ra thuật toán và gửi cho D’Angelo triển khai. Nhưng chẳng đi tới đâu. “Ông ấy biến mất, không bao giờ tôi gặp lại nữa,” Ravine nói. “Lần tiếp đó tôi nghe về ông ấy, ông ấy đã trở thành người đồng sáng lập và giám đốc công nghệ ở Facebook, phụ trách mảng nhân rộng quy mô.”

“Cái quái gì thế này?”

Suốt sự nghiệp Ravine về cơ bản là những lần thốt lên câu đấy. Ông nảy ra nhiều ý tưởng sau này sẽ trở thành thành công lớn. Năm 2002 công ty cho phép mọi người khuếch đại và chia sẻ kết nối Wifi. “Ý tưởng đó truyền cảm hứng cho một kỳ lân công nghệ trị giá tỉ đô sau này,” ông nói. Năm 2003 là Stayway, mạng xã hội do Ravine phát triển cho phép mọi người cho thuê phòng còn trống. Ông đã cho tôi xem ảnh chụp trang web công ty – tấm bản đồ thế giới với những điểm có nhà cho thuê. “Nó sẽ trở thành công ty trị giá nhiều tỉ đô,” ông nhớ lại đã nói với đồng nghiệp như vậy. “Lúc đó mọi người chỉ nhìn tôi rồi gãi đầu.” Năm năm sau, Airbnb ra mắt.

Năm 2007, Ravine tin rằng xe điện là tương lai và đã thiết kế chiếc xe điện một người của riêng ông. Ông tham gia cộng đồng xe điện cùng những người như các nhà sáng lập Tesla thời kỳ sớm Martin Eberhard và Marc Tarpenning, và tranh thủ các mối quan hệ để sản xuất một chiếc xe mẫu. Thị trường sụp đổ vào năm 2008 khiến giấc mơ huy động được tiền chấm dứt. Ông vẫn duy trì liên lạc với Eberhard và Tarpenning, theo lời ông, và “năm 2012, tôi cố thuyết phục họ đầu tư một triệu đô la vào Bitcoin, khi Bitcoin có giá 10 đô.” Khi tôi tỏ vẻ nghi ngờ chuyện này, Ravine mở cho tôi xem các email liên quan. (Eberhard và Tarpenning từ chối bình luận.) Rồi ông lại cho tôi xem các email sau đó nữa, khi ông trách móc hai người đấy vì đã bỏ lỡ cơ hội. Bản thân Ravine đã đầu tư và cuối cùng kiếm được một gia tài nho nhỏ, ông nói đó là một ví dụ nữa cho thấy ông nhìn thấy tương lai mà người khác không thấy.

Không phải lúc nào Ravine cũng nghĩ ông bị ăn cắp ý tưởng. Ông nói đôi khi chỉ là mình nảy ra ý tưởng quá sớm. Những lần khác thì ông không tìm được nguồn tài trợ. Cũng có khi sự liên hệ, theo ông, chỉ là truyền cảm hứng, chứ không phải ăn cắp.

Có lẽ ví dụ điển hình về sự nghiệp công nghệ xui xẻo của Ravine là ý tưởng về công nghệ chia sẻ video của ông, tuyên bố đã thuyết phục tôi rằng ông có thể là người lập dị. Năm 2011, khi ông và McMurray đang nghiên cứu một ứng dụng hẹn hò thì phát hiện ra bạn bè họ được mời tham gia thử nghiệm ám ảnh với một tính năng: Chia sẻ video nhanh trên điện thoại thông minh qua mạng xã hội, cũng như cuộn màn hình để xem video của bạn bè. Họ phát triển một công ty xoay quanh tính năng đó tên là We. Theo lời kêu gọi vốn, công ty nhằm tận dụng “cơ hội lớn lao tạo ra nền tảng giao tiếp thuần túy bằng video tự duy trì được.”

Ravine đề xuất OpenAI tài trợ cho một sáng kiến nghiên cứu AI phi lợi nhuận trong lĩnh vực học thuật mà ông dự định thành lập. Nếu được thực hiện, ông sẽ chuyển nhượng tên miền và nhãn hiệu

Ravine cho tôi xem các video cũ trên We, và tôi phải nói là trừ việc người dùng quay video ngang, nó quả rất giống Snapchat trước khi có Snapchat, hay TikTok trước khi có TikTok. Nhưng trong nhiều lý do khiến video không thể cất cánh, có vấn đề chi phí truyền hình ảnh. “Ta không thể tăng trưởng lên 100 ngàn người dùng, vẫn có tiền sinh hoạt, và lo chuyện tiền bạc sau,” McMurray nói. “Ta phải là một công ty khởi nghiệp tăng trưởng nhanh, có vốn đầu tư mạo hiểm.”

Tuy nhiên, khi họ lùng sục thung lũng Silicon tìm nguồn tiền qua những công ty như Founders Fund, nhà đầu tư yêu cầu phải có hàng chục ngàn người dùng, cũng là số người dùng mà họ cần tiền đầu tư mới đạt tới được. Cuối cùng, theo Ravine, Lightspeed Venture Partners có vẻ sẵn sàng trả một triệu đô la. Ông nói một đối tác góp vốn của họ đã rút lui vì cho rằng chia sẻ video không bao giờ thành công, và nguồn tiền không bao giờ được giải ngân. Hóa ra nhân vật đấy đã tham gia Snapchat (giờ là Snap), công ty đã có thêm tính năng chia sẻ video ngoài tính năng hình ảnh chia sẻ tự biến mất trong cùng năm đấy. TikTok xuất hiện ở Trung Quốc vài năm sau. Cả hai công ty đều từ chối trả lời câu hỏi của chúng tôi.

Nhưng những gì Ravine coi là đáng ngờ, thậm chí là bất chính, thì với người khác, chỉ là lời từ chối thường thấy ở thung lũng Silicon. Đối tác góp vốn ở Lightspeed mà Ravine đã đồng ý góp vốn cho ông không bình luận gì. Người mà Ravine nói đã từ chối ông đơn giản cho rằng “chuyện đó (rằng ông nói chia sẻ video sẽ không thành công) hoàn toàn sai sự thật.” Ông không nhớ Ravine, nhưng có nói đã đầu tư vào một nền tảng xã hội khác lúc bấy giờ.

“Ở một thời điểm cụ thể, thế giới nhận ra rằng một xu hướng nhất định sắp đến và nhiều phát minh khác nhau xuất hiện,” Ravine nói. Ông vẫn cho rằng những ý tưởng của mình được triển khai “thành công (với các công ty sau này) vì là ý tưởng dễ tiếp cận và sâu sắc nhất.” McMurray đã chuyển sang những thứ khác, trong khi Ravine xin cấp bằng sáng chế cho một số công nghệ và chuyển sang công ty video kết nối doanh nghiệp Video.io. “Một ý tưởng dở,” ông nói. “Nhưng là thứ giúp tôi nhận được tiền đầu tư.” Ông tin Snapchat và TikTok nhiều khả năng sẽ vi phạm bằng sáng chế của ông, nhưng ông không còn hơi sức kiện tụng nữa. Dẫu vậy, trong vụ kiện với OpenAI, hồ sơ về phía ông vẫn nói ông đã “phát minh ra nền tảng video di động hiện đại,” lĩnh vực vốn đã hết sức đông đúc trong quãng thời gian đấy. Chính những tuyên bố kiểu đó khiến cho Ravine nghe có vẻ hoang đường.

Video.io, cho phép doanh nghiệp tự làm app giống TikTok, đủ thành công để Ravine sống an nhàn, cùng khoản đầu tư sớm vào tiền mã hóa. Nhưng an nhàn thì thường quá. “Những người biết tôi, bạn bè tôi, họ đều hỏi: Sao ông chưa thành tỉ phú?” ông nói. “Họ đã hỏi vậy được 20 năm. Họ thấy tôi nghĩ ra tất cả những thứ mà mọi người hiện đang sử dụng. Và những thứ bị người khác ăn cắp, hoặc chúng tôi không tìm được đầu tư. Tôi không biết phải nói sao. Tôi có thể cứ buồn bã mãi, hay là đành sống đời mình thôi.”

Tháng 12.2015, khi OpenAI tuyên bố ra mắt, Ravine chạy từ bãi biển về nhà, rồi làm chuyện sẽ khiến ông rơi vào tình huống hiện giờ. Trước tiên, ông lên trang web của văn phòng Bằng sáng chế và thương hiệu Mỹ (USPTO) nộp đơn đăng ký thương hiệu “Open AI” (có dấu cách). Ông không hề tham vấn luật sư hay chuyên gia thương hiệu nào.

Rồi vào lúc chín giờ 12 phút tối hôm đó, ông gửi email cho Altman và Sutskever, hai trong ba người đồng sáng lập OpenAI. “Chúng tôi đang nghiên cứu sáng kiến tên gọi Open.AI để phát triển nền tảng kỹ thuật chung cho phép các nhà nghiên cứu trên toàn thế giới cùng tìm hiểu thuật toán học sâu,” ông viết. “Sáng kiến này có cùng mục tiêu với quý vị, nhằm tăng tốc AI tổng quát qua nỗ lực mở.” Ông nhắc tới một số người mình từng trao đổi, Bostrom và Peter Norvig, bao gồm chuyện “xây trường dạy AI.” “Sẽ là hợp lý nếu chúng ta gặp nhau xem có thể hợp tác không,” ông viết, “vì chúng ta cùng mục tiêu. Chuyện này lớn lao hơn chúng ta và tôi nghĩ sẽ có lợi nếu chúng ta làm việc với nhau.”

Altman gửi thư cho Brockman, người đề nghị họ gặp nhau ở văn phòng Tesla tại Palo Alto. Tuần sau, khi ông tới nơi, theo lời Ravine, Brockman lập tức bác bỏ mọi khả năng hợp tác, và nói Ravine nên từ bỏ ý tưởng đấy và bán lại open. ai cho họ. Do OpenAI đã ra mắt và huy động được một tỉ đô la, chẳng ích gì cho ông nếu tiếp tục.

Ravine nói Brockman nhấn mạnh rằng OpenAI sẽ vận hành vì lợi ích của nhân loại. Nhưng với Ravine, Brockman hành động như thể họ vừa ra mắt một công ty khởi nghiệp tìm kiếm lợi nhuận khủng. “Tình trạng thiếu cảm thông của họ thật đáng kinh ngạc,” ông kể mình đã nghĩ vậy lúc đó. “Tôi không biết mình đã nói gì, có lẽ là: Tôi không muốn bán. Rồi ra về.” (OpenAI từ chối để Altman hay Brockman bình luận. Sutskever không trả lời chúng tôi.)

Thấy đã thua cuộc, Ravine trở lại với Wikineering và công việc thường nhật ở Video.io. “Hai năm sau đó tôi bị trầm cảm,” ông nói. “Tôi đã nghĩ vậy mục đích sống của mình là gì?”

Dẫu vậy, ông vẫn tiếp tục đăng ký thương hiệu Open AI. Năm 2016, ông được USPTO thông báo rằng đơn đăng ký tạm thời bị từ chối, do hồ sơ về open. ai ông nộp chưa chứng tỏ được thương hiệu này “đã được sử dụng cho hoạt động thương mại” như yêu cầu. Ravine bổ sung hồ sơ, gồm ảnh chụp nhóm thảo luận rất tích cực trên trang này vào năm 2015. (Sau này ở tòa, các luật sư của ông thừa nhận ảnh chụp đó là năm 2016, và ông không có hồ sơ, nên tìm cách tái hiện tình trạng trước kia của trang.) USPTO vẫn chấp nhận, và thương hiệu được đăng ký vào năm 2017, nhưng không phải “thương hiệu đăng ký chính” mà chỉ là “thương hiệu phụ,” do cái tên “Open AI” “có tính mô tả,” chứ không phải là tên riêng có thể độc quyền.

Dù đã đăng ký được thương hiệu, Ravine có vẻ vẫn để trang web nằm đó mốc meo. Trong động thái định mệnh sau đấy, ông bắt đầu để open.ai điều hướng sang openai.com, trang của OpenAI. Ông cứ để như vậy suốt bốn năm, theo hồ sơ của các luật sư bên OpenAI. Ravine hiện giải thích ông chưa bao giờ ngừng nghiên cứu các thí nghiệm về công chúng và AI, mà ông nói được tổ chức ở các tên miền phụ của open.ai không được điều hướng. Nhưng nhìn lại, thật dễ kết luận là ông đã nhường sân chơi cho Altman và OpenAI. Rồi vào tháng 1.2022, OpenAI nộp đơn đăng ký thương hiệu. Altman đột ngột gửi email cho Ravine lần đầu tiên kể từ năm 2015, để “nói tiếp về những trao đổi trong quá khứ.” Altman lưu ý rằng open. ai đang điều hướng sang ope-  nai.com, rồi hỏi liệu Ravine có “muốn thương lượng về việc chúng tôi mua lại tên miền open.ai và các quyền IP liên quan từ ông không?” Sau đó là vụ email Tesla khét tiếng, được các luật sư của OpenAI dẫn lại trong vụ kiện với Ravine, trong đó Ravine lưu ý rằng Musk đã trả 11 triệu đô la cho tên miền và đăng ký thương hiệu Tesla. Nhưng đơn kiện của OpenAI khéo léo bỏ ra ngoài phần sau câu trả lời của Ravine.

“Vấn đề là nếu quý vị có trả số tiền đó, thì tôi cũng chẳng biết làm gì,” ông viết cho Altman. “Là một cá nhân, tôi đủ tiền rồi.” Ravine đề xuất OpenAI tặng số tiền đấy cho sáng kiến nghiên cứu AI học thuật phi lợi nhuận mà ông dự tính tổ chức. Nếu họ làm như vậy, ông sẽ giao lại tên miền và đăng ký thương hiệu.

Khi Altman hỏi chi tiết hơn, Ravine đáp rằng ông đang bận “thu xếp cho nhóm người di cư từ Nga và gia đình của họ bên công ty chúng tôi, trong chiến dịch đã trở thành phim James Bond và ngày càng điên rồ.” (Cuộc chiến tranh Ukraine vừa nổ ra, và Ravine nói ông cuối cùng đã xoay xở đưa được các lập trình viên của Video.io “đi trong chuyến bay cơ bản là cuối cùng rời Nga.”)

“Rất tiếc khi nghe tin đấy, thật hay vì ông đã làm vậy,” Altman đáp.

1468x2200.jpg
Ravine tại dãy Alps, Pháp. Hình ảnh: Guillaume Megevand cho Bloomberg Businessweek

Đó là trao đổi thư từ cuối cùng giữa họ. “Ông ấy lẽ ra đã có thể nói: Rồi, ông muốn chúng tôi góp bao nhiêu?” Ravine nói. “Chúng tôi sẽ ngồi lại, ông ấy có lẽ chỉ cần góp vài triệu đô la, và thế là hết chuyện.” Tháng Chín năm đó, OpenAI gây tiếng vang với màn ra mắt phiên bản mới nhất AI tạo hình ảnh Dall-E. Rồi hai tháng sau, vì những lý do có vai trò trung tâm trong vụ kiện, Ravine ra mắt lại open.ai với dòng giới thiệu mới: “Hãy tưởng tượng những mô hình AI tốt nhất là mở và miễn phí.” Trên trang này, ông đưa vào ứng dụng tạo hình ảnh mã nguồn mở Stable Diffusion. Tới tháng 12.2022, theo hồ sơ của Ravine tại tòa, trang đã có 170.000 người dùng. Câu hỏi là những người dùng đấy là của ai?

Ravine viết thư phản đối gửi USPTO, ông nói đăng ký thương hiệu của OpenAI sẽ gây nhầm lẫn với thương hiệu của ông. Rồi ông lên kế hoạch chuyển sang Pháp sống trong một căn nhà gỗ nơi hoang vắng, cách xa tất cả vài năm.

Nhưng Ravine đã chọc phải tổ ong, và khi đang gói ghém đồ đạc thì vào ngày 11.8.2023, ông nhận được email từ luật sư của công ty Quinn Emanuel Urquhart & Sullivan thông báo rằng OpenAI kiện ông ra tòa liên bang về vụ tên miền và đăng ký thương hiệu. (Bob Feldman, đối tác góp vốn ở công ty luật đấy, từ chối bình luận). “Tôi nghĩ: Cái quái gì thế này?” Ravine nhớ lại. Ông nói Altman lẽ ra “đã có thể nhận những thứ này miễn phí,” hoặc chỉ bằng một khoản quyên góp. “Nhưng ông ấy lại quyết định tặng hàng triệu đô la cho công ty luật đáng sợ nhất thế giới, để kiện tôi.”

Hết lần này tới lần khác trong cuộc trò chuyện, ông nhắc tới cụm từ “công ty luật đáng sợ nhất thế giới.” Cuối cùng tôi hỏi sao ông lại nói vậy. Ông bật laptop lên và mở một email. Chữ ký ghi: “Quinn Emanuel Urquhart & Sullivan LLP: Công ty luật đáng sợ nhất thế giới.”

Không khó để thấy những tuyên bố của OpenAI mỉa mai ra sao. Công ty này đang đối mặt hàng loạt vụ kiện tụng, từ các nhà xuất bản và tác giả, cáo buộc họ ăn cắp tác phẩm có bản quyền để huấn luyện mô hình AI. (OpenAI nói họ sử dụng các tác phẩm này làm dữ liệu huấn luyện theo lý luận sử dụng hợp lý.) Nhưng ở tòa liên bang, họ lại cáo buộc một cá nhân tìm cách thu lợi từ bản quyền và nhiều năm lao động cực nhọc của họ.

Đơn kiện ban đầu của OpenAI cáo buộc Ravine xâm phạm thương hiệu OpenAI, dù họ chưa được cấp đăng ký thương hiệu này, một phần vì đăng ký có trước của Ravine. Trong hồ sơ họ nộp ở tòa, Ravine là người đến sau, “gây nhầm lẫn cho hàng triệu người dùng sản phẩm của OpenAI, khiến họ tin tưởng sai lạc” là Open AI có liên hệ với OpenAI. “Động cơ của bị cáo là rõ ràng,” đơn kiện viết, “thu lợi từ việc cưỡng đoạt bất chính tên tuổi đã phổ biến của OpenAI, lợi dụng thiện chí dành cho OpenAI, hay lừa gạt công chúng có nhu cầu với sản phẩm của OpenAI.”

Trọng tâm của vụ này là câu hỏi ai đã xác lập cái tên “Open AI” (dù có dấu cách hay không) trên thị trường trước, và liệu đăng ký thương hiệu của Ravine có giá trị không. Qua các nhân chứng chuyên gia, OpenAI cáo buộc ông ngụy tạo bằng chứng với USPTO về chuyện đã sử dụng thương hiệu đấy “trong hoạt động thương mại.” Ravine đáp lại rằng ông tự nộp đăng ký mà không có luật sư, và hiểu lầm yêu cầu của USPTO, cũng như cố gắng tái hiện trung thực hoạt động từng diễn ra trước đó khi nộp hồ sơ. Thẩm phán Gonzalez Rogers thấy lý lẽ đó khó tin. Lệnh của bà cấm Ravine sử dụng thương hiệu “Open AI” khi phiên tòa đang diễn ra có vẻ là dấu hiệu xấu với Ravine, ít nhất là ở tòa của bà.

Ravine, trong vụ kiện ngược, cáo buộc OpenAI chuyện khác: Không phải lừa gạt USPTO, mà là lừa gạt ông và dư luận. Dù nói trong bài đăng blog năm 2015 rằng Musk và những người khác đã cam kết một tỉ đô la, theo báo cáo tài chính của chính họ, năm đầu tiên OpenAI chỉ huy động được không tới 14 triệu đô la. Ravine nói tuyên bố tỉ đô đã đánh lừa ông từ bỏ nỗ lực của mình.

Vụ kiện ngược còn nhiều tuyên bố khác, từ vặt vãnh tới lạ lùng. Trong đơn kiện, Ravine nói mà không có bằng chứng là D’Angelo, cựu giám đốc công nghệ ở Facebook và giờ là CEO của Quora kiêm thành viên hội đồng quản trị OpenAI, mà Ravine có biết từ đầu những năm 2000, đã dùng giấy tờ cũ để xóa bằng chứng khỏi máy chủ của Ravine. (Hồ sơ kiện nộp lại đã bỏ chi tiết này.) (D’Angelo không trả lời yêu cầu bình luận được gửi tới phòng truyền thông của Quora, và OpenAI không đồng ý cho ông trả lời phỏng vấn.)

Còn về chuyện thời điểm chính xác mà những người sáng lập OpenAI đã ăn cắp ý tưởng của ông, tuyên bố của Ravine hoàn toàn chỉ là suy đoán. Mùa Xuân năm 2015, hai tháng sau khi Ravine có cuộc gặp gỡ ngắn ngủi với Collison của Stripe, Brockman tuyên bố rời chức giám đốc công nghệ Stripe. Trong một bài đăng trên blog, Brockman lưu ý lúc đó ông đã tìm kiếm lời khuyên từ cả Collison và Altman. “Mục tiêu của tôi là tìm hiểu công nghệ học sâu,” ông viết. Chuyện Collison hay một số nhân vật lớn khác có nhắc tới ý tưởng của Ravine với Brockman hay Altman có vẻ khó làm rõ, ngay cả nếu vụ kiện qua được giai đoạn xác minh ban đầu. Collison thì từ chối bình luận.

13(3).jpg
Minh họa: Antoine Maillard 

Nhưng vụ kiện ngược của Ravine còn một lập luận khác: OpenAI không có quyền với thương hiệu đấy vì họ không hề “mở.” Luật sư của Ravine dẫn ra nhiều bằng chứng: Vụ sa thải rồi bổ nhiệm lại Altman tháng 11.2023, sau đó là vụ thanh trừng ban tổng giám đốc OpenAI và việc nhóm phụ trách an toàn AI phải ra đi. “OpenAI đã thay đổi lớn,” đơn kiện của Ravine viết, “từ một tổ chức mở, phi lợi nhuận với trách nhiệm cho cả nhân loại thành doanh nghiệp đóng vì lợi nhuận, mà trên thực tế do một cá nhân duy nhất kiểm soát, Sam Altman.”

“Đó là tài sản của nhân loại,” Ravine nói với tôi. “Không phải của ông ta.” Theo lời Ravine, quá trình dịch chuyển từ mở sang đóng không phải là kết quả của thay đổi có cân nhắc ở OpenAI. Đó là sản phẩm tự nhiên của một tội nguyên thủy với các doanh nghiệp: Cố gắng xây dựng ý tưởng mà họ không tin, và lúc đầu không phải của họ. Đơn kiện ngược thậm chí yêu cầu tòa buộc Altman “đổi tên gọi lừa gạt và sai lạc thành ClosedAI hay một cái tên khác phù hợp.”

Lý lẽ này, thật tình cờ, gần như giống hệt lý lẽ của Musk, trong đơn kiện liên bang nộp ngày 5.8 cáo buộc OpenAI, Altman và Brockman lừa ông góp 44 triệu đô la vì ông nghĩ số tiền đó là dành cho một tổ chức phi lợi nhuận. “Một khi công nghệ của OpenAI, Inc. tiếp cận AGI có tính cách mạng,” đơn kiện của Musk viết, “Altman đã trở mặt và thu tiền. Khi hợp tác với Microsoft, Altman hình thành nên mạng lưới chân rết vì lợi nhuận cho OpenAI, tìm mọi cách thu lợi, kiểm soát ban tổng giám đốc OpenAI, Inc., và làm xói mòn có hệ thống tính chất phi lợi nhuận của công nghệ và đội ngũ rất giá trị của công ty.” Musk, vốn công khai tin rằng AI siêu thông minh sẽ là kết thúc cho nhân loại, cũng chẳng hề là nhà đầu tư vô tư: Ông đã giới thiệu AI cạnh tranh với ChatGPT, Grok. Chính ông từ lâu cũng xưng rằng mình là người nghĩ ra cái tên OpenAI. Trong một diễn biến lạ lùng, đơn kiện của Musk đã được phân công ngẫu nhiên cho Gonzalez Rogers, vị thẩm phán liên bang đang thụ lý vụ OpenAI kiện Open AI. Luật sư của Musk không trả lời yêu cầu bình luận của chúng tôi.

Vào đầu tháng Mười, OpenAI huy động được 6,6 tỉ đô la với mức định giá 157 tỉ đô la và có tin họ đang thương lượng để hoàn tất quá trình chuyển đổi sang doanh nghiệp vì lợi nhuận và trao cổ phần vốn điều lệ cho Altman. Trước tòa, OpenAI đang tìm cách xin không thụ lý đơn kiện của Musk và gọi đó là “động thái mới nhất trong chiến dịch ngày càng hung hăng của Elon Musk nhằm quấy rối OpenAI để giành lợi thế cạnh tranh.”

Nhưng trong khi Musk đệ đơn kiện tương tự ở tiểu bang năm nay (rồi sau đó rút đơn), OpenAI cho đăng bài trên blog với mục đích chứng minh Musk biết ý định của công ty. Trong bài đó có cả email riêng tư giữa Sutskever và Musk vào tháng 1.2016, cho thấy chữ “open” trong OpenAI chỉ là tạm thời, với nghĩa “mọi người đều được hưởng lợi từ thành quả AI.” Còn cam kết chia sẻ công khai nghiên cứu của công ty, theo email, chỉ là “chiến lược thích hợp trong ngắn hạn, và có thể là trung hạn, vì mục đích tuyển dụng.”

“Chưa bao giờ có chuyện mở,” Ravine lập luận và lưu ý rằng email đấy được gửi chỉ vài tuần sau khi Brockman nhấn mạnh rằng OpenAI sẽ là tài sản công cộng. “Họ đã gặp tôi trực tiếp và trình bày như vậy,” ông nói. “Nhưng họ thực ra đã có kế hoạch hết rồi. Chuyện này điên rồ như vậy đó.”

Nhưng điên gì thì cũng phải theo luật pháp. Trong luật thương hiệu, theo Jeanne Fromer, giáo sư luật chuyên về sở hữu trí tuệ ở đại học New York, “vấn đề chính vẫn là có sử dụng cho mục đích thương mại không. Tất cả phụ thuộc vào đó.” Trừ khi Ravine chứng minh được ông đã xác lập “ý nghĩa thứ cấp” cho “Open AI”, tức có người dùng thật gắn thương hiệu đấy với sản phẩm AI trước OpenAI, thì chuyện OpenAI ra đời và hoạt động ra sao không quan trọng nữa. Ngay cả đăng ký “thương hiệu phụ” của Ravine cũng chỉ là một dạng giữ chỗ, chứ không phải độc quyền. “Nếu xác định được ý nghĩa thứ cấp,” Fromer nói, “thì ta mới có quyền.”

Vào cuối tháng Chín, thẩm phán Gonzalez Rogers lại phán quyết có lợi cho OpenAI, bác bỏ phần lớn đơn phản kiện của Ravine. Bà xác định các luật sư của Ravine không chứng minh được rằng quá trình chuyển đổi sang vì lợi nhuận của OpenAI là vi phạm pháp luật. Ravine nói ông dự kiến sẽ nộp đơn kiện lại, có sửa đổi. (Ông cũng đã kháng cáo với lệnh cấm ban đầu của thẩm phán Gonzalez Rogers.) Điều chắc chắn là sẽ mất nhiều tháng cãi cọ ở pháp đình, và có thể là nhiều triệu đô la, thì vụ này mới được đưa ra xét xử. Thay vì vậy, nếu Ravine và OpenAI đồng ý dàn xếp, những câu hỏimàvụnàynêuravềsứmệnhcủa OpenAI, và liệu sứ mệnh đó trở nên xấu xí ngay từ đầu hay bị bỏ xóa sổ trên hành trình phát triển, có thể lặng lẽ biến mất.

Ngành công nghệ, dù ưa mạo hiểm, lại thường không đủ can đảm trước mãnh lực đồng tiền. Ravine nói lúc đầu khi ông định thuê luật sư trong vụ kiện với OpenAI, gần 30 công ty ở vùng vịnh San Francisco đã từ chối, do họ không muốn mất cơ hội làm việc với OpenAI và Microsoft. (Sau đó ông cũng tìm được luật sư, nhưng đã đổi tới công ty luật thứ ba vài tuần trước, ở Los Angeles.) Và trừ Gruber, những người từng nghe viễn kiến của Ravine hồi năm 2015, đều đã im lặng. Khi đơn kiện được nộp, theo Ravine, ký ức bỗng trở nên mờ ảo, và những người từng rất nhiệt tình thôi không trả lời email của ông nữa.

Và cả của tôi nữa chứ. Brynjolfsson, người đã giúp rao ý tưởng của Ravine với giới tinh hoa Silicon, chưa bao giờ trả lời tôi. LeCun chuyển tôi sang phòng PR của Meta, mà họ thì từ chối phát biểu thay cho ông. “Xin lỗi, tôi không nhớ từng có chuyện đấy,” Norvig trả lời khi tôi email hỏi về Ravine. Khi tôi lưu ý rằng Ravine đã cho tôi xem email qua lại giữa họ, ông đã trả lời tiếp. “Tôi quả có nhớ gặp gỡ ai đó về đề tài này, hẳn là Guy Ravine. Tôi nhớ nói với ông ấy là tập trung vào những gì mình muốn đạt được, và để chuyện tên miền hay bản quyền hay diễn giải ‘OpenAI’ qua một bên đi.” Bostrom, vốn từng yêu cầu Ravine đọc bản thảo một nghiên cứu và ghi chú, chỉ nhớ “đã gặp ông ta đôi lần ở vài hội thảo khác nhau.” Ông nói: “Tôi không nhớ lắm những gì chúng tôi đã trao đổi, ngoài ký ức mơ hồ là ông ấy có nói gì đấy về AI hay dự án liên quan tới AI-điện toán mà ông ấy đang theo đuổi hay nghĩ là sẽ theo đuổi.”

Xét cho cùng, những chuyện này xảy ra đã hơn mười năm rồi. Và ngay cả nếu có người còn nhớ giống Ravine, họ chẳng được lợi lộc gì khi can dự vào một vụ kiện với bên nguyên là hai gã khổng lồ công nghệ và công ty luật đáng sợ nhất hành tinh.

Một mặt, tất cả các bên trong vụ kiện có chung niềm tin: OpenAI đang phát triển công nghệ hùng mạnh nhất lịch sử loài người, và AGI sẽ thay đổi xã hội vĩnh viễn. Cả Musk và Ravine trên danh nghĩa đều đang đấu tranh để ngăn Altman không trở thành người kiểm soát công nghệ đó. Nhưng chuyện đấy thì tòa chẳng giúp được gì cho họ, ngay cả nếu họ thắng kiện. Musk có thể được nhận lại tiền, nhưng đã quá muộn để có thể gây tổn thất đáng kể cho đối thủ của ông trong mảng AI. Và ngay cả nếu phiên bản câu chuyện của Ravine là thật, ông nhiều khả năng vẫn sẽ không được chào đón trong tương lai AI của Altman.

14(1).jpg
Minh họa: Antoine Maillard

Vụ kiện giờ đã diễn ra được một năm, và phiên xử cứ mãi bị lùi lại. Đời ông đang bị cuốn vào đó, theo Ravine, khiến ông mất tập trung với công ty của riêng mình, Video.io, mà ông sắp sửa bán lại. Ông đã thôi tập thể dục và ngừng thực hiện danh sách “những việc điên rồ.” “Ông ấy từng hay đùa cợt,” người em trai Sagi nói. “Ông ấy thích lối đùa mỉa mai, nhưng giờ thì không còn nữa. Không biết gã vui tính đấy đâu mất rồi. Vụ kiện đã ảnh hưởng tới ông ấy.”

Ravine giờ chủ yếu ở nhà một mình, hỗ trợ luật sư hồ sơ kiện tụng và trả lời các yêu cầu trong giai đoạn xác minh vụ việc, về cơ bản là mỗi ngày xem xét lại những gì ông đã làm cả đời, tìm cách tổng hợp dữ liệu để chứng minh rằng ông “không phải kẻ lừa đảo hay quấy rối.”

“Những điều đó làm trái tim nặng trĩu,” Sagi nói. “Như câu nói trong tiếng Hebrew: Làm sao ta chứng minh được mình không có một người em gái?”

Vậy Ravine là con người nhỏ bé với những cách tân tiên phong, bị đá ra bên lề lịch sử vì những kẻ khéo léo và tàn nhẫn hơn? Hay ông là kẻ thất bại cay đắng, chỉ biết mơ mộng về những ý tưởng mà ông không có gan triển khai? Tới đây thì quý độc giả hẳn đã có quyết định riêng. Nhưng tôi vẫn tự nhủ liệu Ravine có phải là đại diện cho một điều gì đó khác: Cho tất cả chúng ta, trước một tương lai mà chúng ta sẽ bị nghiền nát, làm giàu cho một ngành không có thời giờ và công sức cho những con người nhỏ bé không bao giờ làm được gì nên cơm nên cháo. Tự tay tạo dựng, hay như người ta thường nói: Làm không được thì đứng qua một bên.

Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn

https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/cuoc-chien-giua-openai-va-openai-52616.html

Đăng ký nhận bản tin miễn phí

Liên hệ

Hợp tác quảng cáo

Chăm sóc khách hàng: (028) 888 90868

Email: cs@bloombergbusinessweek.vn

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh

Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại: (028) 8889.0868

Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn

© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media