Kinh tế

Còn hai tuần để nhiều nước hoàn tất đàm phán thuế quan với Mỹ

Hàng loạt quốc gia chạy đua đàm phán với Mỹ để tránh mức thuế nhập khẩu cao hơn của Tổng thống Donald Trump.

Các container hàng hóa tại cảng Felixstowe ở Vương quốc Anh. Hình ảnh: Chris Ratcliffe/Bloomberg

Các container hàng hóa tại cảng Felixstowe ở Vương quốc Anh. Hình ảnh: Chris Ratcliffe/Bloomberg

Tác giả: Katia Dmitrieva

25 tháng 6, 2025 lúc 1:00 PM

Tóm tắt bài viết

Nhiều quốc gia đang gấp rút đàm phán với Mỹ trước thời hạn 9/7 do Tổng thống Donald Trump đặt ra để tránh thuế nhập khẩu cao hơn.

Đến nay, chỉ Anh đạt thỏa thuận sơ bộ giữ nguyên thuế 10%, chưa giải quyết thuế 25% thép, còn Trung Quốc thỏa thuận tạm thời đến giữa tháng 8.

Tổng Bí thư Tô Lâm dự kiến dẫn đầu đoàn Việt Nam sang Mỹ gặp Tổng thống Trump, ký thêm thỏa thuận, đề xuất mức thuế 20% đến 25%.

Nhật Bản đối mặt nguy cơ Mỹ tăng thuế 24% ngoài thuế hiện hành 25% ô tô và 50% thép, nhôm, gây khó khăn cho đàm phán.

Thái Lan, đối diện thuế 36%, đã đàm phán với Mỹ và đề xuất giảm xuống 10%, trong bối cảnh Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất.

Tóm tắt bởi AI HAY

Chỉ còn hai tuần trước thời hạn tổng thống Donald Trump đặt ra để đạt được các thỏa thuận thương mại với những đối tác xuất khẩu lớn, nhiều cuộc đàm phán quan trọng nhằm tránh mức thuế nhập khẩu cao hơn vẫn chưa đạt được kết quả rõ ràng.

Theo kế hoạch, từ ngày 9.7, những nước chưa ký thỏa thuận song phương với Mỹ sẽ đối mặt với các mức thuế gọi là “ngày Giải phóng” do ông Trump đề xuất, cao hơn nhiều so với mức 10% đang áp dụng cho hầu hết quốc gia.

Tính đến nay, chỉ có Anh đạt được văn bản thỏa thuận, dù thỏa thuận này vẫn giữ nguyên mức thuế 10% và chưa giải quyết được vấn đề then chốt là mức thuế 25% đánh vào thép. Trong khi đó, Trung Quốc đang duy trì một thỏa thuận ngừng căng thẳng tạm thời đến giữa tháng 8 để tiếp tục đàm phán.

Những nước đang tham gia đàm phán mà Washington đánh giá là có “thiện chí” có thể sẽ được gia hạn thời hạn.

“Với khoảng 20 quốc gia đang đàm phán với Mỹ, nhiều khả năng chính quyền sẽ gia hạn tạm hoãn thuế đối với những bên mà họ cho là đàm phán nghiêm túc,” Adam Farrar, chuyên gia kinh tế địa chính trị khu vực châu Á – Thái Bình Dương tại Bloomberg Economics, nhận định.

Tuy nhiên, đối với hàng chục quốc gia khác, ông Trump dự kiến sẽ ấn định mức thuế một cách đơn phương trong các thỏa thuận kiểu “chấp nhận hay từ chối.” Dù vậy, Mỹ vẫn chưa công bố rõ họ sẽ yêu cầu hay nhượng bộ những gì trong các thỏa thuận này.

Các vụ kiện pháp lý nhằm thách thức quyền áp thuế của ông Trump tiếp tục khiến bất ổn gia tăng đối với các doanh nghiệp, vốn đã dành 10 tuần qua tăng tốc đặt hàng trước hạn hoặc hy vọng đây chỉ là một chiến thuật đàm phán.

Cập nhật tình hình đàm phán theo từng quốc gia:

Liên minh châu Âu

Kịch bản khả quan nhất là EU và Mỹ đạt được thỏa thuận về nguyên tắc để tiếp tục đàm phán sau thời hạn đầu tháng 7. Tuần trước, ông Trump than phiền về tiến độ đàm phán với EU và dọa sẽ từ bỏ đàm phán để áp thuế đơn phương. EU đang đánh giá mức độ mất cân đối mà họ sẵn sàng chấp nhận hoặc cân nhắc áp dụng các biện pháp đáp trả nếu cần thiết.

Ấn Độ

Các quan chức Mỹ và Ấn Độ vẫn muốn đạt được thỏa thuận tạm thời trước thời hạn, nhưng hai bên còn bất đồng về một số vấn đề then chốt, đặc biệt là nông sản. Mỹ muốn tiếp cận thị trường cây trồng biến đổi gen của Ấn Độ, điều mà New Delhi từ chối. Đổi lại, Ấn Độ yêu cầu được miễn thuế đối ứng và thuế ngành. Tuần trước, Thủ tướng Narendra Modi đã bỏ lỡ cơ hội xúc tiến thỏa thuận khi ông Trump rời hội nghị G7 tại Canada sớm hơn kế hoạch.

Việt Nam

Tổng Bí thư Tô Lâm dự kiến dẫn đầu đoàn quan chức và doanh nghiệp sang Mỹ để gặp ông Trump và ký thêm các thỏa thuận với doanh nghiệp Mỹ nhằm thúc đẩy quá trình đàm phán. Việt Nam đã đề nghị sẽ mua thêm hàng hóa Mỹ, từ máy bay Boeing đến nông sản. Hai bên gần đạt được khung thỏa thuận, trong đó Việt Nam đề xuất mức thuế dao động từ 20% đến 25%, theo Bloomberg News.

Nhật Bản

Thuế nhập khẩu ô tô là rào cản chính trong đàm phán giữa Mỹ và chính phủ thủ tướng Shigeru Ishiba. Tại hội nghị G7 tại Canada, ông Trump và ông Ishiba không đạt được thỏa thuận, dù trước đó đã có ba cuộc điện đàm. Lãnh đạo phe đối lập Yoshihiko Noda cho biết Mỹ đặc biệt quan tâm đến thâm hụt thương mại ô tô và hai bên chưa tìm được tiếng nói chung. Mỹ dự kiến tăng thuế đối với Nhật lên 24%, ngoài mức thuế hiện hành 25% đối với ô tô và 50% với thép và nhôm.

toyota-motor-corp.jpg
Các xe của Toyota Motor Corp. tại cảng Nagoya ở Tokai, tỉnh Aichi. Hình ảnh: Toru Hanai/Bloomberg

Hàn Quốc

Hàn Quốc chưa đạt được bước tiến rõ ràng trong đàm phán thương mại. Bộ trưởng Thương mại Yeo Han-koo đã gặp giới chức Mỹ tại Washington hôm 23.6 để tìm kiếm miễn trừ thuế, bao gồm cả các mức thuế ô tô và thép đang được áp dụng. Trước đó, cuộc gặp giữa tổng thống Lee Jae Myung và ông Trump tại hội nghị G7 đã bị hủy vào phút chót do ông Trump rời sự kiện sớm do căng thẳng Trung Đông. Hàn Quốc đối mặt nguy cơ bị áp thuế 25%, tạo áp lực lớn lên các ngành xuất khẩu vốn đang chịu tác động nặng nề từ thuế ngành.

Thái Lan

Thái Lan, bị đe dọa áp thuế 36%, bắt đầu đàm phán với Mỹ từ tuần trước. Thứ trưởng thường trực bộ Thương mại Vuttikrai Leewiraphan hôm thứ Tư cho biết đề xuất của Thái Lan đủ mạnh để có thể hạ mức thuế xuống lại mức 10%. Bộ trưởng Tài chính nước này cho biết bản đề xuất chính thức đã được gửi đến Mỹ và hai bên đang tiến hành đàm phán chi tiết. Năm ngoái, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Thái Lan, chiếm gần 1/5 tổng kim ngạch xuất khẩu.

Malaysia

Thủ tướng Anwar Ibrahim cho biết đàm phán với Mỹ đang tiến triển tốt đẹp sau cuộc gặp với bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick. Ông Anwar gọi thuế của Mỹ là “thách thức lớn” và cho biết khoảng 60% sản phẩm bán dẫn của Malaysia đang được xuất sang Mỹ. Malaysia muốn đưa thuế về dưới 10% đối với các ngành quan trọng với cả hai nền kinh tế. Cả hai bên đã đồng ý kết thúc đàm phán trước thời điểm hết hiệu lực miễn thuế.

Thụy Sĩ

Nước này đang phải đối mặt với mức thuế cao trong nhóm các nước đồng minh với Mỹ. Bộ trưởng Kinh tế Guy Parmelin cho biết, ông hy vọng đạt thỏa thuận vào đầu tháng 7. Tuy nhiên, bộ Tài chính Mỹ đã đưa Thụy Sĩ vào danh sách theo dõi thao túng tiền tệ, và sự bất ổn trong chính sách thương mại của ông Trump khiến Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ phải hạ lãi suất 25 điểm cơ bản tuần trước sau khi đồng franc tăng mạnh.

Canada

Canada, hiện chịu các mức thuế không nằm trong danh sách thuế đối ứng, đang tìm cách đạt thỏa thuận vào giữa tháng 7, theo thông tin được thủ tướng Mark Carney đưa ra sau cuộc gặp với ông Trump bên lề hội nghị G7. Hai nước vẫn còn bất đồng, và ông Trump từng chỉ trích vấn đề nhập cư trái phép và buôn lậu fentanyl qua biên giới. Canada đang chuẩn bị nâng thuế với thép và nhôm từ mức 25% hiện tại nếu đàm phán thất bại.

Mexico

Mỹ và Mexico gần đạt thỏa thuận vào đầu tháng Sáu để gỡ bỏ mức thuế 50% lên thép nhập khẩu theo hạn ngạch, theo Bloomberg News. Tổng thống Claudia Sheinbaum dự kiến sẽ gặp ông Trump, sau khi cuộc gặp trước đó bị hủy do ông rời hội nghị G7 sớm. Quá trình rà soát lại USMCA, hiệp định thương mại tự do giữa Canada, Mỹ và Mexico, sẽ chính thức bắt đầu vào cuối năm nay.

— Với sự hỗ trợ của Alberto Nardelli

Theo Bloomberg

Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn

https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/con-hai-tuan-de-nhieu-nuoc-hoan-tat-dam-phan-thue-quan-voi-my-53559.html

#Donald Trump
#thỏa thuận thương mại
#thuế nhập khẩu
#Anh
#Trung Quốc
#EU
#Việt Nam
#Nhật Bản
#Hàn Quốc
#Mexico
#thép
#thương mại
#kim ngạch xuất khẩu

Đăng ký nhận bản tin miễn phí

Liên hệ

Hợp tác quảng cáo

Chăm sóc khách hàng: (028) 888 90868

Email: cs@bloombergbusinessweek.vn

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh

Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại: (028) 8889.0868

Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn

© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media