Một sản phẩm của BEACON MEDIA
Khám phá nhiều hơn với tài khoản
Đăng nhập để lưu trữ và dễ dàng truy cập những bài viết bạn yêu thích trên Bloomberg Businessweek Việt Nam.
Kinh tế
Thị trường châu Á dao động mạnh khi nhà đầu tư lo ngại các quyết định thuế của Mỹ, cùng nguy cơ Fed mất tính độc lập nếu ông Powell bị sa thải.
Hình ảnh: Michael Nagle/Bloomberg
Tác giả: Anand Krishnamoorthy
22 tháng 4, 2025 lúc 10:30 AM
Cổ phiếu và trái phiếu biến động trong phiên giao dịch ngày 22 tháng 4 khi các nhà đầu tư châu Á theo dõi chặt chẽ các cuộc đàm phán thuế quan giữa Mỹ và các đối tác thương mại, nhằm tìm tín hiệu định hướng trước khi đưa ra quyết định đầu tư dài hạn trong bối cảnh thị trường đầy biến động.
Tài sản Mỹ đã phục hồi nhẹ sau khi hợp đồng tương lai chỉ số chứng khoán tiếp tục đà tăng từ cuối phiên thứ Hai. Trước đó, chỉ số S&P 500 đã giảm hơn 2%. Đồng thời, chỉ số đo lường sức mạnh đồng đô la Mỹ tăng nhẹ sau khi chạm mức thấp nhất trong 15 tháng, trong khi lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm dần ổn định. Ở châu Á, thị trường chứng khoán gần như không thay đổi, giá dầu tăng và vàng tiếp tục đạt mức cao kỷ lục mới.
Áp lực lên thị trường càng gia tăng khi giới giao dịch liên tục đón nhận các thông tin về những cuộc đàm phán song phương giữa Mỹ và từng quốc gia. Những căng thẳng bùng lên sau khi Tổng thống Donald Trump nâng thuế lên mức cao nhất trong một thế kỷ, làm leo thang tranh chấp thương mại toàn cầu. Việc ông Trump có thể đang cân nhắc sa thải Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell càng làm tăng mức độ bất ổn, trong khi nhà đầu tư chờ đợi báo cáo lợi nhuận của Tesla và Alphabet để đánh giá khả năng thích nghi của doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế khó lường.
“Tâm lý lạc quan đang giảm dần. Các nhà đầu tư bắt đầu tính đến khả năng các cuộc đàm phán thuế quan sẽ không đạt kết quả như kỳ vọng,” ông Jun Rong Yeap, chiến lược gia thị trường tại IG Asia, nhận định. “Việc các đối tác thương mại lớn của Mỹ như Nhật Bản bắt đầu đưa ra các tuyên bố cứng rắn hơn cho thấy quá trình ký kết thỏa thuận có thể kéo dài.”
Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba hôm thứ Hai tuyên bố Nhật Bản sẽ không tiếp tục nhượng bộ để đạt thỏa thuận thuế quan với Mỹ. Đây là phát biểu cứng rắn nhất của ông kể từ khi Tổng thống Trump gây sức ép buộc Tokyo mở cửa thị trường ô tô và nông sản cho Mỹ, nằm trong chiến dịch thuế quan toàn cầu của Washington. Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản, ông Katsunobu Kato, cho biết Tokyo đang phối hợp với các nước khác để lên tiếng về tác động tiêu cực của chính sách thuế Mỹ tại các cuộc họp đang diễn ra ở Washington trong tuần này.
Cùng lúc, Trung Quốc cũng đưa ra cảnh báo rằng các quốc gia khác không nên ký thỏa thuận thương mại với Mỹ nếu điều đó làm phương hại đến lợi ích của Bắc Kinh. Cảnh báo này cho thấy nhiều nền kinh tế đang đối mặt nguy cơ bị cuốn vào cuộc đối đầu giữa hai siêu cường.
Phó Tổng thống Mỹ JD Vance hiện đang có mặt tại New Delhi, trong bối cảnh Washington đe dọa sẽ nâng thuế từ 10% lên 26% đối với hàng xuất khẩu của Ấn Độ nếu hai bên không đạt thỏa thuận trước khi thời hạn tạm hoãn 90 ngày kết thúc.
Tại Đông Nam Á, Thái Lan — quốc gia đang tìm cách được miễn trừ khỏi kế hoạch áp thuế 36% của chính quyền Trump — cho biết các cuộc đàm phán cấp bộ trưởng dự kiến diễn ra trong tuần này đã bị hoãn.
Trong khi đó, chiến dịch thuế quan của ông Trump bắt đầu gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp Nhật Bản. Theo một khảo sát, khoảng 10% doanh nghiệp cho biết đã chịu tác động và nhiều công ty khác lo ngại sẽ tiếp tục hứng chịu thêm cú sốc mới trong thời gian tới.
Thị trường càng thêm bất ổn khi xuất hiện thông tin ông Trump có thể sa thải Chủ tịch Fed vì không hạ lãi suất đủ nhanh. Điều này diễn ra trong bối cảnh Phố Wall chưa phục hồi sau đợt tăng thuế lớn nhất trong hơn 100 năm qua. Từ kỳ vọng, giới đầu tư đã chuyển sang xu hướng “bán tháo tài sản Mỹ”, khi chính sách thuế của ông Trump bị cảnh báo có thể đẩy lạm phát tăng cao và khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái.
“Một cuộc chiến thương mại trên nhiều mặt trận vốn đã là gánh nặng lớn cho thị trường chứng khoán. Nguy cơ Fed mất đi tính độc lập chỉ càng khiến giới đầu tư thêm lo lắng,” ông Jeff Buchbinder, chiến lược gia trưởng về cổ phiếu tại LPL Financial, đánh giá.
Hôm thứ Hai, ông Trump tiếp tục gây áp lực lên Chủ tịch Fed trên mạng xã hội Truth Social, khẳng định rằng “hầu như không còn lạm phát” và kêu gọi Fed hành động sớm bằng cách hạ lãi suất. Tuy nhiên, chỉ số lạm phát mà Fed ưu tiên theo dõi hiện vẫn cao hơn mục tiêu đề ra, và số liệu mới sẽ được công bố vào tuần tới.
Trước đó vào ngày thứ Sáu, Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Kevin Hassett xác nhận rằng ông Trump đang cân nhắc khả năng sa thải ông Powell. Phát biểu này làm dấy lên nghi vấn về khả năng Fed duy trì sự độc lập lâu nay. Những chỉ trích liên tiếp từ ông Trump đã khiến giới đầu tư phải đánh giá lại các tài sản từng được coi là nền tảng của sức mạnh kinh tế Mỹ. Đồng đô la và trái phiếu chính phủ Mỹ, vốn được xem là nơi trú ẩn an toàn, giờ đây không còn hấp dẫn như trước.
Đồng đô la Mỹ tiếp tục giảm giá so với các đồng tiền chủ chốt trong nhóm G-10 trong phiên giao dịch thứ Ba.
Khi sự bất ổn leo thang, dòng tiền đầu tư đổ mạnh vào vàng. Giá vàng đã vượt ngưỡng 3.444 USD mỗi ounce sau khi tăng 2,9% trong phiên giao dịch ngày 21 tháng 4.
Trong khi đó, các quan chức Ngân hàng Trung ương Nhật Bản vẫn giữ nguyên quan điểm chính sách. Theo một nguồn tin thân cận, họ không thấy cần thiết phải thay đổi chính sách hiện tại và dự kiến sẽ tiếp tục tăng lãi suất một cách thận trọng, bất chấp những biến động do chính sách thuế của Mỹ gây ra.
Dưới đây là một số biến động chính trên các thị trường:
Chứng khoán
Hợp đồng tương lai chỉ số S&P 500 tăng 0,6%
Chỉ số Topix của Nhật Bản gần như đi ngang
Chỉ số S&P/ASX 200 của Úc không biến động đáng kể
Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông giảm 0,4%
Chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc tăng 0,3%
Hợp đồng tương lai chỉ số Euro Stoxx 50 giảm 0,6%
Tiền tệ
Chỉ số Bloomberg Dollar Spot gần như không đổi
Đồng euro ổn định ở mức 1,1511 USD
Đồng yên Nhật tăng 0,1%, lên 140,66 yên mỗi đô la Mỹ
Nhân dân tệ ở thị trường nước ngoài giảm 0,3%, xuống còn 7,3123 mỗi đô la Mỹ
Tiền mã hóa
Bitcoin tăng 0,7%, đạt 87.951,84 USD
Ether giảm 0,3%, còn 1.572,78 USD
Trái phiếu
Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm gần như không đổi, ở mức 4,41%
Lợi suất trái phiếu chính phủ Úc kỳ hạn 10 năm giảm 2 điểm cơ bản, còn 4,27%
Hàng hóa
Dầu thô WTI tăng 1%, đạt 63,73 USD mỗi thùng
Giá vàng giao ngay tăng 1,3%, lên 3.467,96 USD mỗi ounce
– Với sự hỗ trợ của Jason Scott, Abhishek Vishnoi, và Chiranjivi Chakraborty
Theo Bloomberg
Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn
https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/chung-khoan-chau-a-bien-dong-vi-cang-thang-thue-quan-va-lo-ngai-ve-fed-53035.html
Tặng bài viết
Đối với thành viên đã trả phí, bạn có 5 bài viết mỗi tháng để gửi tặng. Người nhận quà tặng có thể đọc bài viết đầy đủ miễn phí và không cần đăng ký gói sản phẩm.
Bạn còn 5 bài viết có thể tặng
Liên kết quà tặng có giá trị trong vòng 7 ngày.
BÀI LIÊN QUAN
Truy cập nhanh
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh
Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 8889.0868
Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn
© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media