Kinh tế

Châu Á có thể sẽ phải đối mặt với một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân

Một cuộc chạy đua vũ khí mới đang âm thầm hình thành, kéo theo những hiểm họa khó lường cho toàn cầu.

Một vụ thử bom nguyên tử năm 1946 cảnh báo về những thời kỳ nguy hiểm phía trước. Hình ảnh: Shutterstock

Một vụ thử bom nguyên tử năm 1946 cảnh báo về những thời kỳ nguy hiểm phía trước. Hình ảnh: Shutterstock

Tác giả: Karishma Vaswani

02 tháng 5, 2025 lúc 1:32 PM

Tám mươi năm trước, vào tháng Tám, Mỹ đã ném bom xuống Hiroshima và Nagasaki, giết chết hàng chục nghìn người. Cuộc tấn công đó góp phần kết thúc Thế chiến thứ Hai, đồng thời mở ra kỷ nguyên hạt nhân.

Đến năm 2025, một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân mới đang dần hình thành. Lần này, nguyên nhân không xuất phát từ Nga, Trung Quốc hay Triều Tiên — dù các nước này vẫn đang mở rộng kho vũ khí — mà bắt nguồn từ cuộc chiến thương mại của Tổng thống Donald Trump và việc ông đe dọa sẽ xóa bỏ ô bảo vệ an ninh của Mỹ. Kết quả là thế giới ngày càng trở nên nguy hiểm hơn, không chỉ đối với châu Á mà cả với nước Mỹ.

Hệ thống an ninh từng giúp ngăn chặn xung đột vũ khí hủy diệt hàng loạt đang đứng trước nguy cơ sụp đổ. Trong nhiều thập kỷ, các quốc gia châu Á đã dựa vào sự hiện diện và sức ảnh hưởng quốc tế của Washington. Giờ đây, điều đó không còn được bảo đảm nữa.

Các đồng minh lâu năm của Mỹ như Nhật Bản và Hàn Quốc đang cân nhắc cái giá, cả về kinh tế lẫn chính trị, của việc phát triển một kho vũ khí riêng. Ấn Độ và Pakistan cũng đang gia tăng số lượng đầu đạn, đẩy khu vực vốn đã căng thẳng như Kashmir vào tình trạng bất ổn hơn nữa.

Ông Trump cho rằng Washington đang chịu thiệt thòi trong các thỏa thuận quốc phòng, rằng nước Mỹ đang bảo vệ an toàn cho toàn thế giới trong khi các nền kinh tế khác hưởng lợi nhiều hơn. Nhận định đó không hoàn toàn sai — nhưng ông cũng đang phớt lờ những bài học từ lịch sử.

Hậu quả thảm khốc từ các vụ ném bom nguyên tử của Mỹ đã khiến thế giới nhận ra rằng cần phải ngăn chặn thảm kịch này lặp lại bằng mọi giá. Cú sốc tâm lý sâu sắc trong xã hội Mỹ khi đó đã định hình mục tiêu xuyên suốt của mọi đời tổng thống từ thời Harry Truman: Ngăn chặn sự xuất hiện của vũ khí hạt nhân thay vì khuyến khích nó. Mỹ đã đạt được điều đó, ít nhất là một phần, thông qua các thỏa thuận và hiệp ước đàm phán.

Chính sách này đã phát huy hiệu quả. Hiện chỉ có chín quốc gia sở hữu kho vũ khí hạt nhân, dù nhiều nước khác hoàn toàn có đủ khả năng chế tạo. Tuy nhiên, ông Trump đang mở ra một kỷ nguyên nguy hiểm hơn. Trong chiến dịch tranh cử năm 2016, ông từng gợi ý rằng Nhật Bản và Hàn Quốc nên tự phát triển vũ khí hạt nhân. Những tuyên bố như vậy đang tác động mạnh đến dư luận. Một khảo sát năm 2024 của Viện Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc cho thấy sáu trong mười người dân nước này ủng hộ việc sở hữu vũ khí hạt nhân.

Nếu Seoul lựa chọn phát triển vũ khí hạt nhân, điều đó sẽ gây ra hiệu ứng domino, theo nhận định của hai phó giáo sư khoa học chính trị tại Đại học St. Francis Xavier, Jamie Levin và Youngwon Cho. Tại Nhật Bản, tâm lý phản đối vũ khí hạt nhân rất sâu sắc vì ký ức đau thương trong quá khứ, nhưng nước này sở hữu một chu trình nhiên liệu hạt nhân hoàn chỉnh, cho phép họ — ít nhất về lý thuyết — chế tạo hàng nghìn quả bom chỉ trong vòng sáu tháng, theo các chuyên gia.

Ấn Độ và Pakistan cũng là những quốc gia khiến thế giới lo ngại nhất. Nguy cơ xung đột giữa hai nước đã tăng cao trong tuần này sau vụ tấn công khủng bố ở Kashmir khiến hàng chục người thiệt mạng, đánh dấu đợt bạo lực tồi tệ nhất trong nhiều năm. Cho đến nay, hai nước vẫn lựa chọn đáp trả lẫn nhau thông qua các biện pháp ngoại giao, nhưng nguy cơ leo thang vẫn luôn hiện hữu.

Ngay cả ở Đông Nam Á, một khu vực được coi là tương đối an toàn, rủi ro hạt nhân cũng đang tăng lên. Hiệp ước Bangkok năm 1995 từng thiết lập Khu vực Đông Nam Á Không có Vũ khí Hạt nhân, cấm các thành viên phát triển, sản xuất, mua bán hoặc sở hữu loại vũ khí này. Tuy nhiên, nếu các cường quốc tiếp tục phát triển kho vũ khí hủy diệt, các quốc gia Đông Nam Á có thể buộc phải cân nhắc phát triển vũ khí hạt nhân riêng hoặc tìm kiếm sự bảo hộ từ các nước lớn. Sự khó lường của Mỹ đã tạo ra một khoảng trống quyền lực mà Bắc Kinh chắc chắn muốn lấp đầy.

Thay vì để mất uy tín, Mỹ cần chủ động tăng cường đối thoại với chính phủ các quốc gia châu Á và trao đổi thẳng thắn về tham vọng quốc phòng của họ. Dưới thời chính quyền ông Biden, năm 2023, Mỹ đã khởi động sáng kiến song phương có tên Nhóm Tham vấn Hạt nhân với Hàn Quốc, giúp xoa dịu phần nào tâm lý lo ngại của nước này. Những nỗ lực như vậy cần được mở rộng sang các nước đồng minh khác như Nhật Bản.

Thuyết phục các quốc gia tiếp tục tin tưởng vào chiến lược răn đe của Mỹ là bước đi khôn ngoan. Các nước nhỏ thường quan sát, không chỉ nghe, hành động của các nước lớn. Mỹ vẫn còn cơ hội trở lại làm đầu tàu trong việc đảm bảo ổn định toàn cầu và không nên để Trung Quốc giành lấy vị trí đó.

Thế giới từng trông cậy vào Washington để giữ an toàn. Đến năm 2025, niềm tin ấy đang bị lung lay. Vì lợi ích của chính nước Mỹ — không chỉ của châu Á — Washington cần khôi phục lại niềm tin đó.

Theo Bloomberg

Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn

https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/chau-a-co-the-se-phai-doi-mat-voi-mot-cuoc-chay-dua-vu-khi-hat-nhan-53082.html

#vũ khí hạt nhân
#Trung Quốc
#Triều Tiên
#Donald Trump
#vũ khí hủy diệt

Đăng ký nhận bản tin miễn phí

Liên hệ

Hợp tác quảng cáo

Chăm sóc khách hàng: (028) 888 90868

Email: cs@bloombergbusinessweek.vn

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh

Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại: (028) 8889.0868

Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn

© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media