Một sản phẩm của BEACON MEDIA
Khám phá nhiều hơn với tài khoản
Đăng nhập để lưu trữ và dễ dàng truy cập những bài viết bạn yêu thích trên Bloomberg Businessweek Việt Nam.
Kinh doanh
CATL, nhà sản xuất pin xe điện lớn nhất Trung Quốc, tăng giá cổ phiếu trong ngày giao dịch đầu tiên.
Chủ tịch CATL Robin Zeng đánh cồng trong lễ niêm yết tại Hồng Kông. Hình ảnh: Paul Yeung/Bloomberg
Tác giả: Charlotte Yang
20 tháng 5, 2025 lúc 2:30 PM
Contemporary Amperex Technology Co. Ltd. (CATL), nhà sản xuất pin xe điện lớn nhất Trung Quốc, đã tăng giá mạnh trong ngày giao dịch đầu tiên tại Hong Kong, huy động được 35,7 tỷ HKD (4,6 tỷ USD). Đây là đợt niêm yết lớn nhất thế giới trong năm nay, bất chấp việc bị Bộ Quốc phòng Mỹ đưa vào danh sách đen và phải đối mặt với căng thẳng địa chính trị.
Cổ phiếu CATL đã tăng tới 14%, đạt 299,80 HKD vào lúc 10:20 sáng thứ Ba. Dù cổ phiếu của các công ty Trung Quốc tại Hong Kong thường có giá thấp hơn so với thị trường trong nước, giá cổ phiếu CATL tại Hong Kong lại cao hơn giá giao dịch ở Thâm Quyến, nơi cổ phiếu này đang giảm.
Đối với nhà đầu tư, sức hấp dẫn của cổ phiếu blue-chip tiên phong trong công nghệ xe điện đã vượt qua rủi ro đến từ căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ. Đợt chào bán cổ phiếu thành công này — có thể tăng lên 5,3 tỷ USD nếu CATL thực hiện quyền chọn mở rộng — đã giúp tăng gấp đôi tổng giá trị các đợt niêm yết tại Hong Kong trong năm nay, đồng thời khuyến khích các công ty khác tham gia niêm yết công khai.
“CATL là biểu tượng thực sự trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, thể hiện sự thành công của Trung Quốc trong vai trò lãnh đạo toàn cầu về năng lượng xanh,” Karine Hirn, đối tác tại East Capital Group, nhận định.
Với mức giá khoảng 17 lần thu nhập hiện tại, cổ phiếu của CATL tại Hong Kong được dự báo có thể tăng thêm 50% nhờ lợi nhuận lớn và định giá hấp dẫn, theo Johnson Wan, giám đốc nghiên cứu công nghiệp Trung Quốc tại Jefferies, Hong Kong. “Đây là một lựa chọn đầu tư tất nhiên, không cần suy nghĩ gì thêm,” Wan nói.
CATL hiện cung cấp pin cho các hãng xe điện hàng đầu như Tesla, Volkswagen, Ford Motor và Mercedes-Benz, nắm giữ khoảng 38% thị phần pin xe điện toàn cầu, vượt xa đối thủ gần nhất là BYD với 17%, theo SNE Research.
Năm ngoái, CATL đạt doanh thu 50 tỷ USD và lợi nhuận ròng 7 tỷ USD. Công ty tiếp tục mở rộng quy mô hoạt động, gần đây giới thiệu pin sạc nhanh trong 5 phút với phạm vi 520 km và đạt tối đa 1.500 km khi sạc đầy.
Phần lớn số vốn huy động từ đợt niêm yết sẽ được sử dụng để mở rộng phạm vi hoạt động quốc tế, với kế hoạch trị giá 7,6 tỷ USD tập trung vào thị trường châu Âu, nhằm thúc đẩy tăng trưởng bên ngoài thị trường Trung Quốc, nơi có biên lợi nhuận cao hơn.
Sự tăng trưởng liên tục của CATL đã mang lại khối tài sản khổng lồ cho các nhà sáng lập, nhà đầu tư lớn và giám đốc điều hành, biến họ thành những người giàu nhất thế giới. Theo Bloomberg Billionaires Index tính đến thứ Hai, bốn doanh nhân Trung Quốc, bao gồm Chủ tịch Robin Zeng, hiện sở hữu tổng tài sản hơn 73 tỷ USD, chủ yếu đến từ cổ phần trong CATL.
“Đợt niêm yết này đánh dấu bước tiến quan trọng của chúng tôi vào thị trường vốn toàn cầu và là cột mốc mới trong sứ mệnh thúc đẩy nền kinh tế không phát thải trên toàn thế giới,” Zeng phát biểu tại lễ niêm yết trên sàn giao dịch Hong Kong.
Tuy nhiên, sự phát triển của CATL không hề suôn sẻ. Công ty bị Bộ Quốc phòng Mỹ đưa vào danh sách đen vào tháng 1 với cáo buộc có liên hệ với quân đội Trung Quốc — điều mà CATL nhiều lần phủ nhận. Đến tháng 4, một ủy ban của Quốc hội Mỹ đã công khai kêu gọi JPMorgan Chase & Co. và Bank of America ngừng tham gia vào đợt niêm yết của CATL vì những cáo buộc tương tự — cũng bị công ty phủ nhận. Dù vậy, cả hai ngân hàng Mỹ vẫn tham gia thương vụ này.
Lãnh đạo CATL khẳng định công ty dự kiến sẽ ít chịu "tác động" từ nguy cơ thuế quan của Mỹ — trái ngược với cảnh báo từ các hãng sản xuất ô tô như Toyota Motor, Stellantis và General Motors, rằng họ sẽ phải gánh thêm chi phí hàng tỷ USD vì thuế quan.
CATL đã định giá cổ phiếu tại Hong Kong ở mức 263 HKD/cổ phiếu — mức chiết khấu thấp hơn so với giá cổ phiếu giao dịch tại Thâm Quyến, nếu so với các đợt niêm yết thứ cấp trước đây. Năm ngoái, Midea đã bán cổ phiếu trong đợt niêm yết 4,6 tỷ USD tại Hong Kong với mức chiết khấu 20%, trong khi China Tourism Group Duty Free giảm giá tới 27,5% vào năm 2022.
“Mọi người thích việc có thể đầu tư vào một trong những công ty hàng đầu của Trung Quốc mà không phải mua cổ phiếu loại A,” Eugene Hsiao, giám đốc chiến lược cổ phiếu và ngành ô tô Trung Quốc tại Macquarie Capital, nhận định. “Đó là lý do họ không cần phải áp dụng mức chiết khấu lớn — vì họ biết nhu cầu đầu tư đã rất cao.”
CATL là công ty mới nhất tiến hành chào bán cổ phiếu sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump mở rộng việc áp thuế. Dù Mỹ đã tạm dừng áp thuế 90 ngày đối với nhiều mặt hàng của Trung Quốc, nhiều công ty nước này vẫn tiếp tục kế hoạch niêm yết để huy động vốn. Theo Bloomberg Intelligence, đợt chào bán cổ phiếu của CATL sẽ nâng tổng giá trị các đợt niêm yết tại Hong Kong năm nay lên hơn 22 tỷ USD.
— Với sự hỗ trợ của Danny Lee, Filipe Pacheco, Dave Sebastian, Kevin Dharmawan, và Sabrina Mao
Theo Bloomberg
Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn
https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/catl-huy-dong-4-6-ty-usd-tro-thanh-vu-ipo-lon-nhat-the-gioi-nam-nay-53240.html
Tặng bài viết
Đối với thành viên đã trả phí, bạn có 5 bài viết mỗi tháng để gửi tặng. Người nhận quà tặng có thể đọc bài viết đầy đủ miễn phí và không cần đăng ký gói sản phẩm.
Bạn còn 5 bài viết có thể tặng
Liên kết quà tặng có giá trị trong vòng 7 ngày.
BÀI LIÊN QUAN
Truy cập nhanh
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh
Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 8889.0868
Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn
© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media