Kinh tế

Xuất khẩu Trung Quốc hụt hơi khi lượng đơn hàng từ Mỹ giảm mạnh

Xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng trước tăng thấp hơn dự báo, khi kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ giảm mạnh nhất kể từ năm 2020, làm lu mờ toàn bộ mức tăng tại các thị trường khác.

Hình ảnh: Qilai Shen/Bloomberg

Hình ảnh: Qilai Shen/Bloomberg

Tác giả: Bloomberg News

10 tháng 6, 2025 lúc 7:30 AM

Trong tháng 5, xuất khẩu Trung Quốc tăng gần 5% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 316 tỉ USD, thấp hơn mức dự báo 6% của các chuyên gia kinh tế. Dù vậy, tổng lượng hàng xuất khẩu từ đầu năm đến nay vẫn đạt mức cao kỷ lục, tiếp tục đóng vai trò trụ cột đối với nền kinh tế Trung Quốc trong bối cảnh giảm phát kéo dài và nhu cầu nội địa suy yếu.

Diễn biến này phản ánh tính hai chiều của nền kinh tế Trung Quốc: sản lượng công nghiệp và nhu cầu nước ngoài vẫn mạnh, trong khi tiêu dùng cá nhân trong nước lại yếu.

Nhu cầu từ bên ngoài, chiếm gần 40% tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong quý I, đã giúp bù đắp phần nào sự suy giảm trong chi tiêu tiêu dùng. Tuy nhiên, điều này cũng khiến Trung Quốc ngày càng phụ thuộc vào việc duy trì mối quan hệ ổn định với các đối tác thương mại như Mỹ. Bắc Kinh sẽ nối lại đàm phán thương mại với chính quyền Tổng thống Donald Trump vào ngày thứ Hai.

Chỉ số CSI 300 — đại diện cho cổ phiếu trong nước — thu hẹp đà tăng sau khi dữ liệu thương mại được công bố, và chỉ tăng nhẹ 0,3% sau giờ nghỉ trưa.

“Triển vọng thương mại hiện vẫn rất bất ổn,” ông Zhiwei Zhang, kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management, nhận định. Ông cho rằng hoạt động giao hàng sớm có thể giúp duy trì đà xuất khẩu trong tháng 6, nhưng khó kéo dài sang các tháng tiếp theo.

Trong khi đó, nhập khẩu giảm 3,4%, đánh dấu tháng giảm thứ tư trong năm tháng trở lại đây, cho thấy nền kinh tế tiếp tục suy yếu. Tính chung 5 tháng đầu năm, Trung Quốc đạt thặng dư thương mại gần 500 tỉ USD, theo số liệu công bố cùng ngày.

Đà sụt giảm trong nhu cầu từ Mỹ có thể là một trong những lý do khiến Bắc Kinh đồng ý nối lại đàm phán thương mại với các nhà đàm phán của Tổng thống Donald Trump tại Geneva hồi tháng trước để đạt được thỏa thuận tạm ngừng áp thuế.

Theo tính toán của Bloomberg, xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ giảm 34,4% — mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 2 năm 2020, khi đại dịch Covid-19 khiến nền kinh tế Trung Quốc tê liệt. Diễn biến này xảy ra bất chấp thỏa thuận ngày 12 tháng 5, theo đó Mỹ tạm thời hoãn áp mức thuế lên đến 145% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Mức giảm sâu này đã vượt xa mức tăng 11% tại các thị trường khác, cho thấy sức ảnh hưởng lớn của nền kinh tế Mỹ, ngay cả khi Bắc Kinh đang tìm cách giảm phụ thuộc vào thị trường này sau cuộc chiến thương mại dưới nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump.

Xuất khẩu sang Việt Nam tăng 22%, vượt 17 tỉ USD trong tháng thứ ba liên tiếp, do các công ty Trung Quốc tiếp tục trung chuyển hàng qua nước thứ ba nhằm tránh thuế quan của Mỹ. Tuy nhiên, hoạt động này đang khiến thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam và các quốc gia khác tăng cao, làm phức tạp thêm các cuộc đàm phán về thuế với Washington.

Nhận định từ Bloomberg Economics:

“Nhu cầu từ ASEAN và EU tiếp tục giúp Trung Quốc giảm bớt tác động từ cú sốc thương mại với Mỹ, nhưng vẫn không đủ để ngăn đà suy giảm chung của xuất khẩu.”

— David Qu, chuyên gia kinh tế

Trong nửa cuối năm, kinh tế Trung Quốc có thể đối mặt với nhiều rủi ro nếu thương mại toàn cầu biến động, khiến tăng trưởng dự báo chậm lại rõ rệt từ quý tới. Dự báo trung vị cho mức tăng trưởng quý IV là 4% — mức thấp nhất kể từ cuối năm 2022, thời điểm dịch Covid lan rộng khiến GDP Trung Quốc chỉ tăng 3%.

Nếu điều chỉnh theo biến động giá, tốc độ tăng trưởng thực tế có thể còn thấp hơn. Trung Quốc hiện vẫn mắc kẹt trong tình trạng giảm phát, chưa có dấu hiệu chấm dứt dù chính phủ và ngân hàng trung ương đã triển khai một số biện pháp kích thích kinh tế.

Dữ liệu lạm phát công bố ngày thứ Hai cho thấy đà giảm phát vẫn tiếp diễn trong tháng 5, cho thấy nền kinh tế tiếp tục đối mặt với áp lực giảm giá kéo dài. Giá xuất xưởng giảm tháng thứ 32 liên tiếp, trong khi giá tiêu dùng cũng giảm so với cùng kỳ năm ngoái, nhiều khả năng sẽ tiếp tục kéo giảm giá hàng xuất khẩu.

Từ tháng 2 năm 2023 đến nay, sản lượng xuất khẩu luôn tăng nhanh hơn giá trị xuất khẩu hàng tháng, cho thấy giá hàng hóa đang đi xuống. Điều này giúp hàng Trung Quốc cạnh tranh hơn trên thị trường quốc tế nhưng lại gây áp lực lên các đối thủ nước ngoài, buộc ngày càng nhiều quốc gia áp dụng các biện pháp trừng phạt thương mại, bao gồm cả thuế quan.

Mỹ đang đe dọa tăng thuế với nhiều quốc gia từ đầu tháng 7, và với Trung Quốc từ tháng 8. Động thái này có thể tiếp tục làm giảm nhu cầu đối với hàng Trung Quốc xuất trực tiếp sang Mỹ, cũng như các linh kiện được dùng để sản xuất hàng hóa tại nước thứ ba.

Ngay cả khi Trung Quốc và các quốc gia khác đạt được thỏa thuận với chính quyền ông Trump, nhu cầu từ Mỹ và các thị trường lớn có thể vẫn giảm do các doanh nghiệp chủ động cắt giảm lượng mua dự trữ nhằm đón đầu thời điểm áp thuế.

Theo Bloomberg

Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn

https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/xuat-khau-trung-quoc-hut-hoi-khi-luong-don-hang-tu-my-giam-manh-53409.html

#xuất khẩu
#Trung Quốc
#tăng trưởng
#GDP
#nhu cầu
#nền kinh tế
#thương mại
#Mỹ
#đàm phán
#nhập khẩu
#thặng dư thương mại
#ASEAN
#EU
#lạm phát
#giảm phát
#thuế quan
#giá hàng hóa
#thị trường quốc tế

Đăng ký nhận bản tin miễn phí

Liên hệ

Hợp tác quảng cáo

Chăm sóc khách hàng: (028) 888 90868

Email: cs@bloombergbusinessweek.vn

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh

Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại: (028) 8889.0868

Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn

© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media