Dữ liệu

Việt Nam giữa hai dòng chảy thương mại

Có dòng chảy thương mại gắn bó mật thiết với cả Mỹ và Trung Quốc, Việt Nam sẽ đón nhận các kịch bản thuế đối ứng ra sao trong tháng 7?

Tác giả: Giang Lê

27 tháng 6, 2025 lúc 10:30 AM

Khi thương chiến Mỹ - Trung có dấu hiệu nóng trở lại và thời điểm cuối cùng để đạt thỏa thuận thuế quan với Mỹ trong tháng 7 đang đến gần, hãy cùng chúng tôi nhìn lại vị thế thương mại của Việt Nam với hai cường quốc này – và xem giới tài chính toàn cầu dự báo gì về các kịch bản có thể xảy ra.

Đứng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới trong bối cảnh căng thẳng giữa hai bên không hạ nhiệt, và thương mại giữa Việt Nam với cả Mỹ và Trung Quốc đều tăng mạnh. “Kể từ khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung khởi phát năm 2018, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia hưởng lợi lớn nhất,” ông Nguyễn Khắc Giang – chuyên gia nghiên cứu tại viện ISEAS – Yusof Ishak (Singapore) – nhận định trong một bài phân tích trên Fulcrum.

Theo dữ liệu của Bloomberg, thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ năm 2024 đạt 123,5 tỉ USD, gấp 3,3 lần so với năm 2017. Cùng lúc, thâm hụt với Trung Quốc tăng lên 44,8 tỉ USD, cao hơn 5,6 lần so với trước năm 2017. Những con số này khiến Mỹ đặt câu hỏi: phải chăng Việt Nam đang là nơi rửa nguồn, giúp hàng Trung Quốc vào xứ cờ hoa?

Điều này là có thể, nhưng không có bằng chứng cụ thể, và không đến mức quá để lo ngại. Nghiên cứu của Lowry Institute công bố năm 2025 cho thấy tỉ lệ hàng Trung Quốc vòng qua Việt Nam để vào Mỹ đã tăng mạnh – chiếm khoảng 25% lượng hàng Việt Nam nhập từ Trung Quốc trong năm 2022, trong khi con số năm 2018 chỉ là 8%. Tuy vậy, còn khoảng 3/4 hàng Việt Nam nhập từ Trung Quốc là để phục vụ cho chính thị trường Việt hoặc xuất khẩu sang các thị trường khác ngoài Mỹ.

Dù vậy ngoại giao thương mại không phải lúc nào cũng dựa vào số liệu. Ngày 2.4, tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp mức thuế lên tới 46% với hàng nhập từ Việt Nam – cao thứ ba sau Trung Quốc và EU – rồi sau đó tạm hoãn 90 ngày để đàm phán. Thời hạn chốt thuế mới, dự kiến ngày 9.7, đang đến gần. Các doanh nghiệp Việt Nam giờ đây đang chờ đợi một trong ba kịch bản: Mỹ giảm thuế (tích cực), giữ nguyên (tiêu cực), hoặc tiếp tục hoãn.

meme.gif

Báo cáo mới công bố của Nomura cảnh báo, Mỹ có thể áp mức thuế 24,3% với hàng Việt Nam – gần bằng với Trung Quốc – do nghi ngờ nước này bị lợi dụng để lách thuế. 

Trước mắt Việt Nam sẽ cần siết chặt quy trình cấp chứng nhận xuất xứ, kiểm soát đầu tư Trung Quốc và tăng hợp tác với hải quan Mỹ. Nhưng chỉ từng đó là chưa đủ. Để tránh bị vướng vào làn đạn thương mại một lần nữa, “Made in Vietnam” cần phản ánh đúng thực chất sản xuất – chứ không chỉ là nhãn dán.

Trong ngắn hạn, đàm phán ngoại giao để đạt thỏa thuận thương mại có thể giúp hạ nhiệt căng thẳng. Nhưng về dài hạn, nâng cấp chuỗi giá trị, giảm phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc và đầu tư vào năng lực sản xuất hàng trong nước sẽ là con đường duy nhất để Việt Nam không chỉ đứng giữa hai dòng chảy – mà tạo được lối đi riêng.

Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn

https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/viet-nam-giua-hai-dong-chay-thuong-mai-53578.html

#thương mại
#thuế đối ứng
#thương chiến Mỹ - Trung
#thương chiến
#thương mại Việt Nam

Đăng ký nhận bản tin miễn phí

Liên hệ

Hợp tác quảng cáo

Chăm sóc khách hàng: (028) 888 90868

Email: cs@bloombergbusinessweek.vn

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh

Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại: (028) 8889.0868

Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn

© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media