Một sản phẩm của BEACON MEDIA
Khám phá nhiều hơn với tài khoản
Đăng nhập để lưu trữ và dễ dàng truy cập những bài viết bạn yêu thích trên Bloomberg Businessweek Việt Nam.
Tài chính
Gần 300 công ty Trung Quốc bao gồm Alibaba và JD.com đối mặt nguy cơ bị hủy niêm yết tại Mỹ.
Biển hiệu của Alibaba Group Holding Ltd. tại sàn Giao dịch Chứng khoán New York vào ngày 11 tháng 4 năm 2025. Nguồn: Bloomberg.
Tác giả: Yiqin Shen
15 tháng 5, 2025 lúc 12:30 PM
Tóm tắt bài viết
Chính quyền Tổng thống Trump đang cân nhắc hủy niêm yết 286 công ty Trung Quốc trên sàn chứng khoán Mỹ, với tổng giá trị vốn hóa 1,1 nghìn tỷ USD, bao gồm Alibaba và JD.com.
Lý do: lo ngại về an ninh quốc gia, thiếu minh bạch trong kiểm toán, và cấu trúc VIE gây tranh cãi. Đạo luật Trách nhiệm Công ty Nước ngoài 2020 cho phép SEC hủy niêm yết nếu không thể kiểm tra báo cáo.
Nhiều công ty Trung Quốc đã chuẩn bị bằng cách niêm yết bổ sung tại Hong Kong. Alibaba đã chuyển niêm yết chính sang Hong Kong, mặc dù thanh khoản thấp hơn 80% so với Mỹ.
Nếu bị hủy niêm yết, nhà đầu tư Mỹ có thể phải bán tháo 800 tỷ USD cổ phiếu. Trung Quốc có thể trả đũa bằng cách bán 370 tỷ USD cổ phiếu Mỹ.
SEC có nhiều cách để hủy niêm yết: yêu cầu sàn giao dịch hủy, cấm giao dịch OTC, ban hành lệnh khẩn cấp, hoặc cấm cấu trúc VIE, nhanh hơn so với quy trình theo Đạo luật 2020.
Tóm tắt bởi AI HAY
Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung không chỉ dừng lại ở vấn đề thuế quan. Quyền tiếp cận thị trường tài chính Phố Wall cũng có thể trở thành công cụ đàm phán, đe dọa gần 300 công ty Trung Quốc đang niêm yết trên các sàn chứng khoán Mỹ, bao gồm các tập đoàn thương mại điện tử lớn như Alibaba và JD.com.
Dù hai nước đã đạt được thỏa thuận tạm thời vào tháng 5, giúp giảm đáng kể thuế đối với hàng hóa của nhau trong 90 ngày, việc đạt được một thỏa thuận thương mại toàn diện để giải quyết mọi vấn đề có thể sẽ cần nhiều thời gian hơn. Trong khi đó, căng thẳng thương mại giữa hai nước vẫn có nguy cơ bùng phát trở lại.
Khi được hỏi liệu Tổng thống Donald Trump có cân nhắc việc loại bỏ các công ty Trung Quốc khỏi Sàn Giao dịch Chứng khoán New York (NYSE) và Nasdaq như một phần trong cuộc đàm phán thương mại hay không, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent nói với Fox Business vào tháng 4 rằng "mọi thứ đều đang được cân nhắc". Các công ty có tổng giá trị vốn hóa thị trường lên tới 1,1 nghìn tỷ USD này có thể sẽ bị ảnh hưởng.
Tại sao chính quyền ông Trump muốn hủy niêm yết cổ phiếu Trung Quốc?
Vào tháng 2, Tổng thống Trump đã ban hành một bản ghi nhớ về chính sách thương mại "Nước Mỹ trên hết", trong đó xác định Trung Quốc là "đối thủ nước ngoài". Bản ghi nhớ này nhấn mạnh rằng Mỹ sẽ thiết lập các quy định mới để ngăn chặn các nhà đầu tư Mỹ vô tình hỗ trợ chiến lược “Hợp nhất Quân sự – Dân sự” của Bắc Kinh — trong đó các công ty dân sự sẽ hỗ trợ các hoạt động quân sự và tình báo.
Chính quyền ông Trump cũng sẽ xem xét liệu các công ty Trung Quốc có tuân thủ các tiêu chuẩn kiểm toán được quy định trong Đạo luật Trách nhiệm của Các Công ty Nước ngoài (Holding Foreign Companies Accountable Act) hay không.
Đạo luật này được thông qua vào năm 2020, sau khi các công ty có trụ sở tại Trung Quốc đại lục và Hong Kong bị cáo buộc đã thiếu minh bạch trong các hoạt động kế toán trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump. Đạo luật đã trao quyền cho Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) yêu cầu hủy niêm yết các công ty Trung Quốc nếu cơ quan quản lý không thể kiểm tra báo cáo kiểm toán của họ trong hai năm liên tiếp.
Mối lo ngại về giám sát tài chính đã tạm lắng vào năm 2022, khi các quan chức Mỹ xác nhận họ đã có đủ quyền truy cập để kiểm tra tài liệu kiểm toán của các công ty này. Tuy nhiên, với sự trở lại của ông Trump và căng thẳng thương mại Mỹ – Trung, nguy cơ các công ty Trung Quốc bị hủy niêm yết lại xuất hiện.
Trong bản ghi nhớ tháng 2, ông Trump cũng cam kết sẽ xem xét lại cấu trúc niêm yết mà các công ty Trung Quốc sử dụng để giao dịch trên sàn chứng khoán Mỹ. Nhiều công ty dựa vào các công ty vỏ bọc gây tranh cãi, gọi là "mô hình sở hữu đặc biệt" (variable interest entities – VIE), để niêm yết cổ phiếu tại New York, dù điều này liên quan đến các vấn đề pháp lý và quy định phức tạp. Cấu trúc này khiến nhà đầu tư không sở hữu trực tiếp cổ phần trong các công ty Trung Quốc, mà chỉ nắm giữ cổ phần của một công ty đăng ký tại các thiên đường thuế quan như Quần đảo Cayman hoặc Quần đảo Virgin thuộc Anh.
Theo Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ – Trung, trong số 286 công ty Trung Quốc niêm yết trên các sàn chứng khoán Mỹ tính đến đầu tháng 3, hơn một nửa sử dụng cấu trúc VIE.
Có những ai ủng hộ việc hủy niêm yết các công ty Trung Quốc tại Mỹ?
Một số chính trị gia theo chính sách diều hâu tại Washington cho rằng các nhà đầu tư Mỹ đang bị lợi dụng để tài trợ cho các công ty Trung Quốc, gây bất lợi cho các công ty Mỹ trong nước. Họ lo ngại rằng các khoản đầu tư này có thể hỗ trợ phát triển công nghệ không phù hợp với lợi ích quốc gia của Mỹ, bao gồm các sản phẩm có thể sử dụng cho mục đích quân sự.
Những chính trị gia này cũng đặt câu hỏi liệu quyền sở hữu cổ phiếu của các nhà đầu tư Mỹ trong các công ty Trung Quốc có thực sự được đảm bảo hay không, do sự không rõ ràng về tình trạng pháp lý của cấu trúc VIE mà nhiều công ty Trung Quốc đang sử dụng.
Vào đầu tháng 5, một nhóm nghị sĩ đảng Cộng hòa đã gửi thư cho chủ tịch SEC Paul Atkins, kêu gọi cơ quan này hủy niêm yết 25 công ty, bao gồm công ty vận hành công cụ tìm kiếm Baidu, hãng xe tự lái Pony AI và nền tảng mạng xã hội Weibo. Trong thư, họ cảnh báo rằng các công ty này có liên hệ với quân đội Trung Quốc, đe dọa an ninh quốc gia của Mỹ.
Mối đe dọa hủy niêm yết có sắp xảy ra không?
Hiện không có thời gian cụ thể. Việc ông Trump có thực sự tiến hành hủy niêm yết các công ty Trung Quốc còn phụ thuộc vào việc ông có thực sự ủng hộ các chính trị gia phe diều hâu và coi đây là mối đe dọa an ninh quốc gia hay không, hay chỉ coi đó là một chiến thuật gây áp lực trong cuộc chiến thương mại.
Không giống như chiến lược thuế quan khi này khi khác của ông Trump, việc hủy niêm yết các công ty Trung Quốc khỏi sàn chứng khoán Mỹ sẽ gần như chắc chắn làm leo thang căng thẳng giữa hai nước. Việc trì hoãn quyết định bán hoặc cấm TikTok hoạt động tại Mỹ có thể là dấu hiệu cho thấy ông Trump đang ưu tiên một hướng xử lý mềm mỏng hơn.
Các công ty Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng như thế nào nếu bị hủy niêm yết tại Mỹ?
Họ sẽ mất quyền tiếp cận thị trường vốn Mỹ, nơi có tính thanh khoản cao và nguồn vốn dồi dào. Các công ty như PDD Holdings (chủ sở hữu của Temu), Vipshop (nhà bán lẻ giảm giá trực tuyến) và TAL Education Group thuộc nhóm dễ bị ảnh hưởng nhất vì không niêm yết ở nơi nào khác ngoài Mỹ.
Nếu bị hủy niêm yết trên các sàn giao dịch Mỹ, các công ty này có nguy cơ bị loại khỏi các chỉ số toàn cầu lớn, kéo theo dòng vốn khoảng 11 tỷ USD bị rút khỏi các quỹ đầu tư thụ động, theo ước tính của JPMorgan.
Các công ty Trung Quốc đã chuẩn bị gì cho nguy cơ bị hủy niêm yết?
Kể từ khi nhận ra bản thân có nguy cơ bị hủy niêm yết trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump, nhiều công ty Trung Quốc đã chọn niêm yết bổ sung tại Hong Kong để giảm thiểu rủi ro pháp lý tại Mỹ.
Một số công ty như Alibaba thậm chí đã chuyển niêm yết chính sang Hong Kong, giúp họ đủ điều kiện tham gia chương trình Kết nối Chứng khoán (Stock Connect) — kết nối thị trường Hong Kong với các sàn giao dịch tại Thượng Hải và Thâm Quyến, mở ra cơ hội tiếp cận nguồn vốn khổng lồ từ Trung Quốc và duy trì phạm vi tiếp cận rộng với các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, Hong Kong không phải là giải pháp hoàn hảo vì tính thanh khoản thấp hơn nhiều so với New York. Theo dữ liệu từ Morgan Stanley, khối lượng giao dịch trung bình hàng ngày của chứng chỉ lưu ký Mỹ (ADR) của Alibaba và JD.com cao hơn khoảng 80% so với cổ phiếu của họ tại Hong Kong.
Nhà đầu tư sẽ bị ảnh hưởng thế nào nếu cổ phiếu Trung Quốc bị hủy niêm yết?
Đối với các công ty không cùng niêm yết tại Mỹ và một thị trường khác (niêm yết kép), nhà đầu tư Mỹ có thể gặp rủi ro vì không thể chuyển số cổ phiếu đang sở hữu từ sàn giao dịch của Mỹ sang một sàn khác.
Với các công ty có niêm yết tại Hong Kong, nhà đầu tư Mỹ có thể chuyển đổi cổ phần của mình thành cổ phiếu tương đương trên sàn Hong Kong để tiếp tục nắm giữ. Tuy nhiên, một số tổ chức tài chính bị hạn chế đầu tư ra ngoài nước Mỹ, và các nhà đầu tư cá nhân có thể gặp khó khăn trong việc thiết lập hoặc sử dụng tài khoản môi giới quốc tế. Những trở ngại này có thể khiến nhiều nhà đầu tư Mỹ bán tháo cổ phiếu của mình.
Quy mô đợt bán tháo có thể lớn cỡ nào?
Trong "kịch bản tệ nhất", các nhà phân tích tại Goldman Sachs ước tính rằng nhà đầu tư Mỹ có thể buộc phải bán hơn 800 tỷ USD cổ phiếu nếu bị cấm đầu tư vào các công ty Trung Quốc. Con số này bao gồm khoảng 250 tỷ USD cổ phiếu ADR do các tổ chức tài chính Mỹ nắm giữ, khoảng 522 tỷ USD cổ phiếu niêm yết tại Hong Kong và 0,5% tổng giá trị cổ phiếu tại Trung Quốc.
Nếu chính quyền Trung Quốc yêu cầu các nhà đầu tư nước này bán tài sản tài chính tại Mỹ để trả đũa, Goldman Sachs ước tính họ có thể bán ra khoảng 370 tỷ USD cổ phiếu Mỹ.
Chính quyền ông Trump có thể hủy niêm yết cổ phiếu Trung Quốc bằng cách nào?
SEC có thể yêu cầu các sàn giao dịch hủy niêm yết các công ty Trung Quốc hoặc Hong Kong. SEC thậm chí có thể đi xa hơn bằng cách hủy đăng ký giao dịch của các công ty này, cấm họ giao dịch trên ngay cả thị trường phi tập trung (OTC) — nơi các bên giao dịch trực tiếp hoặc thông qua môi giới. Những công ty như Luckin Coffee, từng dính bê bối gian lận kế toán năm 2020, và Didi Global hiện vẫn tiếp tục giao dịch trên thị trường OTC dù đã rời sàn giao dịch lớn.
SEC cũng có thể ban hành lệnh khẩn cấp để tạm ngừng giao dịch. Động thái này sẽ trở nên mạnh mẽ hơn nếu ông Trump ban hành lệnh hành pháp tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Một lựa chọn khác là Washington có thể yêu cầu SEC ban hành quy định cấm hoàn toàn việc sử dụng cấu trúc VIE.
Các phương án này có thể được triển khai nhanh chóng hơn so với việc dựa vào Đạo luật Trách nhiệm của Các Công ty Nước ngoài. Theo đạo luật này, SEC cần vài năm để xác định rằng các kiểm toán viên Mỹ không thể tiếp cận báo cáo kiểm toán của các công ty Trung Quốc trước khi đưa ra quyết định hủy niêm yết.
— Với sự hỗ trợ của Lydia Beyoud
Theo Bloomberg
Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn
https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/vi-sao-co-phieu-trung-quoc-tai-my-co-nguy-co-bi-huy-niem-yet-53208.html
Tặng bài viết
Đối với thành viên đã trả phí, bạn có 5 bài viết mỗi tháng để gửi tặng. Người nhận quà tặng có thể đọc bài viết đầy đủ miễn phí và không cần đăng ký gói sản phẩm.
Bạn còn 5 bài viết có thể tặng
Liên kết quà tặng có giá trị trong vòng 7 ngày.
BÀI LIÊN QUAN
Truy cập nhanh
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh
Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 8889.0868
Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn
© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media