Kinh tế

Trung Quốc quyết chiến đấu đến cùng chống lại thuế quan từ Mỹ và ổn định thị trường trong nước

Trung Quốc đang quyết tâm đối đầu đến cùng với các mức thuế quan do ông Trump áp đặt, đồng thời nỗ lực ổn định nền kinh tế trong nước trong bối cảnh thương chiến leo thang có thể kéo theo chiến tranh kinh tế toàn diện.

Hình ảnh: Bloomberg

Hình ảnh: Bloomberg

Tác giả: Bloomberg News

08 tháng 4, 2025 lúc 9:35 PM

Trung Quốc tuyên bố sẽ đưa ra các biện pháp đáp trả sau khi Tổng thống Donald Trump đe dọa áp thêm thuế đối với hàng hóa nước này. Trước động thái cứng rắn từ phía Mỹ, chính phủ Trung Quốc đã huy động các cơ quan chức năng để phát đi thông điệp về tinh thần đoàn kết và quyết tâm bảo vệ lợi ích quốc gia. Nhiều chuyên gia lo ngại rằng căng thẳng leo thang giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới này có thể dẫn đến một cuộc chiến thương mại kéo dài, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế toàn cầu.

Ngày 8 tháng 4, 2025, Bộ Thương mại Trung Quốc phát biểu rằng: “Mối đe dọa của Mỹ về việc tăng thuế đối với Trung Quốc là một quyết định rất sai lầm. Nếu Mỹ đã quyết định làm như vậy, Trung Quốc sẽ chống trả đến cùng.”

Tuyên bố này được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Mỹ đe dọa sẽ áp mức thuế lên tới 50% đối với toàn bộ hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc, trừ khi Bắc Kinh chấm dứt các biện pháp trả đũa nhằm vào mức thuế cao ngất mà Trump đã áp đặt trước đó. Nếu được thực thi, động thái này có thể khiến tổng mức thuế mà Trung Quốc phải chịu trong năm 2025 tăng lên đến 104%, kéo theo hệ quả là giá hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ có nguy cơ tăng gấp đôi.

Bắc Kinh đã lên tiếng trấn an giới đầu tư sau khi thị trường chứng khoán Trung Quốc tại Hồng Kông ghi nhận đợt lao dốc mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Để hỗ trợ nền kinh tế, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã nới lỏng kiểm soát tỷ giá đồng nhân dân tệ nhằm thúc đẩy hoạt động xuất khẩu. Bên cạnh đó, chính quyền cũng cam kết sẽ cung cấp thêm các khoản vay để góp phần ổn định thị trường.

Cùng thời điểm đó, lãnh đạo cơ quan kế hoạch kinh tế quốc gia Trung Quốc đã có cuộc gặp với đại diện của một số doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc, trong đó có Goertek – nhà cung cấp linh kiện cho Apple – nhằm lắng nghe và giải quyết những lo ngại từ phía doanh nghiệp.

Chính quyền Bắc Kinh tỏ ra sẵn sàng mở cửa đối thoại với Nhà Trắng, nhưng những động thái gần đây từ phía Trung Quốc cho thấy họ kiên quyết đối đầu với Mỹ trước áp lực ngày càng tăng từ phía Tổng thống Trump. Quan điểm cứng rắn này của Trung Quốc khiến khả năng đạt được một thỏa thuận trong thời gian ngắn khó xảy ra hơn.

Bà Michelle Lam, một chuyên gia kinh tế tại Societe Generale SA, nhận định: “Phía Trung Quốc đang đưa ra những tuyên bố rất cứng rắn.” Bà cũng cảnh báo rằng nếu Tổng thống Trump không có động thái nhượng bộ, giới đầu tư cần chuẩn bị tinh thần cho một viễn cảnh hai nền kinh tế dần tách rời và đối đầu nhau trong lĩnh vực thương mại.

Ở thị trường trong nước, giá trị đồng nhân dân tệ tiếp tục suy yếu khi rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 9 năm 2023. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cũng phát đi tín hiệu sẵn sàng chấp nhận tỷ giá vượt ngưỡng 7,20 nhân dân tệ đổi một đô la Mỹ.

Thị trường chứng khoán Trung Quốc đã có phản ứng tích cực sau loạt biện pháp trấn an từ chính quyền. Cụ thể, chỉ số Hang Seng China Enterprises kết phiên với mức tăng 2,3%, trong khi chỉ số CSI 300 – đại diện cho các cổ phiếu trong nước – cũng tăng 1,7%, phần nào phục hồi sau phiên lao dốc nghiêm trọng nhất trong sáu tháng qua diễn ra vào thứ Hai vừa rồi.

Ông Ding Shuang, chuyên gia kinh tế tại ngân hàng Standard Chartered, cho biết nếu Mỹ áp thuế thêm, Trung Quốc sẽ có biện pháp đáp trả tương tự. Theo ông, việc tăng thuế lên mức khoảng 65% hiện nay sẽ không tạo ra nhiều khác biệt, vì phần lớn hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ đã bị đánh thuế rồi. Với những mặt hàng mà người mua không quá quan tâm đến giá, dù thuế có cao hơn nữa thì cũng không ngăn được việc nhập khẩu.

Căng thẳng giữa hai nước đang khiến khả năng lãnh đạo hai bên nhanh chóng tiến hành đối thoại trực tiếp ngày càng nhỏ. Từ khi trở lại Nhà Trắng, Tổng thống Trump vẫn chưa nói chuyện với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Đây là lần đầu tiên trong 20 năm qua một tổng thống Mỹ không liên lạc với lãnh đạo Trung Quốc trong thời gian lâu như vậy sau khi nhậm chức.

Trong tuần này, tờ báo chinh thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng đã đăng một bài xã luận tuyên bố rằng Bắc Kinh đã không còn “tin tưởng vào viễn cảnh” kí kết được thỏa thuận gì với Hoa Kỳ.

Thay vào đó, các quan chức Trung Quốc đang chuyển hướng tập trung vào việc bảo vệ nền kinh tế trong nước. Chủ tịch Tập Cận Bình cam kết sẽ thúc đẩy tiêu dùng nội địa để tạo động lực tăng trưởng trong nước. Trong khi đó, các mức thuế mới từ Mỹ được dự báo sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc – lĩnh vực từng đóng góp tới một phần ba vào tăng trưởng GDP của nước này trong năm qua.

Hỗ trợ thị trường nội địa

Chính phủ Trung Quốc cũng đang thể hiện rõ quyết tâm hỗ trợ thị trường tài chính nội địa. Ngày 7 tháng 4, tám quỹ giao dịch lớn của Trung Quốc đã thu hút lượng vốn kỷ lục lên đến 42 tỷ nhân dân tệ (tương đương 5,7 tỷ USD).

Việc đồng nhân dân tệ bị mất giá có thể giúp giảm bớt tác động tiêu cực từ các mức thuế cao từ Hoa Kỳ. Cùng với đó, kỳ vọng về các biện pháp kích thích tiền tệ đã làm tăng nhu cầu với trái phiếu Trung Quốc. Lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm vẫn ở gần mức thấp nhất được ghi nhận từ đầu tháng Hai năm nay.

Chủ tịch Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, ông Trịnh Sơn Khiết, đã có cuộc gặp với nhiều doanh nghiệp lớn như Trina Solar, China-Base Ningbo, Lingyi iTECH và DiDi Global. Trong cuộc họp, các lãnh đạo doanh nghiệp chia sẻ quan điểm về việc thực hiện chính sách kinh tế và đưa ra đề xuất giúp Trung Quốc đối phó với thuế quan từ Mỹ. Họ cũng thể hiện sự ủng hộ với vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, theo thông tin từ NDRC.

Hoạt động thương mại của Trung Quốc vẫn tăng trưởng mạnh

Dù căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ ngày càng gia tăng và làm dấy lên lo ngại về việc hai nước "tách rời" kinh tế, nhưng trong thực tế, việc các công ty Mỹ hoàn toàn rút khỏi chuỗi cung ứng Trung Quốc là điều rất khó xảy ra trong ngắn hạn.

Một ví dụ điển hình là Apple – hiện vẫn lắp ráp và xuất khẩu khoảng 80% số lượng iPhone từ Trung Quốc. Điều này diễn ra dù công ty đã bắt đầu chuyển một phần chuỗi cung ứng sang Ấn Độ và Việt Nam từ nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Trump. Nguyên nhận chính là do việc xây dựng một hệ sinh thái công nghiệp hoàn toàn mới ở một quốc gia khác là quá phức tạp và tốn kém, cả về thời gian lẫn chi phí.

Việc sở hữu chuỗi cung ứng mạnh và ổn định chính là yếu tố giúp Trung Quốc tự tin hơn trong cuộc đối đầu với Mỹ. Chủ tịch Tập Cận Bình sẵn sàng đối mặt trực tiếp với Trump và thể hiện một hình ảnh cứng rắn, quyết đoán trước công chúng trong nước.

Công ty nghiên cứu kinh tế vĩ mô Enodo Economics nhận định: “Với Chủ tịch Tập, chỉ có một phản ứng có thể chấp nhận được về mặt chính trị trước lời đe dọa của Trump: Cứ thử đi!” – cho thấy Trung Quốc đã sẵn sàng đương đầu với những thách thức lớn đến từ phía Mỹ.

Theo Bloomberg

Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn

https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/trung-quoc-quyet-chien-dau-den-cung-chong-lai-thue-quan-tu-my-va-on-dinh-thi-truong-trong-nuoc-52955.html

#Thuế quan Trump
#Trung Quốc
#Kinh tế

Đăng ký nhận bản tin miễn phí

Liên hệ

Hợp tác quảng cáo

Chăm sóc khách hàng: (028) 888 90868

Email: cs@bloombergbusinessweek.vn

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh

Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại: (028) 8889.0868

Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn

© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media