Một sản phẩm của BEACON MEDIA
Khám phá nhiều hơn với tài khoản
Đăng nhập để lưu trữ và dễ dàng truy cập những bài viết bạn yêu thích trên Bloomberg Businessweek Việt Nam.
Kinh doanh
Daido Steel đối mặt áp lực kép từ thuế Mỹ và khủng hoảng đất hiếm khi chuỗi cung ứng toàn cầu chao đảo vì căng thẳng Mỹ Trung leo thang.
Tetsuya Shimizu. Hình ảnh: Nicholas Takahashi/Bloomberg
Tác giả: Nicholas Takahashi
23 tháng 6, 2025 lúc 4:00 PM
Tóm tắt bài viết
Daido Steel đối mặt thuế 50% thép, 25% ô tô nhập khẩu vào Mỹ và nguy cơ thiếu đất hiếm từ Trung Quốc.
Tổng giám đốc Tetsuya Shimizu lo ngại về sự ổn định của kinh tế toàn cầu do các rào cản thương mại.
Daido Steel tìm nguồn cung đất hiếm từ Úc, Mỹ, Canada, Brazil để giảm phụ thuộc vào Trung Quốc (70% khai thác, 90% tinh luyện).
Các hãng xe Nhật Bản có thể thiệt hại 19 tỷ đô la Mỹ do thuế mới, Daido Steel dự kiến lợi nhuận giảm 34%.
Daido Steel phát triển nam châm neodymium không chứa đất hiếm nặng, đã được Honda sử dụng từ năm 2016.
Tóm tắt bởi AI HAY
Khi cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung lan sang các lĩnh vực ô tô, thép và đất hiếm, ít doanh nghiệp nào chịu áp lực rõ ràng hơn Daido Steel, nhà cung cấp linh kiện ô tô hàng đầu Nhật Bản.
Daido Steel — nhà cung ứng cho Honda Motor và nhiều thương hiệu lớn khác — hiện đang đối mặt với ba thách thức lớn: mức thuế 50% đối với thép nhập khẩu vào Mỹ, thuế 25% với ô tô và linh kiện sản xuất ở nước ngoài, cùng việc Trung Quốc siết chặt xuất khẩu đất hiếm — nhóm khoáng sản thiết yếu để sản xuất nam châm cho động cơ xe.
“Họ đang dựng lên các bức tường,” tổng giám đốc Tetsuya Shimizu nói trong cuộc phỏng vấn tại trụ sở Daido Steel ở thành phố Nagoya. “Điều này sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự ổn định của kinh tế toàn cầu.”
Tác động từ các rào cản thương mại này cũng lan rộng tới mạng lưới các nhà sản xuất chuyên biệt, vốn đóng vai trò cốt lõi trong ngành công nghiệp ô tô toàn cầu, nay bị kẹt giữa hai siêu cường đang đối đầu.
Đối với Daido Steel, cuộc chiến buộc công ty phải tìm cách xây dựng chuỗi cung ứng đất hiếm ngoài Trung Quốc — nơi hiện chiếm gần 70% sản lượng khai thác và khoảng 90% công suất tinh luyện toàn cầu.
Một số kênh cung ứng mới đang bắt đầu hình thành, chủ yếu từ Úc. Ông Shimizu cho biết Mỹ, Canada và Brazil cũng có tiềm năng, nhưng tiến độ triển khai vẫn rất chậm do chi phí cao và nguồn cung hạn chế — phản ánh những thách thức lớn trong nỗ lực toàn cầu nhằm giảm phụ thuộc vào Trung Quốc.
Những khó khăn của Daido cũng cho thấy thiệt hại thực tế đối với ngành ô tô có thể lớn hơn nhiều so với các dự báo hàng tỉ đô la mà Ford Motor hay Toyota Motor từng đưa ra. Căng thẳng kéo dài và khó đoán buộc nhiều công ty phải duy trì hoạt động kinh doanh với sự linh hoạt cao hơn.
Khi chính quyền ông Trump áp thuế 25% lên thép nhập khẩu hồi tháng 3, ông Shimizu vẫn có thể trấn an khách hàng tại Mỹ rằng hoạt động kinh doanh sẽ tiếp tục bình thường. Ông cho biết sản phẩm của Daido Steel có giá trị đủ lớn để khách hàng sẵn sàng chờ đợi nhiều tháng để nhận hàng. “Nếu họ có thể mua hàng với giá trị tương đương tại Mỹ, thì họ đã làm vậy rồi,” ông nói.
Tuy nhiên, sự tự tin đó nhanh chóng biến mất khi Mỹ bất ngờ tăng gấp đôi mức thuế lên thép trong tháng này.
“Đến một lúc nào đó, việc này không còn hợp lý về mặt kinh doanh nữa,” ông Shimizu nói. “Việc yêu cầu khách hàng giảm đơn hàng, giảm tồn kho hay giảm sản lượng có thể ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống, nhưng đó là rủi ro khó mà tránh được.”
Doanh thu của Daido Steel chủ yếu đến từ việc cung ứng cho các hãng xe Nhật Bản — nhiều trong số đó bán xe tại Mỹ nhưng sản xuất hoặc lắp ráp ở nước ngoài. Tổng cộng, các thương hiệu ô tô lớn của Nhật đang chuẩn bị đối mặt với thiệt hại lên đến 19 tỉ đô la Mỹ do các mức thuế mới.
Một số hãng xe Nhật đã bắt đầu giảm hoặc chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Mỹ, khiến các nhà cung cấp như Daido Steel bị động trước các kế hoạch thay đổi chóng mặt từ khách hàng. Trong tháng 5, công ty từ chối đưa ra dự báo lợi nhuận cả năm và cho biết lợi nhuận ròng trong nửa đầu năm tài chính này có thể giảm 34%.
“Tất cả phụ thuộc vào cách các hãng xe phản ứng,” Mikine Kishi, tổng giám đốc kế hoạch chiến lược của công ty, nhận định. “Nếu họ quyết định không sản xuất ở Nhật nữa hoặc cắt giảm tổng sản lượng, điều đó sẽ có tác động cực lớn đến hoạt động kinh doanh của chúng tôi.”
Mỹ và Trung Quốc dường như đã đạt được một thỏa thuận tạm thời, và Tổng thống Trump đã ký sắc lệnh ngăn việc áp chồng nhiều loại thuế. Tuy nhiên, đất hiếm vẫn là điểm bế tắc lớn.
Trung Quốc hiện đang kiểm soát xuất khẩu đối với bảy nguyên tố riêng lẻ và cả các loại nam châm chứa dù chỉ một lượng rất nhỏ các nguyên tố đó, buộc các ngành từ ô tô đến quốc phòng phải gấp rút tìm hướng thay thế. Tình trạng bất ổn nguồn cung vẫn tồn tại, dù Bắc Kinh cho biết trong tháng này rằng họ đang đẩy nhanh quá trình xét duyệt giấy phép xuất khẩu đất hiếm và đã phê duyệt một số hồ sơ.
Daido Steel từng có lợi thế trong việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Năm 2010, Trung Quốc từng ngưng xuất khẩu đất hiếm sang Nhật sau một vụ căng thẳng trên biển, buộc ngành công nghiệp Nhật phải tìm cách mở rộng nguồn cung và giảm sự phụ thuộc vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Tuy nhiên, kết quả vẫn hạn chế: hiện Nhật vẫn phụ thuộc Trung Quốc khoảng 60% nguồn cung đất hiếm, dù đã giảm so với mức 80–90% trước đây.
Song song với việc tìm nguồn cung thay thế, Daido cũng tập trung phát triển công nghệ sử dụng ít đất hiếm hơn.
Một trong những sản phẩm chủ lực của công ty là nam châm neodymium không chứa các nguyên tố đất hiếm nặng như dysprosium hay terbium — loại nam châm đã được Honda sử dụng từ năm 2016. Daido cũng cung cấp nam châm gián tiếp cho các hãng xe thông qua Aisin và Denso — hai nhà cung ứng lớn nhất của Nhật.
Daido Steel đặt mục tiêu mở rộng sản xuất và ứng dụng công nghiệp của dòng nam châm này, đặt cược vào việc khách hàng sẽ ưu tiên lựa chọn các nguồn cung không phụ thuộc vào Trung Quốc. Công ty cũng có kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất tại Mỹ, dù ông Shimizu chưa tiết lộ thời gian hay địa điểm cụ thể.
“Sẽ là một thất vọng lớn nếu Mỹ rơi vào chủ nghĩa độc tài,” ông Shimizu nói, bởi điều đó có thể dẫn đến việc kinh tế toàn cầu phải xoay quanh một mình nước Mỹ.
“Tôi không chắc liệu có đủ thời gian để tái cấu trúc toàn bộ chuỗi cung ứng nếu mục tiêu thực sự là sản xuất tất cả tại Mỹ cho người Mỹ hay không,” ông nói thêm.
Theo Bloomberg
Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn
https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/thue-va-dat-hiem-dat-ra-thach-thuc-lon-voi-nha-cung-ung-cho-honda-53539.html
Tặng bài viết
Đối với thành viên đã trả phí, bạn có 5 bài viết mỗi tháng để gửi tặng. Người nhận quà tặng có thể đọc bài viết đầy đủ miễn phí và không cần đăng ký gói sản phẩm.
Bạn còn 5 bài viết có thể tặng
Liên kết quà tặng có giá trị trong vòng 7 ngày.
BÀI LIÊN QUAN
Truy cập nhanh
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh
Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 8889.0868
Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn
© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media