Tài chính

Thị trường M&A Việt Nam tháng 5.2025: Tín hiệu hồi phục dè dặt

Thị trường M&A Việt hồi phục dè dặt, nhưng các khoản đầu tư vào công nghệ và bán lẻ cho thấy điểm sáng và tiềm năng phục hồi trong trung hạn.

Hình ảnh: Shutterstock

Hình ảnh: Shutterstock

Tác giả: Giang Lê

03 tháng 6, 2025 lúc 5:49 PM

Thị trường mua bán – sáp nhập (M&A) tại Việt Nam, theo dữ liệu của Bloomberg, đang trong giai đoạn phục hồi chậm, với tổng cộng 13 thương vụ được ghi nhận trong tháng 5.2025. Mặc dù số lượng giao dịch tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2024, nhưng vẫn thấp hơn gần 40% so với mức đỉnh năm 2021.

Những ngành thu hút sự quan tâm lớn từ giới đầu tư bao gồm công nghệ và bán lẻ thiết yếu. Trong đó, lĩnh vực phần mềm dịch vụ (SaaS) cho thấy sự bền bỉ, với các khoản đầu tư đáng chú ý như Excelsior rót vốn vào SotaTek và ABB đầu tư vào Equix Technologies.

Mảng công nghệ khí hậu cũng tiếp tục hút vốn khi Alterno – startup sản xuất pin cát lưu trữ năng lượng dùng trong sản xuất thực phẩm – gọi vốn thành công vòng series A từ các quỹ UntroD Capital Asia, Antler và ADB Ventures. Bên cạnh đó, các ngách mới trong lĩnh vực proptech cũng bắt đầu khởi sắc. Nền tảng định giá bất động sản trực tuyến Citics huy động được 2 triệu USD từ các nhà đầu tư TVS, AiViet Ventures, Vulpes Ventures và VIG.

Trong khi đó, mảng chăm sóc sức khỏe cao tuổi đang được chú ý với thương vụ Wecare247 nhận đầu tư từ Unlock và Mynavi. Tháng 5 vừa qua cũng là tháng nhộn nhịp của thị trường M&A khi SK Group và đối tác chuyển nhượng 64,8% cổ phần công ty dược phẩm Imexpharm cho công ty dược phẩm Livzon đến từ Trung Quốc với giá hơn 5.730 tỉ đồng.  

Mặc dù đã có một số động thái tích cực, tâm lý nhà đầu tư nhìn chung vẫn thận trọng. Theo báo cáo của Grant Thornton, 64% các nhà quản lý quỹ không đạt mục tiêu huy động vốn trong năm 2024. Thêm vào đó, khoảng 81% tài sản quản lý (AUM) trong lĩnh vực đầu tư tư nhân tại Việt Nam giai đoạn 2022–2024 vẫn chưa được sang tay để thu hồi lợi nhuận. Giá trị định giá các thương vụ cũng được ước tính đã giảm khoảng 30% so với năm 2021.

Theo báo cáo tháng 5.2025 của công ty tư vấn M&A Koru Capital, các nhà đầu tư đang đối mặt với nhiều rào cản trong việc thoái vốn, gồm: sự sụt giảm phân bổ vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường biên (trong đó có Việt Nam), chênh lệch kỳ vọng giữa bên bán và bên mua khi định giá, tình trạng bất định của thị trường và con đường thoái vốn chưa rõ ràng.

Tuy vậy, vẫn có tín hiệu cho thấy dòng vốn đang dần quay trở lại. Một số đơn vị như 20in20 Partners, Thien Viet Securities và NextBold Capital đang trong quá trình huy động quỹ. Quỹ đầu tư mạo hiểm AVV cũng lên kế hoạch giải ngân 6 triệu USD vào 6 startup trong 6 tháng tới.

Một số phương án thoái vốn thay thế đang được chú ý, bao gồm mô hình mua thôn tính của hội đồng quản trị (management buyout) – như trường hợp Navis Capital thoái vốn khỏi doanh nghiệp sản xuất thủy sản Godaco.

IPO tiếp tục được xem là hướng đi tiềm năng cho các nhà đầu tư. F88 đã nộp hồ sơ niêm yết trên sàn Upcom vào tháng 5.2025, dự kiến niêm yết sớm nhất vào tháng 7. Trong khi đó, theo thông tin từ DealstreetAsia, Momo – ví điện tử hiện phục vụ khoảng gần 60 triệu người dùng – lần đầu tiên có lợi nhuận trong năm 2024, tiền đề cho kế hoạch IPO của doanh nghiệp này trong tương lai.

Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn

https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/thi-truong-m-a-viet-nam-thang-5-2025-tin-hieu-hoi-phuc-de-dat-53355.html

#M&A
#thị trường M&A
#công nghệ
#bán lẻ

Đăng ký nhận bản tin miễn phí

Liên hệ

Hợp tác quảng cáo

Chăm sóc khách hàng: (028) 888 90868

Email: cs@bloombergbusinessweek.vn

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh

Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại: (028) 8889.0868

Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn

© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media