Một sản phẩm của BEACON MEDIA
Khám phá nhiều hơn với tài khoản
Đăng nhập để lưu trữ và dễ dàng truy cập những bài viết bạn yêu thích trên Bloomberg Businessweek Việt Nam.
Kinh tế
OPEC+ đẩy mạnh việc tăng sản lượng dầu từ tháng 8 có thể khiến thị trường dư cung và đẩy giá dầu về mức 60 đô la mỗi thùng ngay cuối năm nay.
Các bồn chứa dầu thô tại khu bồn chứa Juaymah trong nhà máy lọc dầu và cảng xuất dầu Ras Tanura của Saudi Aramco ở Ras Tanura, Ả Rập Xê Út. Hình ảnh: Simon Dawson/Bloomberg
Tác giả: Grant Smith
07 tháng 7, 2025 lúc 12:00 PM
Tóm tắt bài viết
OPEC+ đẩy mạnh tăng sản lượng dầu từ tháng 8 có thể gây dư cung, làm giảm giá dầu toàn cầu, đáp ứng kỳ vọng hạ giá nhiên liệu của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Tập đoàn dầu khí quốc doanh Ả Rập Xê Út Aramco đã tăng mạnh mức phụ phí đối với dầu thô chủ lực bán sang thị trường châu Á, cho thấy không lo ngại về nhu cầu tiêu thụ.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo dư cung tương đương khoảng 1,5% nhu cầu toàn cầu trong quý IV trước khi OPEC+ công bố quyết định tăng sản lượng.
Goldman Sachs và JPMorgan dự báo giá dầu có thể giảm về mức 60 đô la/thùng do nhu cầu của Trung Quốc suy yếu và các biện pháp thuế quan của ông Trump.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết Ả Rập Xê Út cần giá dầu trên 90 đô la/thùng để duy trì chi tiêu ngân sách trong bối cảnh Thái tử Mohammed bin Salman thúc đẩy cải cách kinh tế.
Tóm tắt bởi AI HAY
Động thái tăng sản lượng dầu bất ngờ của OPEC+ đang có khả năng đẩy thị trường rơi vào tình trạng dư cung vào cuối năm nay, làm giá dầu trên toàn cầu giảm và đáp ứng kỳ vọng hạ giá nhiên liệu của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
OPEC và các đồng minh tin rằng thị trường vẫn có thể tiêu thụ lượng cung thêm này, ít nhất trong ngắn hạn. Việc Ả Rập Xê Út — quốc gia dẫn đầu liên minh — tăng giá bán dầu sau quyết định này thể hiện niềm tin đó. Tuy nhiên, ngay cả trước khi động thái này diễn ra hôm thứ Bảy, chỉ sau 10 phút họp trực tuyến, thị trường dầu toàn cầu đã đứng trước nguy cơ dư cung trong mùa Đông tới.
“Hiện tại thị trường dầu vẫn còn khan hiếm, có thể tiêu thụ thêm nguồn cung,” Giovanni Staunovo, nhà phân tích tại UBS ở Zurich, nhận định. “Tuy nhiên, rủi ro đang tăng dần do căng thẳng thương mại kéo dài, khiến thị trường có thể ít căng thẳng hơn trong 6 đến 12 tháng tới và gây áp lực giảm giá.”
Hôm thứ Bảy, OPEC cùng các đối tác đã khiến giới giao dịch năng lượng bất ngờ khi thông báo sẽ đẩy nhanh kế hoạch tăng sản lượng từ tháng tới. Quyết định này mang lại lợi ích cho người tiêu dùng và là một thắng lợi chính trị lớn cho ông Trump — người từng cam kết sẽ hạ giá nhiên liệu. Tuy nhiên, các nhà sản xuất, từ vùng khai thác đá phiến của Mỹ đến chính các nước thành viên OPEC, sẽ có nguy cơ bị tổn thất.
Dù vậy, Riyadh không lo lắng. Hôm Chủ Nhật (6.7), tập đoàn dầu khí quốc doanh Ả Rập Xê Út Aramco đã tăng mạnh mức phụ phí đối với dầu thô chủ lực bán sang thị trường châu Á — động thái vượt ngoài kỳ vọng của giới giao dịch, cho thấy Ả Rập Xê Út không hề lo ngại về nhu cầu tiêu thụ dầu.
Nhiều quan chức OPEC+ cho rằng nhu cầu tăng cao vào mùa Hè là một trong những lý do khiến họ lạc quan. Dự trữ dầu thô tại trung tâm lưu trữ chính của Mỹ ở Cushing đang giảm, chênh lệch giá dầu không phản ánh tình trạng dư cung, và lượng tồn kho dầu diesel của Mỹ cũng đã giảm mạnh.
Diễn biến của nguồn cung
Nhu cầu nhiên liệu thường đạt đỉnh vào mùa Hè ở bán cầu Bắc, tạo điều kiện để OPEC+ đẩy nhanh chiến lược giành lại thị phần mà họ đã mất vào tay các đối thủ như ngành đá phiến Mỹ trong những năm gần đây.
Tuy nhiên, quyết định hôm thứ Bảy (5.7) đã thay đổi hướng đi của chuỗi cung ứng toàn cầu. Dù OPEC dự báo lượng dầu tăng thêm là cần thiết để đáp ứng nhu cầu đến hết tháng 12, nhiều tổ chức vẫn bày tỏ sự hoài nghi. Trước khi quyết định này được công bố, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) tại Paris — cố vấn năng lượng cho các nền kinh tế lớn — đã dự báo dư cung tương đương khoảng 1,5% nhu cầu toàn cầu trong quý IV.
Trong hai tuần qua, hợp đồng tương lai dầu tại London đã giảm 11%, nhanh chóng bỏ qua tác động tiêu cực từ căng thẳng giữa Israel và Iran, cho thấy giới đầu tư không tin rằng lượng dầu được bổ sung là cần thiết. Goldman Sachs và JPMorgan cùng dự báo giá dầu sẽ giảm thêm về mức 60 đô la mỗi thùng trong năm nay, khi nhu cầu của Trung Quốc suy yếu và các biện pháp thuế quan của ông Trump đe dọa triển vọng kinh tế toàn cầu.
Sự ủng hộ rộng rãi
Tám thành viên chủ chốt của liên minh OPEC+ đã thống nhất trong cuộc họp trực tuyến hôm thứ Bảy sẽ khôi phục 548.000 thùng dầu mỗi ngày kể từ tháng 8. Con số này cao hơn đáng kể so với mức tăng 411.000 thùng được ấn định cho các tháng 5, 6 và 7 — vốn đã cao gấp ba lần kế hoạch ban đầu.
OPEC+ sẽ xem xét bổ sung thêm 548.000 thùng mỗi ngày vào tháng 9 trong cuộc họp ngày 3.8. Nếu được thông qua, đợt tăng này sẽ hoàn tất việc đảo ngược hoàn toàn đợt cắt giảm 2,2 triệu thùng từng được thực hiện vào năm 2023 — sớm hơn một năm so với dự kiến ban đầu.
Tuy nhiên, lượng dầu thực tế được đưa ra thị trường có thể thấp hơn so với con số đã công bố, do Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Xê Út Abdulaziz bin Salman đang gây sức ép buộc những nước từng vượt hạn ngạch sản lượng dầu phải từ bỏ việc tăng thêm. Nga và Iraq đã có một số dấu hiệu bù đắp, trong khi Kazakhstan vẫn tiếp tục vi phạm cam kết.
“Việc khôi phục sản lượng trên giấy tờ là một chuyện, còn lượng cung thực tế là chuyện khác,” Doug King, giám đốc điều hành RCMA Capital, nhận định. “Mức chênh lệch giá dầu diesel cho thấy thị trường hiện vẫn đang thiếu nguồn cung. Nếu không xuất hiện tín hiệu yếu đi rõ ràng thông qua số liệu tồn kho, tôi không thấy lý do giá dầu có thể giảm.”
Các quan chức OPEC+ nhấn mạnh rằng kế hoạch bổ sung nguồn cung có thể bị “tạm dừng hoặc thay đổi tùy theo diễn biến thị trường.” Tuy nhiên, nếu không kích hoạt phương án này, lượng dầu bổ sung đã được thông qua gần như chắc chắn sẽ khiến giá dầu tiếp tục lao dốc.
Kịch bản đó có thể giúp Tổng thống Trump xoa dịu những lời kêu gọi liên tục về việc hạ giá nhiên liệu, bởi khủng hoảng chi phí sinh hoạt từng khiến người tiền nhiệm mất đi sự tín nhiệm. Ông Trump hiện cũng đang tìm cách kiểm soát lạm phát, đồng thời triển khai loạt thuế quan và gây sức ép buộc Fed hạ lãi suất.
Tuy nhiên, giá dầu sụt mạnh sẽ tác động tiêu cực đến ngành dầu khí Mỹ, từ các tập đoàn lớn như Exxon Mobil cho đến những doanh nghiệp khai thác đá phiến, vốn là lực lượng ủng hộ mạnh mẽ cho chiến dịch tái tranh cử của ông Trump. Theo một khảo sát gần đây, các giám đốc điều hành ngành đá phiến cho biết họ sẽ khoan ít giếng hơn so với kế hoạch hồi đầu năm 2025 do giá dầu suy yếu.
Tác động tiêu cực cũng có thể lan sang chính nội bộ OPEC+.
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ả Rập Xê Út cần giá dầu trên 90 đô la mỗi thùng để duy trì chi tiêu ngân sách, trong bối cảnh Thái tử Mohammed bin Salman thúc đẩy kế hoạch cải cách toàn diện nền kinh tế. Riyadh hiện đang đối mặt với thâm hụt ngân sách lớn và buộc phải cắt giảm ngân sách cho một số dự án trọng điểm.
Nếu áp lực tài chính kéo dài, Riyadh có thể sẽ quyết định rút nguồn cung khỏi thị trường một lần nữa.
“Họ hoàn toàn có thể thay đổi chính sách,” Neil Atkinson, nhà phân tích độc lập và cựu lãnh đạo bộ phận thị trường dầu của IEA, nhận định. “Nhưng hiện tại, không còn lựa chọn nào khác ngoài việc giữ thị phần và chấp nhận giá thấp. Họ đang phải chấp nhận thực tế thị trường, và đó là điều họ buộc phải làm.”
— Với sự hỗ trợ của Salma El Wardany, Fiona MacDonald, và Nayla Razzouk
Theo Bloomberg
Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn
https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/opec-tang-san-luong-dau-khien-the-gioi-doi-mat-nguy-co-du-cung-53676.html
Tặng bài viết
Đối với thành viên đã trả phí, bạn có 5 bài viết mỗi tháng để gửi tặng. Người nhận quà tặng có thể đọc bài viết đầy đủ miễn phí và không cần đăng ký gói sản phẩm.
Bạn còn 5 bài viết có thể tặng
Liên kết quà tặng có giá trị trong vòng 7 ngày.
BÀI LIÊN QUAN
Truy cập nhanh
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh
Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 8889.0868
Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn
© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media