Một sản phẩm của BEACON MEDIA
Khám phá nhiều hơn với tài khoản
Đăng nhập để lưu trữ và dễ dàng truy cập những bài viết bạn yêu thích trên Bloomberg Businessweek Việt Nam.
Công nghệ
CEO của Meta đã làm mọi cách để lấy lòng ông Trump, nhưng vẫn chưa rõ vị tỉ phú công nghệ nãy sẽ nhận lại được gì.
Mark Zuckerberg cho biết những thay đổi gần đây trong chính sách nội dung của Meta phản ánh chân thực quan điểm cá nhân của ông. Minh họa: Luca Schenardi cho Bloomberg Businessweek
Tác giả: Riley Griffin và Kurt Wagner
02 tháng 6, 2025 lúc 5:30 PM
Vào đầu tháng Hai, Mark Zuckerberg lên chiếc máy bay riêng Gulfstream G650 để thực hiện chuyến bay đến Washington, DC — một hành trình xuyên quốc gia mà gần đây ông thực hiện với tần suất ngày càng cao. Sau nhiều năm bị gạt ra ngoài lề, CEO của Meta Platforms Inc. đã giành lại một điều quý giá từng đánh mất: quyền tiếp cận trực tiếp với Tổng thống.
Từ tháng 11, Zuckerberg đã có hàng loạt cuộc gặp gỡ hậu bầu cử với Donald Trump. Ông đã nhiều lần đến Mar-a-Lago ở Florida và xuất hiện tại Tòa nhà Quốc hội cùng các lãnh đạo công nghệ khác khi Tổng thống đắc cử tuyên thệ nhậm chức vào tháng Một.
Meta cũng đã quyên góp 1 triệu đô la Mỹ cho lễ nhậm chức, và Zuckerberg là đồng chủ trì một buổi tiệc tối trang trọng để vinh danh ông Trump trong đêm đó. Cho thấy ông có ý định dành nhiều thời gian hơn ở Washington, Zuckerberg vào tháng Ba đã mua một biệt thự trị giá 23 triệu đô la chỉ cách nơi ở của Phó Tổng thống JD Vance tại Đài quan sát Hải quân vài bước chân.
Trong chuyến thăm Washington vào tháng Hai nói trên, Zuckerberg có một cuộc trò chuyện ngắn với Trump, theo những người am hiểu nội dung buổi gặp, nhưng chương trình nghị sự chính của ông xoay quanh cuộc thảo luận với Vance. Vị phó tổng thống chuẩn bị lên đường đến Paris để tham dự hội nghị thượng đỉnh về trí tuệ nhân tạo, và Zuckerberg muốn ông nhấn mạnh với các nhà lãnh đạo châu Âu rằng các cơ quan quản lý nơi đây đang đối xử không công bằng với Meta, khiến công ty khó triển khai sản phẩm AI.
Khi Vance phát biểu tại Paris năm ngày sau đó, bài diễn văn của ông truyền tải chính xác thông điệp mà Zuckerberg mong muốn: cảnh báo về nguy cơ siết chặt quản lý AI quá mức và từ bỏ cách tiếp cận thận trọng mà chính quyền Biden đã theo đuổi. Vance bày tỏ lo ngại trước các báo cáo cho rằng nhiều chính phủ đang “cân nhắc siết chặt kiểm soát” đối với các công ty công nghệ Mỹ, và nói với các lãnh đạo châu Âu rằng: “Nước Mỹ không thể và sẽ không chấp nhận điều đó, và chúng tôi cho rằng đó là một sai lầm nghiêm trọng.”
Bài phát biểu của Vance dường như là minh chứng rõ ràng cho thấy ảnh hưởng của Zuckerberg tại Washington đang trên đà gia tăng. Sự khinh miệt của Joe Biden đối với Meta đã bộc lộ từ trước khi ông nhậm chức, và sau khi lên nắm quyền, ông công khai xem công ty này là nguồn gốc của một số vấn đề nghiêm trọng nhất của nước Mỹ — từ sự lan truyền thuyết âm mưu, sự cực đoan hóa trong chính trị cho đến việc trẻ em bị bóc lột trên mạng. Ông nhiều lần kêu gọi bãi bỏ Điều 230 trong Đạo luật về Chuẩn mực Truyền thông năm 1996 — quy định bảo vệ các nền tảng internet khỏi trách nhiệm pháp lý đối với nội dung do người dùng đăng tải, điều mà Thung lũng Silicon coi là tuyến phòng thủ tối quan trọng.
Các quan chức mà Biden bổ nhiệm vào Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) và Bộ Tư pháp đã theo đuổi một chiến dịch chống độc quyền quyết liệt, trong đó Meta cũng là một trong các mục tiêu. Chính quyền của ông cũng gây áp lực buộc Meta phải kiểm soát thông tin sai lệch theo những cách mà công ty cho là vượt giới hạn.
Khác với Trump và người tiền nhiệm Barack Obama, Biden chưa bao giờ gặp riêng Zuckerberg. Các nhân sự trong nội bộ Meta từng nghe rằng ông Biden thường gọi Zuckerberg bằng những biệt danh mang tính xúc phạm trong các cuộc trò chuyện riêng. (“Thằng nhãi” và “F---erberg” được cho là hai biệt danh được ông dùng thường xuyên, theo lời các phụ tá của Biden.) Người phát ngôn của Văn phòng Tổng thống từ chối bình luận về thông tin này.
Zuckerberg đã từng hé lộ xu hướng nghiêng về phía Trump ngay cả trước cuộc bầu cử. Ông mô tả phản ứng của Trump sau một vụ ám sát bất thành vào tháng Bảy là “ngầu lòi”, nhiều lần gọi điện trực tiếp cho Trump vào mùa Hè năm ngoái, và chỉ trích chính quyền Biden trong một bức thư gửi Quốc hội. Ngay sau khi có kết quả bầu cử, Zuckerberg lập tức ngả hẳn về phía Trump. Ông bổ nhiệm Dana White — CEO của giải đấu UFC và là đồng minh của Trump — vào hội đồng quản trị Meta, thăng chức cho chiến lược gia Cộng hòa Joel Kaplan lên vị trí Giám đốc phụ trách đối ngoại toàn cầu, và thu hẹp các nỗ lực thúc đẩy đa dạng tại cả Meta lẫn tổ chức từ thiện Chan Zuckerberg Initiative của gia đình ông.
Meta đã nới lỏng các chính sách về ngôn từ thù ghét, giải tán nhóm chuyên trách về quyền công dân, và xóa bỏ hệ thống kiểm chứng thông tin độc lập — điều từng khiến Trump vô cùng tức giận trong nhiệm kỳ đầu. Công ty thậm chí đã chi 25 triệu đô la Mỹ để dàn xếp vụ kiện của Trump sau khi ông bị cấm khỏi Facebook và Instagram, dù nhiều người trong nội bộ cho rằng vụ kiện đó Meta chắc chắn sẽ thắng nếu theo đuổi đến cùng.
Tốc độ và quy mô của những động thái này khiến nhiều người theo dõi cảm thấy choáng váng. Zuckerberg từ chối trả lời phỏng vấn cho bài viết này, nhưng Bloomberg Businessweek đã trao đổi với hơn 50 người — bao gồm hơn 30 nhân viên Meta hiện tại và cựu nhân viên, cùng hàng chục quan chức chính phủ từng làm việc với Meta qua các thời tổng thống Obama, Biden và Trump. (Nhiều người trong số đó yêu cầu giấu tên vì lo ngại bị trả đũa.) Những gì hiện lên là chân dung một con người không bị thúc đẩy bởi ý thức hệ chính trị, mà bởi bản năng sinh tồn cực kỳ nhạy bén.
“Mark luôn làm điều gì tốt nhất cho công việc kinh doanh,” Katie Harbath, cựu chiến lược gia kỹ thuật số của Đảng Cộng hòa và từng làm trong nhóm chính sách công của Facebook từ 2011 đến 2021, nhận xét. “Anh ấy luôn lo lắng bị vượt mặt trong đổi mới và luôn nghĩ đến di sản của mình.” Theo Harbath, trong nhiều năm, việc Zuckerberg công khai ủng hộ và tài trợ cho các sáng kiến tự do về cải cách nhập cư và đa dạng hóa cũng xuất phát từ tính toán đó. Khi những giá trị này không còn mang lại lợi ích chính trị, ông sẵn sàng từ bỏ chúng mà không do dự.
Từ khi Trump quay lại chính trường, ngày càng rõ ràng rằng các lãnh đạo doanh nghiệp cần điều chỉnh lại cách thức tham gia chính trị. Tính thù dai của Trump khiến những người không ủng hộ ông phải đối mặt với nhiều rủi ro, trong khi kiểu giao thiệp “có qua có lại” của ông lại mở ra cơ hội lớn cho những ai biết chiều lòng. Hành động cúi đầu của Zuckerberg là một phép thử tiêu biểu — và rất đáng suy ngẫm.
Có những lý do chính đáng để nghi ngờ mức độ hiệu quả của chiến lược xoay trục về phía Trump của Zuckerberg — bất chấp việc Vance lên án châu Âu có vẻ như là một thắng lợi cụ thể. Trump vẫn đang tìm cách giữ cho TikTok, đối thủ lớn của Meta, tiếp tục hoạt động tại Mỹ, dù phần lớn quốc hội đều nghi ngờ rằng mối liên hệ của TikTok với Trung Quốc gây rủi ro cho an ninh quốc gia.
Trump cũng không thể hiện dấu hiệu ủng hộ Điều 230, quy định hiện đang bị Quốc hội săm soi. Chính sách thuế quan của ông đã làm dấy lên lo ngại về nguy cơ suy thoái: khi công bố kết quả quý I, Meta cảnh báo chi phí phần cứng sẽ tăng do chính sách thương mại của Trump. Năm ngoái, Meta thu hơn 18 tỉ đô la Mỹ từ các nhà quảng cáo có trụ sở tại Trung Quốc — một nguồn doanh thu đang bị đe dọa khi các cuộc đàm phán Mỹ-Trung vẫn chưa ngã ngũ.
Giới hạn ảnh hưởng của Zuckerberg cũng lộ rõ trong những tuần trước phiên tòa chống độc quyền của Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) đối với Meta vào tháng Tư, khi nỗ lực cuối cùng của ông nhằm thuyết phục Trump và Chủ tịch FTC Andrew Ferguson dàn xếp vụ việc đã thất bại. Zuckerberg cùng các lãnh đạo khác phải dành nhiều ngày trên ghế nhân chứng, bị truy xét chi tiết về cơ chế vận hành nội bộ công ty. Meta kết thúc phần bào chữa vào ngày 21 tháng Năm. Nếu FTC thắng kiện, Meta có thể bị buộc phải tách Instagram và WhatsApp ra khỏi tập đoàn — một viễn cảnh có thể hủy hoại đế chế trị giá 1.600 tỉ đô mà Zuckerberg đã xây dựng. FTC từ chối bình luận.
Joel cứ nói với tôi rằng đảng Cộng hòa có lợi cho chúng ta hơn đảng Dân chủ.
Zuckerberg đã có nhiều động thái để lấy lòng Trump, nhưng đến nay vẫn chưa thấy hiệu quả cụ thể. “Chúng tôi chưa thấy bằng chứng cho thấy các thay đổi này mang lại lợi ích thực tế cho Meta,” Stefan Slowinski, nhà phân tích tại BNP Paribas Exane, nhận định.
Cũng không có gì bất ngờ. Trump đã tấn công Zuckerberg và công ty của ông trong gần một thập kỷ qua vì cho rằng họ thiên vị chống bảo thủ. Trong chiến dịch tranh cử năm 2024, Trump gọi ông là “ZUCKERBUCKS” trên Truth Social, cáo buộc không có bằng chứng rằng Zuckerberg có thể đang gian lận bầu cử, và ám chỉ ông có thể phải vào tù. Một cuốn sách bàn cà phê do Trump viết và xuất bản vào tháng Chín cũng đề cập đến việc bỏ tù Zuckerberg.
Nếu cú xoay trục của Zuckerberg khiến giới tự do cảm thấy phản cảm, thì phe MAGA cũng chưa chắc đã chấp nhận ông. “Vẫn còn sự ngờ vực rất lớn,” Alex Bruesewitz — cố vấn chiến lược kỹ thuật số của Trump, người phụ trách tài khoản mạng xã hội chính trị của ông — nói. Bruesewitz cho biết Meta đã thông báo trước với ông về các thay đổi chính sách kiểm duyệt nội dung thân thiện hơn với Trump. “Tôi không biết cần điều gì để cử tri của chúng tôi tha thứ hoàn toàn cho ông ấy. Có khi họ sẽ chẳng bao giờ làm thế.”
Trong nhiều năm, mặc định ở Silicon Valley và Washington là ngành công nghệ thiên về Đảng Dân chủ. Lực lượng lao động trẻ, chủ yếu đặt tại California, đồng thuận với Đảng Dân chủ về các vấn đề xã hội. Obama là tổng thống đầu tiên tận dụng thành công chiến dịch kỹ thuật số để giành Nhà Trắng, và Đảng Dân chủ từng hài lòng với cách tiếp cận “nhẹ tay” trong quản lý internet. Zuckerberg, lúc ấy mới 24 tuổi, có quan hệ thường xuyên với Obama.
Dưới thời Obama, số người dùng Facebook tăng từ khoảng 200 triệu lên gần 2 tỉ. Quy mô này khiến Facebook ngày càng có tầm ảnh hưởng, nhưng sự hoài nghi cũng lớn dần liên quan đến quyền riêng tư và tác động của nền tảng này lên chính trị.
Rồi đến bầu cử năm 2016. Zuckerberg bị sốc và hoang mang trước chiến thắng của Trump, nhưng cho rằng việc đổ lỗi cho tin giả trên Facebook là “điên rồ”. Dẫu vậy, công ty nhanh chóng nỗ lực trấn an dư luận bằng các công cụ kiểm chứng thông tin và kiểm duyệt nội dung mạnh mẽ hơn. Nhưng Đảng Dân chủ không bị thuyết phục. Còn Trump và các chính trị gia Cộng hòa bắt đầu công kích Facebook vì cho rằng họ kiểm duyệt phe bảo thủ. Từ năm 2018 đến 2024, Zuckerberg phải ra điều trần trước Quốc hội tới tám lần để giải trình chính sách và hoạt động kinh doanh của Meta.
Meta đã cố gắng tiếp cận chính quyền Trump đầu tiên. Joel Kaplan — lúc đó là Phó chủ tịch chính sách toàn cầu của Meta, từng làm Phó chánh văn phòng cho Tổng thống George W. Bush — đã xây dựng mối quan hệ với nội bộ Trump. Đồng thời, ông tìm cách thuyết phục Zuckerberg rằng việc đứng về phía một chính quyền Cộng hòa thân doanh nghiệp và một Tòa án Tối cao bảo thủ là rất quan trọng.
Trong nội bộ Meta, chiến lược này được gọi là “chiến lược Clarence Thomas,” theo những người nắm rõ vấn đề. Đến gần kỳ bầu cử 2020, luận điểm của Kaplan về lợi ích của chính quyền Cộng hòa bắt đầu có tác dụng. Bên lề một hội nghị công nghệ, Zuckerberg quay sang hỏi một nhân viên: “Joel cứ bảo Cộng hòa có lợi cho chúng ta hơn Dân chủ. Anh thấy đúng không?”
Từ góc nhìn của Zuckerberg, ông đã cố giữ lập trường trung dung và cuối cùng lại bị công kích từ cả hai phía. Sáng kiến Chan Zuckerberg từng tài trợ hơn 400 triệu đô cho các khoản chi liên quan đến bầu cử ở 49 bang — như thiết bị bầu cử, khẩu trang và lương cho nhân viên phòng phiếu. Nhưng phe Cộng hòa lại cáo buộc ông can thiệp để giúp Biden thắng, trong khi Zuckerberg cũng thất vọng vì Đảng Dân chủ chẳng mấy ghi nhận thiện chí của ông.
Trong suốt chiến dịch tranh cử, rõ ràng Biden không hề thiện cảm với Zuckerberg. Trong buổi hỏi đáp với New York Times, ông Biden nói: “Tôi chưa bao giờ là fan của Zuckerberg” và gọi CEO Meta là “một vấn đề thực sự”.
Hi vọng về một khởi đầu mới sau chiến thắng của Biden tan biến rất nhanh. Trump sử dụng Facebook để bác bỏ kết quả bầu cử và lan truyền thuyết âm mưu. “Chúng tôi biết điều này sẽ xảy ra. Chúng tôi đã cầu xin Facebook suốt hơn một năm phải nghiêm túc với vấn đề này,” Phó Giám đốc truyền thông chiến dịch Biden, Bill Russo, viết trên Twitter vài ngày sau cuộc bầu cử. “Họ không làm gì cả. Dân chủ của chúng ta đang bị đe dọa. Chúng tôi cần câu trả lời.”
Cuộc bạo loạn ngày 6 tháng Một củng cố quan điểm của chính quyền mới rằng việc Facebook chậm trễ xử lý thông tin sai lệch gây hậu quả nghiêm trọng. Biden không tìm kiếm mối quan hệ cá nhân với Zuckerberg sau khi nhậm chức. Tuy nhiên, đội ngũ của ông — và đôi khi chính ông — vẫn liên lạc thường xuyên với Meta về thông tin sai lệch liên quan đến đại dịch và tiêm vaccine. Dù Facebook đã triển khai các biện pháp mạnh tay, Nhà Trắng vẫn không hài lòng.
Trong các email và tin nhắn được công bố trong cuộc điều tra do Đảng Cộng hòa dẫn đầu về kiểm duyệt trực tuyến, các quan chức Nhà Trắng bày tỏ phẫn nộ với cách tiếp cận của Facebook. Một email có dòng tiêu đề: “Các anh đang che giấu thông tin.” Một trợ lý Biden viết: “Không phải vô lý khi chúng tôi thấy rằng lần trước cũng như vậy và hậu quả là một cuộc nổi dậy.” Trong nội bộ, nhiều lãnh đạo Meta phàn nàn rằng nhân viên đang bị quấy rối.
Cuộc đối đầu nổ ra công khai vào một chiều thứ Sáu oi ả tháng 7.2021, khi một phóng viên hét hỏi về Facebook và Covid đúng lúc Biden đang lên trực thăng để đến trại David. “Họ đang giết người,” ông đáp. “Tôi nói thật đấy. Nhìn xem, đại dịch duy nhất chúng ta còn là ở những người chưa tiêm vaccine, và họ đang giết người.”
Phát ngôn bất ngờ này khiến Nhà Trắng và Facebook rối loạn. Nick Clegg — người đứng đầu nhóm chính sách của Meta — nhắn rằng các quan chức Nhà Trắng đã “rất đạo đức giả và thiếu trung thực” về các trao đổi liên quan đến Covid, nói thêm rằng họ còn vừa nhận được phản hồi tích cực từ Văn phòng Tổng Y sĩ trong ngày hôm đó — trái ngược với lời Biden.
Zuckerberg và Sheryl Sandberg (khi đó là COO của công ty) đã cân nhắc công khai thông tin trao đổi để phản đòn Nhà Trắng. Zuckerberg nghi ngờ rằng phát ngôn của Biden là một phần trong chiến dịch gây áp lực có chủ đích. “Tôi cũng tự hỏi liệu chúng ta có nên thay đổi mô hình làm việc với [Nhà Trắng] không,” ông viết trong một tin nhắn được công bố sau đó. “Nếu họ chỉ quan tâm đến việc chỉ trích chúng ta hơn là thực sự giải quyết vấn đề, tôi không chắc tiếp tục hợp tác có ích gì.”
Một tuần sau, Tổng thống rút lại phát ngôn, nhưng tiếp tục chỉ trích các công ty mạng xã hội — đặc biệt là Meta — cho đến tận cuối nhiệm kỳ. Zuckerberg lui về hậu trường. Ông đổi tên Facebook thành Meta vào cuối năm 2021, vừa để phản ánh tầm nhìn mới về metaverse, vừa nhằm rũ bỏ tai tiếng cũ. Clegg được bổ nhiệm làm Chủ tịch phụ trách đối ngoại toàn cầu, còn Zuckerberg tập trung vào AI và thế giới ảo.
Trong khi vật lộn với Washington, Zuckerberg không thể không chú ý đến một cách tiếp cận khác: Elon Musk. Hai người là đối thủ lâu năm, và không mấy thân thiện. Khi Musk cảnh báo về nguy cơ AI tận diệt loài người, Zuckerberg gọi đó là “vô trách nhiệm”. Musk thì nói Instagram khiến người ta “trầm cảm” và gọi Zuckerberg là “cuck” (một từ miệt thị). Cả hai từng úp mở về việc thi đấu MMA trong lồng, nhưng Musk sau đó rút lui viện lý do bị chấn thương lưng.
Một nhóm tiếp thị của Meta thường xuyên khảo sát dư luận về hình ảnh của Zuckerberg. Theo tài liệu Bloomberg Businessweek tiếp cận được, khảo sát từng đo mức độ “thành thật”, “trưởng thành” hay “nhiệt huyết” của Zuckerberg và so sánh ông với các lãnh đạo công nghệ khác. Zuckerberg thường bị chế giễu là thiếu tự nhiên, trong khi Musk lại được mô tả là thiên tài. Ông từng tỏ ra bực bội khi thấy người ta đánh giá ông kém sáng tạo hơn Musk.
Zuckerberg cũng quan sát thấy Musk bất chấp quy định liên bang, sa thải hàng loạt, hành xử vô lễ trên mạng mà không bị trừng phạt gì nghiêm trọng. Sau nhiều năm xin lỗi và cố xây dựng ảnh hưởng chính trị, Zuckerberg trở nên ghen tị với sự tự do của Musk. Một số người gọi đó là “hội chứng ghen Elon”.
Zuckerberg bắt đầu học theo phong cách “năng lượng nam tính” đang thịnh hành trong một số góc mạng nơi Musk được tôn sùng. Ông tập MMA, để tóc dài, đeo dây chuyền vàng và mặc áo phông ngầm so sánh mình với hoàng đế La Mã. Ông xuất hiện trong các podcast thân hữu với giới manosphere do Joe Rogan và Theo Von dẫn. “Tôi không xin lỗi nữa,” Zuckerberg nói nửa đùa trong buổi ghi hình trực tiếp podcast Acquired, khiến khán giả cười lớn. “Chúng tôi nhận ra điều đó rồi,” một người dẫn đáp lại.
Bruesewitz, cố vấn của Trump — vốn rất nhạy với hình ảnh và thẩm mỹ của phong trào MAGA — nhận xét: “Ông ấy đã có quyết định có ý thức là xoay trục,” lặp lại nhiều thông điệp cánh hữu. “Có thể là ông ấy thực sự thay đổi,” Bruesewitz nói trước thềm bầu cử. Với một Zuckerberg biết chiều lòng và Musk đang nắm quyền kiểm soát X (trước đây là Twitter), ông cho rằng không gian mạng xã hội đang dần giống năm 2016 hơn là năm 2020.
Thực ra, chúng tôi chỉ giỏi thể hiện sự bao dung và tiến bộ vì đó là phương tiện để đạt được mục đích.
Kể từ khi Trump đắc cử, Meta đã từ bỏ cách tiếp cận mà công ty theo đuổi suốt tám năm trước đó. Bên cạnh hàng loạt thay đổi chính sách được công bố vào tháng Một, công ty còn chuyển nhóm phụ trách niềm tin và an toàn sang bang Texas như một sự nhượng bộ dành cho phe bảo thủ — những người từ lâu phàn nàn rằng các nhân viên ở California quá thiên tả. (Tuy nhiên, một số nhân viên cho biết động thái này mang tính hình thức, vì nhiều người trong nhóm đã làm việc từ Texas từ trước đó.) Zuckerberg cũng thay thế chương trình kiểm chứng thông tin của Meta bằng một tính năng huy động ý kiến cộng đồng, tương tự công cụ mà Elon Musk sử dụng trên nền tảng X.
Meta từ lâu đã nổi tiếng với việc sao chép sản phẩm của đối thủ mà không công khai thừa nhận. Nhưng lần này, Zuckerberg công khai ghi công Musk và sử dụng thuật toán mã nguồn mở của X làm nền tảng cho hệ thống kiểm chứng mới. Theo những người am hiểu, hai người đã có nhiều lần trao đổi riêng kể từ sau bầu cử.
Zuckerberg luôn nắm đủ quyền biểu quyết để đưa công ty đi theo bất kỳ hướng nào ông muốn. Nhưng những người trong nội bộ nói rằng trước đây ông sẵn sàng lắng nghe ý kiến của các lãnh đạo và thành viên hội đồng quản trị. Những cố vấn quan trọng từng có ảnh hưởng lớn đến ông như Sheryl Sandberg và Elliot Schrage (cựu Giám đốc truyền thông và chính sách toàn cầu) đều đã rời Meta từ lâu. Các thành viên hội đồng có tiếng nói và mối liên hệ với Đảng Dân chủ như Jeff Zients, Ken Chenault, Erskine Bowles và Reed Hastings cũng không còn tại vị.
Một số đồng nghiệp cho rằng các thay đổi gần đây — như xóa bỏ chương trình kiểm chứng, nới lỏng quy tắc nội dung — phản ánh đúng hơn niềm tin cá nhân của Zuckerberg. Tuy vậy, nhiều người từng làm việc lâu năm với ông bắt đầu đặt câu hỏi: liệu giá trị của ông còn trùng khớp với họ hay chưa bao giờ trùng khớp? “Tôi từng nghĩ giới công nghệ thiên tả,” Kelly Stonelake, cựu Giám đốc tiếp thị sản phẩm của bộ phận thực tế ảo tại Meta, chia sẻ. Sau 15 năm làm việc, cô đang kiện Meta vì phân biệt đối xử và quấy rối tình dục. (Meta đã yêu cầu tòa liên bang bác bỏ vụ kiện.) “Nhưng thực ra chúng tôi chỉ diễn rất giỏi — thể hiện tính bao dung, tiến bộ — vì đó là phương tiện để đạt mục đích mà thôi.”
Dấu hiệu của tinh thần sa sút đã bắt đầu xuất hiện. Một số nhân viên đang làm “kiểm tra sức khỏe tinh thần” cho nhau vào đầu các cuộc họp. Những người khác lập các câu lạc bộ sách bí mật để thảo luận về Careless People, hồi ký bán chạy của Sarah Wynn-Williams — cựu Giám đốc chính sách công của Meta. Cuốn sách có những đoạn miêu tả không hay về Zuckerberg và các lãnh đạo cấp cao, đồng thời chỉ trích cách Meta đối phó với chính quyền nước ngoài.
Meta coi đây là hành vi vi phạm thỏa thuận không bôi nhọ và đưa Wynn-Williams ra trọng tài, nhằm ngăn cô quảng bá sách. (Luật sư Ravi Naik đại diện Wynn-Williams nói: “Meta đang sử dụng lệnh bịt miệng để ngăn bà ấy nói sự thật” và cho biết công ty đang đòi khoản phạt 50.000 đô cho mỗi lần vi phạm.)
Một số biểu hiện vẫn cho thấy Meta muốn duy trì hình ảnh doanh nghiệp có trách nhiệm: các áp phích treo trong văn phòng vẫn kêu gọi “Không việc gì ở Facebook là vấn đề của riêng ai cả.” Nhưng ban lãnh đạo công ty đã phát đi tín hiệu rõ ràng rằng phản đối nội bộ sẽ không được chấp nhận lần này. Khi một nhân viên bày tỏ lo ngại về hướng đi mới của Meta trên diễn đàn nội bộ, Giám đốc công nghệ Andrew Bosworth đáp lại: ai không đồng tình thì có thể rời đi hoặc chấp nhận.
Anh có tin vào lần tái tạo hình ảnh mới nhất này không?
Dù vậy, vẫn có lý do để ngay cả những người chỉ trích cũng chưa rời bỏ Meta. Công ty vẫn là nơi làm việc có thu nhập cao — cổ phiếu tăng hơn 600% kể từ đáy năm 2022 — trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều bất ổn, nguy cơ mất việc gia tăng. Vào tháng Một, Meta sa thải khoảng 3.600 người được liệt vào danh sách “hiệu suất thấp,” động thái mà một số nhân viên cho là nhằm dập tắt bất đồng quan điểm. Các đợt sa thải tiếp tục diễn ra. (Người phát ngôn Meta phủ nhận việc sa thải nhằm bịt miệng người chỉ trích nội bộ.)
Căng thẳng nội bộ lộ rõ trong cuộc họp quy tụ các lãnh đạo cấp cao của Meta tại trụ sở Menlo Park vào tháng Một. Trong chương trình họp có buổi hỏi đáp với Zuckerberg, chỉ dành riêng cho nhân viên cấp phó chủ tịch trở lên.
Zuckerberg vừa công bố các chính sách mới. Tại một khán phòng lớn có tên là “Museum,” nhiều lãnh đạo bày tỏ không hài lòng về thay đổi liên quan đến chính sách đa dạng, công bằng và hòa nhập, cũng như kiểm duyệt nội dung. Eva Chen, người phụ trách đối tác trong ngành thời trang, tỏ ra không hài lòng với phát ngôn trước đó của Zuckerberg trong podcast của Joe Rogan — rằng nước Mỹ cần nhiều “năng lượng nam tính” hơn. Cô hỏi ông ngay tại cuộc họp rằng định nghĩa “năng lượng nam tính” của ông là gì.
Zuckerberg thừa nhận từ ngữ ông dùng có thể chưa chuẩn, nhưng không rút lại phát biểu. Ông nói doanh nghiệp Mỹ cần cạnh tranh quyết liệt và chủ động hơn. Với những câu hỏi khác, ông giữ vững lập trường. Ông đã quyết định và không định xem xét lại.
Trong thập kỷ qua, nhiều nhân vật quyền lực đã cố gắng thích nghi với tính khí thất thường của Trump và nhận trái đắng. Trump từng chế giễu Zuckerberg nhiều lần vì đến Nhà Trắng “để nịnh hót” trong nhiệm kỳ đầu, và từ khi trở lại, ông cũng không thể hiện tình cảm nào đặc biệt với Zuckerberg như với Elon Musk. Nhưng điều đó không có nghĩa Trump không thích được chiều chuộng. Khi được hỏi về bài viết này, người phát ngôn Nhà Trắng Anna Kelly gửi email trả lời rằng Trump “gặp rất nhiều CEO muốn tham gia nền kinh tế thời Trump.”
Nhà đầu tư cũng thấy tiềm năng từ chiến lược xoay trục. Theo Shweta Khajuria, nhà phân tích tại Wolfe Research LLC, việc thay đổi chính sách theo hướng thân Trump không gây tổn hại đến kết quả tài chính của Meta, mà ngược lại còn giúp giảm nguy cơ bị siết quy định. Nếu Đảng Dân chủ quay lại nắm quyền trong tương lai, cô dự đoán Zuckerberg “sẽ lại điều chỉnh để hợp tác với chính quyền đó.”
Tuy nhiên, một số người nhìn thấy rủi ro lớn nếu chiều gió chính trị đổi hướng. Elon Musk dù được tiếp cận dễ dàng với chính quyền Trump nhưng cái giá phải trả là tổn hại nghiêm trọng đến hình ảnh và doanh số Tesla. Các chiến lược gia chính trị trong và ngoài Meta cho rằng Zuckerberg cũng có thể đang “quá đà” theo hướng thân Trump. Chính ông cũng nhận thức được việc thay đổi chính sách có thể khiến Đảng Dân chủ xa lánh. Theo những người thân cận, ông đã chỉ đạo các lãnh đạo trong công ty lên kế hoạch lấy lại thiện cảm từ phía Dân chủ trong tương lai.
Tuy vậy, Meta có thể sẽ rất khó quay đầu, nhất là khi các tổ chức cấp tiến tin rằng công ty đang gây hại thật sự. Các nhóm vận động đang ghi nhận số vụ phát ngôn thù ghét và quấy rối nhắm vào nhóm thiểu số, phụ nữ và người chuyển giới gia tăng. Trung tâm Chống Thù ghét Kỹ thuật số (Center for Countering Digital Hate) cho biết trong báo cáo tháng Hai rằng hàng trăm triệu bài đăng từng bị coi là độc hại nhiều khả năng sẽ được giữ lại — một kết luận mà Meta phản đối, cho là dựa trên “phương pháp luận sai lệch.”
Alejandra Caraballo, giảng viên tại Trường Luật Harvard và là người từng nhiều năm làm việc với Meta về chính sách nội dung, cho rằng các hành vi lạm dụng trực tuyến có thể dẫn đến tổn hại ngoài đời thật. “Anh nghĩ chuyện gì sẽ xảy ra khi anh bật đèn xanh cho chính sách cho phép người ta gọi cộng đồng LGBTQ là tâm thần, cho phép chửi bới người chuyển giới?” cô đặt câu hỏi, đồng thời nói thêm rằng cô phát biểu với tư cách cá nhân. “Rất rõ ràng là có một sự đánh đổi ở đây với Mark Zuckerberg: nếu cần phải chọn, họ sẽ hy sinh người chuyển giới, hy sinh phụ nữ, hy sinh các nhóm thiểu số.”
Ngay cả Hội đồng Giám sát của Meta — cơ quan độc lập do chính công ty lập ra để xử lý các quyết định phức tạp về kiểm duyệt nội dung — cũng lên tiếng vào cuối tháng Tư rằng các thay đổi chính sách gần đây “được công bố vội vàng, không tuân thủ quy trình thông thường, và không rõ công ty đã thực hiện đánh giá tác động nhân quyền nào trước đó hay chưa.” Hội đồng khuyến nghị Meta đánh giá và công bố rủi ro của các chính sách mới. Meta tuyên bố sẽ phản hồi trong vòng 60 ngày.
Với tất cả những điều này, Zuckerberg sẽ gặp rất nhiều khó khăn nếu muốn chứng minh mình là một đối tác đáng tin cậy nếu Đảng Dân chủ quay lại cầm quyền. Kịch bản tồi tệ nhất là ông sẽ rơi vào cảnh bị cả hai phe xa lánh. Kịch bản đó phần nào hiện rõ vào ngày 9 tháng Tư, khi Wynn-Williams ra điều trần trước Quốc hội. Thượng nghị sĩ Cộng hòa Josh Hawley — đồng minh của Trump và là một trong những người chỉ trích Thung lũng Silicon gay gắt nhất — lưu ý rằng định vị chính trị mới của Zuckerberg lại trùng hợp một cách thuận tiện với phong trào MAGA. “Bà có tin vào lần tái sinh này không?” ông hỏi Wynn-Williams.
Cô bắt đầu câu trả lời bằng một câu hỏi tu từ: Liệu việc xin lệnh bịt miệng để ngăn cô nói về cuốn sách của mình có giống hành vi của người ủng hộ tự do ngôn luận hay không. “Đây là người đàn ông mang rất nhiều bộ mặt,” cô nói tiếp. “Giờ thì bộ mặt mới là đấu sĩ MMA hay gì đó, tự do ngôn luận — chúng ta không biết lần tới sẽ là vai diễn gì, nhưng chắc chắn sẽ khác.”
“Anh ta sẽ làm bất cứ điều gì để tiến gần hơn tới quyền lực,” cô kết luận.
Theo Bloomberg
Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn
https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/mark-zuckerberg-gan-day-nhiet-thanh-lay-long-trump-nhung-se-thu-hoach-duoc-gi-53337.html
Tặng bài viết
Đối với thành viên đã trả phí, bạn có 5 bài viết mỗi tháng để gửi tặng. Người nhận quà tặng có thể đọc bài viết đầy đủ miễn phí và không cần đăng ký gói sản phẩm.
Bạn còn 5 bài viết có thể tặng
Liên kết quà tặng có giá trị trong vòng 7 ngày.
BÀI LIÊN QUAN
Truy cập nhanh
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh
Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 8889.0868
Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn
© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media