Một sản phẩm của BEACON MEDIA
Khám phá nhiều hơn với tài khoản
Đăng nhập để lưu trữ và dễ dàng truy cập những bài viết bạn yêu thích trên Bloomberg Businessweek Việt Nam.
Phong lưu
Một triển lãm quy mô lớn tại Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan ở New York khám phá những năm tháng định hình sự nghiệp của họa sĩ vĩ đại này.
Tác phẩm "In the Luxembourg Gardens" của John Singer Sargent, sáng tác năm 1879. Nguồn: Bảo tàng Nghệ thuật Philadelphia, Bộ sưu tập John G. Johnson, 1917 (Mã số: 1080)
Tác giả: James Tarmy
10 tháng 5, 2025 lúc 4:00 PM
Tóm tắt bài viết
John Singer Sargent (1856-1925) nổi tiếng với chân dung quý cô thời Belle Époque. Ông đến Paris năm 1874 lúc 18 tuổi, quyết tâm khẳng định tên tuổi tại Paris Salon.
Triển lãm tại Bảo tàng Metropolitan từ 27/4-3/8/2024 giới thiệu 100 tác phẩm, tập trung vào giai đoạn đầu sự nghiệp của Sargent tại Paris, sau đó chuyển đến Musée d'Orsay.
Sargent trưng bày tác phẩm đầu tiên tại Paris Salon năm 1877. Ông nổi bật nhờ kết hợp phong cách hiện đại và truyền thống trong các chân dung.
Bức 'Madame X' (1883) gây tranh cãi khi trưng bày năm 1884 vì quá táo bạo. Sargent sau đó chuyển đến London và giữ bức tranh trong xưởng hơn 20 năm.
Triển lãm không chỉ giới thiệu kiệt tác mà còn cung cấp cái nhìn sâu sắc về hành trình nghệ thuật của Sargent từ Paris đến danh tiếng toàn cầu.
Tóm tắt bởi AI HAY
John Singer Sargent (1856-1925) nổi tiếng với những bức chân dung huyền ảo khắc họa các quý cô thời kỳ Belle Époque. “Được ông ấy vẽ chân dung là một dấu ấn đặc biệt cho những người vốn đã nổi bật,” một nhà phê bình viết trong bài cáo phó năm 1925. Nhưng trước khi trở thành họa sĩ chân dung hàng đầu tại Pháp — và sau đó là tại Anh và Mỹ — Sargent đã phải chứng minh tài năng trong giới thượng lưu, khẳng định mình như một họa sĩ xuất sắc. Đối với ông, chỉ có một nơi thích hợp để làm điều đó: Paris Salon.
Khi Sargent lần đầu đến Paris, ông là một họa sĩ trẻ đầy tham vọng nhưng chưa có tên tuổi. “Ông đến Paris, đăng ký học nghệ thuật, là một thanh niên tràn đầy năng lượng và nhanh chóng thiết lập các mối quan hệ với nhiều người thuộc nhiều giới khác nhau,” Stephanie Herdrich, người phụ trách tranh và bản vẽ Mỹ tại Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan New York, đồng thời là đồng giám tuyển của triển lãm Sargent và Paris, cho biết.
“Ông nhanh chóng tìm ra cách làm các tác phẩm của mình tại Paris Salon trở nên nổi bật nhất,” Herdrich nói, nhắc đến diễn đàn nơi hàng nghìn họa sĩ, từ vô danh đến nổi tiếng, trưng bày tác phẩm mới của mình. “Đó là nơi ông quyết tâm khẳng định tên tuổi, thu hút sự chú ý rộng rãi. Và ông nhận ra rằng mình phải táo bạo hơn để tác phẩm nổi bật giữa hàng nghìn bức tranh khác.”
Triển lãm tại Bảo tàng Metropolitan sẽ giới thiệu khoảng 100 tác phẩm nghệ thuật của Sargent, diễn ra từ ngày 27 tháng 4 đến ngày 3 tháng 8, sau đó sẽ được chuyển đến Bảo tàng Musée d’Orsay ở Paris vào tháng 9. Theo Herdrich, đây là triển lãm đầu tiên tập trung vào giai đoạn đầu sự nghiệp của Sargent tại Paris.
“Chưa ai thực sự nghiên cứu kỹ những năm đầu tiên của ông tại Paris — một giai đoạn đặc biệt, đầy tham vọng trong sự nghiệp của ông,” bà nói. “Paris đóng vai trò nền tảng cho sự phát triển của ông, tạo nền móng cho toàn bộ sự nghiệp sau này.”
Tham vọng tinh tế
Sargent đến Paris năm 1874 khi mới 18 tuổi. Ông sinh ra trong một gia đình người Mỹ sống tại châu Âu, trải qua tuổi thơ di chuyển khắp lục địa và chưa từng đặt chân đến Mỹ. Ngoài tiếng Anh, ông còn thông thạo tiếng Pháp, tiếng Đức và tiếng Ý. Với năng khiếu hội họa bẩm sinh, Sargent đến Paris với mục tiêu rõ ràng: trở thành một họa sĩ danh tiếng. Ông học tại xưởng vẽ của một họa sĩ chân dung nổi tiếng và nhanh chóng kết bạn với nhiều nghệ sĩ khác.
“Ông đến Paris với một nền tảng vững chắc và tại đây, ông hoàn thiện kỹ năng hội họa của mình,” Herdrich cho biết. “Ông đã luyện vẽ từ khi còn nhỏ.”
Chỉ ba năm sau, vào năm 1877, Sargent trưng bày tác phẩm đầu tiên tại Paris Salon — một bức chân dung của một người bạn gia đình. Dù thu hút sự chú ý từ giới phê bình, tác phẩm chưa tạo ra tiếng vang lớn. Nhưng ông không nản lòng. “Mọi người bắt đầu chú ý đến tranh của ông,” Herdrich nói. “Và khi ông ngày càng táo bạo hơn, ông đã thực sự được công nhận.”
Những xung đột hiện đại
Sự đột phá trong nghệ thuật của Sargent đến từ việc kết hợp nhuần nhuyễn giữa phong cách hiện đại và truyền thống. Ví dụ điển hình là bức chân dung Marie Buloz Pailleron năm 1879, được ông gửi tham dự Salon năm 1880. Bức tranh khắc họa Pailleron trong một khu vườn xanh mát, mặc chiếc váy đen tinh xảo tương phản với nền thiên nhiên.
“Đó là sự pha trộn giữa cảm hứng hiện đại và chủ nghĩa ấn tượng,” Herdrich giải thích. “Khung cảnh tự nhiên và góc nhìn từ trên cao kết hợp với chi tiết tinh xảo của trang phục.”
Sự sáng tạo này không bị bỏ qua. Một nhà phê bình mô tả Sargent là “một trong những người đứng cạnh chủ nghĩa ấn tượng.” Theo Herdrich, đây là cách ông “mở rộng ranh giới của thể loại chân dung và thu hút khách hàng.”
Madame X
Triển lãm đạt đến đỉnh điểm với tác phẩm nổi tiếng nhất của Sargent: bức chân dung toàn thân của Virginie Amélie Gautreau, còn được biết đến với tên gọi Madame X. Được thực hiện vào năm 1883, bức tranh khắc họa Gautreau trong bộ váy đen với dây đeo đính đá quý. Khi được trưng bày tại Paris Salon năm 1884, dây đeo trên vai Gautreau bị trễ xuống, tạo nên cảm giác táo bạo.
Sự phá cách này đã gây sốc cho giới phê bình, đặc biệt là những người bảo thủ, họ chỉ trích cả gu thẩm mỹ lẫn đạo đức của Gautreau. Bức tranh nhanh chóng trở thành một tác phẩm “gây scandal”, ảnh hưởng đến danh tiếng của Gautreau và buộc Sargent phải rời Pháp sang London.
“Câu chuyện về Madame X luôn được biết đến theo hướng này,” Herdrich nói. Nhưng triển lãm lần này mở rộng góc nhìn, nhấn mạnh rằng Gautreau không bị hủy hoại bởi bức chân dung. “Chỉ hai tuần sau, bà ấy đã xuất hiện trở lại tại Paris, có thể trong một chiếc váy tương tự.”
Herdrich cũng làm rõ rằng Sargent không rời Paris vì xấu hổ. “Ông đã cân nhắc chuyển đến London từ trước khi trưng bày Madame X,” bà nói.
Sau khi triển lãm kết thúc, Sargent sửa lại bức tranh, nâng dây đeo lên vị trí ngay ngắn hơn. Ông giữ bức tranh trong xưởng của mình và không công khai trưng bày nó suốt hơn 20 năm.
Triển lãm tại Bảo tàng Metropolitan kết thúc với những tác phẩm Sargent thực hiện sau vụ bê bối. “Chúng tôi hy vọng mọi người sẽ ghé thăm khu trưng bày nghệ thuật Mỹ và khám phá các tác phẩm sau này của ông,” Herdrich nói. “Nhưng việc nhìn nhận Madame X như một đỉnh cao của thời kỳ Paris, và khám phá những gì đã dẫn đến tác phẩm này, là điều hoàn toàn hợp lý.”
Mục tiêu của triển lãm, bà nhấn mạnh, không chỉ là giới thiệu những kiệt tác nổi bật mà còn cung cấp cái nhìn sâu sắc về hành trình của Sargent — từ những năm đầu học tập tại Paris đến cách ông phá vỡ giới hạn nghệ thuật và tạo dựng danh tiếng toàn cầu.
Theo Bloomberg
Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn
https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/hanh-trinh-john-singer-sargent-tro-thanh-hoa-si-chan-dung-noi-tieng-nhat-thoi-ky-gilded-age-53163.html
Tặng bài viết
Đối với thành viên đã trả phí, bạn có 5 bài viết mỗi tháng để gửi tặng. Người nhận quà tặng có thể đọc bài viết đầy đủ miễn phí và không cần đăng ký gói sản phẩm.
Bạn còn 5 bài viết có thể tặng
Liên kết quà tặng có giá trị trong vòng 7 ngày.
BÀI LIÊN QUAN
Truy cập nhanh
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh
Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 8889.0868
Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn
© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media