Tài chính

Đồng tiền châu Á tăng mạnh, ngân hàng trung ương đồng loạt can thiệp

Đồng đô la Mỹ suy yếu khiến hàng loạt đồng tiền châu Á tăng vọt, buộc các ngân hàng trung ương trong khu vực phải can thiệp để hạn chế biến động tỷ giá trong bối cảnh lo ngại suy thoái tại Mỹ ngày càng gia tăng.

Hình ảnh: Paul Yeung/Bloomberg

Hình ảnh: Paul Yeung/Bloomberg

Tác giả: Tian Chen

05 tháng 5, 2025 lúc 8:30 AM

Cơ quan tiền tệ Hồng Kông hôm thứ Sáu đã bán một lượng đô la Hồng Kông kỷ lục để ngăn đồng nội tệ tăng giá quá mức, nhằm bảo vệ cơ chế neo tỷ giá với đô la Mỹ đã duy trì suốt 42 năm. Ngân hàng trung ương Đài Loan cũng can thiệp sau khi đồng tệ tăng mạnh nhất kể từ năm 1988. Đồng nhân dân tệ giao dịch ngoài Trung Quốc tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 11 năm ngoái.

Diễn biến này cho thấy việc nhà đầu tư bán tháo tài sản định giá bằng đô la Mỹ đang gây tác động lan rộng đến các thị trường tài chính toàn cầu. Chính sách thuế quan thay đổi liên tục của Tổng thống Donald Trump đang làm dấy lên lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế tại Mỹ.

Tuần trước, giới đầu cơ đã đặt cược mạnh vào khả năng đồng đô la tiếp tục giảm giá, với mức độ bi quan cao nhất kể từ tháng 9 năm ngoái. Điều này phản ánh tâm lý thận trọng đang lan rộng trong giới đầu tư đối với các tài sản định giá bằng đồng đô la.

Các đồng tiền châu Á như yên Nhật và nhân dân tệ đang hưởng lợi nhờ dòng tiền chuyển từ đô la sang nội tệ. Trong bối cảnh làn sóng rút vốn khỏi tài sản Mỹ lan rộng, các đồng tiền này nổi lên như lựa chọn thay thế hiệu quả. Chiến lược này tiếp tục được duy trì, ngay cả khi Bắc Kinh và Washington bắt đầu cho thấy dấu hiệu hạ nhiệt căng thẳng thương mại. Gần đây, Trung Quốc cho biết đang cân nhắc nối lại đàm phán với Mỹ.

“Nút thắt thương mại này sẽ được tháo gỡ bằng cách để bong bóng đồng đô la xẹp xuống,” ông Brad Bechtel, giám đốc bộ phận ngoại hối toàn cầu tại Jefferies, nhận định. “Vì vậy, việc đặt cược vào khả năng đồng đô la suy yếu so với tiền tệ châu Á là điều hợp lý.”

Thị trường ngoại hối châu Á biến động mạnh hôm thứ Sáu, khi chỉ số tiền tệ khu vực do Bloomberg theo dõi ghi nhận mức tăng lớn nhất kể từ năm 2022. Cùng lúc đó, chỉ số đo lợi suất từ đầu tư tiền tệ ở các nền kinh tế mới nổi cũng đạt mức cao kỷ lục.

Đồng tiền tăng giá có thể giúp thu hút dòng vốn ngoại và giảm chi phí nhập khẩu, nhưng lại gây khó khăn cho xuất khẩu do làm hàng hóa nội địa kém cạnh tranh hơn.

Các nhà xuất khẩu bán ra

Đồng đô la Đài Loan là đồng tiền tăng mạnh nhất châu Á hôm thứ Sáu, tăng 3% nhờ dòng vốn nước ngoài đổ vào thị trường chứng khoán trong bối cảnh kỳ vọng nhu cầu chip từ các công ty Mỹ vẫn cao. Đà tăng được đẩy mạnh hơn khi các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước ồ ạt bán ra đô la Mỹ vì kỳ vọng đồng tiền này sẽ tiếp tục giảm, theo lời các nhà giao dịch giấu tên.

Trước diễn biến này, ngân hàng trung ương Đài Loan tuyên bố đã “can thiệp vào thị trường vào thời điểm thích hợp” để điều chỉnh biến động tỷ giá. Trên thị trường quyền chọn, giới đầu tư đang tỏ ra lạc quan nhất với đồng tiền Đài Loan kể từ năm 2008.

Tương tự, nhiều nhà xuất khẩu Trung Quốc cũng không còn xem đô la Mỹ hay trái phiếu chính phủ Mỹ là nơi trú ẩn tài chính an toàn giữa lúc căng thẳng thương mại kéo dài. Theo khảo sát của Bloomberg, họ đang từ bỏ tích trữ đô la và chuyển sang nắm giữ nhân dân tệ.

“Khi nguy cơ suy thoái tại Mỹ làm tăng khả năng cắt giảm lãi suất, lợi ích của việc nắm giữ tiền gửi bằng đô la không còn rõ ràng như trước,” nhóm phân tích của Goldman Sachs do ông Kamakshya Trivedi dẫn đầu nhận định. Họ dự báo các đồng tiền như nhân dân tệ, đô la Đài Loan và ringgit sẽ còn tiếp tục tăng.

Tại Hồng Kông, đồng tiền của thành phố này đã tăng lên mức cao nhất trong biên độ giao dịch cho phép — từ 7,75 đến 7,85 đô la Hồng Kông đổi một đô la Mỹ. Điều này buộc cơ quan đóng vai trò ngân hàng trung ương phải mua vào 46,5 tỷ đô la Hồng Kông (khoảng 6 tỷ đô la Mỹ), mức can thiệp lớn nhất từ trước đến nay, để kìm đà tăng của nội tệ.

Tại các thị trường khác trong khu vực, won Hàn Quốc, ringgit Malaysia và baht Thái đều tăng hơn 1%.

Đà tăng của các đồng tiền châu Á còn được thúc đẩy bởi việc nhà đầu tư rút khỏi tài sản định giá bằng đô la Mỹ. Trong tháng trước, đồng đô la cùng lợi suất trái phiếu dài hạn và giá cổ phiếu Mỹ đều sụt giảm mạnh, do lo ngại rằng chính sách thuế quan của ông Trump có thể làm tăng lạm phát nội địa, gây áp lực lên nền kinh tế và khiến Cục Dự trữ Liên bang khó cắt giảm lãi suất.

Lực mua tiền tệ châu Á tăng vọt hôm thứ Sáu sau khi Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết họ đã nhận được nhiều tín hiệu từ các quan chức cấp cao Mỹ bày tỏ mong muốn đối thoại với Bắc Kinh về thuế quan.

Trong thời gian tới, giới phân tích Phố Wall vẫn tin rằng tâm lý thận trọng đối với đồng đô la sẽ còn tiếp diễn, bất chấp báo cáo việc làm tại Mỹ công bố hôm thứ Sáu khả quan hơn dự kiến. Theo Goldman Sachs, báo cáo này “chỉ phản ánh điều đã xảy ra, chứ không nói lên điều gì sắp tới.”

“Chúng tôi đang đặt cược vào khả năng đồng đô la tiếp tục suy yếu, khi đường cong lợi suất Mỹ dốc lên và nhà đầu tư tiếp tục phòng ngừa rủi ro với tài sản Mỹ,” nhóm chiến lược gia của Morgan Stanley do ông David S. Adams dẫn dắt viết trong một báo cáo. Họ kỳ vọng đồng euro và yên Nhật sẽ tăng giá.

Theo Bloomberg

Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn

https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/dong-tien-chau-a-tang-manh-ngan-hang-trung-uong-dong-loat-can-thiep-53113.html

#tỷ giá
#đô la Mỹ
#nhân dân tệ
#thị trường tài chính
#Tổng thống Donald Trump
#suy thoái kinh tế
#biến động tỷ giá
#Fed
#USD
#Tỉ giá USD

Đăng ký nhận bản tin miễn phí

Liên hệ

Hợp tác quảng cáo

Chăm sóc khách hàng: (028) 888 90868

Email: cs@bloombergbusinessweek.vn

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh

Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại: (028) 8889.0868

Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn

© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media