Tài chính

Doanh nghiệp tư nhân sẽ được hỗ trợ lãi suất 2% khi thực hiện dự án xanh

Danh mục phân loại xanh quốc gia vẫn là mấu chốt để thúc đẩy dòng vốn xanh.

Hình ảnh: Khôi Đặng

Hình ảnh: Khôi Đặng

Tác giả: Tuấn Anh

19 tháng 5, 2025 lúc 5:06 PM

Nghị quyết số 198/2025/QH15 được Quốc hội thông qua vào ngày 17.5 có quy định doanh nghiệp tư nhân được Nhà nước hỗ trợ lãi suất 2%/năm khi vay vốn thực hiện các dự án xanh, tuần hoàn và áp dụng khung tiêu chuẩn môi trường, xã hội, quản trị (ESG).

“2% là con số rất có ý nghĩa với doanh nghiệp tư nhân,” ông Nguyễn Tùng Anh, trưởng phòng Nghiên cứu Rủi ro tín dụng và Dịch vụ tài chính bền vững của tổ chức FiinRatings nói. “Khi đưa ra con số cụ thể, doanh nghiệp lượng hoá ra được các yếu tố chi phí và cơ hội, mang tính đảm bảo cho các dự án mà họ đang thực hiện.”

Đối với nhiều doanh nghiệp lớn có nhu cầu vay trên 1.000 tỉ đồng, khoảng hỗ trợ 2% sẽ tương đương trên 20 tỉ đồng - mức có thể chi trả các chi phí như kiểm toán năng lượng và đánh giá xếp hạng xanh. Còn đối với các doanh nghiệp nhỏ, chi phí thực hiện các đánh giá phát triển bền vững còn quá cao, nên khoản hỗ trợ này “tích cực nhưng chưa quá rõ ràng," ông Tùng Anh nói.

“Năng lượng tái tạo và các dự án tác động môi trường là nhóm ngành đầu tiên có thể tiếp cận nguồn hỗ trợ,” ông Tùng Anh dự đoán.

Dư nợ tín dụng xanh đã đạt gần 680 nghìn tỷ đồng vào cuối năm 2024, chỉ tương đương 4% tổng dư nợ tín dụng của toàn nền kinh tế. Lý do chính khiến tín dụng xanh còn khiêm tốn là Việt Nam chưa có Danh mục phân loại xanh quốc gia. Việc phân loại và cung cấp khoản vay phụ thuộc tiêu chuẩn riêng của từng ngân hàng hay quỹ đầu tư tư nhân.

“Một yếu tố cần thiết đó là cần có định nghĩa cụ thể thế nào là phân loại xanh, thế nào phát triển bền vững, để hướng các nguồn hỗ trợ đến doanh nghiệp và dự án thật sự phù hợp,” ông Bùi Quang Duy, phó giám đốc Đầu tư toàn cầu, bộ phận Tài chính Khí hậu, responsAbility Investments AG (Thuỵ Sĩ) nói.

Theo ông Duy, khoảng hỗ trợ từ chính phủ sẽ đóng vai trò như "vốn mồi "để mở ra cơ hội thu hút sự tham gia của các thành phần kinh tế khác, bao gồm khối tư nhân. Khi nguồn tài chính được đa dạng từ chính phủ cho tới ngân hàng, và các quỹ đầu tư, sẽ "tạo ra sân chơi rộng hơn" và mang lại thêm lợi ích cho các doanh nghiệp tư nhân cần vốn.

Tại các quốc gia đã phát triển, các tổ chức tài chính hướng nguồn nguồn vốn dành cho các dự án phát triển bền vững theo sát lãi suất thị trường, vì đây là tài chính xanh được coi là sản phẩm tài chính phổ thông. Lợi ích chủ đạo của tài chính bền vững là nguồn vốn ổn định và dài hạn

"Nghị quyết 198 không chỉ là một cơ chế tài chính, mà còn là một thông điệp mạnh mẽ từ Nhà nước, thể hiện niềm tin vào lực lượng doanh nghiệp tiên phong," bà Đặng Huỳnh Ức My, chủ tịch HĐQT TTC AgriS nói.

(Bổ sung ý kiến của bà Đặng Huỳnh Ức My)

Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn

https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/doanh-nghiep-tu-nhan-se-duoc-ho-tro-lai-suat-2-khi-thuc-hien-du-an-xanh-53234.html

#dự án xanh
#dòng vốn xanh
#doanh nghiệp tư nhân
#lãi suất

Đăng ký nhận bản tin miễn phí

Liên hệ

Hợp tác quảng cáo

Chăm sóc khách hàng: (028) 888 90868

Email: cs@bloombergbusinessweek.vn

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh

Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại: (028) 8889.0868

Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn

© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media