Tài chính

Diễn biến đồng bạc xanh và tỉ giá hối đoái USD/VND sẽ như thế nào?

Giữ nguyên lãi suất, Fed khiến đồng USD chưa thể hạ nhiệt—tác động nào đang chờ đón tỉ giá USD/VND trong những tháng tới?

Hình ảnh: Shutterstock

Hình ảnh: Shutterstock

Tác giả: Thuận Đặng

12 tháng 5, 2025 lúc 9:30 AM

Tóm tắt bài viết

Fed giữ nguyên lãi suất 4,25-4,50% tại cuộc họp tháng 5, lần thứ 3 liên tiếp không thay đổi chính sách. Chủ tịch Powell nhận định thuế quan mới "mạnh hơn kỳ vọng" nhưng chưa cần phản ứng ngay.

Chỉ số USD (DXY) dao động quanh 100 điểm sau cuộc họp. HSBC dự báo Fed sẽ cắt giảm lãi suất 3 lần trong 2025, mỗi lần 25 điểm cơ bản vào tháng 6, 9 và 12.

Xác suất cắt giảm lãi suất vào tháng 6/2025 chỉ 20%, trong khi khả năng dời sang tháng 7 là 80%. Dữ liệu thị trường lao động tháng 5 sẽ là yếu tố quyết định.

VND đã mất giá khoảng 4% so với USD từ đầu năm 2024 do chênh lệch lãi suất giữa Việt Nam và Mỹ tiếp tục nới rộng.

Ông Nguyễn Tú Anh dự báo tỉ giá USD/VND sẽ ổn định trong 3 tháng tới. Các tổ chức tài chính ước tính tỉ giá có thể dao động 24.800-25.300 đến hết Quý III.

Tóm tắt bởi AI HAY

Trong cuộc họp tháng 5 vừa qua, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) đã quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 4,25–4,50%, đánh dấu lần thứ ba liên tiếp Fed duy trì chính sách tiền tệ không thay đổi. Động thái này nằm trong dự báo của giới đầu tư, nhưng điểm đáng chú ý nằm ở việc Fed bắt đầu sử dụng những ngôn ngữ mạnh hơn để mô tả mức độ bất định trong triển vọng kinh tế Mỹ. Theo thông cáo sau cuộc họp, các nhà hoạch định chính sách nhấn mạnh rằng “rủi ro về lạm phát và thất nghiệp đều gia tăng,” cho thấy khả năng điều chỉnh chính sách trong ngắn hạn vẫn còn để ngỏ.

Đồng USD vẫn chưa 'hạ nhiệt'

Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell, trong buổi họp báo sau đó đã đề cập đến các biện pháp thuế quan được công bố vào đầu tháng 4, cho rằng đây là các hành động “mạnh hơn nhiều so với kỳ vọng trước đó.” Tuy vậy, ông cũng khẳng định Fed chưa thấy cần thiết phải phản ứng chính sách ngay lập tức và vẫn trong trạng thái quan sát, đồng nghĩa với việc việc nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ chỉ được thực hiện nếu có thêm các tín hiệu rõ ràng từ nền kinh tế thực.

Trong bối cảnh đó, thị trường tài chính phản ứng một cách tương đối điềm tĩnh. Chỉ số USD (DXY) – thước đo giá trị đồng bạc xanh so với rổ sáu đồng tiền chủ chốt – dao động quanh mức 100 điểm sau cuộc họp, tăng nhẹ so với phiên trước nhưng chưa đủ tạo lập một xu hướng rõ ràng. Đáng lưu ý là tương quan truyền thống giữa chênh lệch lãi suất và sức mạnh đồng USD đang dần suy yếu. Biểu đồ dữ liệu từ Bloomberg và HSBC cho thấy từ đầu năm 2024 đến nay, mặc dù chênh lệch lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm (weighted 2Y interest rate differentials) giữa Mỹ và các nền kinh tế phát triển có biến động nhất định, chỉ số DXY vẫn giữ xu hướng đi ngang, phản ánh vai trò ngày càng lớn của các yếu tố phi kinh tế như chính sách thương mại và rủi ro địa chính trị.

Về triển vọng chính sách tiền tệ, các chuyên gia kinh tế của HSBC duy trì dự báo Fed sẽ thực hiện ba lần cắt giảm lãi suất trong năm 2025, mỗi lần 25 điểm cơ bản, rơi vào các kỳ họp tháng 6, 9 và 12. Tuy nhiên, HSBC cũng cảnh báo rằng xác suất thực hiện lần cắt giảm đầu tiên vào tháng 6 hiện chỉ ở mức 20%, trong khi khả năng dời sang tháng 7 đang được thị trường định giá cao hơn, lên đến 80% (theo dữ liệu cập nhật ngày 8.5 từ Bloomberg). Yếu tố then chốt vẫn là dữ liệu thị trường lao động tháng 5, sẽ được công bố vào ngày 6.6 tới đây. Nếu tỉ lệ thất nghiệp tiếp tục duy trì dưới ngưỡng 4% và số việc làm ròng không suy yếu, khả năng Fed giữ nguyên chính sách tại cuộc họp tháng 6 là rất cao.

Bối cảnh hiện tại đặt đồng USD vào trạng thái phòng thủ. Sự thiếu rõ ràng trong chính sách thương mại và những hoài nghi về vị thế cấu trúc của nền kinh tế Mỹ khiến các dòng vốn quốc tế trở nên thận trọng hơn. Trong ngắn hạn, xu thế của đồng bạc xanh sẽ phụ thuộc nhiều vào diễn biến từ các cuộc đàm phán thương mại và thông điệp tiếp theo từ Fed. Tuy nhiên, trong trường hợp các yếu tố bất định được gỡ bỏ, các yếu tố kinh tế cơ bản – đặc biệt là chênh lệch lãi suất – có thể sẽ sớm quay lại đóng vai trò dẫn dắt thị trường ngoại hối toàn cầu.

Áp lực lên tỉ giá USD/VND sẽ ra sao?

Diễn biến của đồng USD không chỉ phản ánh kỳ vọng chính sách tiền tệ của Fed, mà còn tạo ra áp lực trực tiếp lên các đồng tiền trong khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam đồng (VND). Việc Fed duy trì lập trường thận trọng và chưa vội cắt giảm lãi suất khiến lợi suất trái phiếu Mỹ tiếp tục duy trì ở mức cao, kéo theo sự hấp dẫn của tài sản định giá bằng USD. Điều này tạo ra môi trường thuận lợi cho dòng vốn dịch chuyển về Mỹ, đồng thời gia tăng áp lực mất giá lên các đồng tiền mới nổi, đặc biệt trong bối cảnh xuất khẩu của nhiều nền kinh tế châu Á – bao gồm Việt Nam – chưa có sự phục hồi rõ nét.

Từ đầu năm 2025 đến nay, VND đã ghi nhận mức mất giá khoảng 2% so với USD, chủ yếu do chênh lệch lãi suất giữa Việt Nam và Mỹ tiếp tục nới rộng. Trong khi lãi suất điều hành của Fed duy trì trên ngưỡng 5%, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (SBV) vẫn duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Điều này khiến việc giữ ổn định tỉ giá trở thành một thách thức lớn, nhất là khi cán cân thương mại và dòng vốn đầu tư gián tiếp chưa thực sự ổn định.

Trả lời Bloomberg Businessweek Vietnam, ông Nguyễn Tú Anh, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ của SBV, cho rằng: “Tỉ giá USD/VND phụ thuộc rất nhiều vào đàm phán thương mại Việt-Mỹ. Tuy nhiên, trong 3 tháng đến thì ổn định, có khả năng VND sẽ tăng giá nhẹ.”

Bên cạnh đó, khi nhận định về triển vọng đàm phán thương mại Việt-Mỹ, “Việt Nam có thể được Mỹ gia hạn thêm 90 ngày sau 90 ngày gia hạn đợt đầu. Do vậy, xuất khẩu Việt Nam vẫn tăng trưởng tốt, lượng ngoại tệ, đặc biệt là USD, sẽ dồi dào hơn làm giảm sức ép lên tỉ giá,” ông Tú Anh nói.

Một báo cáo của ngân hàng UOB mới công bố đã đưa ra dự báo tỷ giá USD/VND trong thời gian đến lần lượt là: 26.100 trong quý II.2025, 26.300 trong quý III/2025, 26.000 trong quý IV.2025, và 25.800 trong quý I.2026.

"Ngoài yếu tố đã rất khó dự đoán như lạm phát và lãi suất điều hành của Fed, thuế quan [đối ứng] là biến số mới khiến mọi thứ khó lường hơn,” ông Huỳnh Duy Sang, giám đốc Khối thị trường tài chính của ngân hàng Á Châu (ACB), nói. “Mức chênh lệch lãi suất đô la giữa Mỹ và Việt Nam cũng tác động.”

Ông Sang cho rằng các doanh nghiệp xuất khẩu vẫn có thể “xử lý kỹ thuật khiến dòng tiền ngoại tệ nằm ở nước ngoài, thay vì ở Việt Nam.” Ông dự báo tỉ giá USD/VND sẽ trượt giá tối đa 5% trong năm nay, lên mức 26.750 đồng đổi một đô la.

Việc quản lý tỉ giá trong thời gian tới sẽ đặt ra yêu cầu cao hơn về sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ và tài khóa, đặc biệt trong việc kiểm soát kỳ vọng của thị trường và giữ ổn định tâm lý nhà đầu tư quốc tế.

— Với sự hỗ trợ của Tuấn Anh (bổ sung nhận định của ông Huỳnh Duy Sang)

Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn

https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/dien-bien-dong-bac-xanh-va-ti-gia-hoi-doai-usd-vnd-se-nhu-the-nao-53169.html

#USD
#Tỉ giá
#USD/VND
#Fed

Đăng ký nhận bản tin miễn phí

Liên hệ

Hợp tác quảng cáo

Chăm sóc khách hàng: (028) 888 90868

Email: cs@bloombergbusinessweek.vn

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh

Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại: (028) 8889.0868

Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn

© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media