Một sản phẩm của BEACON MEDIA
Khám phá nhiều hơn với tài khoản
Đăng nhập để lưu trữ và dễ dàng truy cập những bài viết bạn yêu thích trên Bloomberg Businessweek Việt Nam.
Kinh tế
Lo sợ giá cả leo thang do thuế quan, người tiêu dùng Mỹ đã chi mạnh trong tháng Ba vừa qua. Tuy nhiên, khi cơn sốt mua sắm qua đi, doanh nghiệp sẽ đối mặt nhiều khó khăn.
Mua sắm cho đến khi thuế quan giảm? Hình ảnh: David Paul Morris/Bloomberg
Tác giả: Andrea Felsted
17 tháng 4, 2025 lúc 5:27 PM
Doanh số bán lẻ tại Mỹ trong tháng Ba năm 2025 tăng 1,4% so với tháng trước, chưa tính đến yếu tố lạm phát. Đây là mức tăng mạnh nhất trong vòng hai năm qua, theo dữ liệu từ Bộ Thương mại Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, mức tăng này không phản ánh sự lạc quan của người tiêu dùng, mà chủ yếu cho thấy người Mỹ đang tranh thủ mua sắm và tích trữ hàng hóa trước khi chính sách thuế quan của Tổng thống Donald Trump khiến giá cả leo thang. Ngay từ trước “Ngày Giải phóng,” chi tiêu đã bắt đầu giảm tốc và người tiêu dùng ngày càng thận trọng hơn. Việc mua trước quá sớm có thể khiến sức mua sụt giảm trong các tháng tới, làm giảm tổng chi tiêu vào cuối năm.
So với cùng kỳ năm trước, doanh số bán lẻ tăng 4,2% — một mức tăng đáng chú ý, nhất là khi lễ Phục sinh năm nay rơi vào tháng Tư, khiến các cửa hàng không hưởng được lợi thế từ nhu cầu mua sắm thực phẩm và đồ trang trí lễ hội. Nếu loại trừ yếu tố lạm phát, khối lượng hàng hóa bán ra tăng 2,1%, theo dữ liệu từ nhóm nghiên cứu GlobalData.
Động lực chính đứng sau đợt tăng mạnh này là nhu cầu mua xe mới trước khi thuế nhập khẩu ô tô do ông Trump đề xuất có hiệu lực. Các mức thuế này có thể khiến giá xe tăng thêm hàng nghìn đô la, dù ông Trump đang cân nhắc khả năng tạm hoãn. Theo tính toán của Bloomberg dựa trên dữ liệu từ Cục Điều tra Dân số Hoa Kỳ, doanh số bán xe và phụ tùng tăng gần 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đà tăng doanh số không chỉ giới hạn trong ngành ô tô. Doanh số bán vật liệu xây dựng và thiết bị làm vườn tăng 4,2%, trong khi đồ nội thất gia đình tăng gần 6%. Quần áo tăng 1,8%, và các mặt hàng điện tử, dụng cụ thể thao, đồ chơi cùng sách cũng ghi nhận tăng trưởng tích cực.
Một phần nhu cầu có thể tăng trở lại do thời tiết lạnh kéo dài trong tháng Hai, khiến người tiêu dùng chậm mua sắm các mặt hàng mùa xuân. Tuy nhiên, không phải ngẫu nhiên mà những sản phẩm như quần áo, nội thất, thiết bị điện tử, giày thể thao và đồ chơi lại là nhóm chịu ảnh hưởng nặng nhất từ căng thẳng thương mại.
Nhiều ngành hiện cho thấy đợt tăng trưởng vừa qua đang che giấu những tín hiệu đáng lo hơn. Ngay cả trước khi thuế quan được công bố, người tiêu dùng đã bắt đầu siết chặt chi tiêu. Lượng khách đến các chuỗi bán lẻ như Lululemon đã giảm, và người mua ngày càng thận trọng hơn với ví tiền của mình.
Tuần trước, hãng hàng không Delta Air Lines cho biết tăng trưởng gần như đã dừng lại và doanh thu không có chuyển biến. Giám đốc điều hành Ed Bastian chia sẻ với CNBC rằng công ty đang "hành động như thể nền kinh tế sắp bước vào suy thoái." Delta cũng nhận thấy người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu rõ rệt hơn, trong khi nhu cầu đi lại của doanh nghiệp bắt đầu có dấu hiệu bất ổn.
Tập đoàn LVMH trong ngày thứ Hai thông báo người tiêu dùng Mỹ vẫn mua sắm mạnh các sản phẩm thời trang và đồ da từ các thương hiệu như Louis Vuitton và Christian Dior, cũng như đồng hồ và trang sức của Tiffany. Tuy vậy, doanh số tại chuỗi mỹ phẩm Sephora và mảng kinh doanh rượu đã chững lại vài tuần gần đây. Các mặt hàng như mỹ phẩm và rượu — vốn phục vụ đối tượng có thu nhập thấp hơn — có thể bị ảnh hưởng nặng nề hơn do lo ngại lạm phát và nguy cơ mất việc.
Ngay cả các chuỗi bán lẻ thực phẩm cũng không nằm ngoài xu hướng tiết kiệm. Albertsons, đơn vị vận hành hệ thống Safeway và Vons, cho biết chưa thấy thay đổi rõ rệt nào trong hành vi mua sắm, nhưng khách hàng đã bắt đầu chuyển sang dùng hàng thương hiệu riêng của siêu thị thay vì chọn sản phẩm từ các nhãn hàng lớn, đồng thời ăn tại nhà nhiều hơn thay vì đi ăn ngoài.
Đợt chi tiêu mạnh trong tháng Ba có thể khiến đà thắt chặt chi tiêu trở nên rõ nét hơn trong thời gian tới. Các khoản chi như mua ô tô và thiết bị gia dụng vốn đã lớn và không diễn ra thường xuyên, nên những người vừa mua sắm nhiều trong tháng qua có thể sẽ không sớm quay lại thị trường, nhất là trong bối cảnh họ đang hạn chế chi tiêu cho các nhu cầu không thiết yếu.
Dù ô tô và các khoản chi lớn chiếm phần lớn mức tăng tháng này, xu hướng chi tiêu sớm dường như đã lan sang nhiều loại hàng hóa khác, bao gồm cả quần áo.
Ít nhất, làn sóng mua sắm vừa rồi cũng giúp giải tỏa phần nào lượng hàng tồn kho của các nhà bán lẻ. Trước đó, nhiều cửa hàng đã nhập lượng lớn hàng từ các nhà cung cấp châu Á nhằm phòng trước các mức thuế quan mới mà Trump sắp triển khai.
“Ngày Giải phóng” thực sự đã thúc đẩy người Mỹ chi tiền mạnh tay. Nhưng lý do không nằm ở niềm tin vào kinh tế — mà là nỗi lo giá cả sẽ còn tăng cao hơn nữa trong thời gian tới.
Theo Bloomberg
Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn
https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/nguoi-my-o-at-mua-sam-truoc-thue-quan-co-hieu-luc-53015.html
Tặng bài viết
Đối với thành viên đã trả phí, bạn có 5 bài viết mỗi tháng để gửi tặng. Người nhận quà tặng có thể đọc bài viết đầy đủ miễn phí và không cần đăng ký gói sản phẩm.
Bạn còn 5 bài viết có thể tặng
Liên kết quà tặng có giá trị trong vòng 7 ngày.
BÀI LIÊN QUAN
Truy cập nhanh
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh
Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 8889.0868
Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn
© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media