Kinh doanh

Một nền kinh tế mới cho gỗ đang dần hình thành tại California

Emma Foehringer Merchant 19/12/2024 16:28

Một nhóm doanh nghiệp trẻ trung đang biến rác thải gỗ thành lợi nhuận ở các tiểu bang miền Tây nước Mỹ vốn dễ bị cháy rừng. Nhưng thách thức với họ là quy mô những cánh rừng đang quá um tùm.

6.jpg
Một máy chế biến củi đang làm củi từ các khúc gỗ tại cơ sở Heartwood Biomass ở Jamestown, California.
Hình ảnh: Peter Prato cho Bloomberg Businessweek.

Tác giả: Emma Foehringer Merchant

19 tháng 12, 2024 lúc 4:28 PM

Mùi vụ cháy rừng gần đấy phủ kín bầu không khí tháng Tám khi chiếc xe tải kéo 20 tấn gỗ dừng lại ở cơ sở của công ty Heartwood Biomass, Jamestown, California. “Chúng tôi cần mấy khúc gỗ khô,” Matt King, phó chủ tịch bán hàng và sáng tạo của công ty, chia sẻ, khi những thân gỗ khô lắc lư qua lại trên đường tới nơi dỡ hàng. Dùng gỗ dạng này, mà với nhiều công ty là quá giòn và hư hại, không dùng được việc gì, Heartwood đã sản xuất ra lượng chất đốt trị giá hơn 300 ngàn đô la Mỹ kể từ khi khai trương nhà máy dưới chân vùng đồi núi Sierra Nevada hồi tháng Sáu.

Họ là một doanh nghiệp nhỏ, giản dị, nhắm tới giải quyết một vấn đề lớn, phức tạp: Rừng mọc quá um tùm gây nguy hiểm ở miền Tây nước Mỹ. Riêng ở California, một thế kỷ kiểm soát cháy rừng đã khiến hơn 13 triệu héc ta rừng dày đặc ở đây trở thành lò lửa dự bị, nhất là khi thời tiết ngày càng khô hanh vì nhiệt độ tăng lên. Năm 2020, California và cục Lâm nghiệp Mỹ (USFS) đặt mục tiêu giảm nguy cơ cháy rừng nhờ xử lý 400 ngàn héc ta rừng mỗi năm, với chi phí ước tính 2-4 tỉ đô la, bằng cách tỉa cây, đốt rừng có kiểm soát và những cách khác, bao gồm đầu tư cho các công ty như Heartwood.

peter-prato-05.jpg
Matt King, phó giám đốc bán hàng và đổi mới của Heartwood Biomass, tại cơ sở của công ty ở Jamestown. Hình ảnh: Peter Prato cho Bloomberg Businessweek.
peter-prato-01.jpg
Heartwood dự định thu gom chất thải gỗ từ các dự án khai thác gỗ tại Rừng Quốc gia Stanislaus. Hình ảnh: Peter Prato cho Bloomberg Businessweek.

Từ năm 2021, tiểu bang này đã dành ra bảy triệu đô la cho các dự án thí điểm nhằm kiếm được tiền từ rác thải rừng và nhiều triệu đô nữa để nghiên cứu nhiên liệu sinh học, xây dựng lực lượng lao động, và các cách tân khác. Chính quyền liên bang cũng tài trợ cho doanh nghiệp lâm nghiệp nhằm giảm bớt hỏa hoạn: Trong nhiều mục tiêu, họ muốn xử lý được thêm hơn 20 triệu héc ta rừng cho tới năm 2032, và USFS đã tài trợ cho một công ty khởi nghiệp chuyên về gỗ cách nhiệt để mở rộng hoạt động tới Oregon, một dự án gỗ dán chéo sử dụng gỗ thừa ở Montana và nghiên cứu xây dựng thị trường sinh khối ở khu vực Tây Nam của Mỹ.

Heartwood, có trụ sở ở Oregon, đã xây nhà máy tại California nhờ nguồn tiền huy động từ cả tư nhân, tiểu bang và liên bang, để trở thành một mắt xích trong chuỗi cung ứng lâm nghiệp. Không giống các hãng sinh khối và sản phẩm gỗ truyền thống, vốn chuyên thu hoạch các thân cây lớn, công ty dùng gỗ mỏng hơn, cùng thân gỗ chất lượng thấp hay đã hư hại. Thay vì tự chặt cây, Heartwood trả mức phí từ 35-50 đô la một tấn để mua gỗ đầu thừa đuôi thẹo của các dự án khai thác gỗ và quản lý rừng mà các công ty khác thường sẽ bỏ đi.

Gỗ thừa này được chở bằng xe tải tới nhà máy ở Jamestown, hiện mới chỉ sản xuất củi đốt, nhưng dự kiến hoạt động đầy đủ vào cuối năm 2025. Heartwood muốn biến rác thải gỗ này thành các sản phẩm có lợi nhuận cao nhất khả dĩ, phụ thuộc vào chất lượng nguyên liệu. Cọc gỗ, vốn được dùng ở các nông trại và có giá khoảng 500 đô la một tấn, và sản phẩm chống xói mòn có bằng sáng chế WoodStraw đứng đầu danh sách; còn lại sẽ thành củi đốt, bán cho nhà máy điện sinh học gần đó và cho cơ sở khí hóa của chính Heartwood nhằm tạo ra năng lượng vận hành cơ sở xử lý gỗ của họ.

peter-prato-06(1).jpg
Các đống củi tại cơ sở Heartwood Biomass, nơi công ty chuyển đổi gỗ thành các sản phẩm như củi và vật liệu kiểm soát xói mòn mang tên WoodStraw. Hình ảnh: Peter Prato cho Bloomberg Businessweek.

“Một cành gỗ đến sân này cũng phải tạo ra giá trị đô la thặng dư, hoặc ít ra là hòa vốn,” theo lời Martin Twer, giám đốc chương trình sinh khối ở trung tâm Nghiên cứu và huấn luyện Watershed, nhóm bảo tồn tại California biết rõ mô hình của Heartwood.

Dựa trên hoạt động kinh doanh ở Oregon, Heartwood dự kiến cơ sở California của họ sẽ có lợi nhuận trong năm thứ hai. Lợi nhuận nhiều khả năng sẽ thấp so với các công ty lớn hơn khác chuyên làm gỗ xây dựng. Nếu việc kiếm được tiền từ rác thải gỗ kiểu Heartwood dễ dàng hơn, thì “các xưởng cưa đã làm rồi,” King cho biết.

Các doanh nghiệp chuyên rác thải gỗ mới khác cũng có quy mô còn khiêm tốn như vậy. Công ty nhiên liệu sinh học Yosemite Clean Energy đang sử dụng tiền do tiểu bang cấp để xây hai nhà máy công suất 50 megawatt ở California nhằm biến 90 ngàn tấn rác thải sinh học thành hydrogen mỗi năm. (Công ty nói mỗi nhà máy sẽ xử lý đủ gỗ tương đương với tỉa thưa 2.000 héc ta mỗi năm.) Các công ty khởi nghiệp có vốn tư nhân cũng tham gia: Được thành lập năm 2020 nhờ khoản cho tặng 200 ngàn đô la từ tổ chức Nature Conservancy, công ty có trụ sở ở Washington, DC Cambium Carbon biến gỗ đầu thừa đuôi thẹo – gồm gỗ rác của hơn một chục xưởng cưa khắp California – thành sản phẩm Carbon Smart Wood dùng cho đồ nội thất, sàn nhà và hàng rào.

Một dự án khác được tiểu bang California cấp vốn sẽ xây dựng thị trường số nhằm kết hợp công ty sinh khối với chủ các khu đất cần tỉa thưa rừng nhằm giảm nguy cơ hỏa hoạn, giống như Match.com cho thợ rừng, theo Michael Maguire, trợ lý hoạch định phát triển thị trường lâm nghiệp ở văn phòng Sử dụng đất và sáng kiến khí hậu dưới quyền thống đốc California.

getty-images.jpg
Các trận cháy rừng đã thiêu rụi hơn chín triệu mẫu đất ở California kể từ năm 2018, bao gồm các đám cháy lớn như Camp (trên cùng bên trái), Woolsey (trên cùng bên phải), Tubbs (dưới cùng bên trái) và Bond (dưới cùng bên phải).
Hình ảnh: Josh Edelson/Getty Images; David McNew/Getty Images; Getty Images; Kent Nishimura/Getty Images.

Những dự án như vậy chỉ giải quyết được phần nhỏ một vấn đề cực lớn. California đang có khoảng 40 cơ sở năng lượng sinh học theo dự kiến hoặc đang hoạt động, so với 23 cơ sở hoạt động vào năm 2016, và hơn một chục cơ sở đấy sử dụng rác từ gỗ, theo dữ liệu tổng hợp của Woody Biomass Utilization Group, đại học California. Tiểu bang có khoảng hơn hai chục xưởng gỗ, nhưng dữ liệu hiện giờ về các công ty làm ra sản phẩm từ gỗ, như Heartwood, rất ít ỏi. Xét tổng thể, California sử dụng được không tới 20% rác từ gỗ ở tiểu bang này, theo số liệu chính thức.

Cháy rừng đã thiêu trụi hơn 400 ngàn héc ta ở California vào năm 2024, tương đương với diện tích rừng mà tiểu bang đang muốn xử lý để giảm bớt nguy cơ hỏa hoạn mỗi năm, do khí hậu nóng hơn và cây cối mọc dày đặc hơn nhờ những trận mưa mùa Thu. “Diện tích rừng quá lớn, khó mà quản lý xuể,” theo lời Stacey Martin, người đã cho Heartwood thuê đất ở Jamestown và sở hữu công ty khai thác gỗ địa phương Sierra Resource Management. “Tôi không biết là chúng tôi có thể theo kịp tốc độ xử lý rừng không, vì đang tụt lại quá xa phía sau.”

peter-prato-04.jpg
Stacey Martin, chủ tịch Sierra Resource Management, quan sát một khu vực khai thác gỗ nơi công ty đang hoạt động tại rừng quốc gia Stanislaus. Hình ảnh: Peter Prato cho Bloomberg Businessweek.

Dựng lên được những doanh nghiệp mới trang trải nổi chi phí xử lý rừng đòi hỏi thời gian và nguồn lực, hai thứ mà ai cũng thiếu thốn. Nhà máy mới của Heartwood mất năm năm thiết kế, lên kế hoạch và thi công, tiêu tốn 1,5 triệu đô la vốn tư nhân, 800 ngàn đô la tiền của USFS, 600 ngàn đô la từ một tổ chức phi lợi nhuận, gần 10 triệu đô la các khoản vay và tài trợ chống thiên tai của liên bang, thêm hai triệu đô la của tiểu bang. California đang bị thâm hụt ngân sách, khiến chính quyền chỉ có thể đầu tư hạn chế cho các dự án sinh khối thí điểm. “Chúng tôi biết vấn đề nằm ngoài khả năng của nguồn lực công,” Maguire nói. “Chúng tôi cần nỗ lực và tìm cách phát triển được nhu cầu trên thị trường tư nhân.”

Ngành gỗ từng rất phát đạt ở California: Những năm 1960, tiểu bang này có hơn 200 nhà máy xử lý gỗ và chở đi khắp toàn cầu. Khi tự động hóa lan rộng và hoạt động xử lý gỗ được chuyển sang những vùng khác của thế giới, thời kỳ đấy dần chấm dứt, nhất là sau những quy định bảo vệ môi trường chặt chẽ hồi những năm 1990 nhằm bảo vệ các hệ sinh thái và rừng lâu năm. Ngày nay, lượng gỗ tấm khai thác hàng năm ở các khu rừng cấp quốc gia thuộc tiểu bang này đã giảm gần 90% so với năm 1988, theo USFS.

peter-prato-03(1).jpg
Một công nhân của Sierra Resource Management cắt bỏ những cành cây còn lại từ một cây đã bị đốn. Công ty dự định sẽ gửi gỗ thải từ các dự án khai thác gỗ đến Heartwood trong tương lai. Hình ảnh: Peter Prato cho Bloomberg Businessweek.
peter-prato-02.jpg
Một phương tiện thu hoạch đốn cây tại một khu vực khai thác gỗ do Sierra Resource Management quản lý. Một số nhà bảo vệ môi trường lo ngại rằng việc thúc đẩy mở rộng ngành công nghiệp sinh khối có thể gây hại cho rừng.
Hình ảnh: Peter Prato cho Bloomberg Businessweek.

Nỗi lo về tác động tiêu cực lên môi trường của hoạt động khai thác gỗ khiến một số chuyên gia bảo tồn lo ngại, nếu không muốn nói là chống đối việc hồi sinh ngành này, nhất là với các công ty đốt gỗ để tạo ra năng lượng. Và cuộc tranh luận về cách thức quản lý rừng để thích ứng với hỏa hoạn, cũng như phương pháp tỉa thưa nào là tốt nhất, vẫn hết sức gay gắt.

Những nỗi lo này có nguồn gốc là thị trường sinh khối ở Đông Nam nước Mỹ, nơi những nhà máy viên nén gỗ và lâm trường khổng lồ đã khuyến khích hoạt động khai thác gỗ và phát thải có hại cho sức khỏe con người. Đốt sinh khối có thể sinh ra nhiều carbonic trên một đơn vị điện hơn cả đốt than. Drax, nhà sản xuất điện rất lớn ở châu Âu chuyên sản xuất viên nén gỗ ở vùng Đông Nam của Mỹ, đã ký ghi nhớ với một tổ chức phi lợi nhuận ở Canada để mở hai cơ sở viên nén thuộc vùng nông thôn California nhằm tận dụng rác thải từ rừng. “Họ sẽ nhắm tới phương pháp có tính kinh tế nhất, thay vì tốt cho hệ sinh thái nhất,” theo Rita Vaughn Frost, người ủng hộ bảo vệ rừng ở hội đồng Bảo vệ Tài nguyên thiên nhiên. Người phát ngôn của Drax viết trong email gửi chúng tôi là bản ghi nhớ nhằm “xây dựng giải pháp dài hạn giúp duy trì rừng bền vững và thúc đẩy giải pháp điện xanh thải carbon âm nhằm chống biến đổi khí hậu toàn cầu.”

Giới hoạch định chính sách của tiểu bang, những người kinh doanh và nhà khoa học trong ngành này nói chung nhất trí rằng để bảo vệ rừng, California cần tỉa bớt cây, đồng thời phải tính tới các quan ngại về sinh thái. Maguire, người tư vấn chính sách cho tiểu bang, nói xây dựng nền kinh tế gỗ mới đủ sức tự trang trải là yếu tố then chốt. “Bằng không, thì chúng ta lại về vạch xuất phát thôi,” ông nói, “tức là như xưa, không có cách đưa được nguyên vật liệu ra khỏi rừng, còn nguy cơ hỏa hoạn thì ngày càng tăng lên.”

Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn

https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/mot-nen-kinh-te-moi-cho-go-dang-dan-hinh-thanh-tai-california-52679.html

Đăng ký nhận bản tin miễn phí

Liên hệ

Hợp tác quảng cáo

Chăm sóc khách hàng: (028) 888 90868

Email: cs@bloombergbusinessweek.vn

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh

Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại: (028) 8889.0868

Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn

© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media