Kinh tế

Gia tăng năng suất tổng hợp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dài hạn

Gia tăng năng suất tổng hợp (TFP), và củng cố năng lực của ngành sản xuất nội địa là hai điều quan trọng đưa kinh tế Việt Nam tăng trưởng trong dài hạn. Đây là thông điệp chủ đạo của báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2025.

Hình ảnh: Maika Elan

Hình ảnh: Maika Elan

Tác giả: Linh Chi

28 tháng 6, 2025 lúc 4:03 PM

Tóm tắt bài viết

Báo cáo kinh tế Việt Nam 2025 nhấn mạnh tăng năng suất tổng hợp (TFP) và củng cố ngành sản xuất trong nước để thúc đẩy tăng trưởng GDP dài hạn của Việt Nam.

Bà Nguyễn Quỳnh Trang từ Đại học Kinh tế - ĐHQG Hà Nội nhận xét tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn phụ thuộc vào vốn công nghệ thông tin, đóng góp TFP còn khiêm tốn giai đoạn 2012-2024.

Tiến sĩ Vũ Hoàng Linh đề xuất Việt Nam cần cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, đầu tư vào khoa học công nghệ để tăng đóng góp của TFP vào GDP, hướng tới mục tiêu 2045.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Xuân Thúy phân tích khu vực công nghiệp đóng góp 33-37% GDP Việt Nam giai đoạn 2010-2023, tăng trưởng chậm lại sau dịch COVID-19, cần quay lại mức trước dịch.

Việt Nam tăng 10 bậc trong chỉ số cạnh tranh công nghiệp (CIP), xếp thứ 31/153 nền kinh tế, tuy nhiên 70% giá trị xuất khẩu đến từ khu vực FDI, cho thấy hạn chế nội địa.

Tóm tắt bởi AI HAY

Báo cáo tập trung phân tích về vai trò của TFP (năng suất tổng hợp) và khu vực công nghiệp đối với tăng trưởng GDP của Việt Nam. Từ đó, nhóm nghiên cứu đến từ đại học Kinh tế - ĐHQG Hà Nội chỉ ra những vấn đề đối với từng trụ cột, và đề xuất một số giải pháp để nâng cao hiệu quả đóng góp của hai trụ cột nói trên.

Nhìn từ phía cung, điểm chung của các quốc gia có tăng trưởng GDP cao ở khu vực Đông Á trong giai đoạn 1995-2023 là tỷ lệ đóng góp trung bình của TFP vào GDP cao. Ngược lại, tỷ lệ này ở Việt Nam là -19%.

“Tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn phụ thuộc vào vốn ICT,” bà Nguyễn Quỳnh Trang, giảng viên tại đại học Kinh tế - ĐHQG Hà Nội, một trong những tác giả nhận xét. Nếu chỉ nhìn riêng cơ cấu tăng trưởng của Việt Nam, trong giai đoạn 2012-2024, GDP tăng trưởng xấp xỉ 6%, nhưng đóng góp của TFP vẫn khiêm tốn.

Tiến sĩ Vũ Hoàng Linh, một trong những tác giả của báo cáo nhận xét TFP đóng góp vào khoảng 40-50% cho các quốc gia phát triển. Nhưng nếu nhìn vào Việt Nam, ở giai đoạn tăng trưởng 7% trong thời gian dài, cũng rất thấp. Nếu muốn trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2045, ông Linh đề xuất phải gia tăng đóng góp của TFP vào GDP.

Từ góc độ của mình, ông Linh nêu ra hai việc cần làm. Cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, gia tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo là việc đầu tiên. Điều thứ hai là đẩy mạnh đầu tư vào khoa học công nghệ, nghiên cứu phát triển như khoản đầu tư dài hạn cho GDP trong tương lai.

Trả lời cho câu hỏi làm sao để giảm bớt mức độ phụ thuộc vào xuất khẩu, như cách mà các quốc gia Đông Á đã làm được, bà Trang chỉ ra hai điểm khác biệt: Nhóm quốc gia kể trên đều xác định được nhóm sản phẩm chủ lực, có khả năng cạnh tranh, và đẩy mạnh chính sách công nghiệp để hỗ trợ sản xuất. “Các quốc gia như Nhật Bản tập trung vào huy động vốn nội địa để tập trung vào R&D, trong khi Trung Quốc thu hút FDI nhưng có điều khoản ràng buộc chuyển giao công nghệ,” bà Trang nói.

Việt Nam có những lợi thế khi tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTAs), nhưng cũng đi kèm các ràng buộc về cởi mở trong chính sách, nên quốc gia nên học hỏi từ cách những đất nước đã phát triển đưa ra chính sách hỗ trợ chi phí cho doanh nghiệp trong nước. “Điều quan trọng là cần lựa chọn đúng các sản phẩm mà doanh nghiệp trong nước dễ hấp thụ về chuyển giao công nghệ, cũng như dễ tiêu thụ trên thị trường, như nông sản.”

Một trọng tâm khác của báo cáo kinh tế thường niên kinh tế Việt Nam 2025 xoay quanh vai trò của lĩnh vực công nghiệp đối với kinh tế Việt Nam. Tiến sĩ Nguyễn Thị Xuân Thuý, giảng viên trường đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, tác giả phụ trách phần chính sách công nghiệp trong báo cáo phân tích, công nghiệp không chỉ là khu vực có vai trò quan trọng đối với GDP Việt Nam, mà đồng thời cũng là khu vực đóng góp lớn vào nguồn thu. Quan trọng hơn, phát triển các ngành công nghiệp theo chuỗi sẽ tạo ra sức lan toả sang những nhóm ngành khác khi gia tăng mức sử dụng nguyên vật liệu đầu vào.

Bà Thuý dẫn số liệu cho thấy, khu vực công nghiệp đóng góp xấp xỉ từ 33-37% tổng sản phẩm quốc nội trong giai đoạn 2010-2023. Khi nhìn vào cơ cấu giá trị tăng thêm theo thu nhập và nhóm ngành, thuế sản xuất (trừ trợ cấp sản xuất) của các nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo đang chiếm tỷ trọng lớn nhất trong số các ngành công nghiệp.

Tác động cuối cùng, nhưng cũng quan trọng không kém, theo bà Thuý, công nghệ tạo ra những mối liên kết chặt chẽ giữa các ngành công nghiệp, hay cụ thể hơn là các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị trong nước. Số liệu thống kê từ vị chuyên gia cho thấy, khoảng 46 nhóm ngành, chiếm gần 27% sử dụng 50% nguyên liệu đầu vào từ các ngành chế biến chế tạo, và 40 nhóm ngành cung cấp 50% đầu ra cho ngành công nghiệp chế biến chế tạo.

Dù đóng vai trò quan trọng, khu vực công nghiệp đang có những dấu hiệu chững lại từ sau đại dịch khi mức tăng trưởng theo năm của ngành công nghiệp chế biến chế tạo, và một số ngành công nghiệp chủ đạo chỉ xấp xỉ GDP từ sau năm 2019.

“Để trở thành động lực tăng trưởng của nền kinh tế, công nghiệp chế biến chế tạo phải quay lại mức tăng trưởng như trước dịch, bằng hoặc cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP.” Bà Thuý nhận xét.

Bên cạnh giữ được tốc độ tăng trưởng, năng lực của khu vực kinh tế tư nhân, nội địa trong lĩnh vực này, hay rộng hơn là năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp Việt Nam cũng là điều đáng lưu tâm.

CIP - chỉ số cạnh tranh công nghiệp thể hiện năng lực sản xuất, mức độ công nghiệp hoá và tầm ảnh hưởng của quốc gia trên toàn cầu của Việt Nam đã có nhiều bước tiến so với các quốc gia trong khu vực.

Chỉ trong vòng 5 năm, Việt Nam tăng khoảng 10 bậc, xếp thứ 31 trong số 153 nền kinh tế được UNIDO đánh giá về năng lực sản xuất công nghiệp. Xếp cạnh một số quốc gia Đông Nam Á, Việt Nam chỉ xếp sau Malaysia và vượt lên hẳn Philippines, Indonesia, Ấn Độ…Tỷ lệ của sản phẩm xuất khẩu trên thế giới của Việt Nam cũng cao hơn so với các quốc gia khác trong khu vực, thậm chí là cao nhất trong khu vực Đông Nam Á.

Các số liệu nói trên phần nào thể hiện được năng lực về sản xuất và xuất khẩu sản phẩm công nghiệp và đặc biệt là công nghiệp chế biến chế tạo của Việt Nam. Nhưng đối với quốc gia có 70% giá trị hàng hoá xuất khẩu tới từ khu vực FDI, những con số này có thể chưa nói đúng về năng lực sản xuất của khu vực kinh tế nội địa, hay như bà Thuý phân tích “giá trị xuất khẩu cao là nhờ FDI, và cũng không thể hiện được năng lực sản xuất của doanh nghiệp nội địa, bởi chúng ta có thể nhập khẩu nguyên liệu, sau đó xuất khẩu.”

Câu chuyện sẽ khác nếu nhìn vào tỷ lệ đóng góp của khoa học công nghệ trong giá trị gia tăng/ tổng giá trị gia tăng của các sản phẩm công nghiệp chế biến chế tạo (Manufactoring Value Added - MVA). Mức đóng góp này của Việt Nam thấp hơn đa số các quốc gia trong khu vực, kể cả những quốc gia xếp hạng thấp hơn Việt Nam về chỉ số CIP. “Giá trị gia tăng tạo ra từ ngành công nghiệp chế biến chế tạo vẫn còn thấp, vị trí của ngành công nghiệp trong toàn cầu được tạo ra từ MVA," bà Thuý nhận xét. 

Đề xuất của chuyên gia theo dõi lĩnh vực công nghiệp hơn 20 năm xoay quanh câu chuyện xây dựng chính sách phát triển công nghiệp theo từng bước, đặt trong bối cảnh mới, đáp ứng các nhu cầu mới. Bà Thuý cũng nhắc tới cụm công nghiệp (industrial cluster) là một gợi ý phù hợp với Việt Nam hiện tại, bởi đáp ứng được nhu cầu hình thành chuỗi giá trị và cụm liên kết ngành để tận dụng lợi thế lan toả, đồng thời chuyên môn hoá được địa phương và hợp tác vùng trong đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ xây dựng cụm công nghiệp.

Tham gia trong phần thảo luận, tiến sĩ Dorsati Mandani, chuyên gia kinh tế từ ngân hàng Thế giới nhấn mạnh rằng chính sách công nghiệp được xây dựng không nên mở rộng, mà cần tập trung. Cụ thể, đối với mỗi quốc gia, họ nên chọn một số nhóm ngành nhất định là trọng tâm để xây dựng chính sách.

“Việt Nam thay vì dàn trải, nên tập trung. Với nguồn lực có giới hạn, hãy tập trung hỗ trợ cho nhóm doanh nghiệp có năng lực, thay vì hỗ trợ dàn trải. Đó cũng là cách để các công ty có năng lực tiếp tục phát triển,” bà Dorsati nói. Chuyên gia từ WorldBank cũng khuyến nghị, chính sách được xây dựng theo kiểu liên ngành, hỗ trợ sự phát triển của toàn bộ nền kinh tế, và có sự tham gia của tất cả các bên như khu vực tư nhân, chính phủ lẫn trường đại học.

Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn

https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/gia-tang-nang-suat-tong-hop-de-thuc-day-tang-truong-kinh-te-dai-han-53589.html

Đăng ký nhận bản tin miễn phí

Liên hệ

Hợp tác quảng cáo

Chăm sóc khách hàng: (028) 888 90868

Email: cs@bloombergbusinessweek.vn

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh

Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại: (028) 8889.0868

Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn

© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media