Kinh tế

Đón đầu cơ hội kinh tế phục hồi, doanh nghiệp ngành nào đang nhanh nhạy chiếm chỗ?

Nhiều mặt bằng bán lẻ hạ biển cho thuê, sơn phết, chỉnh trang do nhu cầu mở rộng của các chuỗi bán lẻ, thực phẩm, siêu thị. 76% doanh nghiệp thành lập mới trong chín tháng thuộc ngành dịch vụ.

Mua sắm tại khu trung tâm thương mại
Vincom Đồng Khởi, Quận 1. Hình ảnh: Ri Hứa

Mua sắm tại khu trung tâm thương mại Vincom Đồng Khởi, Quận 1. Hình ảnh: Ri Hứa

Tác giả: Linh Chi

24 tháng 10, 2024 lúc 11:57 AM

Nằm giữa khu chung cư cũ nhuốm màu thời gian tại số 6B công trường Quốc tế, đối diện hồ Con Rùa, cửa hàng tiện lợi GS25 “luôn đông đúc mỗi lần tôi đi ngang qua,” Yến Xuân, cô gái làm việc tại toà nhà Empress Tower cách đó vài trăm mét kể. Đây là cửa hàng thứ 20 khai trương trong tháng Tám năm nay của chuỗi cửa hàng tiện lợi tới từ Hàn Quốc, theo thông tin trên trang LinkedIn của ông Mai Thuỵ Nhân, CEO chuỗi.

Không riêng GS25, Family Mart hay 7-Eleven là các đơn vị được ông David Jackson, CEO tại Avison Young Việt Nam – đơn vị chuyên tư vấn về bất động sản, “điểm danh” đang tham gia cuộc đua tranh giành thị phần ở các vị trí tiếp cận tốt nhất trong khu vực đông dân cư. Nhu cầu tăng khiến giá thuê tăng mạnh ở khối đế bán lẻ (dưới tháp chung cư, văn phòng) và trung tâm thương mại Hà Nội. Tại TP.HCM, phân khúc bất động sản bán lẻ có thêm nguồn cung từ dự án có quy mô lớn nhất miền Nam là Vincom Mega Mall Grand Park khai trương vào quý II, dự án Parc Mall cũng vừa khai trương vào tháng Chín. Không chỉ gia tăng điểm bán ở Hà Nội, TP.HCM, các chuỗi siêu thị, trung tâm mua sắm cũng mở rộng ra các tỉnh. Aeon vừa khai trương siêu thị tại Huế trung tuần tháng Chín. “Động thái nói trên của nhiều mô hình bán lẻ cho thấy mục tiêu mở rộng để đón đầu đà phục hồi của ngành, dựa trên cơ sở ổn định và triển vọng phục hồi của nền kinh tế Việt Nam,” ông David trả lời người viết qua thư điện tử. 

5-01.jpg

Xu hướng phát triển nhanh chóng của các chuỗi cửa hàng tiện lợi được ghi nhận trong báo cáo thị trường bán lẻ hiện đại do Q&Me phát hành vào tháng Tư năm nay. “Các thương hiệu cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini đã tái đầu tư tại Việt Nam để tăng số lượng cửa hàng. GS25, Ministop, 7-Eleven và Co.op Food đều ghi nhận số lượng cửa hàng tăng trưởng trong vòng một năm qua,” báo cáo viết.

Hai chuỗi cửa hàng tiện lợi tới từ Nhật Bản và Hàn Quốc là Mini Stop và GS25 là những cái tên nổi bật khi gia tăng độ phủ tới khách hàng. Trung bình mỗi tháng, họ mở mới khoảng bốn cửa hàng kể từ giai đoạn 3.2023 tới 4.2024. Riêng GS25, trong hai tháng gần nhất, mỗi tháng có xấp xỉ 20 cửa hàng mới ra mắt.

Bên cạnh việc mở rộng của các chuỗi bán lẻ hiện đại, một vài thương hiệu kinh doanh F&B cũng tăng độ phủ, với đại diện tiêu biểu là Phê La - chuỗi thức uống đặc sản ghi điểm với nhiều người bởi các thức uống có hương vị đặc trưng như “Khói B’lao” hay “Bông”. Anh Lương Thanh Sơn, một trong những khách hàng trung thành của chuỗi trở thành “khách hàng VIP” sau hai tháng cửa hàng Phê La nằm trên đường CMT8, giữa hai trục đường đông đúc là Võ Văn Tần và Nguyễn Thị Minh Khai mở cửa. Văn phòng công ty anh Sơn nằm trong toà nhà đối diện, nên nơi đây đã trở thành điểm hẹn cho đa số các cuộc gặp gỡ giữa anh với bạn bè, đối tác. Tính tới tháng Chín năm nay, họ đã có 33 cửa hàng trên toàn quốc, gần gấp ba lần con số 12 cửa hàng vào thời điểm cuối năm 2023. “Chúng tôi tăng tốc độ mở mới hàng năm để đáp ứng nhu cầu của các Đồng Chill – tên gọi của cộng đồng khách hàng Phê La”, đại diện chuỗi này trả lời người viết qua thư điện tử.

Sau nhiều năm hoạt động ở các quận trung tâm, tập đoàn Lotus Group dự kiến khai trương hai nhà hàng Coco Ichibanya và Marukame Udon ở tầng năm trong trung tâm thương mại lớn nhất miền Nam Vincom Mega Mall Grand Park, bước đi mang tính “thăm dò” thị trường ở khu vực ngoại ô. 

6-01.jpg

Lotus Group đang sở hữu các chuỗi nhà hàng ẩm thực Nhật Bản hướng tới khách hàng trung cao cấp như cơm cà ri Coco Ichibanya, mì udon Marukame Udon hay các nhà hàng cơm thịt bò, thịt nướng trên đá. Trong quý IV, bà Lê Vân Mây, chủ tịch Lotus Group cho biết sẽ có thêm khoảng sáu nhà hàng được mở tại TP.HCM và Hà Nội. Đặc biệt, họ đang gấp rút chuẩn bị cho cụm nhà hàng cơm cà ri, cơm bò và thịt nướng đặt ở từng tầng trong cùng một toà nhà có vị trí đắc địa - nằm cạnh ngã sáu Dân Chủ, nơi giao nhau của nhiều tuyến đường chạy từ quận Ba về quận Mười.

Ngoài gia tăng cửa hàng, không ít doanh nghiệp còn mạnh dạn đầu tư để mở rộng không gian các điểm bán. Trên fanpage của doanh nghiệp, GS25 cho biết cửa hàng mới khai trương tại khu đất vàng - đối diện hồ Con Rùa có hai tầng, và cả không gian cà phê rộng rãi để phục vụ cho nhu cầu trải nghiệm của Gen Z - đối tượng khách hàng chủ lực của chuỗi này. “Chúng tôi nâng cấp nhiều cửa hàng đầu tiên ở cả Hà Nội và TP.HCM bằng cách mở rộng diện tích, điều chỉnh cách trang trí cho phù hợp với nhu cầu của khách hàng,” đại diện Phê La cũng cho biết.

3.jpg
Mua sắm bên trong khu trung tâm thương mại Giga Mall. Thủ Đức

Hoạt động tăng độ nhận diện thông qua số lượng cửa hàng, nâng cấp không gian điểm bán thuộc “các doanh nghiệp lớn, có tiềm lực tài chính và tầm nhìn dài hạn” trong ngành dịch vụ như bà Mây nhận xét. Bức tranh chung, theo số liệu chín tháng của tổng cục Thống kê, ghi nhận gần 76% trong số hơn 121 ngàn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Một khảo sát mới được Vietnam Report công bố vào cuối tháng Chín đưa ra con số khả quan: Gần 75% doanh nghiệp bán lẻ trả lời có doanh thu tương đương hoặc cao hơn so với cùng kỳ năm trước, đồng thời, 66,3% cho biết đang duy trì và cải thiện lợi nhuận.

 “Chín tháng đầunăm 2024, gần 76%trong số hơn 121 ngàn doanh nghiệp thành lập mới thuộc ngành dịch vụ, theo báo cáo tình hình kinh tế xã hội chín tháng.”

Tác giả trích dẫn

Những tín hiệu từ mảng dịch vụ bán lẻ phần nào cho thấy nền kinh tế đang dần hồi phục. “Sự phục hồi có lẽ diễn ra ở khu vực tiêu dùng là chủ yếu, một phần cũng do nền thấp của năm ngoái,” bà Trần Khánh Hiền, trưởng bộ phận Nghiên cứu tại công ty chứng khoán MB nhận xét. Tuy nhiên, khu vực sản xuất và kinh tế tư nhân nói chung sẽ cần thêm thời gian. “Tăng vốn là chỉ báo dễ thấy nhất của đầu tư mở rộng sản xuất, nhưng tôi chưa nhìn thấy ở doanh nghiệp Việt Nam nói chung.” Thông thường, hoạt động sản xuất phục hồi trễ hơn khu vực dịch vụ. Bà Hiền dự đoán các chỉ số sức khoẻ kinh tế Việt Nam sẽ ổn hơn từ quý II năm sau. “Chúng tôi kỳ vọng các hoạt động đầu tư, gia tăng hiện diện sẽ ngày càng gia tăng vào cuối năm,” ông David Jackson nói về triển vọng của thị trường.

Cùng quan điểm, đại diện Phê La dự báo thị trường F&B, đặc biệt là đồ uống sẽ nhộn nhịp hơn vào giai đoạn cuối năm nay bởi nhu cầu tiêu dùng, tụ họp, gặp gỡ gia tăng. Trong năm nay, chuỗi thức uống được lòng giới trẻ đã kịp đặt chân tới các thành phố mới như Vũng Tàu, Hải Phòng, Nha Trang, song song với gia tăng cửa hàng ở các địa điểm ngoài TP.HCM và Hà Nội. Mục tiêu của họ cho tới đầu năm 2025 là đưa số lượng cửa hàng cán mốc 45, gần gấp bốn lần số lượng vào cuối năm 2023. “Sự mở rộng của chuỗi đến từ nhu cầu và sự đón nhận của Đồng Chill.”

Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn

https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/don-dau-co-hoi-kinh-te-phuc-hoi-doanh-nghiep-nganh-nao-dang-nhanh-nhay-chiem-cho-52492.html

#bán lẻ
#kinh tế phục hồi
#ngành dịch vụ

Đăng ký nhận bản tin miễn phí

Liên hệ

Hợp tác quảng cáo

Chăm sóc khách hàng: (028) 888 90868

Email: cs@bloombergbusinessweek.vn

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh

Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại: (028) 8889.0868

Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn

© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media