Một sản phẩm của BEACON MEDIA
Khám phá nhiều hơn với tài khoản
Đăng nhập để lưu trữ và dễ dàng truy cập những bài viết bạn yêu thích trên Bloomberg Businessweek Việt Nam.
Công nghệ
Cuộc trò chuyện với tiến sĩ Christopher Nguyễn, CEO Aitomatic, làm rõ vai trò của trí tuệ nhân tạo (AI) trong công nghiệp toàn cầu và triển vọng tại Việt Nam.
Ông Christopher Nguyễn tại hội nghị Quốc tế về trí tuệ nhân tạo và bán dẫn diễn ra ở Hà Nội trong hai ngày 12 và 13.3. Hình ảnh: Maika Elan
Tác giả: Tuấn Anh
14 tháng 3, 2025 lúc 10:26 AM
Trí tuệ nhân tạo (AI), theo CEO Aitomatic, đang thay đổi nền công nghiệp toàn cầu, hiện có giá trị tương đương khoảng 25 ngàn tỉ đô la Mỹ. Cuộc trò chuyện với tiến sĩ Christopher Nguyễn, tổng giám đốc kiêm nhà sáng lập của Aitomatic, trước thềm sự kiện hội nghị Quốc tế về trí tuệ nhân tạo và bán dẫn tại Hà Nội (12-13.3) không chỉ làm sáng tỏ vai trò của AI trong công nghiệp, mà còn chỉ ra khả năng triển khai tại Việt Nam.
AI đóng vai trò như thế nào trong ngành sản xuất, đặc biệt nâng cao năng suất lao động trong kỷ nguyên mới?
Vượt ra ngoài khả năng ứng dụng tạo lập văn bản, AI đang kết nối chặt chẽ thế giới vật chất và số, từ đó cách mạng hóa quy trình sản xuất – lĩnh vực tạo ra phần lớn giá trị kinh tế. Với vai trò hệ thống kết hợp AI với kinh nghiệm chuyên gia lĩnh vực cụ thể để giải quyết các thách thức của ngành công nghiệp (Domain-Expert Agent Factory), Aitomatic có thể nhân rộng kiến thức chuyên môn đến 50 lần, tương đương kiến thức của một chuyên gia được truyền đạt cho 50 người khác với tốc độ nhanh nhất có thể. Nhờ đó, quá trình phát triển kỹ năng vốn mất nhiều năm nay được rút ngắn chỉ còn vài tuần, đồng thời nâng cao hiệu suất lên tới 20%.
Ứng dụng AI vào ngành công nghiệp đang chuyển mình từ giai đoạn thử nghiệm sang triển khai rộng rãi. Hiện nay, các nhà sản xuất bán dẫn đã tích hợp AI trực tiếp vào quy trình sản xuất, tạo ra các vòng lặp phản hồi thông minh, qua đó nâng cao hiệu quả sản xuất thêm 15%. Đồng thời, Edge Intelligence – AI (Sự kết hợp trí tuệ nhân tạo và thiết bị ở rìa mạng cho phép xử lý dữ liệu một cách thông minh gần nơi dữ liệu được tạo ra, thiết bị cục bộ như cảm biến, máy móc công nghiệp rìa mạng, không phụ thuộc vào máy chủ đám mây) hoạt động trực tiếp trên thiết bị nhà máy – mở ra cơ hội trị giá 1.000 tỉ đô la Mỹ, đang định hình lại sức cạnh tranh của ngành sản xuất toàn cầu.
Từ kinh nghiệm tham gia xây dựng kết nối Internet đầu tiên của Việt Nam vào năm 1997, và sau đó là dẫn dắt các sáng kiến AI công nghiệp toàn cầu tại Panasonic, tôi tin rằng hiện nay AI trong ngành sản xuất có thể biến Việt Nam từ vị thế sử dụng kỹ thuật số thành nhà sáng tạo giá trị kỹ thuật số.
Nếu áp dụng AI phổ biến trong ngành sản xuất công nghiệp sẽ có những thay đổi đáng kể nào về nguồn nhân lực, quản lý và môi trường làm việc?
AI đang mang đến ba chuyển biến căn bản trong một nhà máy sản xuất.
Đầu tiên, năng suất lao động ở các vị trí chuyên gia được nâng cao nhờ AI, có thể tăng thêm đến 30%. Điều này đòi hỏi các chương trình đào tạo liên tục, giúp cải thiện kỹ năng và mở ra các lộ trình thăng tiến cho nhân viên.
Thứ hai, cơ cấu quản lý đang chuyển mình từ mô hình truyền thống - cấp trên chỉ đạo cấp dưới - sang hướng hợp tác, thông qua việc AI có thể cung cấp những thông tin quan trọng theo thời gian thực cho các nhân viên tuyến đầu, giúp cải thiện quá trình ra quyết định và cũng như tạo ra một môi trường làm việc linh hoạt hơn.
Thứ ba, môi trường sản xuất trở nên thông minh nhờ các hệ thống cảm biến, hiển thị trực quan và công nghệ kỹ thuật số giúp mô phỏng và tối ưu hóa hoạt động gần như đồng thời.
Cuối cùng và đáng chú ý, AI tạo ra sự thay đổi dựa trên khả năng dự báo thay vì dựa vào điều chỉnh theo kết quả mang lại, giảm thiểu 35% thời gian máy móc ngừng hoạt động, trong khi tiếp tục tối ưu thông số sản xuất, chuyển đổi cả số liệu lẫn vị thế cạnh tranh. Ví dụ, hệ thống kiểm tra chất lượng dựa trên công nghệ thị giác máy tính giúp giảm tỉ lệ lỗi sản phẩm tới 20%, bảo trì dựa trên dự đoán giúp giảm thời gian đứng máy từ 30-45%, đồng thời, tối ưu hóa quy trình sản xuất giúp tăng năng suất lên đến 15%.
Theo ông, Việt Nam có thể học hỏi và áp dụng các mô hình triển khai AI vào sản xuất như thế nào?
Từ kinh nghiệm của tôi khi dẫn dắt cộng đồng sáng kiến AI công nghiệp toàn cầu của Panasonic trong nhiều lĩnh vực sản xuất, triển khai AI thành công thường bắt đầu từ những ứng dụng có tác động lớn, cụ thể có thể mang lại hiệu quả đầu tư ngay lập tức, và từ đó xây dựng năng lực cho các ứng dụng phức tạp hơn.
Một ví dụ điển hình là hoạt động của Samsung tại Việt Nam. Hiện nay, 25% doanh thu toàn cầu của Samsung đến từ các cơ sở sản xuất được tích hợp công nghệ AI, minh chứng cho việc AI giúp các nhà sản xuất không cần phải đánh đổi giữa chất lượng và tốc độ, mà vẫn có thể đạt được cả hai.
Ngoài ra, sáng kiến SemiKong, hợp tác giữa chúng tôi và Tokyo Electron, FPT Software, cho thấy cách AI nguồn mở có thể phục vụ ngành sản xuất bán dẫn với hiệu suất cao, đồng thời bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Đáng chú ý, các chuyên gia Việt Nam đã góp phần tới 50% vào quá trình phát triển, qua đó cho thấy khả năng của trí tuệ Việt Nam tham gia vào quá trình đổi mới sáng tạo toàn cầu.
Vậy Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam có thể thực hiện ngay được những bước nào?
Việt Nam có thể tận dụng AI để tạo bứt phá trong phát triển công nghiệp truyền thống, nhờ các tiến bộ công nghệ và sự thay đổi trong chuỗi cung ứng và cùng lượng dân số trẻ đông đảo.
Điều cốt yếu là Việt Nam cần thoát khỏi định vị nơi cung cấp nguồn lao động giá rẻ hay chỉ là điểm đến của nhà đầu tư nước ngoài. Bước kế tiếp là định hướng phát triển các doanh nghiệp trong nước có thể phát triển và cung cấp công nghệ trực tiếp cho khách hàng trên toàn cầu.
Đối với Chính phủ, cần ưu tiên các sáng kiến phát triển thị trường như tài trợ các chương trình nghiên cứu khách hàng, hỗ trợ phân tích thị trường và xây dựng các nền tảng kết nối các công ty AI của Việt Nam với khách hàng quốc tế.
Trong khi đó, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nên tập trung vào những ứng dụng AI mang lại hiệu quả đầu tư (ROI) ngay lập tức. Thay vì cạnh tranh trong ngành sản xuất bán dẫn vốn đòi hỏi đầu tư lớn, Việt Nam nên đầu tư vào nhân lực thiết kế chip cho công nghệ edge AI – một lĩnh vực toàn cầu nhưng chưa có người dẫn đầu, cũng là lĩnh vực mà tài năng của con người đóng vai trò quan trọng hơn vốn đầu tư.
Ngành công nghệ luôn đổi mới, gần đây nhất DeepSeek được cho là “kẻ phá bĩnh” trong lĩnh vực AI. Liệu các nhà sản xuất có nên chờ đợi các phiên bản công nghệ tốt hơn?
Sự xuất hiện của DeepSeek cho thấy khả năng đổi mới với AI đến từ nhiều vùng đất khác nhau trên toàn cầu. Đối với các nhà sản xuất, việc chờ đợi đến khi có được mô hình AI “hoàn hảo” lại mang nhiều rủi ro hơn so với việc bắt đầu triển khai ngay từ hôm nay.
Các mô hình mã nguồn mở như DeepSeek, LLama và Gemma có thể hoạt động hiệu quả trên các thiết bị biên (edge device) với nguồn lực hạn chế, hoàn toàn phù hợp để sử dụng trong nhà máy, ngay cả khi không duy trì kết nối trực tiếp với điện toán đám mây (cloud). Dù ngân sách R&D của Việt Nam khiêm tốn hơn so với các nền kinh tế lớn, nhưng các sáng kiến mã nguồn mở có thể giúp giảm đáng kể rào cản gia nhập.
Cuộc đua AI trong ngành công nghiệp trên toàn cầu đang tăng tốc. Để Việt Nam khẳng định vị thế của mình, bây giờ là lúc phải hành động.
Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn
https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/ung-dung-ai-vao-san-xuat-tai-viet-nam-52851.html
Tặng bài viết
Đối với thành viên đã trả phí, bạn có 5 bài viết mỗi tháng để gửi tặng. Người nhận quà tặng có thể đọc bài viết đầy đủ miễn phí và không cần đăng ký gói sản phẩm.
Bạn còn 5 bài viết có thể tặng
Liên kết quà tặng có giá trị trong vòng 7 ngày.
BÀI LIÊN QUAN
Truy cập nhanh
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh
Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 8889.0868
Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn
© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media