Kinh doanh

Cuộc chiến thương mại với Trung Quốc đã khơi mào thêm những mục tiêu mới cho Donald Trump

Yasufumi Saito, Malcolm Scott 21/02/2025 13:46

Donald Trump khơi mào cuộc chiến thương mại mới khi Trung Quốc giảm phụ thuộc Mỹ, còn Việt Nam, Mexico, Canada và một số nước khác trở thành mục tiêu mới của chủ nghĩa bảo hộ.

top_gradient.png

Tác giả: Yasufumi Saito, Malcolm Scott

21 tháng 2, 2025 lúc 1:46 PM

Khi Donald Trump khơi mào vòng hai của các cuộc chiến thương mại, phân tích về cách thương mại toàn cầu tái cấu trúc kể từ nhiệm kỳ đầu tiên của ông cho thấy Việt Nam, Mexico và Canada đang đối diện với nhiều rủi ro trong bối cảnh một kỷ nguyên bảo hộ thương mại mới của Mỹ dần hình thành.

Trung Quốc – mục tiêu chính của cuộc chiến thương mại giai đoạn 2018-2019 – đã cắt giảm đáng kể sự phụ thuộc vào Mỹ bằng cách tăng cường xuất khẩu sang các nước láng giềng Đông Nam Á và Nga. Trong khi đó, Việt Nam và Mexico dẫn đầu trong việc mở rộng quan hệ thương mại với Mỹ, theo phân tích của Bloomberg News dựa trên dữ liệu thương mại.

Sự tách rời một phần giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới được thể hiện rõ trong các số liệu. Từ năm 2018 đến 2024, tỉ trọng thương mại của Trung Quốc trong tổng thương mại Mỹ (tổng kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu) đã giảm từ 15,7% xuống còn 10,9%, trong khi tỉ trọng của Mỹ trong thương mại Trung Quốc giảm từ 13,7% xuống 11,2%.

1_trump-s-first-trade-war.jpg

Thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ – yếu tố mà Trump coi là mất cân bằng cần phải được điều chỉnh – vẫn là lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, con số này đang giảm dần khi chính quyền Biden duy trì thuế quan của Trump và áp dụng thêm các biện pháp kiểm soát xuất khẩu nhằm hạn chế quyền tiếp cận của Bắc Kinh đối với các công nghệ quan trọng.

Thặng dư thương mại của Mexico, Việt Nam và Canada với Mỹ đã tăng lên kể từ nhiệm kỳ đầu tiên của Trump. Một phần nguyên nhân đến từ việc các doanh nghiệp Trung Quốc thiết lập cơ sở sản xuất tại những nước này để né thuế khi xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ. Giới chức Mỹ đang xem xét lại các hành vi này cùng những chiến lược khác, với báo cáo dự kiến trình lên tổng thống vào ngày 1.4 – một thời điểm có thể đánh dấu sự leo thang của các biện pháp thuế quan.

Khi so sánh giá trị xuất khẩu sang Mỹ với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của một quốc gia, Trung Quốc – mục tiêu chính của cuộc chiến thương mại lần thứ nhất – hiện ít chịu tác động từ thuế quan Mỹ hơn so với Mexico, Việt Nam và Canada. Các quốc gia láng giềng của Mỹ thậm chí đã bị đe dọa áp thuế thương mại cao do Trump cho rằng họ không hành động đủ mạnh để ngăn chặn dòng người nhập cư bất hợp pháp và fentanyl tràn vào nước Mỹ.

2_trump-s-first-trade-war.jpg
Lưu ý: Tất cả dữ liệu từ Cục Điều tra Dân số Mỹ phản ánh tổng giá trị nhập khẩu của Mỹ trong năm 2023. Trục hoành trên biểu đồ sử dụng thang đo logarit.

Thương mại không phải là một trò chơi có tổng bằng không, nhưng trong thời kỳ cạnh tranh giữa hai cường quốc Mỹ - Trung, nhiều bên lại nhìn nhận theo cách đó. Bản đồ dưới đây cho thấy các đối tác mà Mỹ hoặc Trung Quốc đã tăng cường quan hệ thương mại. Và như một minh chứng rằng toàn cầu hóa vẫn chưa bị loại bỏ hoàn toàn, dữ liệu cũng làm nổi bật những nền kinh tế có quan hệ thương mại gia tăng với cả hai siêu cường.

3_trump-s-first-trade-war.jpg
Lưu ý: "Ổn định" được định nghĩa là mức thay đổi trong khoảng từ -0,1 điểm phần trăm đến +0,1 điểm phần trăm với cả Mỹ và Trung Quốc.

Hỗ trợ từ: Christopher Udemans, Adrian Leung, Maeva Cousin
Biên tập: Shadab Nazmi, Brendan Murray
Nguồn dữ liệu: Tổng cục Hải quan Trung Quốc, Cục Điều tra Dân số Mỹ, Ngân hàng Thế giới

Phương pháp luận

Để đánh giá tác động của cuộc chiến thương mại đầu tiên đối với động thái thương mại toàn cầu, Bloomberg News sử dụng dữ liệu nhập khẩu và xuất khẩu theo giá trị của các đối tác thương mại của Mỹ và Trung Quốc, sau đó tính toán sự thay đổi trong tỉ trọng thương mại của từng đối tác kể từ năm 2018.

Phân tích bao trùm giai đoạn 2018-2024 và chỉ xét các đối tác có dữ liệu liên tục trong bảy năm, với tổng số 232 đối tác thương mại của cả Mỹ và Trung Quốc.

Trong phần bản đồ, dữ liệu được lọc để chỉ bao gồm các đối tác có dữ liệu thương mại với cả Mỹ và Trung Quốc, sau đó phân loại thành năm nhóm: các quốc gia có tỉ trọng thương mại tăng với Mỹ, tăng với Trung Quốc, tăng với cả hai, giảm với cả hai, và những quốc gia có mức thay đổi từ -0,1 điểm phần trăm đến +0,1 điểm phần trăm được xếp vào nhóm ổn định. Kết quả phân tích bao gồm 215 đối tác thương mại có thể so sánh.

Phân tích sử dụng giá trị thương mại hàng hóa (tổng xuất khẩu + nhập khẩu) để đánh giá quy mô quan hệ thương mại giữa các nền kinh tế. Tỉ trọng tổng thương mại được tính bằng giá trị thương mại của từng đối tác chia cho tổng giá trị thương mại của Mỹ hoặc Trung Quốc.

Theo Bloomberg

Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn

https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/cuoc-chien-thuong-mai-voi-trung-quoc-da-khoi-mao-them-nhung-muc-tieu-moi-cho-donald-trump-52824.html

#Chiến tranh thương mại
#Trade war
#Mỹ
#Donald Trump
#Việt Nam
#Trung Quốc
#Tập Cận Bình
#Thuế quan Trump
#Xuất khẩu
#xuất siêu
#thặng dư thương mại

Đăng ký nhận bản tin miễn phí

Liên hệ

Hợp tác quảng cáo

Chăm sóc khách hàng: (028) 888 90868

Email: cs@bloombergbusinessweek.vn

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh

Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại: (028) 8889.0868

Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn

© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media