Một sản phẩm của BEACON MEDIA
Khám phá nhiều hơn với tài khoản
Đăng nhập để lưu trữ và dễ dàng truy cập những bài viết bạn yêu thích trên Bloomberg Businessweek Việt Nam.
Kinh tế
Kamala Harris đã làm việc cho một trong những chính quyền chứng kiến ngành nhiên liệu hóa thạch tăng trưởng mạnh nhất trong lịch sử nước Mỹ. Sản lượng dầu mỏ và khí đốt nội địa, lợi nhuận từ ngành lọc dầu và công ty dầu mỏ đã đạt mức cao kỷ lục dưới thời bà làm phó cho ông Joe Biden.
Một giàn khoan dầu ở Odessa, Texas. Hình ảnh: Mark Mclennan
Tác giả: Kevin Crowley
24 tháng 10, 2024 lúc 11:29 AM
Nước Mỹ hiện là quốc gia sản xuất dầu lớn nhất thế giới, với sản lượng dầu thô mỗi ngày cao hơn 50% so với Saudi Arabia.
Tất cả những điều đó có vẻ xung đột với cam kết của chính quyền ngay ngày đầu tiên nhậm chức về cuộc cách mạng năng lượng sạch bốn năm trước và đưa nước Mỹ trở lại với nghị định thư Paris. Điều đó càng ngạc nhiên với bà Harris, vốn đã xây dựng tín nhiệm chính trị nhờ thách thức các hãng đại gia dầu mỏ ở tòa án vì những vi phạm pháp luật về môi trường lúc bà còn làm tổng chưởng lý tiểu bang California. Khi chạy đua để tranh cử vị trí ứng viên cho phe Dân chủ ở kỳ bầu cử trước, bà đã nói mình “chắc chắn” sẽ cấm hoạt động khai thác dầu đá phiến nếu đắc cử, lập trường mà nay bà đã thay đổi.
Trên thực tế, chính quyền Mỹ có ít quyền kiểm soát với các công ty dầu khí hơn nhiều so với Saudi Arabia, Nga hay một số nước sản xuất dầu lớn khác, những nơi nhà nước có quyền điều chỉnh sản lượng dầu. Dầu đá phiến, mảng dẫn tới phần lớn tăng trưởng trong ngành dầu mỏ ở Mỹ trong thập kỷ qua, chủ yếu chỉ bao gồm các công ty hoạt động trên đất tư nhân. Các tiểu bang như New Mexico, North Dakota và Texas sẽ quản lý hoạt động hàng ngày của những hãng này, và họ thì rất chào đón tiền bạc và việc làm được tạo ra từ ngành dầu khí. “Tôi sẽ lập luận rằng sản lượng tăng lên trong bốn năm qua là bất chấp các chính sách của chính quyền Biden, chứ không phải vì những chính sách đó,” Mike Sommers, CEO của viện Dầu khí Mỹ, tổ chức vận động hành lang chính của ngành này, nói.
Bà Harris đã xuống thang với lập trường chống năng lượng hóa thạch vốn là điển hình khi tranh cử năm 2020. Bà có nhiều lý do cần phải làm vậy, không chỉ vì bang tranh chấp quyết định Pennsylvania cũng là trung tâm của bình nguyên dầu đá phiến lớn nhất nước Mỹ. Những động thái trước đó trong nhiệm kỳ của ông Biden như hủy tuyến đường ống dẫn dầu Keystone XL và ngăn chặn việc bán quyền khoan dầu trên vùng đất và nước liên bang có thể giúp tăng uy tín xanh cho chính quyền, nhưng lại khiến Nhà Trắng tổn thương về chính trị do giá dầu tăng vọt trên toàn quốc sau khi Nga tấn công Ukraine, lúc đỉnh điểm lên tới 1,32 đô la Mỹ một lít vào tháng 6.2022. “Khi giá xăng tăng lên như vậy, nó trở thành ưu tiên chính trị, đảng nào đang nắm Nhà Trắng cũng vậy thôi,” Robert Johnston, giám đốc nghiên cứu ở trung tâm chính sách Năng lượng Toàn cầu, đại học Columbia, nói.
Ông Biden đã tìm cách xoay chuyển dư luận khi cáo buộc ngành dầu mỏ thổi giá và tấn công Exxon Mobil vì kiếm được quá nhiều tiền trong khi các hộ gia đình Mỹ chật vật đối phó với mức lạm phát cao nhất kể từ những năm 1980. Nhưng thông điệp đó không được đón nhận. Miếng dán giễu nhại với hình ông Biden tươi cười và dòng chữ “Nhờ ơn tôi đó” bắt đầu xuất hiện ở các cây xăng trên cả nước.
Khi tranh cử, ứng viên Cộng hòa Donald Trump đã nhiều lần quy kết cho ông Biden, và giờ là bà Harris, đã gây ra cuộc khủng hoảng lạm phát mà cử tri Mỹ vẫn đang nói là mối bận tâm lớn nhất của họ. Ông Trump khẳng định chính sách năng lượng “Hãy cứ khai thác đi anh em” của ông sẽ tăng sản lượng dầu và khí đốt và giảm giá nhiên liệu còn một nửa, trong khi với bà Harris, “nhiên liệu hóa thạch sẽ chết.” Giá xăng dầu tăng mạnh vào năm 2022 đã khiến chính quyền Biden-Harris thay đổi thái độ về những chính sách có thể tác động tiêu cực lên ngành dầu thô trong ngắn hạn, theo Ramanan Krishnamoorti, giáo sư về năng lượng ở đại học Houston. “Thái độ thay đổi từ đối đầu sang thấu hiểu họ cần dành chỗ cho ngành dầu mỏ và khí đốt vì sức khỏe của nền kinh tế.”
Ông Biden và bà Harris vẫn giữ giọng điệu chống đối ngành dầu mỏ, nhưng không áp dụng các chính sách mà một số người Dân chủ ở quốc hội Mỹ ủng hộ, như đặt trần xuất khẩu với dầu mỏ và xăng. Điều đó có thể giúp giảm lạm phát trong ngắn hạn, nhưng với rủi ro gây căng thẳng cho nguồn cung nội địa trong tương lai. Thay vì vậy, Nhà Trắng công khai kêu gọi các hãng dầu đá phiến tăng khai thác và bán ra hàng triệu thùng từ kho dự trữ Xăng dầu Chiến lược.
Chiến lược này đã hiệu quả, giúp giảm cả giá xăng, dầu và các hóa chất dầu khí vốn là nền tảng của nhiều lĩnh vực kinh tế Mỹ. Đổi lại, điều này giúp lạm phát giảm xuống, nên cục Dự trữ Liên bang đã lần đầu tiên có thể cắt giảm lãi suất sau bốn năm.
Dự luật chống biến đổi khí hậu có tính cột mốc của chính quyền, được đặt tên là đạo luật Giảm Lạm phát (IRA) để dễ thông qua hơn ở quốc hội, dành khuyến khích cho năng lượng tái tạo và công nghệ ít xả thải carbon, bao gồm công nghệ thu giữ carbon, công nghệ hydrogen và các kỹ thuật khác mà ngành dầu khí cũng ủng hộ. Điều tối quan trọng là IRA không có nhiều biện pháp có tính trừng phạt với ngành nhiên liệu hóa thạch. CEO của Exxon Darren Woods tự nói ông “rất ủng hộ” đạo luật đó ở một hội thảo của ngành hồi tháng Ba.
“Họ chọn cách tiếp cận thường hiệu quả ở Mỹ, tạo động cơ và quảng bá thay vì đánh thuế và xử phạt,” Kenneth Medlock, giám đốc cấp cao ở trung tâm Nghiên cứu Năng lượng, đại học Rice, nói. Quyết định vào tháng Một của chính quyền Biden-Harris chưa phê chuẩn các trạm xuất khẩu khí hóa lỏng mới là “tín hiệu chính trị” về khả năng chính sách hiện giờ sẽ bị đảo ngược sau bầu cử, theo Medlock. (Hồi tháng Bảy, thẩm phán một tòa liên bang đã phán quyết không có lợi cho quyết định đó của chính quyền.)
Các đại gia dầu mỏ có thể ủng hộ IRA, nhưng họ chưa sẵn sàng ủng hộ bà Harris. Khoảng 88% trong tổng số tiền 129 triệu đô la đóng góp cho chính trị của ngành này cho chu kỳ bầu cử hiện tại là dành cho các ứng viên Cộng hòa và những nhóm liên quan, theo OpenSecrets, vốn chuyên theo dõi chi tiêu để vận động bầu cử.
Sierra Club và các nhóm môi trường khác cơ bản ủng hộ bà Harris bởi cam kết của bà về nền kinh tế ít phát thải carbon, bắt những pháp nhân gây ô nhiễm phải chịu trách nhiệm, và hợp tác quốc tế nhằm xây dựng cam kết toàn cầu và quốc gia về khí hậu như nghị định thư Paris. Họ cũng sợ ông Trump sẽ rút lại trợ cấp của chính quyền cho năng lượng xanh theo IRA và giảm thuế cho ngành dầu mỏ.
Nhưng khi cố gắng tranh thủ cử tri, vốn lo chuyện giá xăng hơn là khí hậu, bà Harris đã tìm cách thu hẹp khoảng cách với ông Trump về chính sách năng lượng trong cuộc tranh luận ngày 10.9 vừa rồi. Bà nhiều lần nói ủng hộ khai thác dầu đá phiến trong khi nhận mình cũng có công giúp thúc đẩy năng lượng hóa thạch. “Chúng ta có mức tăng sản lượng dầu nội địa lớn nhất trong lịch sử vì thừa nhận không thể phụ thuộc thái quá vào nguồn dầu nước ngoài,” bà nói.
Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn
https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/chinh-sach-khai-thac-dau-mo-cua-my-da-va-se-nhu-the-nao-khi-xung-dot-leo-thang-52491.html
Tặng bài viết
Đối với thành viên đã trả phí, bạn có 5 bài viết mỗi tháng để gửi tặng. Người nhận quà tặng có thể đọc bài viết đầy đủ miễn phí và không cần đăng ký gói sản phẩm.
Bạn còn 5 bài viết có thể tặng
Liên kết quà tặng có giá trị trong vòng 7 ngày.
Truy cập nhanh
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh
Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 8889.0868
Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn
© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media